Bài viết của Thánh Hòa, đệ tử Đại Pháp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-06-2023] Sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được tròn một năm, chồng tôi bị kết án 10 năm tù vì phạm pháp. Tôi thất nghiệp, lại thêm phải nuôi con trai ba tuổi nên tôi chỉ có thể dựa vào làm thuê để trang trải cuộc sống. Tuy chỉ mới tu luyện được một năm, nhưng tôi hiểu rõ mình là người tu luyện, gặp bất cứ việc gì đều cần chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi không bi quan, cũng không vì khó khăn mà sợ. Tôi dạy dỗ con trai, chăm sóc cha mẹ đôi bên, nỗ lực làm việc chăm chỉ, tuy bận rộn mà sung mãn.

Chồng từ bỏ suy nghĩ muốn “làm đại sự”

Do điều kiện kinh tế eo hẹp, một năm tôi chỉ có thể vào trại giam thăm chồng hai lần. Lần nào tôi cũng cố gắng mang cho anh nhiều đồ ăn có thể để được lâu như sữa bột, tôm khô, viên canh rong biển, lạp xưởng hun khói nguyên hộp, bánh nướng nguyên túi, gà quay, v.v. Lần nào tôi cũng dặn chồng chia sẻ đồ ăn với mọi người xung quanh, nhất là những người quanh năm không có ai quan tâm. Sự thiện lương của tôi khiến chồng tôi cảm động, tôi cũng bày tỏ lòng mình với anh, chính là chỉ đợi anh trở về.

Sau tám năm chờ đợi, cuối cùng chồng tôi cũng trở về. Thân thể anh suy dinh dưỡng, làm sao để anh có thể hòa nhập với xã hội, hòa nhập với gia đình, đó là vấn đề tôi phải đối mặt. Mỗi tối, tôi chuẩn bị cho anh hai bịch sữa bột đậu nành để tăng cường dinh dưỡng. Anh không ăn được những món nhiều dầu mỡ, tôi bèn nấu những món thanh đạm một chút. Tôi cũng mua cho anh một chiếc điện thoại di động để anh biết thêm chút ít về tin tức bên ngoài.

Ước chừng hơn nửa năm, chồng tôi cứ liên tục đi trại giam đón bạn tù ra tù, tiêu tốn hàng nghìn tệ. Vào những năm 2000, đó không phải là một số tiền nhỏ. Tôi nghĩ khi chồng tôi ở tù, được người khác cưu mang, cũng cần cảm tạ người ta, nên tôi không ngăn cản anh.

Chồng tôi cũng biết vì còn nuôi con nhỏ nên tôi phải sống tằn tiện, chi tiêu dè xẻn thế nào nên dè dặt hỏi tôi: “Anh dùng tiền như vậy có được không?” Tôi nói: “Được, em tiết kiệm được mà, em hiểu tâm tình của anh. Anh có tình cảm với họ, chúng ta cũng cần thấu tình đạt lý, đền ơn báo đáp họ. Đợi khi thân thể anh khỏe mạnh trở lại, lúc đó anh hãy tìm một công việc mà anh muốn làm, làm cho thật tốt, đến nơi đến chốn, bởi con trai mình cũng ngày càng lớn rồi”. Chồng tôi liền gật gật đầu.

Tôi cũng từng nghĩ, không phải người nào trong trại giam phẩm chất cũng xấu, có người chỉ là nhất thời nông nổi mà làm việc sai trái. Chồng tôi chính là bị bạn bè xúi giục, bị lợi ích khiến đầu óc mê muội mà làm việc khờ dại, để rồi bản thân phải trả giá đắt đến vậy. Anh ấy cần tiếp thụ bài học giáo huấn lần này, về sau cần làm một người quang minh chính đại. Tôi nói với chồng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Anh nghĩ xem, ở xã hội phạm pháp rồi bị trừng phạt mất đi tự do đến khổ. Lưới trời khó thoát, làm người cần thiện lương, hành thiện tích đức, làm một người có ích cho người khác, anh không thể tiếp tục làm việc trái pháp luật nữa, đời người chỉ có mấy chục năm thôi!” Chồng tôi không nói gì.

Tôi biết chồng tôi có cách nghĩ khác nên liền nói: “Anh có nhớ anh bảo em tìm một người khác mà sống cùng, em có nói gì đâu, chỉ cần anh về nhà, trở về bên cạnh em là được. Em muốn nói với anh thế này: ‘Anh như vậy là không tốt với em, anh bảo em làm việc bại hoại nhân luân. Em là người có tín ngưỡng, là người tu luyện Đại Pháp, là người thoát ly thế tục, liệu còn có thể chấp trước vào những thứ ở nhân thế sao? Hết thảy những gì em phải đối mặt đều là để tu luyện.’ Em đợi anh đã nhiều năm rồi, anh cho rằng em vẫn chưa suy nghĩ kỹ những việc đó sao? Em đã chọn con đường khổ nhất, nhưng đối với những người khác lại là tốt nhất. Khi anh gặp chuyện không may, em cũng có thể giao con cho mẹ anh, đem nhà bán lấy tiền để tự tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc, nhưng em biết con do em chăm sóc thì ông bà nội sẽ yên tâm. Em quán xuyến mọi việc trong nhà, đó là mong muốn của anh. Em sống lạc quan, áp lực tâm lý đối với bố mẹ em cũng ít hơn. Ma nạn qua đi rồi, chúng ta vẫn là chúng ta như trước thôi. Nhưng em nghĩ, sau khi trải qua sóng gió, anh hãy trân trọng mọi điều”.

