Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 29-05-2021] Mười năm trước tôi đã chuyển tới định cư ở Hoa Kỳ và cho rằng bản thân đã chú trọng đến việc tu bỏ văn hoá đảng. Nhưng cách đây hai năm, sau khi kết hôn với người chồng hiện tại (anh là một học viên Pháp Luân Đại Pháp phương Tây), tôi mới bắt đầu nhận thức được văn hóa đảng đã ăn sâu vào con người tôi như thế nào.

Lễ nghi trong sinh hoạt

Tôi chưa từng nghĩ mình là một người sinh hoạt cẩu thả. Năm ngoái do đại dịch bùng phát nên cả tôi và chồng đều phải làm việc từ xa. Tôi vẫn mặc quần áo thông thường khi làm việc. Còn chồng tôi thì khác, sau khi ăn sáng xong, anh luôn thay quần áo chỉnh tề và chải đầu trước khi ngồi vào bàn làm việc giống như khi anh đang ở văn phòng.

Trong mỗi bữa ăn, chồng tôi luôn trải tấm lót trước. Sau đó, anh ấy đặt đĩa thức ăn của mình lên tấm lót trước khi bắt đầu ăn. Khi tôi dùng đũa để gắp thức ăn trong các món ăn dùng chung thì anh ấy nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ. Tôi nhận ra và hỏi liệu anh ấy có nghĩ thói quen ăn uống của tôi hơi thô lỗ không, thì anh ấy trả lời: “Ồ, anh thấy nó hơi bất thường”.

Tôi thường ăn rất nhanh và tâm trí hay nghĩ tưởng đến những vấn đề khác trong khi ăn. Còn chồng tôi thì ăn khá từ tốn, đôi khi anh còn nhắm mắt hít thở sâu và thưởng thức hương vị của đồ ăn. Kỳ thực đó là do anh dụng tâm hưởng thụ mĩ vị và thể hiện sự tôn trọng đối với mọi thứ, bao gồm cả đồ ăn.

Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa, con người thường chú trọng đến lễ nghi. Hoàng đế luôn dẫn đầu quần thần trong triều làm nghi lễ bái thiên địa trong những dịp lễ quan trọng.

Tôi có một thói quen bật loa ngoài trên điện thoại di động khi gọi điện thoại. Điều đó mang lại tiện lợi cho tôi, nhưng tôi lại không để ý xem nó ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Chồng tôi thì luôn đeo tai nghe và còn đóng cửa phòng khi phải thực hiện cuộc gọi thời gian lâu để tránh làm phiền đến tôi.

Mỗi lần tôi giải thích điều gì đó với chồng mình, đôi khi thanh âm trong giọng nói của tôi trở nên ngày một lớn hơn. Anh thường ngăn tôi lại và nói: “Em đừng giận dữ như vậy”. Tôi nghĩ rằng mình không tức giận mà chỉ muốn giải thích rõ ràng mọi chuyện. Nhưng trong mắt anh ấy thì tôi đã bị kích động rồi.

Sư phụ giảng:

“Người Trung Quốc đi đâu cũng nói chuyện ồn ào to tiếng, gọi nhau lớn tiếng, người ta ở Đại Lục quen thế rồi, [nhưng] xã hội quốc tế không chịu nổi, cái này là cần sửa. Nhưng hình tượng người Đại Lục, quả thực khiến thế giới tạo thành ấn tượng thế rồi, người Trung Quốc ở nước ngoài đều cảm thấy rất xấu hổ, rất mất mặt. Nhưng chư vị biết chăng? Tà đảng Trung Cộng không hề nói những điều này cho người Trung Quốc, không dạy những thứ ngay chính cho người ta, mà là có mục đích khiến người thế giới thấy người Trung Quốc như thế, nó chính là muốn huỷ mất hình tượng của các vị, phá hoại tôn nghiêm của các vị, tự người ta rất khó cảm giác ra. Tôi nghĩ, có thể là cơ hội ra [nước ngoài] nhiều lên, dần dần sẽ cảm thấy xã hội này là khác, dần dần cũng sẽ chú ý ra, cũng sẽ trở thành tốt. Thói quen đã dưỡng thành quả thực rất khó bỏ, văn hoá tà đảng dạy người ta đấu [đá] khiến cả tính cách người ta cũng biến đổi. [Thành] tính cách cứ phải bộc phát lập tức thì mới thoải mái, tà đảng Trung Cộng dạy những thứ đó, không đổi đi thì quả thực không được“. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Văn hóa đảng trong thể hệ ngôn ngữ

Trong quá trình giao tiếp hàng ngày với chồng mình, tôi phát hiện ra văn hóa đảng đã ảnh hưởng tới cách thức tôi biểu đạt và những gì mà tôi nói. Tôi thường tự cho mình là trung tâm và bỏ qua cảm xúc của người khác.

Chẳng hạn, khi ai đó hỏi tôi có cần thứ gì không, tôi thường thốt lên: “Không”. Chồng tôi thì lịch sự trả lời: “Cảm ơn ý tốt của bạn, nhưng tôi không cần gì cả”. Đem ra so sánh thì câu trả lời của tôi dường như đang phủ định đối phương.

