Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Israel

[MINH HUỆ 07-08-2022] Ngày 20 tháng 7, Knesset, một kênh truyền hình công cộng của Israel chuyên về các vấn đề của quốc hội đã phát sóng một cuộc phỏng vấn về việc chế độ Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm.

Phóng viên Emmanuelle Elbaz-Phelps đã phỏng vấn ông Jacob Lavee, Giáo sư phẫu thuật tại Đại học Tel Aviv. Bác sỹ Lavee cũng là người sáng lập Khoa Cấy ghép Tim tại Trung tâm Y tế Sheba từng là Chủ tịch của Hiệp hội Cấy ghép Israel. Cuộc phỏng vấn cũng được phát sóng trên Kan 11, một kênh truyền hình nhà nước của Israel.

Giết hại “người hiến” tạng

Cuộc phỏng vấn cũng trùng với dịp kỷ niệm 23 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Pháp Luân Công là một phương pháp thiền định dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Vô số bằng chứng cho thấy các học viên Pháp Luân Công đã trở thành nạn nhân chính của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Giáo sư Lavee, cùng với giáo sư Matthew Robertson từ Đại học Quốc gia Úc, là đồng tác giả của một bài báo nghiên cứu có tiêu đề “Giết người thông qua mua bán nội tạng ở Trung Quốc: Vi phạm quy định về người hiến tặng phải là đã chết” được đăng trên Tạp chí Ghép tạng của Mỹ. Hai giáo sư, Robertson, người nói thông thạo tiếng Trung Quốc, và Lavee đã sử dụng phân tích văn bản bằng máy tính và tiến hành đánh giá pháp y cơ sở dữ liệu đối với hàng trăm nghìn bài báo do các bác sỹ cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc viết.

Ông Lavee giải thích: “Những gì chúng tôi đặc biệt tìm kiếm trong những bài báo này là những câu sẽ cho chúng tôi thấy liệu việc mổ lấy nội tạng, hay cụ thể là mổ lấy tim, từ người hiến tạng có được thực hiện sau khi chết não theo quy định của y học và cấy ghép hay không”.

Chúng tôi nhận thấy trong hơn 70 bài báo, được xuất bản trong 25 năm qua, thể hiện rõ rằng các tác giả (bác sỹ) đã không đáp ứng được tiêu chí người hiến tặng đã chết não trước khi thực hiện cấy ghép nội tạng. Điều đó có nghĩa là quá trình mổ lấy nội tạng đã giết người. Nói cách khác, những bác sỹ này đã giết người hiến tạng để lấy nội tạng của họ.

57cbdc47aed63227c8e0d8790c0a6f89.jpg

Cuộc phỏng vấn Giáo sư phẫu thuật tại Đại học Tel Aviv, Jacob Lavee , hôm 20 tháng 7 năm 2022

Thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn

Trong cuộc phỏng vấn, ông Lavee nói cho biết bài báo mà ông và giáo sư Robertson viết có đề các đường dẫn đến các bài báo y học Trung Quốc mà họ đã xem xét để mọi người có thể tự kiểm tra nghiên cứu. Các bác sỹ Trung Quốc dường như không biết rằng khi viết những bài báo này, chính là họ đang thừa nhận họ đã giết người.

Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng họ đã hoàn toàn chấm dứt việc sử dụng nội tạng của các tử tù từ tháng 1 năm 2015. Nếu điều đó là sự thật và Trung Quốc thực sự dựa vào hệ thống hiến tạng tự nguyện, thì số lượng các ca ghép tạng sẽ phải giảm đáng kể, bởi hiến tạng tự nguyện là rất hiếm ở Trung Quốc. Nhưng con số lại tăng mạnh, điều đó cho thấy dữ liệu thu được từ ĐCSTQ không đáng tin cậy.

Về nguồn nội tạng, ông Lavee tham chiếu phán quyết của Tòa án Luận tội Trung Quốc năm 2019 tại London. Hàng chục nhân chứng đã làm chứng tại tòa, cung cấp nhiều bằng chứng về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chế độ cộng sản Trung Quốc. “Cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công là một – và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính”, kết luận của Tòa án vào tháng 6 năm 2019.

Chấm dứt hành vi phi đạo đức

Khi được hỏi tại sao các học viên Pháp Luân Công lại bị nhắm đến, ông Lavee nói rằng các học viên được biết đến là người khỏe mạnh vì họ không hút thuốc hoặc uống rượu. Tuy nhiên, vì niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, nhóm người này đã bị ĐCSTQ đàn áp một cách có hệ thống kể từ năm 1999. Ngoài việc bắt giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc còn giết họ và bán nội tạng của họ để kiếm lời.

Đó là lý do tại sao ông Lavee và các đồng nghiệp của ông đã làm việc với Bộ Y tế Israel, và vào năm 2008 đã thực thi luật cấy ghép nội tạng nhằm cấm công dân Israel du lịch đến Trung Quốc với mục đích cấy ghép nội tạng (được gọi là “du lịch cấy ghép”). Khi còn là Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép tạng Israel, ông Lavee đã tổ chức một hội nghị về thu hoạch nội tạng và mời các diễn giả, trong đó có luật sư nhân quyền người Canada David Matas đến để thuyết trình về các giải pháp chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc khi đó đã tìm cách gây áp lực với Bộ Ngoại giao để ngăn ông Matas tham dự hội nghị, nhưng không thành công. Ông Lavee cũng đề nghị Đại sứ quán cử đại diện đến tham dự hội nghị, người đại diện đã đến và tuyên bố hội nghị là tuyên truyền “chống ĐCSTQ.” Nhưng chỉ trong vài phút, khán giả đã sớm yêu cầu người đại diện đó rời đi.

Năm 2005, ông Lavee lần đầu tiên nghe nói về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Một bệnh nhân của ông đã chờ để được ghép tim trong một năm. Tuy nhiên, sau đó anh ấy nói rằng anh không muốn đợi thêm nữa. Công ty bảo hiểm của anh thông báo với anh rằng trong vòng ba tuần, vào ngày đó giờ đó anh sẽ được ghép tim tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Ông Lavee cho biết ở Israel sẽ không thể đảm bảo rằng một người hiến tặng phù hợp sẽ chết vào một ngày cụ thể, nhưng người bệnh nhân của ông thực sự đã trở về từ Trung Quốc với một trái tim mới đúng theo kế hoạch. Qua sự việc này, ông Lavee bắt đầu nghiên cứu cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc và khám phá ra nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống đáng kinh hoàng này.

Năm 2006, ông Lavee bắt đầu công bố kết quả nghiên cứu của mình và cũng đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn. Ông từng nhận được một cuộc điện thoại từ một luật sư người Israel, người tự giới thiệu là đại diện cho một tổ chức thân Trung Quốc, và yêu cầu ông Lavee ngừng nghiên cứu về nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc. Ông Lavee đã liên hệ với Phòng pháp lý của Sở Y tế và vị luật sư đó không còn liên lạc lại với ông nữa.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/7/447375.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/8/202694.html

Đăng ngày 10-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share