Chồng tôi nói: “Em như một vị Bồ Tát sống vậy. Anh muốn để em sống một cuộc sống sung túc để đền đáp cho em. Quả thực sau khi ra tù, anh muốn làm một phen ‘đại sự’, và anh đã chuẩn bị sơ sơ rồi. Một số bạn tù tài nghệ cũng không tầm thường, có thể làm được, chấp được vài người, lại có thủ thuật, các loại khóa với anh ấy mà nói chỉ là thứ đồ chơi. Họ tương đối tốt với anh, muốn làm một phen “đại sự” thật oanh liệt để mau kiếm được chút tiền. Em đã chịu khổ nhiều rồi, nhưng từ trước đến nay em chưa bao giờ phàn nàn cả. Em thiện lương như vậy, anh thực sự rất hổ thẹn. Từ giờ trở đi anh cũng làm người chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn, làm một người có ích cho người khác. Em yên tâm, anh sẽ không liên lạc với họ nữa.”

Món nợ của cháu trai bên chồng

Cháu trai của chồng tôi cha mẹ ly hôn từ khi còn rất nhỏ nên phải sống với ông bà nội. Cháu bước ra xã hội từ rất sớm và bị nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Chồng tôi rất yêu thương cháu và luôn muốn giúp cháu đi đúng hướng. Năm 2016, cháu đi theo người ta làm công trình, lại mua xe ô tô để chạy thuê, cầm của chúng tôi 70.000 tệ và của bác cả 20.000 tệ. Cuối cùng, thua lỗ hết cả, cháu cũng không nói sự thật cho chúng tôi. Cha cháu đã thay cháu trả cho bác cả 10.000 tệ.

Vài năm trôi qua, công việc của cháu trai vẫn không tốt. Có một năm, gia đình bác cả đến chơi, chúng tôi chưa kịp tiếp đãi thì họ đã rời đi. Sau này tôi mới biết vì việc muốn đòi tiền cháu mà sinh ra rất khó chịu. Khi đó, bác dâu cả rất vô lý, nhất quyết đòi cháu trai trả lại tiền, nói: “Cho dù có phải đi cướp ngân hàng thì cũng phải trả lại tiền.” Cha cháu đã phải vay tiền từ bạn bè, vậy mà bác dâu cả còn nói với mọi người những điều khó nghe, khiến cha cháu vô cùng mất mặt trước họ.

Ngược lại, cháu trai cầm của chúng tôi rất nhiều tiền như vậy mà tới tận bây giờ chúng tôi cũng chưa từng đòi lại. Tôi nói với chồng: “Hiện giờ mà đòi tiền cháu cũng không thực tế. Hãy nói chuyện với cháu nhiều hơn, chỉ dẫn cho cháu làm việc chăm chỉ và sống một cuộc sống bình thường. Đó mới là giải pháp lâu dài, như vậy chúng ta đều bớt lo”. Dần dần, cháu đã thay đổi, chịu làm những việc vừa bẩn vừa mệt nhưng vẫn không có khả năng trả nợ.

Năm 2020, tôi bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, chồng tôi cũng bị liên lụy và bị giam giữ phi pháp, tôi phải sống nay đây mai đó, trôi giạt khắp nơi. Cháu trai đã tìm người chăm nom cho chồng tôi vì sợ chồng tôi bị đánh trong trại tạm giam. Cháu vừa khóc vừa nói với người ta: “Chú ấy đối với tôi tốt nhất, nhất định phải trông nom chú ấy thật tốt.” Căn phòng tôi thuê bên ngoài nằm trên tầng sáu, buổi tối cháu trai giúp tôi xách đồ nhu yếu phẩm lên. Sau khi lên phòng, cháu nói với tôi: “Thím dọn dẹp đi, để cháu mang lên là được rồi.” 37 ngày sau, chồng tôi được thả. Trong những ngày đó, cháu trai đã an ủi tôi, bảo có việc gì thím cứ tìm cháu, mà không một lời oán thán tôi.

Một hôm, cháu trai nói với chúng tôi với vẻ mặt không tự nhiên: “Cháu mới mua một căn nhà cũ.” Chồng tôi vừa nghe thấy vậy liền nói: “Vậy chú thím đưa cho cháu một ít tiền nhé.” Cháu trai nói: “Cháu không cần tiền nhà, chú mua cho cháu chiếc xe chở đồ ăn nhé, cháu bán đồ chiên rán và thực phẩm chín.” Chồng tôi nhìn tôi nói: “Bao nhiêu tiền vậy?” Cháu bảo: “25.000 tệ.” Tôi cười và nói: “ Đều là việc chính đáng, đáng ủng hộ.” Cháu trai cười hạnh phúc và nói: “Có một người chú tốt là chưa đủ, còn phải có một người thím tốt nữa ạ.”

