Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-01-2021] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khi còn đang học tiểu học. Hiện nay tôi đang ở độ tuổi trung niên. Khi còn nhỏ, tôi thường cùng mẹ tham gia lớp học Pháp nhóm và các hoạt động giới thiệu pháp môn tu luyện này.
Sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã bắt đầu tham gia hạng mục sản xuất tài liệu giảng chân tướng ở địa phương. Vì là một trong số ít các học viên trẻ tuổi nên tôi được giao rất nhiều công việc đòi hỏi về kỹ thuật. Tôi đã làm việc này trong suốt nhiều năm.
Đến khi trưởng thành, tôi đã dành phần lớn thời gian cho gia đình và công việc của người thường nên thời gian làm việc Đại Pháp của tôi ngày một ít đi. Chẳng những thế, việc tôi làm hạng mục sản xuất tài liệu giảng chân tướng trong một thời gian dài đã khiến tôi thấy nhàm chán và nảy sinh ý nghĩ: “Khi nào Chính Pháp mới kết thúc? Khi nào thì tôi không phải làm các tài liệu giảng chân tướng nữa?”
Mặc dù tôi nhận ra suy nghĩ này không đúng và ngay lập tức phủ nhận nó, nhưng tôi lại không chú ý đến những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với ba việc tôi phải làm. Tôi phát chính niệm để thanh trừ nó nhưng xuất phát điểm là vì tôi muốn có cảm giác an tâm và nhẹ nhõm. Thay vì phải quy chính lại cách nghĩ thì tôi lại biện minh rằng dù sao tôi cũng đã làm việc này suốt nhiều năm. Ý nghĩ sai trái đó chính là khởi nguồn cho những sơ hở trong tu luyện của tôi ngày hôm nay.
Sau đó, một chuyện lớn đã xảy đến với gia đình tôi khiến tôi phải gánh chịu một đại nạn. Do cuộc sống bình thường của tôi bị xáo trộn nên tôi đã dừng làm tài liệu giảng chân tướng. Mỗi ngày tôi đều bận rộn với các lợi ích của gia đình. Khi vấn đề không thể giải quyết, tôi lại hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân xuống từng chút một để phù hợp với người thường, với cái cớ là để phù hợp tối đa với trạng thái của người thường.
Tuy nhiên, khi tôi càng trở nên giống với người thường thì những đòi hỏi với tôi càng nhiều hơn và dĩ nhiên khổ nạn càng kéo dài. Cuối cùng tôi cũng thấy bản thân bị kiệt sức và từ bỏ chúng. Tôi nghĩ: “Mục tiêu không nhất thiết là thứ mình phải cố đạt được. Miễn là mình cố gắng hết sức là được”. Tôi tự nhủ không được chấp trước vào kết quả, hãy xem xét mọi việc bằng chính niệm và để nó qua đi.
Đến một ngày, có một sự việc tưởng chừng như không thể giải quyết được trong vài năm thì đột nhiên lại hoàn thành trong vòng hai tháng.
Đầu năm nay, vợ tôi (không phải là học viên) đưa con gái bảy tháng tuổi của chúng tôi đi kiểm tra sức khỏe. Cháu bị phát hiện mắc chứng thiếu máu và có số lượng tiểu cầu thấp. Bác sĩ yêu cầu cho cháu nhập viện để xác định nguyên nhân. Tôi nghĩ chắc là do cháu thiếu dinh dưỡng vì thức ăn duy nhất của cháu là sữa công thức.
Vài ngày sau, bác sĩ điều trị nói với tôi: “Các xét nghiệm thông thường hiện tại không giúp chúng tôi tìm được nguyên nhân về bệnh tình của cháu, nhưng chúng tôi nghi ngờ đó là căn bệnh ung thư máu”. Tôi giật mình nghĩ: “Chắc có gì đó không ổn, tất cả con cái của đệ tử Đại Pháp đều đến vì Pháp kia mà”.
