Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Hồ Nam, Đại lục
[MINH HUỆ 03-05-2023] Tôi từng đọc một bài chia sẻ của đồng tu có tiêu đề “Tiền không thể làm động tâm người tu luyện” và ấn tượng sâu sắc, cộng thêm một số thể ngộ gần đây, nên tôi viết ra để chia sẻ cùng đồng tu.
Nói đến giá trị của tu luyện, các đồng tu khẳng định sẽ không do dự trả lời là – vô giá. Đúng vậy, tu luyện là sự thăng hoa chân chính của sinh mệnh, không thể đo lường bằng bất kỳ của cải nào trên thế gian, ngay cả khi tất cả tiền bạc trên trái đất được cộng lại. Nếu để một tỷ phú bỏ ra 100 tỷ Nhân dân tệ, và cho ông ấy trở thành Thần, mặc dù chỉ là một tiểu Tiên trong tam giới, ông ấy cũng sẵn lòng, dĩ nhiên điều này là không thể. Bao nhiêu hoàng đế và những người nắm quyền trong các triều đại trước đây muốn trường sinh bất lão và đắc Đạo thành Tiên, nhưng đều không thể như nguyện. Chúng ta biết, tiền là dùng đức để đổi mới có được.
Sư phụ giảng:
“tôi bảo chư vị rằng những đệ tử Đại Pháp thời kỳ đầu, [những vị] đã từng kết duyên với tôi trong lịch sử, hoặc theo Sư phụ mà đến đây, mỗi từng người chư vị đều được tính, [nếu] muốn làm gì đó ở xã hội người thường, thì từng người chư vị đều là tỷ phú, từng người chư vị đều là danh nhân trong xã hội này, từng người chư vị đều là người ở giai tầng rất cao. Đời này chư vị tới làm đệ tử Đại Pháp, đều đã vứt bỏ hết những thứ đó rồi. Chư vị nếu muốn phát tài, thì chư vị đã có thể phát tài từ lâu, không cần lại chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi mà làm hỏng nguyện ước từ xa xưa của sinh mệnh chính mình.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])
Giàu có và quyền lực ngày nay đều là do tích đức từ kiếp trước. Nếu có thể lựa chọn trước khi chuyển sinh, có lẽ họ sẽ nguyện ý đổi lấy cơ duyên tu hành. Nghe nói một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng có địa vị xã hội cao đã đi khắp nơi chịu rất nhiều khổ để tìm kiếm Phật duyên, nhưng không có kết quả, khiến người ta cảm thấy đáng tiếc, có thể họ đã gặp được chân Đạo mà không tự biết.
Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta có thể vui vẻ nói rằng, chúng ta thực sự giàu có. Vấn đề là, chúng ta có thực sự cảm thấy mình giàu có không? Như cá nhân tôi, lúc nhỏ gia đình tôi nghèo, bây giờ tôi có một công việc ổn định, tôi không ăn chơi và cờ bạc như nhiều thanh niên ngày nay, tuy vậy cũng chỉ có thể nuôi sống gia đình.
Tôi khá tiết kiệm, sống tính toán kỹ lưỡng, thậm chí thích mua đồ rẻ và tìm kiếm hàng giảm giá. Như vậy, bề mặt tiết kiệm được chút tiền, nhưng lại lãng phí lượng lớn thời gian và tinh lực, chậm trễ học Pháp, luyện công và làm các việc chính khác, v.v.. Thực chất, đây là chấp trước vào lợi ích. Thực sự tính toán lại, thì cũng không tiết kiệm được gì, nhưng tăng thêm cho bản thân không ít phiền phức, lãng phí rất nhiều thời gian. (Tất nhiên không phải nói là phải mua đắt và không được mua giảm giá).
Nguyên nhân vẫn là do tôi quá quan tâm đến được-mất ở bề mặt, cho rằng tiết kiệm tiền thì có thể tích trữ thêm cho tương lai dùng. Kết quả là, tiết kiệm chỗ này thì lại tiêu quá nhiều vào chỗ khác, cuối cùng xem ra là “tiết kiệm tiền”, nhưng mất đức, lãng phí thời gian, còn tạo nghiệp, thực sự là tốn công vô ích.
Thực chất, chúng ta biết rằng, tiền tài của một cá nhân đã được định sẵn, giống như nước chảy vậy, tổng số tiền về cơ bản là cố định. Nếu bây giờ chảy nhiều, thì sau này sẽ chảy ít. Nếu bây giờ cố gắng kiếm nhiều hơn để có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai, vậy tương lai sẽ kiếm được ít hơn. Vì phần kiếm nhiều hơn có thể khiến người khác chịu thiệt, thậm chí chịu tổn hại, còn phải trả thêm đức để bù đắp.
Dùng đức đổi tiền thì dễ, nhưng không thể dùng tiền mua đức. Đối với người tu luyện mà nói, đức trân quý như vậy, ai lại muốn dùng đức đổi tiền chứ? Tuy nhiên, tôi thực sự đã làm chuyện ngốc như vậy. Hơn nữa, tôi còn nghĩ rằng kiếm nhiều tiền hơn và tiết kiệm nhiều hơn thì sẽ dư dả hơn. Trong khi tiền tài là dòng nước chảy, nếu cố ý tiết kiệm nhiều hơn (cho bản thân tương lai dùng hoặc để lại cho con cháu) thì sẽ biến dòng nước chảy thành nước chết.
