Bài viết của một tiểu đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 31-05-2020] Con xin kính chào Sư phụ, xin chào các bạn đồng tu!
Ông bà và mẹ tôi đều là đệ tử Đại Pháp, còn tôi năm nay 13 tuổi. Tôi đã lớn lên trong môi trường tu luyện.
Khi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng khi tỉnh giấc, tôi thường nhìn thấy những vòng tròn nhiều màu sắc đang quay ở trên đầu, tôi không dám chắc đó là gì. Nhưng khi tôi lớn hơn một chút, mẹ tôi nói rằng đó chính là Pháp Luân đang quay trên đầu tôi. Đến cuối năm 2010 khi chúng tôi chuyển đến sống ở Mỹ, tôi mới thực sự bước vào tu luyện một cách nghiêm túc. Tôi đã bắt đầu đọc Pháp và luyện công cùng mẹ.
Tôi muốn chia sẻ về việc hướng nội khi tôi gặp vấn đề và cuộc đời của tôi đã thay đổi như thế nào kể từ khi tôi tu luyện và tôi đã buông bỏ các chấp trước như thế nào.
Hiểu được sự uy nghiêm của Đại Pháp
Khi còn nhỏ, tôi không hiểu rõ thế nào là tu luyện. Tôi biết Đại Pháp là tốt và nguyên lý của Đại Pháp, Chân – Thiện – Nhẫn là tốt. Tôi bắt chước mẹ đọc Pháp luyện công cùng mẹ nhưng không bao giờ nghĩ về việc tại sao tôi lại tu luyện Đại Pháp.
Sau đó, mẹ đã hỏi tôi tại sao tôi muốn tu luyện. Không suy nghĩ nhiều, tôi trả lời: “Con muốn trở về nhà cùng với Sư phụ. Con không thuộc về xã hội người thường này, không muốn phải trải qua lục đạo luân hồi”. Đó là khi tôi nhận ra được rằng tu luyện nghiêm túc như thế nào và tôi đã may mắn như thế nào khi được là một đệ tử Đại Pháp. Từ đó trở đi tôi quyết định mình cần phải tinh tấn hơn. Sau khi hiểu sâu sắc hơn về việc tu luyện, tôi bắt đầu được chứng kiến những thay đổi trong cuộc sống, và tôi thấy mọi thứ dần cải thiện.
Một vài năm trước, kết quả học tập môn Toán của tôi dưới mức trung bình. Mẹ tôi rất thất vọng khi kiểm tra bài về nhà của tôi hằng ngày. Tôi không thể làm được những phép tính đơn giản. Ví dụ, mẹ tôi hỏi nếu một chiếc bút chì giá 3 đô la, vậy hai chiếc bút chì giá bao nhiêu. Câu trả lời của tôi là 5 đô la. Mẹ tôi rất lo lắng. Nhưng bây giờ, kể từ lúc tôi tu luyện tinh tấn, môn Toán trở nên dễ dàng đối với tôi, và tôi trở thành học sinh đứng đầu lớp. Tôi bị chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý khi tôi học tiểu học, vì thế tôi rất dễ bị mất tập trung. Vì giờ đây tôi có thể đả tọa thời gian lâu hơn, tôi cũng có thể tập trung tốt hơn.
Trước khi chúng tôi chuyển tới Maryland vào năm 2019, tôi không thể đọc cuốn Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung – tôi chỉ đọc được khoảng 20% chữ tiếng Trung. Mẹ tôi động viên tôi đọc bản tiếng Trung khi chúng tôi học Pháp chung và một đồng tu sống ở trong khu vực của chúng tôi đã đề nghị giúp đỡ tôi. Từ đó, cô ấy dã đọc Pháp cùng tôi trong nửa tiếng mỗi ngày. Chưa đến 6 tháng sau, tôi đã có thể đọc 80% cuốn Chuyển Pháp Luân, và bây giờ tôi có thể đọc bằng tiếng Trung với các học viên khác trong nhóm học Pháp chung của chúng tôi.
Sư phụ giảng rằng:
“Đệ tử Đại Pháp từ ngày bắt đầu tu luyện, một đời này của chư vị đã được an bài lại mới rồi. Cũng nói, đời này của chư vị đã là một đời của người tu luyện, việc gì cũng đều không ngẫu nhiên nữa, cũng sẽ không xuất hiện những việc ngẫu nhiên; hết thảy những gì trên đường đời con người với sự đề cao và tu luyện của chư vị là có quan hệ trực tiếp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])
Loại bỏ chấp trước vào xem TV
Ở độ tuổi thiếu niên, rất nhiều bạn nhỏ chúng tôi rất thích xem các video trên kênh Youtube được bạn bè gửi cho chúng tôi qua các trang mạng xã hội và các trò chơi điện tử. Chúng tôi có thể ngồi hàng giờ chỉ để dán mắt vào màn hình. Một ngày, tôi thấy bố tôi xem một chương trình TV. Nó đã hấp dẫn tôi và chương trình này có rất nhiều tập, vì thế tôi bắt đầu xem và trở nên nghiện. Mỗi tập kéo dài khoảng 40 phút, và tôi xem 5 tập trong một ngày cho đến khi tôi gặp vấn đề về mắt. Càng xem mắt tôi càng trở nên khó chịu. Tôi nhận ra rằng đó là một tâm chấp trước quá mạnh mẽ và tôi phải loại bỏ nó. Tôi gặp khó khăn trong việc loại bỏ nó mặc dù tôi biết rằng Sư phụ đã nhắc nhở tôi. Mẹ tôi bảo tôi phát chính niệm trước ảnh của Sư phụ.