Tôi nhận ra đây là can nhiễu và tăng thời gian phát chính niệm mỗi ngày. Tôi cũng hướng nội để tìm ra sơ hở nào trong tu luyện đã bị tà ác dùi vào.
Tôi đề nghị các đồng tu phát chính niệm hỗ trợ. Một đồng tu nói với tôi: “Anh cứ bình tĩnh, đừng đối đãi với vấn đề bằng tư duy của người thường mà hãy dùng chính niệm của đề tử Đại Pháp”.
Một tuần trôi qua, bệnh viện đã làm rất nhiều xét nghiệm. Bác sĩ thông báo: “Chúng tôi vẫn không tìm được nguyên nhân bệnh của cháu. Nó có vẻ không giống với các bệnh phổ biến về máu. Chúng tôi khuyên anh nên đưa cháu đến khám các bác sĩ ở Bắc Kinh hoặc Thiên Tân”.
Thiếu sót trong tu luyện được phơi bày
Tôi nghĩ về điều này và thấy thật kỳ lạ. Bác sỹ đã không chẩn đoán ra bệnh, có nghĩa là không xác định được bệnh của cháu là gì. Tôi phải tăng cường chính niệm, tìm cho ra nguyên nhân và phủ định nó. Tôi thừa nhận bản thân đã chểnh mảng trong tu luyện suốt vài năm qua. Tôi đã quá bận rộn với công việc của người thường và gia đình mà không kiên trì học Pháp, tâm trí cũng không thể tập trung khi học Pháp.
Vài ngày sau, vợ chồng tôi đưa cháu đến Thiên Tân để kiểm tra sức khỏe và đăng ký được giường nằm trong bệnh viện. Cháu được bác sỹ tiến hành thêm rất nhiều xét nghiệm và phải chịu nhiều đau đớn. Bác sĩ nói với chúng tôi một tuần sau sẽ có kết quả kiểm tra.
Bệnh viện chỉ cho phép cha mẹ được chăm sóc cháu bé nên vợ tôi quyết định ở lại bệnh viện. Hàng ngày tôi đi đi về về giữa bệnh viện và khách sạn để mang đồ ăn và nhu yếu phẩm cho vợ. Khi ở một mình trong khách sạn, tôi học Pháp, phát chính niệm và hướng nội.
Một tuần trôi qua, bác sĩ nói: “Thật khó có câu trả lời nhưng tôi phải đợi tất cả các xét nghiệm mới có thể thảo luận với các bác sỹ chuyên khoa. Trường hợp của cháu rất khó chẩn đoán”.
Khi tôi quay lại khách sạn, tôi gọi điện cho một đồng tu để nói cho anh ấy biết tình hình. Anh ấy an ủi tôi: “Có khi không có kết quả lại là tin tốt”. Anh ấy kể cho tôi nghe về giấc mơ của anh ấy. Anh ấy mơ thấy tôi đang ngồi trước cửa nhà. Mặc dù có nhiều người cố kéo tôi lên nhưng tôi vẫn không chịu đứng dậy. Trong tay tôi là một chiếc bát bị thủng một lỗ ở đáy.
Cả tôi và người đồng tu đều ngộ ra “lỗ thủng” có nghĩa là “thiếu sót”. Vậy thì thiếu sót đó nằm ở đâu? Anh ấy khuyên tôi: “Chỉ có anh mới biết được vì anh là người hiểu rõ hoàn cảnh của mình nhất. Hãy hướng nội tìm. Nếu đấy là một vấn đề lớn thì có thể anh đã phát hiện ra từ lâu rồi. Nó cũng có thể là một vấn đề không lớn nhưng chắc hẳn sẽ rất quan trọng”.
Là một đệ tử Đại Pháp, tôi luôn có niềm tin vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp. Niềm tin ấy chưa bao giờ dao động. Tôi cũng chưa từng làm gì trái đạo lý. Tôi ngẫm lại về những trải nghiệm của bản thân trong vài năm qua nhưng vẫn không thể tìm ra điều gì.
