Bài viết của Duy Thiện
[MINH HUỆ 17-08-2021] Đại dịch virus corona đã hoành hành thế giới từ đầu năm 2020, và nhiều người đang lo cho tương lai của chính mình. Tôi muốn chia sẻ một số dữ liệu và đề xuất một số ý kiến để chúng ta có thể nhìn nhận tình hình này từ một góc độ khác, đồng thời đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình.
Đại dịch đã vượt ngoài tầm kiểm soát
Tôi đã thu thập và phân tích dữ liệu đã công bố về các ca nhiễm virus corona và đây là những phát hiện chính của tôi.
Số ca nhiễm mới trên toàn cầu đang không ngừng gia tăng. Thí dụ, có hơn 10 triệu ca nhiễm trong nửa đầu năm 2020 và hơn 70 triệu trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 99 triệu ca nhiễm, vượt quá tổng số 83 triệu ca vào năm 2020.
10 triệu ca nhiễm đầu tiên đã được xác nhận trên toàn cầu sau hơn 180 ngày (từ tháng 12 năm 2019 đến ngày 28 tháng 6 năm 2020), 43 ngày sau (từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 10 tháng 8 năm 2020) đã tăng thêm 10 triệu ca nhiễm mới nữa.
Trong 49 ngày tiếp theo (từ ngày 11 tháng 8 đến 28 tháng 9 năm 2020) lại có thêm 13 triệu ca nhiễm mới. Như vậy , trung bình cứ 37,69 ngày (=49/13) lại có thêm 10 triệu ca nhiễm mới. Từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 (94 ngày), lại có thêm 5,01 triệu ca nhiễm, rút ngắn thời gian trung bình cho mỗi 10 triệu ca nhiễm trong năm 2020 xuống còn 18,76 ngày (=94/5,01).
Trong khi đó, sáu tháng đầu năm 2021 (tổng cộng 181 ngày) có tổng cộng 98.921.930 ca nhiễm đã được ghi nhận, trung bình 18,3 (=181/9,892193) ngày lại tăng thêm 10 triệu ca nhiễm.
Điều này cho thấy thời gian xuất hiện thêm 10 triệu ca nhiễm mới được xác nhận ngày càng ngắn. Chúng tôi cũng đã quan sát thấy xu hướng tương tự với số ca tử vong. Từ 1 triệu ca tử vong đầu tiên xảy ra trong 9 tháng (từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020), 1 triệu ca tử vong thứ hai chỉ trong 4 tháng (từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021), 1 triệu người thứ ba chỉ trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021), đến tháng 7 năm nay – chưa đầy ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2021) đã lên đến 4 triệu. Cụ thể, chỉ riêng nửa đầu năm 2021 đã ghi nhận 2.129.715 ca tử vong do virus corona, gấp 1,175 lần tổng số ca tử vong (1,821 triệu) của cả năm 2020.
Dưới đây là dòng thời gian cụ thể hơn:
Theo dữ liệu do Đại học John Hopkins (JHU) thu thập, số ca nhiễm được xác nhận đã lên đến 10 triệu vào ngày 28 tháng 6 năm 2020 và 20 triệu vào ngày 10 tháng 8 năm 2020 (Lưu ý: Có bằng chứng cho thấy Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm thấp hơn nhiều, do vậy con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.)
Tính đến 28 tháng 9 năm 2020, đã có 33 triệu ca nhiễm và 1 triệu ca tử vong.
Đến ngày 8 tháng 11 năm 2020, số ca nhiễm đã lên tới 50 triệu.
Theo dữ liệu tính theo thời gian thực của Worldometer, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, đã có 83,1 triệu ca nhiễm với số ca tử vong là 1,812 triệu; 58,89 triệu bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.
Theo số liệu của JHU, số ca tử vong đã lên đến 2 triệu vào ngày 15 tháng 1 năm 2021.
