Bài viết của một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi ở Úc
[MINH HUỆ 01-06-2020] Con xin kính chào Sư phụ, xin chào các bạn đồng tu!
Tôi là đệ tử Đại Pháp 18 tuổi đến từ Úc. Mặc dù tôi sinh ra trong một gia đình tu luyện, nhưng mãi đến năm 13 tuổi tôi mới thực sự hiểu thế nào là tu luyện. Trước đó, tôi đã dừng việc hỗ trợ các hoạt động Đại Pháp trong vòng hơn 1 năm.
Sau khi bắt đầu tu luyện thực sự, tôi đã đột phá một số quan niệm sai lầm. Tôi cũng bắt đầu tham gia vào nhiều hạng mục Đại Pháp hơn và dần dần đảm nhiệm một số trọng trách qua đó khích lệ tôi hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn, tất cả đều giúp tôi nhận ra giá trị của việc thử thách bản thân. Kết quả là tôi đã có nhận thức sâu sắc hơn về tu luyện và đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ trong bài viết này.
Vượt qua kỳ vọng của bản thân, vượt qua kỳ vọng của nhân tâm
Năm nay, Shen Yun đã lên lịch cho 20 buổi biểu diễn ở Sydney. Chúng tôi phải bán nhiều vé hơn tất cả các thành phố khác ở Úc, do đó chúng tôi cần được hỗ trợ thêm. Tôi vừa mới tốt nghiệp cấp ba và được nghỉ 4 tháng. Tôi đã có thể lựa chọn thời gian đó để nghỉ ngơi sau 12 năm đèn sách nhưng tôi vẫn quyết định hỗ trợ việc quảng bá Shen Yun.
Lần đầu tiên tôi hỗ trợ Shen Yun bán vé là vào mùa diễn 2019 và đó là một bước đột phá về tín tâm tu luyện của tôi. Vì lúc đó mới 17 tuổi, nên tôi đã lưỡng lự, nhưng tôi nhận thấy rằng việc bị đẩy ra khỏi môi trường an nhàn thoải mái sẽ giúp tôi nhanh chóng đề cao trong tu luyện. Kế hoạch năm nay của tôi là sống cùng bà ở Sydney và hỗ trợ các đồng tu trong vòng một tháng rưỡi khi tôi ở đó.
Rất may là bố mẹ tôi cũng tu luyện, vì vậy họ đã mua vé cho tôi bay tới Sydney. Vì bố mẹ và bà tôi lo toàn bộ chi phí cho chuyến đi nên tôi rời nhà với tâm kiên định rằng mình sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn có thể xảy ra, không đi chơi mà chỉ tận tâm trợ Sư cứu người. Trong suốt thời gian ở Sydney, tôi phải đối mặt với rất nhiều thử thách khó khăn khảo nghiệm đức tin của tôi. Đó cũng là những thử thách về cả thể chất và tinh thần đã đẩy tôi tới mọi giới hạn của bản thân.
Thử thách đầu tiên diễn ra trong suốt những tuần cuối khi tôi ở Sydney. Vì thiếu người làm các hạng mục quảng bá Shen Yun nên tôi được đề nghị tham gia giới thiệu về Shen Yun tại các công ty. Tôi cảm thấy thoải mái với việc bán vé ở các trung tâm mua sắm, nhưng suy nghĩ về việc phải giao tiếp với những người có địa vị cao hơn trong xã hội khiến tôi lo lắng. Tôi rất lăn tăn về việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Mặc dù việc này cũng giống như việc giới thiệu Shen Yun ở các trung tâm mua sắm, nhưng chỉ khác rằng đối tượng là những người có địa vị xã hội cao hơn. Tôi bị ám ảnh bởi đủ loại sợ hãi và lo lắng. Tôi lo rằng không thể làm tốt và tôi có chấp trước sợ mất thể diện. Sau khi suy nghĩ nghiêm túc một lần nữa, tôi đã đồng ý. Đó là hoàn cảnh có thể khiến tôi phải đối diện với sự mất mặt nhưng tôi vẫn chọn vì tôi biết rằng, đối với người tu luyện cái mất chẳng thể so sánh với cái được.
