Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trùng Khánh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-06-2023] Gần đây một cụ bà 84 tuổi ở quận Giang Bắc, Trùng Khánh đã bị truy tố vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyệnđã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Trước khi nghỉ hưu, bà Trương Hưng Siêu là phó chủ tịch của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Thị trấn Ngọa Phật, quận Đồng Nam, Trùng Khánh.

Năm 2022, bà Trương đã viết một lá thư gửi cho bí thư của Uỷ ban Chính trị và Pháp luật Quận Du Bắc ngay sau khi đọc tin tức về việc ông ta tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công địa phương. Vì sự an toàn của mình, bà đã bỏ lá thư [vào thùng thư] tại Bưu điện Phố Đả Đồng ở quận Du Trung.

Bưu điện đã chặn lá thư của bà và giao nó cho Đồn Công an Đạo Mông Khẩu ở quận Du Trung. Cảnh sát kiểm tra các video giám sát và xác định bà Trương chính là người gửi lá thư này. Sau đó, họ chuyển vụ việc đến quận Du Bắc, vì người nhận lá thư theo dự kiến là ở quận đó.

Ngoài 8 giờ sáng ngày 8 tháng 7 năm 2022, hơn 20 người của Đội An ninh Nội địa Quận Du Bắc và các đồn công an thuộc sự giám sát của họ đã kéo tới và đột nhập vào bà Trương. Họ hỏi có phải bà là người đã gửi lá thư và họ cũng đe doạ con trai bà, nói rằng con trai của anh ấy sẽ bị ảnh hưởng nếu bà Trương vẫn tu luyện Pháp Luân Công. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công và phân công người trực ở bên ngoài nhà để giám sát bà. Sau đó, cảnh sát cũng nhiều lần sách nhiễu bà và con trai bà qua điện thoại.

Ngày 10 tháng 9 năm 2022 (Tết Trung thu), cảnh sát đi trên 3 chiếc xe tới nhà bà Trương và đe doạ sẽ đẩy vụ án của bà thành một đại án.

Ngày 16 tháng 6 năm 2023, bà nhận được thông báo từ Viện Kiểm sát Cửu Long Pha, nói rằng bà đã bị truy tố.

Tất cả các quận đề cập ở trên đều thuộc Trùng Khánh.

Bức hại trong quá khứ

Bà Trương từng bị thoát vị đĩa đệm, viêm bể thận (nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm thận), hạ huyết áp (huyết áp thấp bất thường), thiếu máu và viêm khớp dạng thấp. Bà phải uống thuốc quanh năm nhưng không cải thiện nhiều. Tuy nhiên, sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 12 tháng 1 năm 1997, mọi căn bệnh đó đều đã biến mất. Bởi vậy, bà không hề dao động đức tin vào pháp môn này kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.

Trước lần bức hại gần nhất bà đã bị bắt nhiều lần và bị kết án 1 năm lao động khổ sai sau 1 vụ bắt giữ.

Tháng 12 năm 1999, bà Trương và 2 nữ học viên khác đã quyết định đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng người của Đồn Công an Đường sắt đã bắt họ trước khi họ kịp thực hiện chuyến đi. Cảnh sát đã giam họ hơn 10 tiếng trước khi đưa họ đến Ga xe lửa Trùng Khánh, nơi mà người của Đội An ninh Nội địa Quận Đồng Nam đang cầm sẵn còng tay chờ họ.

Cảnh sát đã tịch thu của bà Trương một cuốn sách Chuyển Pháp Luân và hơn 1.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Tối hôm đó, cảnh sát cố ý nhốt 3 nữ học viên trong một xà lim dành cho nam tù nhân. Sáng hôm sau, họ bị chuyển đến Trại tạm giam Quận Đồng Nam. Mỗi học viên sẽ bị một tù nhân giám sát liên tục và bị yêu cầu viết tuyên bố từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Một tháng sau, bà Trương được tại ngoại sau khi nộp khoản phí bảo lãnh 4.000 Nhân dân tệ. Cảnh sát yêu cầu bà phải báo cáo thường xuyên cho họ và phải xin phép nếu muốn đi ra khỏi nhà.

Tháng 2 năm 2000, cảnh sát lại bắt bà Trương và giam bà hơn 4 tháng ở trong một trại tạm giam.

Ngày 1 tháng 7 năm 2000, bà Trương đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt trên Quảng trường Thiên An Môn, cảnh sát còn đấm đá bà trước khi đưa bà đến Đồn Công an Thiên An Môn. Bà bị chuyển đến Công an Quận Đại Hưng ở Bắc Kinh vào chiều hôm đó. Đến nửa đêm, cảnh sát lại đưa bà đến một đồn công an ở cách xa gần 100 km.

