Bài viết của Trương Thừa

[MINH HUỆ 18-08-2021] Trung Quốc đang phải hứng chịu một đợt bùng phát dịch bệnh virus corona mới khi một nhân viên dịch vụ mặt đất tại Sân bay Quốc tế Nam Kinh, tỉnh Giang Tô bị nhiễm virus sau khi vệ sinh máy bay từ Nga đến Nam Kinh hôm 10 tháng 7. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngay lập tức tiến hành xét nghiệm khuếch đại axit nucleic cho tất cả người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng, thậm chí còn phong tỏa một số khu dân cư như đã làm ở Vũ Hán vào năm 2020 khi chủng virus này bùng phát lần đầu tiên ở đó.

Trong cuộc chiến chống lại làn sóng dịch bệnh mới này, ĐCSTQ một lần nữa cho thấy nó chưa bao giờ quan tâm đến cuộc sống của người dân, ngay cả trong thời đại dịch covid.

Mọi người đều biết rằng ĐCSTQ đã bưng bít thông tin lây nhiễm virus corona trong cộng đồng khi mới bắt đầu bùng phát. Tuy nhiên, qua một số thông tin được công bố chúng ta có thể thấy sự lây lan nhanh chóng của làn sóng biến chủng Delta ở Trung Quốc.

Theo các báo cáo của Bắc Kinh, nhân viên dịch vụ mặt đất nói trên là trường hợp đầu tiên được xác nhận bị nhiễm biến thể delta. Chủng virus này đầu tiên lây lan ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, rồi tấn công Trương Gia Giới, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam. Sau đó, khách du lịch từ Hồ Nam đã mang virus về thành phố của họ, và không lâu sau, đã có hơn một nửa số tỉnh ở Trung Quốc báo cáo các trường hợp nhiễm virus corona. Dương Châu, một thành phố khác ở Giang Tô, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cách Dương Châu 3 giờ đi xe, Thượng Hải cũng báo cáo các trường hợp nhiễm virus và đóng cửa cảng Binh Ba, cảng nhộn nhịp thứ ba thế giới, trong hai tuần, gây ra hỗn loạn trong ngành vận tải biển quốc tế

Tập trung hàng loạt để xét nghiệm virus corona

Thành phố Nam Kinh, với dân số 8,5 triệu người, đã chính thức công bố các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới vào ngày 20 tháng 7. Ngay ngày hôm sau, thành phố bắt đầu tiến hành xét nghiệm ba vòng cho toàn dân (nghĩa là mỗi người dân được kiểm tra ba lần), và xét nghiệm ba vòng khác cho các nhóm nhỏ hơn (chọn từ những người đã được kiểm tra). Tổng cộng có sáu vòng kiểm tra tương đương với 40 triệu xét nghiệm đã được thực hiện. Nếu chi phí cho một lần xét nghiệm là 20 nhân dân tệ, thì tổng chi phí cho việc xét nghiệm ở Nam Kinh sẽ là khoảng 800 triệu nhân dân tệ, số tiền này có thể được sử dụng hiệu quả hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Sở dĩ ĐCSTQ có thể thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn như vậy là nhờ mạng lưới giám sát người dân của nó. ĐCSTQ đã thiết lập một “hệ thống quản lý mạng lưới”, theo đó mỗi thành phố được chia thành nhiều cụm theo mạng lưới và phân công các “quản trị mạng lưới”, là cán bộ thuộc ủy ban khu dân cư địa phương, phối hợp với đồn cảnh sát địa phương để quản lý từng mạng lưới.

“Người quản trị mạng lưới” phải huy động tất cả cư dân trong mạng lưới của họ thực hiện xét nghiệm covid. Trong ngày xét nghiệm, những chiếc loa sẽ liên tục phát đi thông báo yêu cầu mọi người phải tham gia. Thông báo này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày đến nỗi bọn trẻ cũng bắt chước nhái lại nội dung như một phần trò chơi của chúng.

Việc tiến hành xét nghiệm virus cho toàn dân có thể không sai, nhưng cách tiếp cận của ĐCSTQ trong quá trình thực hiện lại rất đáng nghi vấn. Mọi người buộc phải xếp hàng gần địa điểm xét nghiệm, trong đó chủ yếu là buồng xét nghiệm di động tạm bợ hoặc chỉ có bàn ghế. Do đông người nên mọi người có thể phải đợi hàng giờ mới đến lượt mình. Tệ hơn là không có sự giãn cách xã hội, rất nhiều người cũng không tự giác thực hiện. Vì vậy, ở khắp thành phố, có hàng trăm, hàng nghìn người đã phải chen chúc trong nhiều giờ để làm xét nghiệm.