Khi đến toà nhà đầu tiên, tôi lại không muốn vào trong. Nỗi sợ thất bại và chấp trước vào việc giữ thể diện đã nổi lên. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ rằng tôi không thể buộc bản thân tiếp tục. Tôi muốn nói với đồng tu đi cùng rằng tôi không thể làm điều đó. Tôi phải giữ từng chút chính niệm để dẹp tâm chấp trước xuống và tiếp tục. Tôi tiếp cận một vài công ty và lần nào cũng có cùng nỗi sợ nhưng nỗi sợ đã giảm dần. Tôi cần lý trí và bảo trì chính niệm. Một học viên đi cùng nói rằng tới gặp các doanh nghiệp giống như “vân du” mà Sư phụ nói đến:
“‘Vân du’ rất khổ, bước đi ngoài xã hội, phải xin ăn, gặp các loại người, giễu cợt nó, nhục mạ nó, khinh nhờn nó, các sự tình đủ loại đều sẽ gặp phải. Nó coi bản thân là người luyện công, dàn xếp tốt quan hệ với người ta, giữ vững tâm tính, không ngừng đề cao tâm tính, những dụ dỗ từ các loại lợi ích nơi người thường đều không làm nó động tâm” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Chúng tôi đến gặp hết công ty này đến công ty khác và giới thiệu về Shen Yun. Một số người tiếp nhận, một số người thờ ơ. Khi bị từ chối hoặc phớt lờ, tôi thấy khó chịu và cảm thấy bị mất mặt. Tôi thấy rằng việc tự đặt mình vào vị trí có thể bị mất mặt là một thách thức đối với tôi. Nhưng một lần, tôi đã vượt qua được điều này, tôi nhận ra rằng mình đã loại bỏ được một tầng chấp trước này. Khi tôi quay lại trung tâm mua sắm, tôi cảm thấy không khó chịu bởi các khảo nghiệm tâm tính nữa. Thông qua trải nghiệm này tôi đã vượt qua một cách thành công những hạn chế của bản thân.
Trải nghiệm thứ hai đã đẩy tôi đến giới hạn của bản thân và cũng là khảo nghiệm lớn nhất về việc tín Sư. Năm ngoái, khi Shen Yun đến và tôi tham gia hỗ trợ, tôi bị nghiệp bệnh khá nặng và phải nằm bẹp ở trên giường trong suốt một tuần. Đã có lúc tôi mất hết cảm giác thăng bằng.
Năm nay nghiệp bệnh này lại quay lại. Nó bắt đầu bằng cơn đau đầu vào một buổi sáng khi tôi phụ việc ở hậu trường. Cả hai lần tôi đều chịu đựng cơn đau đến chiều và sau đó tôi cảm thấy rất yếu. Năm ngoái khi khảo nghiệm này bắt đầu, tôi quyết định chờ cho đến khi nó hết mà không phủ định can nhiễu của cựu thế lực. Do đó, nghiệp bệnh đã kéo dài trong vài tuần.
Năm nay, khi nó xảy đến, chính niệm của tôi đã mạnh mẽ hơn. Khi nghiệp bệnh nặng hơn, tôi bắt đầu phát chính niệm để phủ nhận hoàn toàn sự an bài của cựu thế lực. Khi tôi bắt đầu yếu đi, tôi tiếp tục nhẩm trong đầu: “Ta là đệ tử Đại Pháp và không gì có thể lay chuyển ta”. Vì thiếu chính niệm và tín tâm vào Sư phụ, tôi đã không thể cử động, chứ chưa nói đến việc bước lên vài bậc thang để đến căn-tin. Tôi đã không lo lắng vì tôi hoàn toàn tin tưởng vào Sư phụ. Đó là một khảo nghiệm cuối cùng về ý chí. Với sự động viên của các đồng tu bên cạnh, nghiệp bệnh hồi năm ngoái vốn đã kéo dài trong vòng 5 tuần, lần này chỉ kéo dài 5 giờ đồng hồ. Khảo nghiệm này đã cho tôi thấy sức mạnh của chính niệm và những vấn đề mà tôi vẫn phải đề cao.
Thời gian ở Úc thực sự đã hoàn toàn kéo tôi ra khỏi “vùng an toàn” của mình và giúp tôi ngộ ra rằng bất kể trong hoàn cảnh nào cũng đều phải chủ động đề cao bản thân, từ đó mà làm được tốt hơn nữa. Quan trọng hơn nữa là phải đột phá nhận thức về giới hạn của bản thân để có thể vượt qua khảo nghiệm. Khi đối mặt với thách thức, tôi ngộ ra rằng đó chính là cơ hội gia tăng chính niệm và đề cao nhận thức về Pháp lý.