Tính đến ngày 26 tháng 1 năm 2021, tổng số ca nhiễm được xác nhận đã vượt 100 triệu người, với số ca tử vong là 2.149.818.
Tính đến ngày 17 tháng 4 năm 2021, tổng số ca tử vong là hơn 3 triệu.
Ngày 30 tháng 4, chưa đầy 13 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố virus corona đã bùng phát thành đại dịch toàn cầu, số ca nhiễm được xác nhận đã lên đến 150 triệu người, nghĩa là cứ 50 người trên thế giới thì có một người bị nhiễm bệnh.
Tổng cộng đã có 1.884.146 người mất mạng vì virus corona chỉ trong nửa đầu năm 2021 (từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 10 tháng 6), trong khi tổng số người tử vong của cả năm 2020 là 1.880.510. Nói cách khác, với thời gian chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, mà số ca tử vong đã cao hơn.
Tính đến ngày 7 tháng 7, tổng số ca tử vong đã vượt quá 4 triệu người, tức là hơn một nửa cư dân Hồng Kông hoặc gần một nửa cư dân thành phố New York. Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo ước tính con số này bằng tổng người chết trong tất cả các cuộc chiến tranh trên toàn cầu cộng lại kể từ năm 1982. Tính đến cuối tháng 7 năm 2021, đã có hơn 197 triệu ca nhiễm và hơn 4,2 triệu người chết.
Các biến thể mới
Khi con số tử vong lên đến 4 triệu người vào ngày 7 tháng 7, các chuyên gia cho rằng tình hình đã thay đổi, và giờ đây là cuộc chiến giữa vắc-xin và các biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Delta.
Những quan ngại này xuất phát từ sự gia tăng đột ngột của các ca nhiễm từ cuối tháng Sáu năm 2021. Chẳng hạn, Israel nhận thấy 90% số ca nhiễm mới là biến thể Delta. Tệ hơn, khoảng 50% số ca nhiễm mới là người trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ. Trong 9,3 triệu dân số cả nước, khoảng 55% đã tiêm hai liều vắc-xin Pfizer, gồm cả trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.
Một tình huống tương tự cũng xuất hiện ở Vương quốc Anh. “Khi biến thể Delta của virus corona bùng phát ở Vương quốc Anh, gần nửa số ca tử vong do Covid-19 gần đây của nước này đều đã được tiêm chủng”, tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 2 tháng 7 trong một bài viết có tiêu đề “Một số người tiêm chủng đã chết bởi Covid-19. Đây là lý do tại sao các nhà khoa học không ngạc nhiên“ (Some Vaccinated People Are Dying of Covid-19. Here’s Why Scientists Aren’t Surprised)
Thực ra, ngày 6 tháng 7, Vương quốc Anh đã thông báo số ca nhiễm mới trong 1 ngày lớn nhất (28.773) kể từ ngày 29 tháng 1 năm 2021. Nước này cũng có số ca tử vong cao nhất (37) kể từ ngày 23 tháng 4 năm 2021. Điều này gây khó hiểu nếu xét từ quan điểm về miễn dịch cộng đồng với 60-70% dân số được tiêm phòng hoặc đã bị nhiễm virus, bởi vì 86,2% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin và 64,3% đã tiêm hai liều.
Với số ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn cầu tăng vọt lên đến con số đáng giật mình 500.000 trên toàn thế giới, ngày 15 tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng các biến thể nguy hiểm tiềm ẩn mới có thể xuất hiện trong tương lai. Ông Didier Houssin của WHO nhận định: “Đại dịch vẫn chưa kết thúc.”
Quan ngại này là dễ hiểu khi dịch bệnh tăng tốc lây lan. Dữ liệu cho thấy chỉ trong tháng 7 năm 2021, đã ghi nhận 15,03 triệu ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với tháng 6 năm 2021.
Cho đến nay, bốn biến thể của đại dịch virus corona đang hoành hành là Alpha, Beta, Gamma, và Delta. Sau khi xuất hiện ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020, biến thể Delta hiện đã lan rộng ra hơn 130 quốc gia.