Tôi thường nói: “Anh có thể”, chẳng hạn: “Anh có thể ăn món này. Em không muốn ăn nó nữa”. Chồng tôi sau đó đã chỉ cho tôi cách nói đúng nên là: “Hoan nghênh anh dùng nốt món ăn này”. Câu trả lời của anh ấy cho phép đối phương được lựa chọn, trong khi ngôn từ của tôi lại giống như đưa ra mệnh lệnh.

Tôi cũng thường nói: “Anh nên làm như thế này” và “Anh đã hiểu chưa?”. Chồng tôi đề xuất tôi nên thay thế bằng câu: “Anh đã từng thử cách làm này” và “Lời em nói có giúp anh hiểu rõ hơn không?”

Xét về mặt tôn trọng người khác, khi chồng tôi muốn đề nghị tôi ăn món gì đó, anh ấy sẽ hỏi: “Em có phiền nếu…?”. Ngược lại, khi tôi muốn anh ăn thử một số món ăn ngon, tôi sẽ đưa thẳng vào miệng anh mà không cần hỏi. Giờ đây, tôi đã hiểu rằng việc áp đặt một thứ gì đó mà bản thân tôi cho là tốt lên người khác chính là không tôn trọng họ.

Để mô tả điều gì đó mà bản thân mình không thích, tôi thường nói: “Thứ đó không tốt”. Chồng tôi đã chỉ ra rằng tôi đang đưa ra định nghĩa cho sự vật dựa trên cảm xúc của bản thân. Anh gợi ý tôi nên thay thế bằng cách nói: “Em không thích điều này” vì đó là cảm nhận của cá nhân tôi. Trên thực tế, tôi cũng chưa từng nghe qua anh nói: “Anh không thích nó”, mà anh hay biểu đạt ý kiến của mình một cách uyển chuyển hơn để thể hiện sự tôn trọng.

Có một lần tôi mua tặng anh một chiếc cà vạt. Mặc dù anh không thích hoa văn trên chiếc cà vạt này, nhưng thay vì trực tiếp bày tỏ mình không thích thì anh nói: “Có lẽ anh cần thêm một chút thời gian để cảm nhận được vẻ đẹp của chiếc cà vạt”. Một lúc sau, anh nói rằng hảo cảm của anh đối với chiếc cà vạt đang “tăng lên” rồi.

Lời nói của anh khiến tôi thực sự cảm động. Tôi nhận ra mình vẫn còn một chặng đường dài tu luyện để làm được tu khẩu.

Khi tôi phàn nàn về ai đó với chồng mình, anh ấy lắng nghe một lúc và hỏi: “Em không thích người đó phải không?”. Tôi thừa nhận điều này, sau đó anh chỉ ra rằng tôi có tâm tật đố.

Tôi ý thức được những người phương Tây thông thường không có nghi tâm đối với người khác. Họ cũng sẽ không chỉ trích người khác.

Tôi hay nói: “Tại sao không?” và tôi nhận thấy cách mà tôi nói về mọi thứ có chứa đựng tâm tranh đấu. Ví dụ, khi tôi hỏi: “Tại sao bạn không đóng cửa?”, kỳ thực là tôi đang đổ lỗi cho người khác và đây chính là một phần trong triết học đấu tranh của tà đảng tạo nên.

Xác định được các tư duy phụ diện

Một trong những ưu điểm của chồng tôi mà tôi cảm thấy ngưỡng mộ nhất chính là tư duy tích cực của anh trong mọi vấn đề.

Khi tôi phàn nàn về cơn đau ở chân khi thiền định thì anh nói: “Tốt quá rồi. Cơn đau xuất hiện khi đả toạ là hảo sự, càng đau nhiều thì nghiệp lực bị tiêu trừ càng nhiều! ”

Nếu công việc của anh diễn ra không thuận lợi, chẳng hạn như anh để lỡ mất một hợp đồng, anh cũng không phàn nàn. Thay vào đó, anh nói rằng anh đã học được thêm một bài học kinh nghiệm.

Khi chúng tôi ra ngoài đi dạo, chồng tôi không bao giờ khóa cửa nhà vì anh tin rằng không có người xấu. Khi bước ra khỏi xe, anh không những không khóa cửa xe mà còn ném chìa khóa lên trên ghế lái. Tôi luôn nghĩ: “Anh đúng là đang tạo điều kiện cho kẻ cắp hành sự!”

Anh đã mang theo một máy ảnh chuyên nghiệp khi chúng tôi tới thăm một viện bảo tàng. Đang tham quan thì đột nhiên anh hỏi: “Máy ảnh của anh đâu rồi nhỉ?”. Tim tôi như thắt lại và tôi nghĩ rằng chiếc máy ảnh đã bị đánh cắp rồi. Nhưng anh vẫn giữ bình tĩnh và nói: “Không sao, anh sẽ đến quầy lễ tân hỏi”. Anh ung dung bước đi và một lúc sau quay trở lại cùng với chiếc máy ảnh. Quả nhiên là ai đó đã nhặt được chiếc máy ảnh và gửi nó ở quầy lễ tân.

