Bài viết của Trầm Bình

[MINH HUỆ 30-04-2021] Nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện nhiều nỗ lực để tôn vinh chính mình, bao gồm cả việc sửa đổi lịch sử. Đài Á Châu Tự do đưa tin rằng, trong bản cập nhật mới nhất của cuốn Lịch sử vắn tắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Brief History of the Communist Party of China), nhiều thảm kịch do Đảng này gây ra đã bị xóa bỏ như Đại nhảy vọt (1958-1960), Nạn đói lớn (1959-1961) và Phong trào chống cánh hữu (1957-1959).

Ngoài ra, Mao Trạch Đông còn được ca ngợi vì đã phát động cuộc Cách mạng Văn hóa vốn gần như phá hủy nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm, và là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử của ĐCSTQ.

Đáng buồn thay, việc sửa đổi lịch sử đã là một hoạt động thường xuyên mà ĐCSTQ sử dụng để tẩy não người dân trong khi thực thi sự tàn bạo. Ngao ngán trước những lời dối trá đổi trắng thay đen của ĐCSTQ, nhà văn Trung Quốc Sa Hiệp Tân từng nói, “Khi bức hại các nhóm mục tiêu của mình, ĐCSTQ luôn nói rằng [những nhóm này] chống lại Đảng, nhưng thực tế Đảng luôn chống lại người dân.“

Cuốn Chín bài Bình luận về Đảng Cộng sản đã giải thích điểm này một cách hệ thống và sâu sắc hơn:

“Trong triết lý cộng sản không có tiêu chuẩn phổ quát về nhân tính. Các khái niệm lương thiện và tàn ác, cũng như mọi luật lệ và nguyên tắc bị bóp méo một cách tuỳ tiện. Đảng viên không được phép sát nhân, nhưng lại được phép giết hại những người Đảng cho là kẻ thù. Hiếu cha kính mẹ là tốt, nhưng nếu cha mẹ thuộc giai cấp thù địch của Đảng thì không được hiếu thuận. Nhân lễ nghĩa trí tín vốn là giá trị đạo đức nền tảng của nhân loại, nhưng Đảng không cho đó là gì quan trọng, lúc nào Đảng không thích thì Đảng liền bỏ qua.

“Những tiêu chuẩn làm người trong truyền thống dân tộc nay bị Đảng tẩy chay và xoá bỏ. Đảng Cộng sản là một thứ phản nhân tính.”

“Thực ra nó là ‘Đảng chống lại nhân dân’”

Ông Sa, một nhà văn Trung Quốc, đã giải thích rõ hơn về điều này trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào năm 2008: “ĐCSTQ đã gây ra nhiều thảm kịch trong các phong trào chính trị của nó. Lần nào cũng thế, đầu tiên nó tuyên bố những người vô tội là kẻ thù của nó, rồi sau đó không ngừng trấn áp họ. Khi điều này xảy ra lặp đi lặp lại, chúng ta có thể tưởng tượng được có bao nhiêu người vô tội chịu oan trái và bị giết hại, khiến gia đình họ tuyệt vọng và cảm thấy oan ức. Lịch sử của ĐCSTQ là không ngừng gây thù chuốc oán dựa và thúc đẩy đấu tranh giai cấp (đẩy một nhóm người này chống lại nhóm người khác).” Vì vậy, mặc dù luôn tuyên bố rằng nhân dân chống lại Đảng, nhưng Đảng luôn chống lại nhân dân.

Cùng năm đó, trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan, ông Sa cũng nói về luận điệu giả dối rằng “Mọi thứ đều thuộc về nhân dân” của ĐCSTQ.

Ông cho biết, “Ở Trung Quốc Đại lục, có quá nhiều thuật ngữ có từ ‘Nhân dân’, chẳng hạn như ‘chính phủ nhân dân’, ‘quân đội nhân dân’, ‘cảnh sát nhân dân’, ‘ngân hàng nhân dân’, ‘bệnh viện nhân dân’, ‘khách sạn nhân dân’, ‘nhà hàng nhân dân’, v.v … Thậm chí tiền cũng được gọi là ‘nhân dân tệ’. Tất cả chúng ta đều biết [chúng bị ĐCSTQ kiểm soát và] chúng không thuộc về nhân dân. Nhưng [ĐCSTQ] vẫn gọi chúng là ‘của nhân dân’.”