Một người dân ở Nam Kinh viết: “Tôi thực sự lo lắng khi thấy quá nhiều người chen chúc để làm xét nghiệm. “Trong trường hợp trong số đó có một người dễ lây nhiễm, ai biết được bao nhiêu người sẽ bị nhiễm?!”

Thật không may, sự lo ngại này đã trở thành hiện thực ở Dương Châu, một thành phố cách Nam Kinh gần 100 km (60 dặm). Một người nhiễm virus làm việc tại điểm xét nghiệm đã lây nhiễm cho ít nhất 61 nhân viên xét nghiệm khác và cư dân đến tham gia xét nghiệm. Sau đó, những người này lại lây lan virus cho những người khác.

Thế nhưng hình thức xét nghiệm hàng loạt và tập trung như thế này vẫn tiếp tục diễn ra. Những người lên tiếng về mối quan ngại của họ lại bị phớt lờ hoặc bị bịt miệng.

Không quan tâm đến những người bị tác dụng phụ

Nhiều người đã đăng tải trên mạng xã hội về các tác dụng phụ của vắc-xin mà họ đã phải chịu đựng. Trong đó có cả bác sỹ đã bị co giật sau khi tiêm, cũng như những người trẻ tuổi đã phải đưa đến bệnh viện cấp cứu trong phòng chăm sóc tích cực ICU. Một gia đình đã biểu tình phản đối bên ngoài bệnh viện đã tiêm vắc-xin cho họ. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp này đều không nhận được giấy xác nhận của bệnh viện về việc vắc-xin đã gây ra tác dụng phụ. Nếu không có xác nhận của bác sĩ, những bệnh nhân này không có cách nào nhận được bồi thường từ chính phủ.

Với ngày càng nhiều ca nhiễm biến chủng của virus, ĐCSTQ hiện đang xem xét đến các mũi tiêm tăng cường vì hai mũi tiêm trước không có tác dụng ngăn chặn việc nhiễm biến chủng Delta. Chẳng hạn, trong đợt dịch mới này, nhiều người vẫn bị nhiễm dù đã được tiêm phòng đầy đủ. 90% nhân viên tại Sân bay Quốc tế Nam Kinh đã được tiêm mũi thứ hai, nhưng nhiều người vẫn bị nhiễm.

Hơn nữa, nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao được tiêm vắc-xin vào năm ngoái đã hết thời hạn tác dụng nửa năm. Và sự phát triển của vắc-xin thường đi sau các đột biến của virus. Ngay cả với một mũi tiêm tăng cường, người dân cũng không thể được bảo vệ hoàn toàn. Vậy phải cần đến mũi tiêm thứ tư, thứ năm nữa sao?

Việc không chắc chắn về hiệu quả của vắc-xin đã khiến nhiều người lo lắng, trong đó có các bậc phụ huynh có con trên 12 tuổi hiện đang bị chính phủ thúc giục tiêm vắc-xin. Các nhà chức trách cho rằng thanh thiếu niên cũng dễ bị nhiễm bệnh nên cần phải tiêm phòng. Nhưng các bậc phụ huynh đang lo ngại về những tác dụng phụ có thể xảy ra đối với trẻ. Trong một cuộc khảo sát của Ủy ban Y tế Thượng Hải đối với các bậc cha mẹ, nhiều người đã thể hiện sự phản đối gay gắt trước việc tiêm chủng cho trẻ em. Sau đó, các nhà chức trách đã hủy kết quả thăm dò này.

Dư luận rốt cuộc không thể ngăn được việc ĐCSTQ áp đặt nghĩa vụ tiêm vắc-xin lên trẻ em. Một số phụ huynh phản ánh rằng các trường học ở địa phương họ đã yêu cầu việc tiêm vắc-xin như một điều kiện tiên quyết để ghi danh.

Nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới cũng tiến hành tiêm chủng cho trẻ em, nhưng ít nhất họ cũng cho phép các bậc phụ huynh đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vắc-xin thông qua các kênh đối thoại khác nhau. Một số trường hợp được miễn trừ vì lý do y tế hoặc tôn giáo nếu đủ điều kiện. Mặc dù ĐCSTQ cũng tuyên bố cho phép miễn trừ y tế, nhưng đã có những trường hợp từng bị dị ứng với các loại vắc-xin khác trong quá khứ hoặc từng mắc các bệnh lý vẫn bị buộc phải tham gia chiến dịch tiêm chủng toàn dân.

Bỏ rơi những người bị mắc kẹt không được giúp đỡ

Giải pháp chống lại virus corona của ĐCSTQ là “cách ly” hoàn toàn những người bị nhiễm. Ngay khi phát hiện ca nhiễm, các nhà chức trách địa phương sẽ “phong tỏa” toàn bộ tòa nhà hoặc thậm chí là cả khu phố; nhiều khu dân cư ở Trung Quốc có hàng rào bảo vệ riêng nên việc phong tỏa được thực thi dễ dàng hơn. Ở một số nơi, chính quyền thậm chí còn đóng các tấm bảng chặn vào khung cửa, để người bên trong nhà không có cách nào mở cửa ra được.