Khi cháu tôi mở bán hàng, có một người bán bánh không có chỗ để dựng sạp, cháu đã cho người này bày hàng ngay trước xe đồ ăn của mình. Cháu trai đã làm việc thiện nên được phúc báo, có nhà nọ sắp sinh em bé nên đã nhượng lại quầy hàng cho cháu. Hiện giờ công việc kinh doanh của cháu trai rất tốt, buôn bán có chút lời. Cháu thưa chuyện với chúng tôi, muốn trì hoãn thời gian trả tiền ít hôm để mở rộng kinh doanh. Ra Tết vừa rồi, cháu đưa thêm cho chúng tôi hơn 10.000 nhân dân tệ và đổi một chiếc xe cũ dòng cao cấp hơn.

Các anh chị em nhường quyền thừa kế

Năm đó, sau khi chồng tôi bị kết án, tôi đem con về sống cùng cha mẹ tôi. Năm 2003, bố tôi qua đời. Năm 2005, em rể tôi đột ngột qua đời, em gái tôi cũng đem con gái nhỏ về nhà và ba gia đình tan vỡ sống cùng nhau. Năm 2006, chồng tôi mãn hạn tù trở về nhà và cùng chia sẻ gánh nặng với tôi.

Thị lực của mẹ tôi rất kém và bà không thể tự chăm sóc bản thân, tôi phải thật cẩn thận và kiên nhẫn chăm sóc bà. Trước hết, những đồ bày biện và vật dụng trong phòng của mẹ tôi phải được đặt đúng vị trí mà bà biết, vì vậy mọi người trong nhà đã hình thành thói quen cất đồ đúng chỗ vì sợ bà vấp ngã. Tôi thường gội đầu, tắm rửa, thay quần áo, cắt móng tay và thu dọn mọi thứ sạch sẽ cho bà. Phòng vệ sinh ở bên ngoài hơi xa nên mẹ tôi chỉ có thể đi vệ sinh trong nhà, vì vậy nhà cửa luôn phải giữ sạch sẽ.

Mẹ tôi dễ ăn nên không cần làm món gì đặc biệt cho bà, chúng tôi ăn gì thì bà ăn nấy. Trái cây tôi thường gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ rồi cho vào bát, mỗi ngày thường có hai hoặc ba loại trái cây, đôi khi tôi cũng nấu chè lê ăn.

Trong suốt 27 năm mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bà chưa bao giờ bị ốm hay uống bất kỳ loại thuốc nào. Đôi khi cảm thấy khó chịu thì bà luyện công thêm một chút. Mẹ tôi năm nay đã 82 tuổi, tim mạch, huyết áp, dạ dày đều tốt, da dẻ trắng trẻo mịn màng. Chúng tôi dậy sớm luyện công và ban ngày cùng học Chuyển Pháp Luân, tôi đọc cho bà nghe.

Mẹ tôi là người rộng lượng, thấu tình đạt lý, bà coi chồng tôi như con, ai cho thứ gì bà đều chia cho chồng tôi. Mỗi khi có thời gian, chồng tôi lại trò chuyện với bà và lần nào đi siêu thị anh cũng mua một ít đồ ăn cho bà. Chúng tôi đối xử với các cháu gái như con ruột của mình, nhà chúng tôi có thứ gì các cháu cũng sẽ có thứ đó. Cháu gái của chúng tôi đi học, chúng tôi chi trả học phí, mua quần áo theo mùa cho cháu, còn lắp điều hòa và bình năng lượng mặt trời. Năm ngoái, chúng tôi đã bỏ tiền ra sửa sang nhà cửa, gồm cả phòng của mẹ tôi. Anh trai tôi nói với người thân và bạn bè: “Tôi là con trai mà không tốt được như con rể”.

Anh trai tôi thấy chúng tôi chăm sóc mẹ chu đáo như thế nên đề nghị mẹ trao căn nhà cho chúng tôi, chị dâu và em gái tôi không có dị nghị gì và cả hai đều nhường quyền thừa kế. Chồng tôi rất vui và nói rằng anh rất hạnh phúc khi được sống trong một gia đình lớn như vậy. Tôi may mắn được tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, gieo những hạt mầm Thiện dưới ánh sáng Chân-Thiện-Nhẫn.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã dạy con trở thành một người tu luyện có ích cho người khác, vô tư vô ngã; cảm tạ Sư phụ đã bắc chiếc thang cho sinh mệnh con được thăng hoa, dẫn dắt con hướng đến quang minh và vĩnh cửu!

(Bài viết được chọn đăng nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 24 trên Minh Huệ)

(Phụ trách biên tập:Tề Hân Vũ)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/3/460945.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/7/209765.html

Đăng ngày 30-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share