Thật thà đã khiến ông ấy trở thành “kẻ thù của quần chúng”

Vô số chiến dịch đẫm máu đối với dân thường đã chứng minh cho lời bình luận của ông Sa. Một trong những người vô tội đó là ông Dương Phong, gia nhập Đảng vào năm 1947. Khi tham dự đại hội cải cách ruộng đất của nông dân huyện Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, ông đã chứng kiến một sự việc thay đổi cuộc đời mình.

Trong sự kiện đó, ông Dương phụ trách việc kéo cờ của ĐCSTQ lên. Khi đại hội diễn ra và các cán bộ ĐCSTQ vu cáo người dân là “kẻ thù”, ông Dương nhìn thấy bảy “kẻ thù” như thế (thường là địa chủ hoặc nông dân giàu có sở hữu đất) đột nhiên bị đưa đến trước một máy cắt cỏ thủ công đặt dưới bục phát biểu. Một đội trưởng dân quân thôn cởi trần, trên đầu quấn khăn đỏ lạnh lùng bước đến gần chiếc máy cắt không một chút cảm xúc. Khi anh ta nhấc nhanh lưỡi dao lên rồi kéo xuống, bảy người đó đã bị giết ngay lập tức, máu văng tung tóe khắp mặt đất.

Một trong những người bị hành quyết là một nông dân nghèo từng tham gia quân du kích của ĐCSTQ. Bàng hoàng trước vụ hành quyết độc ác này, ông Dương đã thấy được sự tàn ác của Đảng.

Mười năm sau, ĐCSTQ phát động một chiến dịch kêu gọi mọi người đưa ra những lời góp ý cho Đảng. Ông Dương đã rơi vào cái bẫy này và ĐCSTQ ngay lập tức gán cho ông là “cánh hữu” vì đã chống lại Đảng. Các đặc vụ của ĐCSTQ còn lục ra được một bản báo cáo mà ông đã viết vào năm 1948, trong đó ông thú nhận với Đảng rằng sau khi chứng kiến vụ hành quyết bảy người đó, ông nghĩ “sự việc đó có thể là quá mức”.

Đảng đã tận dụng báo cáo này và tiến hành một vụ án lớn chống lại ông Dương Phong. Ông đã bị đấu tố với tội danh là kẻ thù chống Mao và chống ĐCSTQ trong một hội nghị hơn 1.000 người. Ông Dương rất hối hận vì đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với Đảng. Ông đã bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông còn nhận thêm 12 năm tù.

Sự ân hận của một diễn viên múa vì đã nghe theo đảng

Một nhà văn nổi tiếng khác là Phùng Ký Tài đã từng phỏng vấn một diễn viên múa cấp quốc gia, người này đã chia sẻ về bi kịch gia đình mình.

Ngay từ khi còn nhỏ, tài năng của diễn viên múa này đã được biết đến. Năm 13 tuổi, cô được chọn để tặng hoa cho Mao Trạch Đông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành khi ông đến thăm Trung Quốc vào năm 1959.

Đến ngày tặng hoa, khi cô chuẩn bị đi, thầy giáo nói với cô, “Hôm nay, em không cần phải đi nữa. Gia đình em có một vấn đề. Cha em đã bị chỉ định là cánh hữu. Em có biết cánh hữu là gì không? Đó là kẻ thù phản cách mạng.”

Cô bé hoàn toàn bị sốc và cố gắng bênh vực cha, “Cha em là người tốt nhất thế giới. Thưa thầy, thầy có nghe nhầm không ạ?”

Thầy giáo tiếp tục, “Ông ấy từng là người tốt, nhưng giờ ông ấy đã biến đổi rồi. Trong đơn vị công tác, ông ấy đã phản đối cuộc cách mạng. Tất nhiên, ông ấy sẽ không nói với em về điều đó. Em chưa từng thấy bọn phản cách mạng trong phim à? Một số người ban đầu là những người cách mạng nhưng dần dần chuyển thành những kẻ phản bội hoặc kẻ xấu. Em không hiểu à? Được, em đã hiểu. Thầy cũng không muốn cha em biến đổi. Nhưng ông ấy đã biến đổi. Em cần vạch rõ ranh giới với ông ấy.”

