Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-02-2022] Cô Yến Bình, một cựu giáo viên tiểu học ở huyện Bác La, tỉnh Quảng Đông, đã bị mất tích vào ngày 13 tháng 3 năm 2020. Mãi cho đến tháng 6 năm 2020, gia đình mới xác nhận được là cô đã bị bắt và bị giam giữ phi pháp tại Nhà tù Mai Hoa. Cảnh sát đã giám sát các hoạt động hằng ngày của cô một thời gian trước khi bắt cô.
Cô Yến bị kết án hai năm ba tháng tù vào cuối tháng 1 năm 2021. Cô đã gửi đơn kháng cáo lên Toà án Trung cấp Thành phố Huệ Châu, tuy nhiên toà án đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của cô. Sau đó, cô bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông vào tháng 11 năm 2021.
Đây là lần thứ 6 cô Yến bị bắt giữ vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp kể từ năm 1999. Trước kia cô Yến đã từng bị đi lao động cưỡng bức một năm, bị giam tù một năm rưỡi, và khoảng gần một năm trong trung tâm tẩy não. Thời điểm đó cô bị tra tấn rất tàn bạo, và bị bạc hết tóc sau khi được thả ra khỏi nhà tù năm 2017.
Thời còn đi dạy cô Yến rất nổi tiếng, nhưng phòng giáo dục đã sa thải cô vào năm 2016 vì cô đã từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Bị bắt, giam giữ và bị tra tấn suốt hai thập kỷ
Cô Yến, là người thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2000 vì tham gia thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. Sau khi được đưa về lại Ma Thành, cảnh sát đã đá và ép cô phải quỳ xuống. Một viên cảnh sát đã giật đứt nhiều tóc của cô. Cô bị giam giữ 4 tháng và bị buộc phải trả 2.100 Nhân dân tệ tiền sinh hoạt phí cho trại tạm giam.
Cô Yến bị bắt lại lần nữa vào ngày 29 tháng 9 năm 2002, vì nói chuyện với những người đứng bên ngoài một rạp chiếu phim, khi rạp này chiếu những phim phỉ báng Pháp Luân Công. Cô đã tuyệt thực trong Nhà tù Ma Thành để phản đối bức hại và bị bức thực. Cô đã bị gãy vài cái răng khi lính canh cạy miệng cô để ép ăn. Họ cũng trói cô trong tư thế đại bàng trên giường tử thần cho đến khi cô bất tỉnh.
Sau đó, cảnh sát chuyển cô đến Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương để thụ án một năm. Đôi khi các lính canh còn tước quyền ngủ của cô và buộc cô phải đứng hay ngồi xổm cả ngày. Cô cũng bị buộc phải làm những công việc nặng nhọc, bao gồm công việc đồng áng, sản xuất tai nghe, làm đèn giáng sinh. Các lính canh sẽ không để cô ngủ nếu cô chưa hoàn thành chỉ tiêu trong ngày của mình.
Sau đó, cô Yến cùng với chồng chuyển đến sống tại huyện Bác La, tỉnh Quảng Đông. Vào ngày 21 tháng 7 năm 2021, cô lại bị bắt vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Cảnh sát đã lục soát nhà cô trước sự chứng kiến của chồng cô cùng cậu con trai đang học lớp sáu. Cậu bé đã sợ đến mức không thể ăn gì cả ngày hôm đó. Chồng của cô cũng bị áp lực sau khi cô bị bắt – anh bị sụt cân mạnh chỉ trong vài ngày và trông già nua, mệt mỏi.
Tháng 8, cô Yến bị gửi đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy, thành phố Quảng Đông và bị giữ ở đó gần một năm. Cô bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công suốt ngày và bị hai nhân viên giám sát cả ngày lẫn đêm. Tiền công 10.000 Nhân dân tệ của cô cũng bị trường giữ lại.
Đôi khi các nhà chức trách vẫn tiếp tục sách nhiễu và yêu cầu cô viết “báo cáo tư tưởng” để phản ánh về “những sai lầm” của cô ấy trong việc tu luyện Pháp Luân Công.
Cô Yến lại bị bắt vào ngày 23 tháng 4 năm 2016, vì học các bài giảng của Pháp Luân Công với các học viên địa phương. Vì cô tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ tùy tiện, các lính canh đã cùm tay và chân của cô vào nhau để cô không thể đứng dậy. Vài tuần sau, khi họ nới lỏng cùm, thì cô Yến không thể đứng dậy hoặc đi lại được nữa.
Minh họa tra tấn: Cùm tay và chân vào nhau
Ngày 19 tháng 9 năm 2016, Toà án Quận Huệ Thành bí mật tổ chức phiên xét xử mà không thông báo cho gia đình cô Yến. Cô ấy đã ngồi xe lăn để hầu toà.
Sau đó, cô Yến đã bị thẩm phán kết án một năm rưỡi tù giam, với khoản tiền phạt là 5.000 Nhân dân tệ. Vào 16 tháng 1 năm 2017, hai ngày trước khi cô Yến bị chuyển đến Nhà tù Nữ Quảng Châu, phòng Giáo dục Huyện Bác La đã sa thải cô. Tòa án cũng phong tỏa tài khoản ngân hàng của cô để buộc cô phải trả khoản tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ.
Ở trong tù, cô Yến liên tục bị thiếu ngủ, bị từ chối cho sử dụng nhà vệ sinh và bị buộc phải lao động không công. Đôi khi lính canh bắt cô ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và không được cử động trong thời gian dài và đôi khi họ buộc cô phải ngồi chép tay các tài liệu tẩy não. Các ngón tay trên bàn tay phải của cô gần như bị tàn tật do hậu quả của sự tra tấn này.
Khi cô Yến được thả, tóc cô đã chuyển bạc và cô thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt và đổ nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu cô và lắp đặt một số camera giám sát bên ngoài căn hộ của cô.
Các bài viết liên quan:
Cựu giáo viên mất tích, bạn bè nghi ngờ cô lại bị bắt giữ vì đức tin
Giáo viên tiểu học tại Quảng Đông bị sách nhiễu, bắt giữ bất hợp pháp
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/13/438934.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/21/199274.html
Đăng ngày 27-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.