“Delta là lời cảnh báo rằng chủng virus này đang tiến hóa, nhưng nó cũng là lời kêu gọi hành động trước khi các biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện”, ông Michael Ryan, Giám đốc Cơ quan các Tình huống Y tế Khẩn cấp của WHO cảnh báo vào ngày 30 tháng 7.
Đại dịch và các giá trị truyền thống
Một năm rưỡi qua là một khoảng thời gian hỗn loạn. Các chuyên gia y tế và chính phủ đang dốc sức kiềm chế virus và kiểm soát sự lây lan của nó. Nhưng nỗ lực của họ còn rất hạn chế về hiệu quả. Có thể đã đến lúc phải lùi lại một bước và đánh giá toàn diện vấn đề này.
Thời xưa, đặc biệt là ở Trung Hoa, con người nhìn chung đều tin vào mối tương sinh giữa Thiên-Địa-Nhân. Khi các giá trị đạo đức bị coi nhẹ và xã hội băng hoại, bệnh dịch và các thảm họa khác sẽ thường xuyên xảy ra.
Những hạn chế của các biện pháp hiện tại
Nhìn lại những trận ôn dịch trong quá khứ, chúng thường nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Cho dù có công nghệ hiện đại, con người vẫn có thể bị bất ngờ khi một số thảm họa, như sóng thần và chiến tranh xảy ra. Đại dịch hiện nay là một minh chứng nữa.
Do sự che đậy và đưa tin sai lệch một cách có hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), virus đã nhanh chóng lây lan sang các quốc gia khác. Tháng 3 năm 2020, Ý tuyên bố phong tỏa các thành phố và thực thi các chính sách cách ly, nhưng nước này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus. Tháng 12 năm 2020, sau khi một biến thể được phát hiện ở Vương quốc Anh, nước này lập tức triển khai các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Nhưng các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng trong mấy tuần sau đó, số ca nhiễm mới và số ca tử vong hàng ngày đều cao kỷ lục vào tháng 1. Ở California, Hoa Kỳ, nơi áp dụng các chính sách nghiêm ngặt nhất, cũng có số ca nhiễm và tử vong cao nhất.
Giáo sư Steven Riley về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial College London đã nhận xét, “Trong suốt quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng lượng người nhiễm bệnh vẫn ở mức cao và chúng tôi không có bằng chứng đáng tin nào cho thấy lây nhiễm đang giảm ở Anh. Chúng tôi đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn lý do tại sao chúng tôi lại nhìn thấy những xu hướng này trong khi đất nước bị phong tỏa, bao gồm cả việc nghiên cứu biến thể mới để các nhà hoạch định chính sách có thể phản ứng khẩn cấp nhằm giúp giảm thiểu lây nhiễm và cứu được nhiều mạng sống hơn.“
Một số thành viên thuộc đội ngũ kinh tế của Nhà Trắng cũng nhận thấy việc phong tỏa nghiêm ngặt không kiềm hãm virus và đôi khi khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, vì số lượng các ca nhiễm mới gia tăng đột ngột ở nhiều nơi, nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc đã tiếp tục chính sách phong tỏa này.
Giờ là lúc nhìn nhận lại tình hình. Như chính phủ Vương quốc Anh, ngày 19 tháng 7, đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế Covid-19, kể cả giãn cách xã hội và yêu cầu đeo khẩu trang. Nhưng số ca nhiễm mới liên tục giảm trong bảy ngày tiếp theo. Điều này cho chúng ta một số ý tưởng về những biện pháp thay thế để xử lý đại dịch.
