Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-04-2023] Tôi muốn nhân cơ hội này chia sẻ trải nghiệm tu luyện kéo dài khoảng 15 phút trước sự chứng kiến của nhiều học viên, điều này đã làm tôi chấn động không thể nào quên. Xin hãy chỉ chính cho tôi nếu có bất cứ thiếu sót nào cần đề cao.
Năm 2005, vì cần thảo luận một số vấn đề phối hợp tại địa phương nên chúng tôi đã hẹn ngày gặp nhau. Nhiều học viên đã đến chật kín nhà. Tôi chỉ biết một số học viên, còn những người còn lại trông xa lạ. Trong số họ có một học viên biểu hiện các triệu chứng bệnh rất nghiêm trọng, nhưng cô ấy không biết cách vượt qua từ góc độ của một người tu luyện.
Tôi là người đến cuối cùng nên không còn chỗ ngồi. Vì vậy, tôi đứng trong một góc cạnh chiếc giường nhỏ đối diện với cửa. Tôi đứng đối diện người học viên đang phát bệnh nặng. Tôi thầm nghĩ: “Chà, có nhiều người quá!”
Không lâu sau, tôi tìm được một chỗ ngồi. Sau đó, một học viên nói: “Trước khi vào họp chúng ta hãy phát chính niệm trước.” Mọi người bắt đầu ngồi song bàn và chuẩn bị phát chính niệm. Ngay sau đó, học viên này ngẩng đầu lên và hỏi tôi: “Làm thế nào để phát chính niệm? Các bạn thường niệm gì?“
Thấy cô ấy trông rất lo lắng, tôi nhẹ nhàng nói: “Cô chỉ cần nói, ‘…’ và nghĩ về việc thanh trừ các nhân tố tà ác, v.v.” Ngay lúc đó, một giọng mắng lớn khiến mọi người kinh ngạc: “Đừng nói nữa!” Giọng nói đủ to để làm tất cả các học viên giật mình, bao gồm cả tôi.
Bàn chân đang song bàn của tôi bị rớt xuống đất và tôi lặng người vì quá bất ngờ. Mọi người nhìn anh ấy, rồi đồng loạt nhìn tôi. Toàn bộ bầu không khí đột nhiên trở nên rất căng thẳng. Tôi không biết phải làm gì và đầu óc trở nên trống rỗng. Mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ khi nhìn quanh tất cả các học viên. Tôi không nói gì mà chỉ cúi đầu, ngồi trở lại tư thế song bàn và tiếp tục phát chính niệm.
Trong 15 phút đó, dường như tôi đã trải qua điều gì đó mà tôi chưa từng cảm thấy trước đây. Tôi trở nên chóng mặt và gương mặt thì đỏ bừng. Từng tế bào trong cơ thể run lên, những ý nghĩ lướt qua tâm trí tôi như những luồng điện. Cảm giác bối rối, mất mặt, xấu hổ và vô cùng khó chịu xâm chiếm lấy tôi. Tôi ước gì có một vết nứt trên sàn để tôi có thể chui vào ngay lúc đó. Bị mất mặt trước rất nhiều học viên là điều vô cùng xấu hổ. Nước mắt trào ra, và tôi tự hỏi làm sao mình có thể tiếp tục ở trong phòng.
Ngay sau đó, tôi nghe thấy một giọng nói mạnh mẽ trong tâm trí mình nói: “Hãy rời đi. Hãy về nhà. Hãy nhanh chóng ra khỏi đây đi. Ngay từ đầu tôi đã không nên đến đây. Nhanh, đi!” Sau đó, một giọng nói khác trả lời, “Đi? Tôi có thể đi đâu? Tôi đến muộn và thậm chí còn nói chuyện khi tất cả lẽ ra phải phát chính niệm. Tất cả các học viên sẽ nghĩ gì nếu tôi rời đi? Tôi không thể rời đi được!” Cứ như vậy, tôi bị mắc kẹt giữa bỏ đi và không đi.
