Bài viết của Zhu Pingan

[MINH HUỆ 30-08-2021] Gần đây, chính quyền một số địa phương ở Trung Quốc Đại lục đã công khai yêu cầu tất cả người dân phải tiêm chủng, và chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu nổi lên ở khắp mọi nơi.

Hỗn loạn vắc-xin

Một số tỉnh, thành phố đe dọa sẽ sa thải các quan chức nếu họ không hoàn thành được tỉ lệ tiêm chủng 100%. Để giữ chức vụ, các quan chức đã nghĩ ra mọi biện pháp để đạt được chỉ tiêu này.

Lấy ví dụ, một số chính quyền địa phương đã yêu cầu trong vòng ba ngày, mỗi công chức phải tìm và “khuyến khích” được ít nhất hai người tiêm vắc-xin. Những công chức này sẽ bị sai thải nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ này.

Sở Y tế Thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc thông báo rằng những người từ chối tiêm vắc-xin không thuộc diện miễn trừ thì sẽ bị ghi nhận là có mức tín nhiệm thấp trong hồ sơ cá nhân của họ.

Trẻ em cũng không ngoại lệ. Huyện Chính Dương ở tỉnh Hà Nam đã ra chỉ thị yêu cầu mọi học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải trình chứng nhận tiêm chủng của cha mẹ và ông bà nội ngoại; nếu không, những học sinh này sẽ không được tới trường.

Tại một ngôi trường ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, học sinh đã được khuyến khích tố cáo những người chưa tiêm vắc-xin. Trên thực tế, mỗi học sinh được yêu cầu phải tố cáo ít nhất hai người chưa tiêm vắc-xin.

“Tội” đồng lõa cũng đã trở thành một quy định. Chính quyền thị trấn Đào Thành ở thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây đã tuyên bố rằng chính quyền trung ương đã ra chỉ thị tiêm chủng vắc-xin là “trách nhiệm” và “nghĩa vụ” mà mọi công dân phải thực hiện. Khi một người đủ điều kiện tiêm nhưng từ chối, toàn bộ gia đình của người đó sẽ bị liên lụy với tất cả các khoản trợ cấp đều bị cắt. Một video cho thấy một người đàn ông bị tàn tật ở chân do tiêm chủng khi còn nhỏ đã bị quan chức thôn dọa cắt trợ cấp tàn tật nếu anh từ chối tiêm vắc-xin Covid.

Cảnh sát cũng đã tham dự sâu vào chiến dịch này. Cảnh sát giao thông ở thành phố Bao Đầu, Khu tự trị Nội Mông đã đến các trạm thu phí trên đường cao tốc để tiêm vắc-xin cho những lái xe đi ngang qua đó. Thành phố này cũng đã cử đặc vụ giám sát từng ngôi làng, bao gồm cả cư dân bản địa lẫn người thân tới thăm, để xem họ đã được tiêm vắc-xin chưa.

Một nông dân ở huyện Bình Xương, thành phố Ba Trung, tỉnh Tứ Xuyên cho biết các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cảnh sát ở địa phương của ông đã rất điên cuồng manh động. Hơn chục cảnh sát đã tới nhà ông, ấn ông xuống sàn và cưỡng chế tiêm vắc-xin cho ông.

1,9 tỷ liều nhưng không có trường hợp thương vong?

Giống như nhiều phong trào khác của ĐCSTQ, không một tiếng nói nào được cho phép ngoại trừ tiếng nói của đảng. Một nhóm WeChat do các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Bệnh viện Huyện Quán Đào, tỉnh Hà Bắc lập ra cho thấy bệnh viện này bị cấm đưa ra bất kỳ báo cáo chuẩn đoán nào để đảm bảo quyền miễn trừ tiêm chủng. Nói cách khác, bệnh viện này được chỉ định tiêm chủng mà không cần quan tâm tới những trường hợp chống chỉ định. Để cưỡng chế tiêm chủng, chính quyền cấp dưới của ĐCSTQ hoặc các tổ chức đã không quan tâm tới mạng sống của người dân.

Tuy nhiên, theo nhiều bài viết và bản tin trực tuyến của Đài châu Á Tự do (RFA), chỉ tính riêng trong tháng vừa qua đã có ít nhất hơn chục đơn khiếu nại về các trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong sau khi tiêm vắc-xin, được ghi nhận ở thành phố Lạc Sơn (tỉnh Tứ Xuyên), các thành phố Trương Gia Cảng và Giang Âm ở tỉnh Giang Tô và nhiều địa phương khác. Thế nhưng, các quan chức đã kiểm duyệt chặt chẽ những thông tin này. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác đã công bố dữ liệu về bất kỳ tác dụng phụ hay sự việc bất thường nào [của vắc-xin]. Còn ở Trung Quốc, sau khi 1,9 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm chủng nhưng không hề có một trường hợp nào bị tác dụng phụ hay tử vong nào được công bố. Làm sao có thể như vậy được?

Bất chấp chiến dịch tiêm chủng của ĐCSTQ, tác dụng thực tế của vắc-xin vẫn là câu hỏi được bàn luận rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Trong đợt bùng phát mới đây ở hai thành phố Nam Kinh và Dương Châu của tỉnh Giang Tô, những người nhiễm bệnh chủ yếu là những người đã được tiêm chủng đầy đủ, một số người trong số đó vẫn bị ốm nặng hoặc nguy kịch sau khi nhiễm virus. Ngày 21 tháng 8, Thượng Hải đã xác nhận có 5 ca lây nhiễm mặc dù tất cả họ đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vắc-xin, đặc biệt là khi một số trường học đang bắt buộc học sinh phải tiêm vắc-xin trước khi bước vào năm học mới. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ phụ huynh. Một phụ huynh nói: “Nếu có điều gì không ổn với con tôi bởi tiêm vắc-xin, tôi sẽ không bỏ qua đâu”.