Cho đến một ngày, khi đưa thức ăn đến cho vợ, tôi trông thấy nhiều người đang nói về chuyện gì đó với vẻ mặt đầy lo lắng và đau khổ. Tôi hỏi vợ mình về chuyện gì đã xảy ra.
Cô ấy kể chuyện có một đứa trẻ tám hay chín tuổi gì đó mới kết thúc đợt hóa trị và chuẩn bị xuất viện thì chẳng may ngã bị thương khi đang ngồi chơi trên giường, trong lúc người mẹ vào nhà tắm. Đối với những bệnh nhân ung thư, chảy máu rất dễ dẫn đến tử vong. Lúc đó toàn bộ nhân viên y tế đang cấp cứu cho cháu bé.
Một lúc sau, chúng tôi nghe thấy tiếng mẹ đứa trẻ khóc trong phòng cấp cứu, đứa trẻ ấy đã qua đời.
Chú ý đến những việc nhỏ
Tôi thốt lên: “Trời ơi! Con người sống thật khổ sở. Cầu mong Chính Pháp sớm kết thúc. Đến lúc đó, sẽ không còn ai phải đau khổ nữa”. Ngay khi nói ra điều này, tôi nhận thấy có điều gì đó không đúng.
Vợ tôi nói: “Anh không thấy mỗi lần anh bất lực trước khó khăn là anh lại nói những lời tiêu cực như vậy hay sao?”
Tôi giật mình khi nghe thấy những lời cô ấy nói. Đôi khi tôi tùy hứng nói điều gì đó mà không suy nghĩ, nhưng khi tôi thường xuyên làm như vậy thì sẽ hình thành một chấp trước mà tôi không nhận ra và cho rằng suy nghĩ đó là hợp lý. Vì trước đây cuộc sống của tôi đã trải qua nhiều khó khăn và đau khổ nên khi nhìn thấy người khác đau khổ thì suy nghĩ đó của tôi lại nổi lên.
Tôi hướng nội khi quay về khách sạn. Tôi nhớ lại giấc mơ lúc trước người đồng tu kể cho tôi. Tôi chợt ngộ ra giấc mơ đó chẳng phải ngụ ý về chấp trước này của tôi hay sao?
Trong mơ, tôi ngồi trên nền đất mà không chịu đứng lên, chẳng phải tôi đang bị tụt lại phía sau hay sao? Cầm chiếc bát trong tay cũng chính là tôi đang mong đợi Chính Pháp kết thúc phải không? Phải chăng cái lỗ thủng nhỏ ở đáy bát ngụ ý thiếu sót do chấp trước này của tôi tạo nên?
Tôi đã tu luyện Đại Pháp nhiều năm và vững tin về bản thân là một học viên Đại Pháp. Nhưng tôi nhận thấy bản thân đã hình thành một trạng thái tiêu cực muốn tránh né khó khăn sau khi đã phải trải qua nhiều gian khổ trong quá khứ. Khi đối diện với khổ nạn, tôi luôn thở dài tuyệt vọng và cảm thấy bản thân chẳng làm được gì. Tâm thái này không đúng đắn và tôi cần phải chính lại nó.
Sư phụ giảng:
“Cật khổ đương thành lạc”. (Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
“Lấy chịu khổ làm vui”. (Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm)
Theo thể ngộ của tôi, khi đối diện với khó khăn thì đừng quá coi trọng nó. Tôi không nên có tâm thái tiêu cực trước khổ nạn. Tôi nên đối diện với mọi tình huống bằng một tinh thần lạc quan. Những người xung quanh sẽ nhìn thấy tôi hàng ngày, họ sẽ lý giải thế nào về trạng thái tiêu cực đó của tôi. “Liệu có phải tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp đều như vậy không? Có vẻ họ hay nhìn nhận vấn đề một cách tiêu cực”. Vậy nên, tôi cần phải cho mọi người thấy hình ảnh của một đệ tử Đại Pháp chân chính là như thế nào.
