Bài viết của phóng viên Minh Huệ Chương Vận
[MINH HUỆ 14-12-2020] Ngày 11 tháng 12 năm 2020, một ngày sau Ngày Nhân quyền Quốc tế, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV), ông Irwin Cotler, cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada, Tổng chưởng lý đồng thời là Nghị sỹ Quốc hội kỳ cựu, đã lên án cuộc bức hại kéo dài 21 năm đối với Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kêu gọi chính phủ Canada hành động chống lại cuộc bức hại này.
Ông Cotler cho biết chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công đã vi phạm “quyền và tự do cơ bản của các học viên, gồm có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội và hội họp, theo đó một nhóm người tu luyện tinh thần và thiền định đang bị ma quỷ và phi nhân tính hóa”.
Ông Cotler cho biết Pháp Luân Công dựa trên các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn của văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhưng nhóm tín ngưỡng này đã là mục tiêu của tiêu diệt và diệt chủng. “Những thành viên của nhóm này đã và đang là đối tượng của bắt giữ phi pháp và giam cầm tùy tiện, của tra tấn trong khi giam giữ, của những cáo buộc vô căn cứ và ngụy tạo, của việc phủ nhận tất cả những chứng cứ vô tội, của việc phủ nhận quyền được bác bỏ bất kỳ cáo buộc nào, của việc từ chối các quy tắc tố tụng pháp lý, trong sự phủ nhận quyền được tư vấn, quyền có được một phiên xét xử công bằng hay quyền được xét xử của cơ quan tư pháp độc lập, trong đó có 99,9% bị cáo buộc là có tội”.
“Không có mâu thuẫn giữa các vấn đề thương mại và nhân quyền”
Ông Cotler còn nhớ sau khi ông được bầu làm nghị sỹ vào tháng 11 năm 1999 không lâu, nhiều học viên Pháp Luân Công đã tìm đến và thông báo với ông về trường hợp bắt giữ giáo sư Trương Côn Luân, vốn là đồng nghiệp của ông tại Đại học McGill. Giáo sư Trương đã bị bắt khi quay trở về Trung Quốc thăm gia đình. Ông đã bị giam giữ tùy tiện và bị tra tấn, cũng như tất cả những bất công đã được miêu tả ở trên- kể cả bị tước đoạt các quy tắc tố tụng pháp lý và phẩm giá con người.
Ông Cotler, cùng với hai nghị sỹ khác là bà Judy Sgro và ông David Kilgour, đã tổ chức một loạt các cuộc họp báo và đề xuất để lên tiếng bảo vệ giáo sư Trương. Nhưng nhiều quan chức chính phủ đã khuyên ông không nên tổ chức những cuộc họp báo này bởi chính phủ Canada sắp cử một phái đoàn thương mại tới Trung Quốc.
Ông Cotler đáp lời rằng “không có mâu thuẫn giữa xúc tiến thương mại và thúc đẩy nhân quyền. Mâu thuẫn là ở chỗ xúc tiến thương mại nhưng lại bỏ qua việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”. Ông cùng bà Sgro và ông Kilgour vẫn tiếp tục sự vận động ủng hộ của họ và đã giải cứu thành công giáo sư Trương. Và hiệp định thương mại cũng đang tiến tới.
Ông nói: “Mối quan hệ Canada-Trung Quốc không thể không tiến triển hoặc tiếp tục [nếu có] bất kỳ sự thỏa hiệp về các vấn đề nhân quyền hay phẩm giá con người nào”.
Sự khác biệt giữa Trung Cộng và người dân Trung Quốc
Nói về mối quan hệ Canada-Trung Quốc hiện nay, ông Cotler cho hay chúng ta cần phải phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc, vốn đang là mục tiêu thường trực của sự đàn áp hàng loạt ở trong nước.
“Cho dù chúng ta ủng hộ các cam kết với Trung Quốc và ủng hộ giao thương với quốc gia này, nhưng điều đó không thể thực hiện khi phải trả giá cho việc bảo vệ nhân quyền, trả giá cho việc bảo vệ nhân phẩm. Trung Quốc ngày nay trở thành một mối đe dọa lớn đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy định”, ví dụ tăng cường nhắm tới các nhóm thiểu số dưới vỏ bọc của đại dịch, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông, các học viên Pháp Luân Công và các phật tử Tây Tạng. ĐCSTQ cũng thu hoạch nội tạng bất hợp pháp, cụ thể là từ các học viên Pháp Luân Công cũng như người Duy Ngô Nhĩ, phật tử Tây Tạng và các tín đồ Cơ Đốc giáo. Tội ác này đã bị Ngài Geoffrey của Tòa án Trung Quốc mô tả là một tội ác chống lại loài người đang diễn ra.