Trong vài ngày kế tiếp, cảnh sát của đồn công an ở xa kia đã đánh đập và lăng mạ bà Trương mỗi ngày, hòng ép bà tiết lộ danh tính và địa chỉ. Bà từ chối hợp tác và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Quận Đại Hưng, nơi mà tất cả học viên từ chối tiết lộ tên đều bị cưỡng chế lấy mẫu máu. Sau đó, bà biết rằng số máu đó là để kiểm tra và xác định xem họ có phù hợp để trở thành những nguồn tạng tốt cho hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống–một tội ác phản nhân loại của chính quyền cộng sản Trung Quốc, hay không.

Ngày 16 tháng 7 năm 2000, mọi học viên từ chối tiết lộ danh tính bị chuyển đến các cơ sở giam giữ khác nhau ở Thiên Tân. Bà Trương bị đưa đến trại tạm giam Huyện Vũ Thanh, nơi lính canh cố tìm cách để lấy thông tinh về danh tính và địa chỉ của bà.

Ngày 23 tháng 7 năm 2000, Văn phòng Liên lạc Công an Trùng Khánh tại Bắc Kinh đã đón bà và 2 ngày sau họ đưa bà về Trùng Khánh. Sau đó, bà bị giam trong một trại tạm giam hơn 1 tháng rồi bị chuyển đến Trại Lao động Nữ Trùng Khánh. Bà bị giam 1 năm 1 tháng ở trong trại này.

Ở trong trại lao động, bà Trương bị bắt ép phải bước đi theo kiểu quân đội hoặc ngồi trên một cái ghế nhỏ (cao 10 cm) với 2 tay đặt trên đùi mỗi ngày. Nếu tư thế bước đi hay vị trí ngồi của bà lệch một chút so với yêu cầu của lính canh, bà sẽ bị đánh đập hoặc lăng mạ bởi hai tù nhân đang giám sát bà. Thỉnh thoảng những tù nhân này còn báo cáo bà với lính canh và họ sẽ áp dụng những hình phạt khốc liệt hơn đối với bà. Ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài khiến mông bà mưng mủ, đau đớn không chịu nổi.

Lính canh cũng ép bà Trương đọc hoặc xem những tài liệu lăng mạ Pháp Luân Công và viết “báo cáo tư tưởng”. Vì từ chối từ bỏ đức tin mà bà bị tước quyền thăm thân.

Lính canh cũng cưỡng bức bà lao động không công. Bà bị cấm ngủ và bị đe doạ kéo dài thời hạn giam giữ khi không thể hoàn thành khối lượng công việc theo yêu cầu.

Theo dự kiến bà Trương sẽ được trả tự do vào tháng 8 năm 2001, nhưng Phòng 610 Quận Đồng Nam đe doạ sẽ đưa bà đến một trung tâm tẩy não nếu bà vẫn từ chối từ bỏ đức tin. Thời điểm đó, chồng bà đang ốm nặng và cháu trai 7 tháng tuổi của bà cần tới sự chăm sóc của bà (cha mẹ cậu bé không đủ khả năng chăm sóc tốt cho cậu). Trong hoàn cảnh như vậy, bà Trương đã viết một tuyên bố từ bỏ đức tin trái với ý nguyện của mình. Chỉ khi đó bà mới được thả.

Tháng 10 năm 2003, bà Trương lại bị bắt khi đang dán những tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Người của Đồn Công an Thôn Vũ Hoa đã tra tấn bức cung bà. Họ đã thả bà khi không thể thu thập được bằng chứng buộc tội bà.

Người của đồn công an trên lại bắt bà Trương vào năm 2004, sau khi ai đó trình báo bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát thẩm vấn bà gần 7 tiếng liên tục, nhưng bà từ chối trả lời mọi câu hỏi.

Sau đó, cảnh sát triệu tập con trai bà đến đồn và đe doạ tống giam bà. Tuy nhiên, vì thiếu bằng chứng nên cuối cùng cảnh sát đã cảnh cáo thay vì tạm giam hành chính bà.

Ba ngày sau, cảnh sát lại sách nhiễu con trai bà tại nơi làm việc và ra lệnh cho lãnh đạo của anh sa thải anh nếu anh không thể “xử trí” được mẹ mình (ngăn bà nói về cuộc bức hại Pháp Luân Công).

Ngày 12 tháng 2 năm 2010 (2 ngày trước Tết Nguyên đán), một cảnh sát mặc thường phục đã theo dõi bà Trương và sau đó bắt bà rồi đưa bà đến Đồn Công an Thôn Đại Hưng. Anh ta thẩm vấn bà trong nhiều giờ đồng hồ và lăng mạ bà khi bà từ chối trả lời câu hỏi. Sau đó, anh ta đã thả bà và tiếp tục giám sát bà.

Chồng bà Trương bị tổn thương tinh thần vì bà liên tục bị bắt và sách nhiễu. Từ một người đàn ông khoẻ mạnh, ông đã mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và không thể tự chăm sóc bản thân.

Viện Kiểm sát Cửu Long Pha:
Địa chỉ: Số 2 Đại lộ Hồng Sư, quận Cửu Long Pha, Trùng Khánh; Mã bưu chính: 400039
Điện thoại: +86-23-8906, máy lẻ: 2001

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/25/462338.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/1/210123.html

Đăng ngày 24-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share