Bài viết của Diệp Thư

[MINH HUỆ 04-05-2021] Gần đây, các phương tiện truyền thông do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát xu nịnh Đảng là “biết giữ lời hứa”. Nhưng có phải như vậy chăng?

Một cư dân mạng đặt câu hỏi: “Trong những điều mà ĐCSTQ đã hứa với người dân Trung Quốc: đất đai, bầu cử dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, tự do tôn giáo, v.v., điều nào đã được thực hiện? [Thực chất là chẳng có điều nào cả.] Thay vào đó, bòn rút, đàn áp, và cướp bóc lại là chuyện thường lệ.”

Một trong những ví dụ điển hình minh họa việc ĐCSTQ “tôn trọng lời hứa” là phong trào chống Cánh hữu trong những năm 1950. Mao Trạch Đông, khi đó là người đứng đầu ĐCSTQ, ban đầu khởi động chiến dịch bằng cách trưng cầu những lời chỉ trích ĐCSTQ. “Biết gì thì cứ nói hết ra, đừng giấu giếm, sẽ không có chuyện trả đũa, tính sổ gì.“ Cảm động trước thái độ “khiêm tốn” và “chân thành” như vậy của ĐCSTQ, nhiều người bắt đầu đưa ra ý kiến phê bình, những tưởng sẽ giúp được Đảng.

Thế nhưng, một khi nói thật, họ sẽ rơi vào cảnh khốn đốn, sẽ bị ĐCSTQ trở mặt, dán nhãn là “phe cánh hữu”, rồi bị đem ra đấu tố và đàn áp. Mao tổng kết bốn bước khi tiến hành kêu gọi phê bình như sau: 1) dụ rắn ra khỏi hang; 2) đột xuất tập kích, một lời định tội; 3) quần chúng phê bình, khép vào kỷ cương; 4) vô tình đả kích, giết một người để răn đe trăm người.

ĐCSTQ đã tạo ra những “kẻ thù” như thế trong mọi lĩnh vực, ngay cả trong quân đội. Hãy xem những gì đã xảy ra trong Không quân.

Cuộc đời đẫm máu và nước mắt của phần tử cánh hữu số 1 trong lực lượng không quân

Noi gương Mao, Tư lệnh Không quân bấy giờ là Lưu Á Lâu đã động viên các cán bộ Đảng đi đầu nêu ý kiến phê bình ban lãnh đạo Không quân. Đây chính là bước thứ nhất: “Dụ rắn ra khỏi hang”. Đội Chính trị của Tạp chí Không quân Nhân dân đã cảm động trước những lời nói của Lưu và đã đăng một lời phê bình nhẹ nhàng trong một tờ báo nội bộ. Lý Lăng, đội trưởng Đội Chính trị đã tự tay ký tên.

Ba ngày sau, ban lãnh đạo Lực lượng Không quân liền tiến hành bước thứ hai: “đột xuất tập kích, một lời định tội”, đồng loạt phê phán, dán nhãn cho ông là phần tử cánh hữu số 1 của Lực lượng Không quân.

Đến bước thứ ba, họ nhốt Lý Lăng trong một phòng tắm bỏ đi, có cửa sổ bị đóng đinh bịt kín, bên ngoài cho vệ binh trông coi.

Bước thứ tư, họ tổ chức cuộc họp đấu tố tới sáu ngày, với sự tham dự của 2.000 phần tử trí thức Không quân. Họ lấy ra những bài báo cũ do ông Lý viết trước đây – từng là những bài viết xuất sắc của ông trong Lực lượng Không quân, và sử dụng chính những tài liệu làm bằng chứng về tội “phản cách mạng” của ông.

Ông Lý bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức ở vùng nông thôn miền Đông Bắc để làm nông trường, mỗi ngày phải làm việc tới 16 giờ mà chỉ được lĩnh chưa đầy chục cân thực phẩm mỗi tháng. Ông còn bị ra lệnh viết báo cáo tư tưởng, giám sát và mật báo các tù nhân cùng phòng.

Ông Lý đã mấy lần tự tử nhưng không thành. Năm 1963, ông bị đưa đến vùng ngoại ô Bắc Kinh để chăn lợn vào. Sau đó, ông lại bị đấu tố trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966 đến 1976), lần nào mặt mũi cũng bầm dập, chảy máu. Đến năm 1979, ông mới được “bình phản”.

Phi công được đào tạo với mức phí 147 lượng vàng

Giống như Lý Lăng, nhiều quan chức khác cũng gặp số phận tương tự. Uông Khánh Khải, một sinh viên tốt nghiệp đại học đã trở thành phi công của Lực lượng Không quân, bị dán nhãn cánh hữu sau khi phản ánh cuộc sống của nông dân rất khó khăn. Anh bị đưa vào trại lao động cưỡng bức, và đã treo cổ tự tử ở đó vì không thể chịu đựng được sự tra tấn bất tận.