Một vấn đề liên quan khác là tiêm chủng. Theo Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (Emergency Use Authorization, EUA), một số loại vắc-xin đã nhanh chóng được duyệt và tiêm cho nhóm người đầu tiên (chủ yếu ở các nước phát triển) vào cuối năm 2020. Song, năm 2021, đại dịch vẫn tiếp diễn và gây ra nhiều ca nhiễm và tử vong hơn. Mặc dù có nhiều người hơn được tiêm phòng, virus vẫn lây lan trên diện rộng, làm tiêu tan hy vọng của mọi người về một chiến thắng nhanh chóng trước virus bằng cách tiêm phòng.
Ôn dịch có mắt
Đại dịch giống cơn mưa lũ ở chỗ nó dữ dội lúc này, nhưng lúc khác lại dịu đi. Khi lũ đổ về, mọi người vội vàng thực hiện các biện pháp ngắn hạn để giảm bớt tác động của lũ lụt, như cách ly và phong tỏa trong đại dịch. Khi những mưa lũ chuyển thành mưa phùn, hoặc thậm chí tạnh đi, mọi người ăn mừng vì đã kiểm soát lũ “thành công” và quay trở lại tận hưởng cuộc sống hàng ngày như thường lệ. Tương tự, khi các ca nhiễm trong đại dịch mới hạ xuống chốc lát, mọi người quên mất nỗi đau và quay lại cuộc sống như lúc bình thường.
Nhưng vì những nguyên nhân cơ bản vẫn chưa được kiểm soát, những thảm họa tương tự lại quay đi quay lại. Xuyên suốt lịch sử, lũ lụt đến và đi; bệnh dịch cũng thế – như bệnh đậu mùa, dịch hạch, cái chết đen, SARs, và giờ là Covid-19.
Xuyên suốt các nền văn hóa, người xưa tin rằng ôn dịch xảy ra là có nguyên nhân, và đó là lời cảnh báo (hoặc trừng phạt) cho những hành động sai trái của con người. Trên thực tế, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy những người tốt sẽ được bảo hộ và ít bị nhiễm bệnh hơn.
Chẳng hạn, Đế chế La Mã cổ đại từng chìm trong những làn sóng ôn dịch. Vào thời điểm đó, một số hoàng đế và rất nhiều binh lính bức hại các tín đồ Cơ Đốc giáo đã mất mạng vì ôn dịch. Ngược lại, đa số các tín đồ Cơ Đốc giáo lại miễn nhiễm, rất ít trường hợp bị nhiễm bệnh. Hiển nhiên, bệnh dịch đến để báo ứng cho cuộc đàn áp các tín đồ Cơ Đốc giáo. Sau vài thế kỷ, Đế chế La Mã sụp đổ, dịch bệnh cũng biến mất một cách bí ẩn.
Tình huống tương tự cũng xảy ra vào cuối thời nhà Minh. Ôn dịch bùng phát chỉ lây nhiễm cho binh lính nhà Minh mà không lây nhiễm cho quân đội Mãn Thanh. Tuy nhiên, khi Hoàng đế Thuận Trị tuyên bố thành lập nhà Thanh, ôn dịch đã biến mất một cách bí ẩn.
Đại dịch hiện nay dường như không lây nhiễm cho con người một cách ngẫu nhiên. Dữ liệu cho thấy virus đến những nơi chịu ảnh hưởng mạnh của ĐCSTQ. Trong vài thập kỷ qua, nhiều quốc gia phương Tây đã bắt tay với ĐCSTQ vì lý do kinh tế, mà phớt lờ những vi phạm nhân quyền đáng lên án của nó. Hầu hết các quốc gia này đều bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Ngược lại, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở Đài Loan đều rất thấp mặc dù quốc đảo này rất gần với Trung Quốc đại lục. Trên thực tế, cả quan chức và dân chúng Đài Loan đều cảnh giác với sự xâm nhập của ĐCSTQ, và đã tiến hành các biện pháp cụ thể để chống lại ĐCSTQ.