Theo một báo cáo của BBC, trong số 26 bác sỹ ở Indonesia đã chết bởi virus corona vào tháng 6 năm nay, có ít nhất 10 người đã được tiêm vắc-xin CoronaVac (hay còn gọi là SinoVac) của Trung Quốc. Trên thực tế, tất cả những người này đã được tiêm hai liều vắc-xin (SinoVac).

Những trường hợp trên đây đã cho thấy rằng vắc-xin của ĐCSTQ đã không thể chứng minh được tính hiệu quả của nó trong cả hai tiêu chí, đó là chống lại virus, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và tỷ lệ tử vong. Ngay cả vắc-xin ở các nước phát triển cũng đã cho thấy xu thế gia tăng các trường hợp virus đột biến, có nghĩa rằng vai trò của vắc-xin đang khiến nhiều nhà khoa học cũng như chính phủ vô cùng bối rối.

Chiến dịch tiêm chủng bắt buộc của ĐCSTQ không phải là vì sức khỏe của người dân hay vì mục tiêu mở cửa đất nước trở lại sau khi miễn dịch cộng đồng đạt tới một mức độ nhất định (chẳng hạn, Singapore đã mở cửa trở lại sau khi 80% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ) mà thuần túy là để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Bởi vì, khi một người bị lây nhiễm sau khi đã tiêm vắc-xin, trách nhiệm không còn thuộc về những người lãnh đạo chính quyền nữa mà là “lỗi của vắc-xin”.

Phiên bản mới của cuộc “Đại nhảy vọt”

Việc ĐCSTQ sử dụng các biện pháp cực đoan, thậm chí là bạo lực để bắt buộc tiêm chủng đã nhắc người ta nhớ đến cuộc vận động Đại Nhảy vọt (1958-1962).

Sản lượng thông thường trên một mẫu đất ( khoảng 648m2) vào khoảng vài trăm kilogram lúa gạo, nhưng không thể vượt quá 350 hay 400kg. Thế nhưng, vào năm 1958, sau khi ĐCSTQ phát động chiến dịch Đại nhảy vọt để tiến lên chủ nghĩa cộng sản, nó đã kêu gọi nông dân sản xuất lúa gạo nhiều nhất có thể. Mặc dù người nông dân hồ nghi, nhưng một số cán bộ thôn đã đáp lại lời kêu gọi của đảng bằng cách trộn sản lượng lúa gạo của 10 mẫu ruộng (mẫu Anh) với nhau rồi tuyên bố rằng đây là sản lượng của 1 mẫu, theo đó, sản lượng lúa gạo đã được thổi phồng một cách giả tạo.

Ngày 8 tháng 6 năm 1958, Nhân dân Nhật báo công bố một báo cáo tuyên bố rằng đội sản xuất thứ hai của hội nông nghiệp vệ tinh ở huyện Toại Bình, tỉnh Hà Nam có sản lượng lúa gạo trung bình khoảng 955kg mỗi mẫu. Sau khi tin tức này được lan truyền, vào ngày 12 tháng 6 năm đó, Nhân dân Nhật báo lại công bố một báo cáo khác nói rằng đội sản xuất thứ nhất của hội nông nghiệp vệ tinh ở huyện Toại Bình có sản lượng lúa gạo trung bình khoảng 1,6 tấn mỗi mẫu. Một tháng sau, vào ngày 12 tháng 7, Nhân dân Nhật báo công bố báo cáo thứ ba nói rằng xã Thành Quan ở huyện Tây Bình, tỉnh Hà Nam có sản lượng khoảng 3,3 tấn mỗi mẫu (khoảng 0,4 hecta).

Ai cũng biết rằng đã có hơn 30 triệu người chết đói trong suốt ba năm nạn đói, từ năm 1959 tới năm 1961. Thậm chí, cựu chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã nói rằng đó không phải là thiên tai mà là nhân họa. Giờ đây, nhiệm vụ vắc-xin giống như một phiên bản nâng cấp của thảm họa Đại Nhảy vọt, đang đẩy nhân dân Trung Quốc vào một hoàn cảnh nguy hiểm hơn khi đối mặt với sự hoành hành của virus đột biến.

Lời kết

Hơn 70 năm trước, từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã nhồi nhét hệ tư tưởng vô thần đấu trời đấu đất với tuyên bố “nhân định thắng Thiên”.

Tuy nhiên, cho dù đó là virus corona, lũ lụt ở Trịnh Châu hay những thiên tai và nhân họa liên tiếp xảy ra trong hai năm qua, tất cả đều đã khiến người ta cảm thấy rằng con người yếu thế như thế nào trước thảm họa, và khẩu hiệu “nhân định thắng Thiên” lố bịch tới mức nào.

Trên thực tế, thời Trung Quốc cổ đại, người dân nói chung đều tin vào mối quan hệ hài hòa giữa Thiên-Địa-Nhân. Họ hiểu rằng chỉ khi trọng đức hành thiện con người mới nhận được phúc báo.

Trong khi ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất của thế giới và các học viên Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất bị ĐCSTQ đàn áp, những ai ủng hộ các học viên Pháp Luân Công vô tội sẽ được nhận phúc báo.

Rất nhiều trường hợp được công bố trên Minh Huệ Net cho thấy nhiều người đã bình phục nhanh chóng sau khi niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Trên thực tế, trong thế giới đầy hỗn loạn này, đây là biện pháp bảo vệ và ban phúc lành cho mọi người, bởi nó có thể đảm bảo sự bình an và an toàn cho người ta khi phải đối mặt với thiên tai nhân họa.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/30/430075.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/4/194919.html

Đăng ngày 12-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share