Sau đó tôi nhớ đến một đoạn Pháp của Sư phụ Lý:
“‘Đi ngoài đường, bị người ta đá một cước, nhưng không ai biết mình là ai, thì cũng có thể Nhẫn được’. Tôi nói rằng vậy không đủ; trong tương lai có khi đang ở trước mặt người mà chư vị không muốn mất mặt nhất thì chư vị bị người ta tát cho hai cái, không cất đầu lên nổi; chư vị đối đãi vấn đề ấy như thế nào, xem chư vị có thể Nhẫn được hay không. Nếu chư vị có thể Nhẫn được vững, nhưng trong tâm vẫn không dứt bỏ, thì như thế vẫn chưa được.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi thầm nói với Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) trong tâm: “Sư phụ, con không muốn chấp trước giữ thể diện này. Chẳng phải nó liên quan đến danh lợi sao? Con không muốn chúng. Con sẽ chỉ nghe theo sự hướng dẫn của Sư phụ đối với mọi việc.” Khoảnh khắc suy nghĩ này xuất hiện, tôi dường như đã trở thành một người khác. Tâm trí tôi trở nên rõ ràng và rất vững vàng. Thành thật mà nói, tôi đã không thực sự biết cách tu luyện trong những năm đó. Bây giờ nghĩ lại, trong ý niệm cuối cùng đó, tôi đã chọn chính niệm. Vì vậy, Sư phụ đã ngay lập tức loại bỏ những chấp trước, quan niệm người thường và những nhân tố xấu xuất hiện trong tâm trí tôi.
Nghĩ tới đây cũng là lúc cả nhóm phát chính niệm xong. Tuy nhiên, không ai nói một lời nào. Mặc dù tất cả các học viên đều nhìn tôi nhưng tâm tôi vẫn rất kiên định. Tôi chậm rãi chắp tay trước ngực, mỉm cười và nói: “Xin lỗi mọi người, tôi đã không nghĩ cho mọi người. Tôi đã sai. Xin hãy tha thứ cho tôi.”
Ngay sau đó, người học viên có giả tướng nghiệp bệnh nói: “Đó không hoàn toàn là lỗi của anh. Tôi là người đã nhờ giúp đỡ.” Một học viên khác chen vào: “Vâng, đó không phải là lỗi của anh. Tại sao anh lại xin lỗi? Sau đó, một người khác nói, “Anh ấy không có ý làm phiền mọi người đâu.” Những người khác cũng lên tiếng. Tôi trả lời: “Được rồi mọi người, đừng nói hộ tôi nữa. Tôi ổn. Bây giờ chúng ta hãy học Pháp.” Sự náo động tới đó chấm dứt.
Sau khi buổi chia sẻ kinh nghiệm kết thúc, tất cả học viên đều về nhà trừ năm hoặc sáu người còn ở lại. Học viên nam đã mắng tôi bước đến gần và nói: “Tôi xin lỗi. Hôm nay tôi đã không cư xử đúng mực. Xin hãy bỏ qua hành vi không đúng đắn của tôi.” Tôi trả lời: “Không sao. Thay vào đó, tôi cần phải cảm ơn anh.”
Trên đường về nhà, tôi cứ nghĩ về những gì đã xảy ra khi mọi cảnh tượng lướt qua trong tâm trí tôi. Khi đến một ngã ba, một giọng nói rõ ràng và sắc nét đột nhiên vang lên trong đầu tôi,
Phủi sạch bụi trần thấy dở hay
Màn kịch lớn ấy ai là chủ
(Hạ trần, Hồng Ngâm II)
Tôi tự nhủ: “Sư phụ đang giảng cho mình. Đây là Pháp của Ngài! Sư phụ!“ Tôi phóng nhanh qua ngã ba mà tim đập thình thịch và nước mắt lăn dài trên má. Tôi liên tục nói trong tâm: “Cảm ơn Sư phụ. Xin cảm ơn Sư phụ. Cảm ơn Sư phụ!” Phải mất một lúc lâu tôi mới có thể bình tĩnh lại.
Đêm đó, tôi mơ thấy mình đang đi dạo trên bãi biển. Cát rất thô và trắng đến nỗi nó lấp lánh ánh bạc. Đột nhiên, một khối lớn xuất hiện trước mặt tôi. Nó được bao phủ bởi một lớp vỏ màu đỏ, và tôi nhanh chóng đi lên để xem xét kỹ hơn. Đó là một đống đậu phộng khổng lồ.
Tôi cúi xuống thổi một hơi thật mạnh, lớp vỏ màu đỏ trên bề mặt biến mất, để lộ những hạt đậu phộng to, trắng, đã được chiên giòn. Tôi thậm chí còn nắm lấy một nắm đậu và cho vào miệng. Khi thức dậy, miệng tôi vẫn đang nhai. Lúc đó, tôi hiểu rằng mình đã đề cao tầng thứ tu luyện của bản thân. Sư phụ đã động viên tôi!
Bây giờ tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc học Pháp. Nếu tôi không có một nền tảng tu luyện vững chắc và sự gia trì của Sư phụ, tôi chắc chắn đã không thể vượt qua khảo nghiệm tâm tính này. Vì vậy, bất kể gặp phải tình huống nào, miễn là chúng ta dựa trên Pháp và có thể nhẫn chịu ma nạn, chúng ta chắc chắn sẽ hoàn thành trọng trách mà không để lại hối tiếc nào.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/22/459050.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/3/210148.html
Đăng ngày 16-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.