Xu hướng này cũng đã xuất hiện ở Trung Quốc. Theo các danh sách của một số doanh nghiệp truyền nhau trên mạng, tỷ lệ tử vong ở các đảng viên của ĐCSTQ do virus cao hơn nhiều so với dân thường. Mặc dù đảng viên ĐCSTQ chỉ chiếm 6,4% dân số Trung Quốc, nhưng tỷ lệ tử vong của họ cao từ 64% đến 88%.
Mối liên hệ giữa tâm và thân
Quay trở lại Đế chế La Mã cổ đại, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy các tín đồ Cơ Đốc giáo ít bị nhiễm các loại bệnh dịch hơn. Sau khi nghĩ thông suốt, họ bắt đầu tiếp thu những điều răn của Cơ Đốc đồng thời ăn năn về những hành vi sai trái của mình, và nhiều người đã khỏi bệnh một cách thần kỳ.
Hoàng Đế Nội Kinh, một trong những kinh điển về y học Trung Quốc sớm nhất và được biết đến nhiều nhất đã viết, “Người có chính khí bên trong, tà khí không thể xâm nhập.”
Hiện nay, ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới. Sự che đậy và bóp méo thông tin một cách có hệ thống của chính quyền này đã khiến virus nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Đó là lý do tại sao nhiều người gọi chủng virus này là virus Trung Cộng.
Ở Trung Quốc, Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất bị ĐCSTQ bức hại. Kể từ năm 1999, khoảng 100 triệu học viên đã bị chính quyền này bức hại vì đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Đã có nhiều trường hợp được Minh Huệ đưa tin là được ban cho sức khỏe và bình an khi niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo.”
Hãy chú ý đến các cảnh báo
Nhiều tấm gương trong lịch sử đã cho thấy, khi đạo đức xã hội bị băng hoại, xã hội đó có thể gặp nguy hiểm. Thành Pompeii và nền văn hóa bại hoại của nó bị chôn vùi trong tro của núi lửa là một ví dụ như thế.
Cậu bé Abhigya Anand, nhà chiêm tinh học ở Ấn Độ, đã đưa ra nhiều tiên tri về đại dịch, trong đó, nhiều điều đã trở thành sự thật. Cậu nói rằng đại dịch là do các giá trị đạo đức thấp kém và vắc-xin sẽ không giải quyết được hết các vấn đề. Thực ra, quá phụ thuộc vào thuốc và vắc-xin có thể khiến dịch bệnh trầm trọng hơn. Cậu nói rằng giải pháp đúng đắn duy nhất là thức tỉnh lương tâm của mọi người, như quay trở lại với đức tin.
Cậu bé Anand cũng tiên tri đại dịch có thể nghiêm trọng hơn. Những lời tiên tri khác, như tiên tri của Lưu Bá Ôn thời nhà Minh, cũng đã dự ngôn về đại dịch này.
Kết luận
Kể từ khi nắm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã giết hại hàng chục triệu người vô tội trong các chiến dịch chính trị của nó. Chỉ riêng nạn đói lớn ở Trung Quốc (1959–1961) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 45 triệu người. Tuy nhiên, thông qua các ưu đãi về kinh tế và sự xâm nhập ý thức hệ, chính quyền này đã tích cực thúc đẩy kế hoạch cộng sản của nó ra khắp thế giới.
Đại dịch virus corona có thể là một cảnh báo. ĐCSTQ không chỉ phát tán virus ra thế giới mà còn che giấu số liệu thật và khoa trương về “thành công” của nó khi bán vắc-xin ra toàn cầu. Mặc dù những loại vắc-xin này đã thất bại trong việc kiểm soát lây nhiễm, nhưng ĐCSTQ vẫn tự cho nó là “vị cứu tinh” của thế giới.
Kể từ khi Cửu Bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) được công bố vào năm 2004, đến nay đã có hơn 380 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ. Khi phản đối ĐCSTQ, người Trung Quốc và người dân ở các quốc gia khác sẽ có được một tương lai bình an.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/17/429675.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/30/194846.html
Đăng ngày 07-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.