Tín tâm và động lực
Tôi quay về nhà là nơi quen thuộc nhất của tôi. Nhưng chính điều này lại là một thách thức khác đối với tôi. Quay trở lại môi trường dễ chịu, việc phát hiện ra các tâm chấp trước của tôi trở nên khó hơn. Rất khó để duy trì được sự tinh tấn và gấp gáp như khi tôi ở trong môi trường chỉ tập trung vào việc tu luyện. Tôi cũng phải bắt nhịp sau vài tuần nghỉ học ở trường đại học. Tôi dần dần cảm thấy ít động lực, làm việc không hiệu quả và kỷ luật của bản thân cũng bắt đầu giảm sút.
Sư phụ giảng:
“Do đó tôi nói rằng, dẫu rằng phương thức tu luyện nới lỏng này xem ra không có điều lệnh, không có giới luật, không có nội quy chế độ, không có người ước [chế] [câu] thúc chư vị; nhưng mà yêu cầu lại hết sức cao; là vì chư vị phải tự mình ước thúc chính mình, chư vị phải tự mình đạt đến tiêu chuẩn. Chính vì trách nhiệm lớn, tu được cao, xã hội nhân loại lại sẽ không xuất hiện ma lớn đến như thế đến trực tiếp gây rắc rối cho chư vị”. (Giảng Pháp tại Manhattan [2006], Giảng Pháp tại các nơi X)
Vấn đề này còn trở nên rõ nét hơn trong bối cảnh bùng phát của virus Trung Cộng. Do có nhiều thành phố bị “phong tỏa” và mọi người buộc phải ở nhà, tâm an dật của tôi nổi lên. Lúc đầu tôi thậm chí còn không thể luyện công đến một tiếng mỗi ngày. Tôi thường dậy lúc 8 giờ sáng và đọc tin tức trên điện thoại trong vòng 40 phút. Thay vì luyện công, tôi lại chợp mắt hoặc xem điện thoại nhiều hơn. Tôi muốn làm tốt hơn và tôi hiểu rằng mình cần làm tốt hơn. Nhưng do thiếu môi trường tu luyện nên tôi đã không nghiêm khắc với bản thân. Tôi chỉ làm vừa đủ những gì mà một đệ tử Đại Pháp cần làm. Khi tôi cố gắng cải thiện trạng thái tu luyện, Sư phụ đã an bài một việc khiến tôi ngộ ra.
Đầu tháng ba, một học viên người Malaysia liên hệ với tôi khi tôi đang học Pháp trực tuyến cùng các học viên trẻ. Anh ấy nói rằng đang tìm các học viên trẻ cùng học Pháp bằng tiếng Trung. Tiếc là chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Anh. Chúng tôi giữ liên lạc với nhau. Một ngày nọ, anh ấy hỏi tôi rằng liệu anh ấy có thể đưa tôi vào nhóm các học viên trẻ người Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương không và tôi đã đồng ý. Đây dường như là duyên phận khi chúng tôi cùng chuẩn bị tổ chức Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội dành cho các học viên trẻ tuổi.
Khoảng 1 tuần sau đó, một học viên người Đài Loan hỏi tôi về một học viên. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi biết người ấy bởi vì một vài năm trước chúng tôi có học Pháp trực tuyến cùng nhau. Sau đó cô ấy chuyển từ Malaysia sang sống ở Tasmania. Trong quá trình rời đi, cô ấy đã hỏi tôi rằng có học viên nào ở Tasmania không. Không may là ở đó chưa có ai, vì thế cô ấy sẽ đến một nơi không có người thân hay đồng tu nào cả. Có thể liên lạc lại với cô ấy sau nhiều năm quả là một nhân duyên kỳ lạ.
Điều này cho thấy rằng mặc dù đại dịch có thể cản trở các học viên gặp gỡ trực tiếp, nhưng chúng ta vẫn được kết nối nhờ nhân duyên mà Sư phụ an bài cho chúng ta. Là các đệ tử Đại Pháp, chúng ta bước cùng nhau trên con đường tu luyện và Sư phụ đang liên tục bảo hộ chúng ta. Việc thiếu môi trường tu luyện chung dưới hình thức gặp mặt trực tiếp không có nghĩa là chúng ta có thể giải đãi trong tu luyện. Niềm tin của chúng ta không thể lung lay thậm chí ngay cả khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như rơi vào đình trệ và suy thoái.