Mặc dù chính phủ hứa sẽ cung cấp đầy đủ thực phẩm và các dịch vụ cho những hộ bị phong tỏa, nhưng có nhiều than phiền về việc thực phẩm không được cung cấp đủ, trong đó có rau. Các nhà chức trách đã “giải quyết” vấn đề bằng cách xóa các bài than phiền đăng trên internet và phương tiện truyền thông.

ĐCSTQ ép người dân đi tiêm phòng và chính quyền địa phương sẽ áp dụng nhiều loại hình phạt khác nhau nếu mọi người không tuần thủ. Trong khi đó, nó bịt miệng những ai lên tiếng thông báo về các vấn đề sau khi tiêm chủng.

Một người đã mô tả ĐCSTQ như sau:

“Bạn có chỗ ở hay không, họ không quan tâm; bọn trẻ có được đến trường hay không, họ không quan tâm; bạn có điều kiện để trị bệnh hay không, họ không quan tâm; thực phẩm bạn ăn có an toàn hay không, họ không quan tâm. Nhưng, họ quan tâm đến việc bạn có tiêm phòng hay không, và bắt bạn phải thực hiện! Nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào, họ không quan tâm và cho rằng: tác dụng phụ là vấn đề của chính cơ thể bạn, tại sao ĐCSTQ phải quan tâm đến điều đó?“

Ngoài ra, ĐCSTQ còn từ chối giúp đỡ hoặc cho phép các thủy thủ bị nhiễm bệnh cập cảng. Vào ngày 31 tháng 7, một thủy thủ trên tàu “Hoằng Tiến” thuộc sở hữu của công ty Panama đã bị sốt. Khi đó, con tàu đang ở gần cảng Binh Ba của Thượng Hải và yêu cầu hỗ trợ cấp cứu y tế. Vậy mà không một công ty nào ở Trung Quốc muốn giúp họ, mặc dù tất cả 20 thuyền viên trên tàu đều là người Trung Quốc. Ban quản lý cảng thậm chí còn ra lệnh cho tất cả các công ty vận tải biển không được tiếp cận hoặc giúp đỡ con thuyền đang gặp khó khăn này.

Sau đó vài ngày, một con tàu khác thuộc sở hữu nước ngoài cũng gặp phải tình trạng tương tự. Thủy thủ đoàn trên con tàu này, cũng là người Trung Quốc, đã căng biểu ngữ “Chúng tôi muốn về nhà” (bằng tiếng Trung Quốc) để phản đối.

Không được phép thảo luận về Chính sách virus corona

ĐCSTQ còn không cho phép người dân thảo luận về chính sách virus corona của nó, đặc biệt là những bình luận khác với tuyên truyền của Đảng.

Một giáo viên đã đề xuất sử dụng thành phố Dương Châu, nơi virus đang lan rộng, làm thí điểm xem liệu con người có thể chung sống với virus hay không. Anh đã bị bắt và bị tạm giam trong 15 ngày, với tội danh truyền bá những lời không đúng đắn. Chính sách virus corona của ĐCSTQ là loại bỏ hoàn toàn virus ở Trung Quốc.

bd52d224e16be4457e749b2df82b45be.jpg

Mọi người không được phép bình luận về các chính sách corona virus của ĐCSTQ.

Giáo sư Trương Văn Hoành, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu chống virus corona ở Thượng Hải, cũng đề cập đến ý tưởng “sống chung với virus”. Các phương tiện truyền thông chính thống đã chỉ trích ông về điều này.

Lời kết

Kể từ khi thành lập, ĐCSTQ luôn tự cho mình là “vị thần tối cao” và tuyên bố rằng nó có thể thắng Trời, thắng Tự nhiên. Đến khi gặp virus corona, nó tin rằng nó có thể loại bỏ chủng virus này.

Tuy nhiên, chiến lược chống virus corona của ĐCSTQ là “hy sinh” nhóm nhỏ cho nhóm lớn hơn. Nó cách ly những người bị nhiễm và những người có thể bị nhiễm để giữ an toàn cho những người còn lại. Còn vấn đề của những người bị cô lập đó nó không quan tâm.

Chiến lược này giống như cắt bỏ mảng thịt bị muỗi đốt. Mảng thịt này phải đủ lớn để bao trùm tất cả những chỗ bị nhiễm trùng, nhưng nó cũng chứa nhiều phần vô hại hơn. Những người trong mảng thịt này trở thành nạn nhân và sẽ bị loại bỏ, vì ĐCSTQ không bao giờ coi con người là con người.

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/18/429707.html

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/18/429730.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/31/194865.html

Đăng ngày 07-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share