Ngày hôm sau, tôi mang đồ ăn đến cho vợ. Dù cả hai chúng tôi đều có tâm trạng không mấy vui vẻ nhưng tôi vẫn cố gắng động viên cô ấy và giữ tinh thần lạc quan. Nhờ đó tâm trạng của cô ấy cũng trở nên tốt hơn.
Tuần tiếp theo trôi qua mà bác sỹ vẫn chưa có kết quả chẩn đoán. Tôi đến gặp bác sĩ để hỏi, ông ấy nói: “Trường hợp của cháu, bệnh ung thư máu có thể được loại trừ”. Tôi rất vui mừng khi nghe thấy bác sỹ nói vậy và đề nghị: “Xin bác sỹ hãy chữa trị cho cháu”. Ông ấy trả lời: “Chúng tôi sẽ cho anh biết liệu trình điều trị sau hai ngày nữa”.
Sau đó hai ngày, bác sĩ lại nói với tôi: “Anh hãy chuẩn bị tinh thần, tình trạng của cháu có thể thay đổi. Chúng tôi cũng không chắc bệnh ung thư máu có thể được loại trừ hay không”. Bệnh viện không đưa ra được chẩn đoán chắc chắn nào về bệnh của cháu. Họ muốn chúng tôi ở lại lâu hơn để có thể kết hợp điều trị và xác định nguyên nhân bệnh (hầu hết bệnh nhân ở lại bệnh viện đều là để điều trị dài hạn).
Con chúng tôi trông không có vẻ bị ốm nên tôi thấy việc tiếp tục ở lại bệnh viện không phải là một ý kiến hay. Tôi bàn với vợ: “Chúng ta hãy về nhà thôi! Đứa con bé bỏng của chúng ta đang phải chịu khổ cực khi ở đây đó em”.
Khi chúng tôi trở về nhà, tôi quyết định cho cháu nghe băng ghi âm các bài giảng Pháp của Sư phụ. Khi cháu chơi một mình, tôi đặt đài bên cạnh để cháu nghe. Khi tôi đọc Pháp, tôi cho cháu ngồi nghe cùng. Tôi cũng cho cháu xem tôi luyện công.
Một đêm trong lúc ngồi đả tọa, tâm trí tôi chợt hiện ra một đoạn Pháp Sư phụ giảng. Tôi ngộ ra rằng những gì xảy đến với con tôi khác biệt với những điều tôi từng trải qua. Tôi không biết làm thế nào để giải quyết được vấn đề. Điều này là do tôi đã không ngộ ra những gì đang xảy ra với con tôi là để khảo nghiệm đức tin của tôi đối với Sư phụ và Đại Pháp.
Lúc đó tôi đã phát chính niệm để thanh trừ những suy nghĩ tiêu cực và cầu xin Sư phụ gia trì chính niệm cho mình.
Sau khi từ Thiên Tân về nhà, chúng tôi không áp dụng bất kỳ phương pháp trị bệnh nào cho cháu, ngoại trừ việc lấy máu xét nghiệm hàng tuần và thỉnh thoảng truyền dưỡng chất cho cháu. Đến một hôm, các chỉ số máu của cháu đã tăng lên. Vài hôm sau các chỉ số tiếp tục tăng thêm nữa. Trong vòng chưa đầy một tháng, xét nghiệm máu của cháu cho kết quả gần như bình thường.
Đây chính là lòng từ bi của Sư phụ và uy lực của Đại Pháp!
Trải qua sự việc lần này, tôi nhận ra rằng khi khổ nạn đến nếu tôi cứ tránh né và chán nản thì nó sẽ chỉ khiến tôi tụt lại phía sau. Tôi không thể từ Pháp mà thấy được nguyên nhân tại sao sự việc này lại xảy ra. Vì tôi không nhận thức được nên đã hình thành một chấp trước. Tôi muốn chính lại bản thân, làm tốt ba việc và theo kịp tiến trình Chính Pháp.
Con xin cảm tạ Sư tôn từ bi cứu độ!
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/18/418681.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/13/191853.html
Đăng ngày 29-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.