Ông Cotler cũng trỉ chích sự đàn áp của ĐCSTQ đối với tự do truyền thông và các luật sư nhân quyền. Ông cho biết rằng ĐCSTQ đã bỏ tù nhà báo nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ông cũng đưa ra ví dụ về các học viên Pháp Luân Công và về bà Tôn Thiến, người Canada gốc Hoa mà ông đã tham gia biện hộ. Sau khi trao đổi với các luật sư của bà Tôn tại Trung Quốc, ông nhận thấy bảy luật sư tìm cách bào chữa cho bà đã lần lượt bị bắt hoặc mất tích. Một số luật sư đã bị buộc tội, bị giam cầm hoặc bị ép từ bỏ bào chữa cho vụ việc của bà.
Về áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc, ông Cotler hoan nghênh việc Liên minh Châu Âu đã thông qua Đạo luật Magnitsky toàn cầu trước ngày Nhân Quyền Quốc tế, điều mà ông nói là một sự chuyển biến. Số quốc gia có thể viện dẫn và áp dụng các biện pháp trừng phạt này đã tăng gấp bốn lần, khiến tác dụng thúc đẩy trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.
Ông cho biết Canada cũng đã thông qua đạo luật tương tự và ông hy vọng chính quyền hiện tại có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm tước đoạt quyền tự do trên diện rộng, bắt bớ và giam giữ tùy tiện, tra tấn trong khi giam giữ và thu hoạch nội tạng trái phép.
“Chúng tôi đã đệ trình tới các cơ quan chính phủ Canada các bằng chứng chi tiết và tài liệu dẫn chứng về 14 quan chức cao cấp Trung Quốc có thể và đáng bị áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Vì vậy, tôi hy vọng rằng chính phủ của chúng ta sẽ bắt đầu hướng tới các biện pháp trừng phạt Magnitsky và tôi khuyến khích việc quốc tế hóa những biện pháp trừng phạt này bởi Liên minh Châu Âu (EU) đã áp dụng chúng”.
Ông cũng đề cập tới một bản dự luật chống lại việc du lịch ghép tạng đã được quốc hội xem xét nhằm ngăn chặn công dân Canada du lịch tới Trung Quốc để nhận những bộ phận tạng bất hợp pháp.
Các hành động chống lại vi phạm nhân quyền
Về vấn đề có thể làm gì để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Cotler nói: “Trách nhiệm của chúng ta là vạch trần thứ văn hóa tội phạm và tham nhũng này, và những thế lực chống lưng cho nó không bị truy cứu sẽ có thể được nhìn thấu qua lăng kính của cuộc bức hại và truy tố đối với Pháp Luân Công mà tôi đã nhắc tới. Thật đáng tiếc là nó đã biến mất khỏi màn hình radar quốc tế, nhưng nó phải xuất hiện trở lại trước công chúng, trong các vấn đề nhân quyền và trở thành ưu tiên trong mối quan tâm và ủng hộ của chúng ta”.
Trong bối cảnh Trung Quốc cộng sản đang đe dọa Úc, Nhật Bản và Canada, ông Cotler cho biết một liên minh nghị viện quốc tế đã được thành lập sáu tháng trước để cân bằng lại mối quan hệ quyền lực bất đối xứng khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để lần lượt hăm dọa từng nước một. Hiện tại, đã có hơn 100 nhà lập pháp đến từ trên 25 quốc gia dân chủ tham gia liên minh hợp tác liên chính phủ.
Khi càng ngày càng nhiều người dân Canada, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ hộ được báo cáo là đang bị ĐCSTQ dọa nạt và hăm dọa tại Canada, ông Cotler cho biết rằng họ đang thực hiện những khuyến nghị của Liên minh Nhân quyền Trung Quốc để đối phó với sự thâm nhập của nước ngoài trên lãnh thổ Canada, tương tự như đạo luật can thiệp nước ngoài của Úc, nhằm bảo vệ chống lại sự hăm dọa và sách nhiễu đối với người dân Canada.
Ngoài ra, một nhóm chuyên gia pháp lý cao cấp về tự do truyền thông đã được thành lập, trong đó ông Cotler là một thành viên. Một trong những khuyến nghị gần đây của nhóm này là thông qua các chương trình khẩn cấp để cứu trợ và xin tị nạn cho các nhà báo gặp nguy hiểm vì đưa tin về các vấn đề của cuộc bức hại Pháp Luân Công và các vấn đề nhân quyền khác ở Trung Quốc.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/14/416489.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/17/188829.html
Đăng ngày 28-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.