Cô bé 13 tuổi đã tin thầy cô và Đảng. Không hề thắc mắc hay suy nghĩ phải tìm ra sự thật, cô đã viết một bức thư cho cha mình đang ở một thành phố khác. Bức thư chỉ vỏn vẹn vài câu: “Hiện giờ ông là kẻ thù của nhân dân. Ông nên cải tạo bản thân để quay về với nhân dân. Sau đó, tôi sẽ lại gọi ông là ‘cha’.”

Sau đó, cô không bao giờ gặp lại cha mình nữa. Ông đã chết đói ở một trại lao động cưỡng bức tại một vùng nông thôn thuộc Đông Bắc Trung Quốc. Ông qua đời ở tuổi 45.

Sau này, cô đã nhận được vài di vật của cha cô. Trong đó có cuốn nhật ký của ông. Cô đã đọc được trong một trang: “Tôi đã tìm thấy con bé trên Nhân dân Họa báo. Con bé trông đáng yêu hơn. Tôi đã mừng đến rơi nước mắt!”

Diễn viên múa này đã rất đau lòng, cảm thấy đau đớn khi bị Đảng lừa dối.

Vụ án của cha cô đã được giải quyết vào năm 1979. Tại lễ tưởng niệm cha, cô thú nhận: “Tôi hận chúng tôi đã quá nhu nhược. Sự hèn nhát đã khiến chúng tôi không chống chọi nổi trước những áp lực bên ngoài … Tôi hận rằng chúng tôi quá thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết đã khiến lương tâm của chúng tôi bị lừa dối. Tôi vẫn không thể tha thứ cho mình vì đã tin vào những lời nói dối buộc tội cha tôi là kẻ thù của nhân dân.”

Phản hồi của cư dân mạng về “tại sao quý vị lại ghét ĐCSTQ?”

Ngày 24 tháng 5 năm 2020, trang web “Phẩm Thông” đã đăng bài: “Tại sao quý vị lại ghét ĐCSTQ?”

Các câu trả lời hoàn toàn khác nhau: “Bởi vì nó là phản nhân tính và phản xã hội. Nó đã phạm phải quá nhiều tội ác không thể đếm xuể.”

Một số cư dân mạng đã viết về trải nghiệm của họ khi bị ĐCSTQ bức hại.

“Từ năm 1940 đến năm 1942, quân đội do ĐCSTQ lãnh đạo đã đến làng của ông bà tôi để cướp ngũ cốc 57 lần.”

“Các đảng viên ĐCSTQ Trần Nghị, Du Khải Uy và Giang Thanh đã trực tiếp giết chết ông cố nội của tôi.”

“Các cán bộ quận của ĐCSTQ đã khiến cụ cố nội tôi cụt cả tứ chi.”

“ĐCSTQ đã lập ra Công xã Nhân dân dẫn đến Nạn đói lớn và khiến hơn mười anh chị họ của tôi chết đói.”

“Một quan chức ĐCSTQ muốn hãm hiếp bà tôi và ông ta đã giết ông tôi.”

“Chính sách một con của ĐCSTQ đã giết hại hơn 20 anh em họ cùng mẹ của họ trong gia phả nhà tôi.”

Lời kết

Để sửa đổi lịch sử thực sự của Trung Quốc cho phù hợp với học thuyết cộng sản của ĐCSTQ, ĐCSTQ đã có hai “cuộc cách mạng đối với lịch sử” vào năm 1958 và 1963. Đây là một phần trong quá trình tẩy não các em học sinh nhỏ tuổi.

Tuy nhiên, cho dù ĐCSTQ có cố gắng tô điểm như thế nào đi nữa cũng không che đậy được bản chất phản nhân tính của nó.

Ông Hồ Bình, một chuyên gia về Trung Quốc, đã nói, “ĐCSTQ đã gặp bế tắc nghiêm trọng trong việc viết lại lịch sử của Đảng. Nó đã thay đổi lịch sử nhiều lần; việc viết lại diễn ra vài năm một lần. Số lần viết lại quá nhiều và phạm vi viết lại quá lớn nên cuối cùng, người dân không còn tin bất kỳ điều gì trong đó nữa.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/30/423820.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/12/195042.html

Đăng ngày 20-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share