Nhưng chính quyền ĐCSTQ đã lập tức tổ chức một cuộc triển lãm “trước và sau” để vu khống anh Uông. Một bên họ trưng bày mấy cái rổ rách, bát và lọ sứt vỡ; còn bên kia là chiếc đồng hồ Enicar, bộ khăn trải giường bằng lụa và quần áo vải tuýt của anh Uông.

Họ nói với mọi người rằng, “Uông từng đi xin ăn với mẹ. Chính ĐCSTQ đã đào tạo anh thành phi công, với tổng chi phí 147 lượng vàng… Vậy mà, anh đã quên đi quá khứ của mình và sống một cuộc đời tha hóa của giai cấp tư sản. Thay vì sửa sai, anh ấy còn treo cổ tự tử để uy hiếp Đảng và tự hủy hoại trước mặt nhân dân.”

Không ai biết ĐCSTQ đã tính toán “147 lượng vàng” như thế nào.” Nhưng điều đó không quan trọng đối với Đảng. Điều quan trọng là Đảng cần một con số để chỉ ra tội danh lừa dối mọi người của anh Uông.

165 phần tử cực hữu trong lực lượng không quân

Ngoài Lý Lăng và Uông Khánh Khải, 165 sỹ quan Không quân cũng bị dán nhãn cánh hữu; từ các sỹ quan chính trị đến giảng viên phi công, phi công, kỹ sư và những người khác. Khoảng một phần ba trong số họ đã chiến đấu cho ĐCSTQ trong cuộc Nội chiến Trung Quốc hoặc Chiến tranh Triều Tiên.

Không cần qua xét xử quân sự, ĐCSTQ đã tuyên án có tội đối với họ vào tháng 4 năm 1958, giải ngũ họ khỏi quân đội và Đảng. Sau khi chỉ định họ là “cánh hữu”, Đảng đã hạ cấp bậc của họ từ 2 đến 5 cấp và tống họ vào các trại lao động cưỡng bức dài hạn.

Mãi đến năm 1980, ĐCSTQ mới “bình phản” cho họ. Cho đến nay, vẫn chưa rõ bao nhiêu người trong số họ đã bị giết hoặc chết vì đói trong suốt 22 năm đó. Nếu tất cả 165 sỹ quan có thể sống sót sau 22 năm, thì họ đã bị giam giữ tổng cộng 3.630 năm.

Tương tự 165 sỹ quan này của Lực lượng Không quân, tổng số thảm kịch và sinh mạng của toàn bộ nhân dân Trung Quốc bị ĐCSTQ sát hại vì mục tiêu sai trái là vô số.

Một trong số 165 nạn nhân là ứng viên phi công Vương Ngọc Lâm. Vương nói, “Cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực chất là chế độ “cộng hòa” một chế độ độc tài một đảng, một người”. Trong chế độ “cộng hòa” này, nói thật sẽ gặp rắc rối, còn nói láo thì đường thăng tiến thênh thang. Cho nên, người người đều nói dối; không ai dám không nói dối! Không nói dối sẽ không chỉ không được thăng quan phát tài, mà còn phải ngồi tù hoặc vào trại lao động cưỡng bức.”

Ân hận khi nghe ĐCSTQ

Mao đã xuất bản một bài xã luận, trong đó nói về chiêu “dụ rắn ra khỏi hang” của ông ta trong chiến dịch chống Cánh hữu: “Có người bảo chúng ta cho dân thoải mái lên tiếng là âm mưu. Chúng ta nói đây là dương mưu… Ngưu quỷ xà thần chỉ có để bọn chúng sổ lồng, mới tiêu diệt được hết, độc thảo chỉ có để chúng nó bật rễ, mới dễ dàng cho cuốc đi.”

Chương Bá Quân, một người bị ĐCSTQ dán nhãn là “phần tử cực hữu lớn”, đọc xong, bèn thốt lên: “Lần này ta bị ăn quả lừa to rồi.”

Cô Phó Đông Cúc, con gái của Tướng Phó Tác Nghĩa của Quốc dân Đảng trong Trận chiến Bắc Kinh trong cuộc nội chiến của Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ, bấy giờ là phóng viên của Nhân dân Nhật báo và đã gia nhập ĐCSTQ. Đảng bảo cô rằng, giúp ĐCSTQ đánh bại cha cô là vì lợi ích của nhân dân. Cô đã đánh cắp thông tin quân sự và tự tay bán đứng cha mình cho ĐCSTQ. Cuối cùng, cha cô cũng nổi dậy chống lại Quốc Dân Đảng và giao nộp Bắc Kinh cho ĐCSTQ mà không cần giao tranh.

Tuy nhiên, ĐCSTQ không bao giờ thừa nhận Phó Đông Cúc mặc dù cô đã có công lớn trong vụ việc này. Trong Cách mạng Văn hóa, cô nhiều lần bị đấu tố, về già còn không có điều kiện chi trả viện phí, không người chăm sóc, thất vọng, cô tịch mà rời nhân thế.