Tôi vô cùng cảm khái trước sự văn minh của xã hội phương Tây! Tôi cũng rất ấn tượng về chồng mình bởi anh chưa bao giờ nghĩ rằng chiếc máy ảnh bị đánh cắp. Kỳ thực, điều này đã cho thấy tín tâm kiên định của anh vào Đại Pháp: nếu nó là của bạn thì sẽ không mất.

Tôi nhớ tới bài thơ của Sư phụ:

“Tục Thánh nhất khê gian

Tiến thoái lưỡng trùng thiên”. (Nhất niệm, Hồng Ngâm III)

Diễn nghĩa:

“Giữa tục và Thánh chỉ cách nhau một lằn suối nhỏ

Tiến hay thoái là khác nhau hai tầng trời”. (Một niệm, Hồng Ngâm III)

Tôi ngộ ra rằng: khi một người phát sinh tư tưởng phụ diện hoặc ác niệm, thì thế giới đối ứng của họ sẽ u tối và tiêu cực. Còn khi tư tưởng của một người là chính diện hoặc thiện niệm xuất lai thì thế giới của người đó sẽ tươi sáng và khắp nơi sẽ được Phật quang phổ chiếu.

Tôi nhận ra những suy nghĩ của mình thường là tiêu cực. Khi gặp phải khó khăn, tôi có xu hướng nghĩ đến những kết quả bất hảo và có tâm lý đề phòng người khác. Trong một xã hội bị tà linh cộng sản thống trị, người ta không tín Thần và tiêu chuẩn đạo đức đã trượt xuống tiêu chuẩn rất thấp. Mọi người thường xem nhau như kẻ thù. Họ không ngừng đề phòng lẫn nhau, tựa như là chỉ có làm vậy mới khiến họ có cảm giác an toàn.

Chứng kiến trạng thái chính thường của một người phương Tây trong xã hội phổ thông, tôi mới nhận ra rằng những tư tưởng và cảm xúc phụ diện không phải xuất phát từ bản tính thuần chân của chúng ta. Trong phần Luận ngữ, Khổng Tử đã nhắc đến: “Tứ hải giai huynh đệ”. Đó mới chính là quan hệ giữa người với người được đề xuất trong văn hóa truyền thống Trung Hoa .

Gần đây, một thành viên trong gia đình tôi đang sống ở Trung Quốc nói rằng: “Ngày nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thúc đẩy việc khôi phục lại văn hóa truyền thống”. Tôi đã nói với họ: “Muốn làm được vậy thì phải hiểu rõ cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Hoa là tín Thần, kính Thiên”.

Tu bỏ thói quen kiểm soát người khác

Tôi đã không nhận ra bản thân mình thích kiểm soát người khác cho đến khi sống cùng với chồng.

Lúc anh đang lái xe, mặc dù tôi ngồi trên ghế phụ nhưng tôi lại là người chỉ đạo. Tôi liên tục nhắc anh: “Hãy đi chậm lại, anh nhìn bên này, nhìn bên kia xem”, v.v… Cuối cùng anh nói với tôi: “Anh là người lái xe, anh sẽ tự quan sát”. Rốt cuộc tôi phải nhắm mắt lại để không tiếp tục chỉ dẫn cho anh nữa.

Tại sao tôi lại hành xử như vậy? Tôi nhận ra lý do đó là tôi muốn kiểm soát người khác và tôi cũng không hoàn toàn tin tưởng anh ấy.

Một lần khi chúng tôi đang khiêng một chiếc ghế sofa, tôi lập tức ra lệnh: anh nên khiêng ở bên nào, ai nên đi trước, chúng ta sẽ đi theo hướng nào… cho đến khi chồng tôi nói: “Anh mới là đàn ông ở đây.”

Tôi nhớ tới lời Sư phụ giảng:

“Nữ nhân cương tiêm sính hào cường

Phù táo ngôn khắc bả gia đương”. (Âm dương phản bối, Hồng Ngâm III)

Diễn nghĩa:

“Nữ nhân sắc sảo thích khoe mạnh bạo

Ngôn từ xốc nổi làm chủ gia đình”. (Âm dương đảo ngược, Hồng Ngâm III)

Nhìn lại những hành vi của mình trong thời gian qua, tôi nhận thấy nó ẩn chứa một nhân tố của tà đảng: “Thao túng toàn diện”. Trong một xã hội thông thường, mỗi người đều chú trọng làm tốt mọi việc. Mọi người tôn trọng lẫn nhau. Việc kiểm soát là không cần thiết và không được chào đón.

Lời kết

Tôi thực lòng cảm tạ người chồng học viên của mình, anh giống như một tấm gương phản chiếu cho tôi nhìn thấy tư duy văn hóa đảng còn tồn tại của bản thân. Đồng thời tôi cũng nhận thức được mức độ độc hại mà văn hóa đảng đã đầu độc con người thế gian. Trong một gia đình không có văn hóa đảng, chúng tôi sống với nhau thoải mái, hòa thuận và tương kính như tân.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/29/426266.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/9/193611.html

Đăng ngày 13-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share