Từ xưa đến nay, số tiền mà những người giàu có, những tham quan kiếm được hay tham nhũng được, liệu họ có dùng hết không? Bản thân họ có tiêu hết không? Cuối cùng thì vẫn ra đi với hai bàn tay trắng. Trong mệnh con cháu nếu đã định sẵn là không có nhiều tiền như vậy, thì cũng không giữ được. Nhìn bề ngoài, chất lượng cuộc sống được mua bằng tiền, nhưng trên thực tế, nó được quyết định bởi phúc phận (người đó có bao nhiêu). Đó là lý do tại sao một số người không có nhiều tiền vẫn có cuộc sống tốt, nhưng một số khác dẫu có nhiều tiền vẫn không có cuộc sống tốt.
Cá nhân chúng ta làm việc hay kinh doanh, điều ấy là bình thường, nên kiếm được bao nhiêu thì kiếm bấy nhiêu, không cần vắt óc suy tính để kiếm nhiều tiền hơn, cũng không đòi hỏi thêm từ lãnh đạo hay ông chủ (nhưng không thừa nhận tình huống bị khấu trừ lương hoặc nợ lương vô lý, còn đối với vấn đề bị bức hại kinh tế do nhân tố cựu thế lực và tà linh gây ra thì là vấn đề khác). Ngay cả khi tiền của bản thân bị người khác tham chiếm, thì họ cũng phải lấy đức để đổi. Chúng ta đặt tâm trí và thời gian vào việc học Pháp, cứu người, cái gì nên có sẽ tự nhiên có, không cần lãng phí tâm sức để tranh giành.
Giả sử nói, có người cấp cho bạn 10.000 Nhân dân tệ mỗi ngày, để bạn bỏ qua một lượt luyện công, một lượt học Pháp, một lượt phát chính niệm, tôi tin rằng mọi người sẽ không muốn nhận số tiền này. Nhưng bình thường có một số đồng tu (bao gồm cả tôi) vẫn không thể học Pháp và luyện công đều đặn mỗi ngày. Từ một góc độ khác, nếu hôm nay bạn dậy sớm, bạn có thể kiếm thêm 10.000 Nhân dân tệ bằng cách làm việc trong hai giờ, tôi nghĩ rất nhiều người sẽ sẵn lòng ngay cả khi phải thức dậy sớm lúc 2 giờ sáng. Hãy so sánh một chút, chúng ta có thực sự trân quý cơ duyên tu luyện không?
Bây giờ ma quỷ không cho chúng ta một xu, nhưng chúng ta cũng không dậy nổi, mà mượn cớ là xem điện thoại, ngủ nướng, tán gẫu… Ma quỷ sẽ nghĩ rằng chúng ta quá dễ bị mua chuộc, và chúng có thể đạt được mục đích mà không tốn xu nào. Dẫu cho bạn được cấp mỗi ngày 10.000 Nhân dân tệ (tổng cộng khoảng 100 triệu Nhân dân tệ) trong 30 năm liên tục, bạn có thể mua 30 năm của một người tu luyện không?
Trong mắt của những sinh mệnh cao tầng, thì trái đất và hệ mặt trời còn không được tính là hạt bụi, nhưng chúng ta lại vì danh lợi trong đống bùn đất mà vĩnh viễn mất đi cơ hội về trời? Sự vĩ đại của Phật Đạo Thần, sự thần thánh của đệ tử Đại Pháp, và vương của các đại khung trong vũ trụ mới tương lai, liệu có đáng giá 100 triệu Nhân dân tệ không? Bao nhiêu tiền có thể mua được cái tâm tu luyện của chúng ta? Mỗi lần chúng ta chân chính học Pháp và luyện công, điều này còn quý giá hơn bao nhiêu tiền mà chúng ta kiếm được!
Con người hiện đại mê trong danh lợi, vì tiền mà có thể trả giá rất nhiều, bao gồm cả phẩm giá tôn nghiêm. Nhưng là người tu luyện, quyết không thể thuận theo dòng, quên đi sứ mệnh và trách nhiệm đến thế gian, chúng sinh đang đợi chúng ta cứu độ. Chúng ta tu luyện trong cuộc sống và công việc, trợ Sư chính Pháp, chẳng những không bị danh lợi nơi người thường can nhiễu, mà càng nên thể hiện ra phong thái của người tu luyện giữa người thường, chứng thực sự vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp.
Đối với trường hợp đồng tu thực sự nghèo, thậm chí việc sinh sống cũng trở thành vấn đề, cá nhân tôi nghĩ rằng, không chỉ cần hướng nội tìm và bỏ đi nhân tâm, mà còn phải phủ định và giải thể sự bức hại kinh tế do nhân tố cựu thế lực và tà linh gây ra. Đối với trường hợp đã lãng phí thời gian, tinh lực và chịu tổn thất vì bị bức hại, thì càng nên thanh tỉnh và chính niệm phủ định bức hại.
Bài viết này bộc lộ những vấn đề của tôi, và khích lệ những đồng tu có trải nghiệm tương tự.
Nếu có chỗ nào không đúng, mong đồng tu từ bi chỉ chính.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/5/3/珍惜修煉的機緣-457052.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/13/210287.html
Đăng ngày 18-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.