Sư phụ giảng rằng:
“Quá khứ giảng rằng, quay mặt vào vách chín năm, quay mặt vào vách cả đời, chịu khổ trong tịch mịch; ở chùa, trong rừng núi, không tiếp xúc xã hội người thường mà chịu khổ, có tịch mịch hay không? Chư vị chưa hề như thế, vậy mà có những người chê chán thời gian dài; xưa nay tu luyện nào có ngắn thế này, chính là [do] tự mình không tinh tấn; hơi động một chút can nhiễu, bèn quên mình là đệ tử Đại Pháp rồi. Chư vị biết chư vị tu là cho ai? Là cho danh của chư vị? Là cho uất hận của chư vị? Là cho chấp trước trong tâm chư vị? Là cho thân nhân chư vị? Là cho những việc mà chư vị chấp trước vào? Đang tu cho những việc mà chư vị không buông bỏ nổi kia ư? Đó không phải đúng chính là những thứ phải vứt bỏ đi sao?” (Giảng Pháp tại miền Tây Mỹ quốc 2015)
Điều này xảy ra đúng vào thời điểm tôi đang nghĩ đến các cách để giúp các học viên trẻ. Mặc dù tôi cảm thấy mình làm không tốt nhưng tôi vẫn thực sự cảm thấy Sư phụ đã an bài việc này cho tôi. Tôi muốn giúp đỡ người khác bằng cách chia sẻ nó. Nó nhắc nhở bản thân về những gì Sư phụ giảng: “Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Khi xét lại trạng thái tu luyện không tinh tấn của mình, hiện tại tôi đã có thể nhận thức về “động lực” tinh tấn từ một góc độ hoàn toàn khác. Nó không giống với “động lực” mà tôi nhận thức trong quá khứ chỉ là lực lượng chính diện thúc đẩy người ta làm tốt các việc, đó chỉ phù hợp với người thường. Đối với người tu luyện, đó là chấp trước đối với tình và đó là một chướng ngại trong tu luyện. Người thường có thể vì một sự việc nào đó phù hợp với quan niệm, tình cảm, sở thích của mình mà sinh ra động lực để làm việc đó, nhưng là một người tu luyện, chính là hoàn toàn trái lại, không thể vì quan niệm hoặc cái tình của người thường mà quyết định có làm hay không làm việc nào đó. Trong tu luyện, chúng ta có trách nhiệm làm các việc một cách tốt nhất có thể. Xuất phát điểm khi chúng ta làm việc không phải vì có động lực mới đi làm, mà phải xuất ra từ nhận thức lý tính đối với Pháp. Khi cảm thấy hoàn cảnh xung quanh đình trệ và suy thoái, chúng ta không nên có cảm giác mất “động lực” tinh tấn. Trong hoàn cảnh đầy rẫy những nhân tố bất ổn định, chúng ta phải dựa vào trăm phần chính niệm, chính tín mà trừ bỏ chấp trước này. Thể ngộ của tôi là, chính niệm và chính tín có một phần đến từ lý giải của chúng ta về đoạn Pháp sau của Sư phụ:
“Chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn để nhận định tốt và xấu trong vũ trụ” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Trong hoàn cảnh không xác định, dựa vào chính niệm chính tín mà bước về phía trước quả thực không dễ. Nhưng chính vì khó, nên đức mới được chuyển hóa nhiều. Điều này khiến tôi liên tưởng đến tiết mục “Thức tỉnh” trong Shen Yun 2018, vị tướng một mình trong hang Mạc Cao, ngày này qua ngày khác kiên trì tạc bức tượng của Thần, để có thể miêu tả bức tranh phong cảnh trên Thiên quốc, ông đã phải sám hối những tội nghiệt của nhân thế. Trong khi mệt mỏi ông vẫn dựa vào lòng thành kính kiên trì khắc phục gian nan hiểm trở và các loại dục vọng của thế tục. Cảm động bởi tín tâm và sự chân thành của ông, Thần đã chiếu sáng cả hang động, triển hiện cho ông thấy phong cảnh nơi Thiên thượng, khai mở trí huệ của ông.
Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều thu được ích lợi từ Pháp hội này và tinh tấn hơn! Trên đây chỉ là thiển ngộ của cá nhân, nếu có gì không phù hợp, xin từ bi chỉ ra. Con xin cảm tạ Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu!
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội quốc tế trực tuyến của các học viên trẻ năm 2020)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/1/在修炼与成长中走向成熟-407100.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/5/185385.html
Đăng ngày 03-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.