Trong những năm cuối đời, Phó Đông Cúc muốn viết một cuốn tiểu sử về cha mình nhưng nhận ra bà không thực sự hiểu rõ về cha để chắp bút. Bà cho biết, qua thời gian, bà mới dần dần hiểu được tại sao ban đầu cha bà lại chiến đấu chống lại ĐCSTQ. Nhưng đã quá muộn.

Cho đến nay vẫn lừa dối và đàn áp

Mặc dù những câu chuyện kể trên đã đi vào lịch sử, nhưng đều có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta hiểu được bản chất thật của ĐCSTQ.

Ví dụ, năm 1997, ĐCSTQ đã cam kết với thế giới sẽ duy trì “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông trong 50 năm. Nhưng mới 20 năm sau, ĐCSTQ đã hoàn toàn phá vỡ lời hứa và tuyên bố rằng Tuyên bố chung Trung-Anh về Hồng Kông đã hết thời. Nó đang ra sức biến Hồng Kông thành một thành phố hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Năm 1982, ĐCSTQ đã cam kết thực thi chính sách “3 Không” (Không đả kích – Không tranh luận – Không tuyên truyền) đối với các môn khí công và hiện tượng siêu nhiên. Nhưng sau đó, cam kết này cũng trở thành lời nói dối.

Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm, còn được gọi là Pháp Luân Công, được hồng truyền ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Chỉ trong vòng bảy năm, pháp môn này đã nhanh chóng thu hút 100 triệu người học bằng những đạo lý sâu xa và khả năng chữa bệnh kỳ diệu.

Sau đó, lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, vì ghen tị với sự phổ biến của Pháp Luân Công, đã ra lệnh cho các báo chí và truyền hình phỉ báng môn tu luyện này, công khai vi phạm chính sách “3 Không.”

Giang và thuộc hạ đã phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.

Ông Vu Trưởng Tân, giáo sư Trường Cao đẳng Chỉ huy Không quân, một sỹ quan quân đội đã về hưu ở cấp Phó Tư lệnh Lục quân. Ông là phi công thuộc Lực lượng Không quân thế hệ đầu tiên, đã bay hơn 30 năm và là chủ biên của một cuốn sách giáo khoa dạy Không quân cấp cao. Nghiên cứu của ông đã làm giảm đáng kể tai nạn bay cho Lực lượng Không quân. Ông và vợ ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 1992 và nhanh chóng thấy sức khỏe cũng như tâm tính được nâng cao.

Đối với một anh hùng Không quân như vậy, Giang đã ra lệnh thành lập một đội hơn 20 thành viên để xử lý trường hợp của ông Vu. Họ giam giữ và tìm cách lừa mị, đe dọa ông, đồng thời còn cấm ông ngủ.

Ngày 6 tháng 1 năm 2000, ĐCSTQ đã kết án ông Vu 17 năm tù trong khi ông đã gần 80 tuổi. Một số sỹ quan quân đội cấp cao đã bị sốc và yêu cầu chính quyền ĐCSTQ khoan hồng cho ông Vu. Nhưng ĐCSTQ không những không chấp nhận, mà còn đuổi vợ của ông Vu ra khỏi nhà của họ ở Trường Cao đẳng Chỉ huy Không quân và niêm phong cửa nhà họ. Bà cụ ngoài 70 tuổi không có chỗ để nương thân.

Anh Lưu Bình, một cựu phi công, đã bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh bị tra tấn trong một trại lao động cưỡng bức ở Thiên Tân và chết trong trại vào khoảng Tết năm 2002, khi mới ở tuổi 20. Khi chết, toàn thân anh bê bết máu mủ, đến nỗi quần áo dính chặt vào người. Để che giấu tội ác, trại lao động cưỡng bức đã yêu cầu một bệnh viện cấp giấy chứng nhận rằng anh Lưu đã chết trong bệnh viện.

Như vậy, cuộc bức hại của ĐCSTQ, bắt đầu bằng lời hứa hão rằng sẽ không có cuộc bức hại nào, vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Một cư dân mạng đã đăng: “Nói Trung Cộng là lưu manh, nhưng lưu manh so với nó vẫn còn văn minh hơn; nói Trung Cộng là kẻ cướp, nhưng cướp so với nó còn có tín nghĩa hơn; nói Trung Cộng là xã hội đen, nhưng xã hội đen so với nó còn có quy củ; nói Trung Cộng là đao phủ, nhưng đao phủ thủ so với nó có nhân tính hơn; nói Trung Cộng là hạ lưu, nhưng tầng lớp hạ lưu so với nó còn biết giữ thể diện; Trung Cộng chính là con quỷ chuyên gieo họa cho đất nước và nhân dân Trung Quốc, gieo họa cho thế giới và nhân loại.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/4/424115.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/4/196031.html

Đăng ngày 05-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share