Sư phụ giảng:
“Chư vị thấy viết trong những tiểu thuyết kia, rằng các nhân vật vì [sơ] đồ kiếm [thuật], vì [muốn] lấy báu vật, vì đàn bà, mà giết mà đánh; bản sự của ai cũng rất to lớn, đi lại như Thần. Mọi người thử nghĩ xem, người đã thật sự có những công phu này, họ chẳng phải tu nội mà tu xuất lai được hay sao? Họ [coi] trọng tâm tính mới tu xuất lai được, đối với danh lợi và các thứ dục vọng thì [họ] đã xem nhẹ từ lâu; họ có thể đi giết người không? Họ có thể coi trọng tiền tài đến thế không? Hoàn toàn không thể như vậy được; đó chỉ là thổi phồng trong nghệ thuật thôi. Con người truy cầu những kích thích tâm lý, cái gì thoả mãn điều ấy thì [đọc]. Các tác giả cũng nắm chắc đặc điểm này, thể nào cũng [viết] cho chư vị thấy thoả [mãn], thấy cao hứng; họ gắng sức viết cho chư vị. Viết ra càng huyền [hoặc] chư vị càng thích đọc; đó chỉ là thổi phồng trong nghệ thuật thôi.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)
Đó chính xác là nội dung của chương trình TV. Tôi bất chợt cảm thấy chương trình TV chẳng là gì cả và cảm thấy không còn hứng thú chút nào – mắt của tôi cũng đã phục hồi.
Sư phụ giảng rằng:
“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Tinh Tấn Yếu Chỉ 2)
Sư phụ đã cho chúng ta Pháp bảo: Hướng nội
Một buổi sáng nọ, sau khi hoàn thành hầu hết các bài tập về nhà, tôi quyết định nghỉ giải lao 5 phút. Tôi lấy Ipad của mẹ và bắt đầu xem video trên Youtube. Khi tôi bắt đầu, tôi bị cuốn vào việc xem các video. Càng xem tôi càng thấy các video sau hay hơn video trước nên tôi cứ tiếp tục xem. Mẹ tôi đã phải gọi 4 lần tôi mới trả chiếc Ipad lại. Bố tôi đã tức giận và phạt tôi. Lúc đầu, tôi không vui và nghĩ rằng: “Mình chỉ nghỉ giải lao, sao mình lại bị phạt chứ”. Tôi vẫn nghĩ rằng lẽ ra tôi không thể bị phạt vì đó đâu phải lỗi của tôi. Mẹ tôi nhắc tôi hướng nội. Nhưng tôi vẫn nghĩ và nói rằng đó không phải là lỗi của tôi. Càng nghĩ như vậy bố mẹ tôi càng giận.
Cuối cùng tôi đã cố gắng hướng nội để tìm xem tôi thực sự sai ở chỗ nào. Sau đó, thái độ của tôi đã tốt hơn. Tôi cũng nhận ra vấn đề của mình. Thực sự, tôi nhận ra rằng nếu chúng ta gặp vấn đề gì đó, đừng lãng phí thời gian vào việc tranh cãi hoặc giải thích tại sao chúng ta không nên gặp rắc rối – mà hãy nghĩ về những điều chúng ta làm sai. Nếu ai đó la mắng hoặc thậm chí đánh bạn, bạn cũng không nên có suy nghĩ tiêu cực hay oán giận, tâm tính của bạn sẽ được đề cao. Một khi tâm tính đề cao thì chúng ta sẽ không mắc những lỗi tương tự như vậy nữa.
Ngày hôm đó, tôi đã ngộ ra một điều quan trọng: Bạn suy nghĩ như thế nào thì sẽ hành xử như vậy. Cách bạn nghĩ về ai đó, dù tốt hay xấu, người ấy có thể phát hiện ra ngay. Người khác sẽ có thể hiểu được qua cách mà bạn nói chuyện, hoặc thậm chí từ biểu hiện trên nét mặt của bạn. Điều quan trọng đối với chúng ta là luôn nhớ rằng chúng ta đang tu luyện mỗi khi gặp phải khổ nạn. Không ai có thể tránh được các rắc rối trong cuộc sống nhưng điều quan trọng là chúng ta giải quyết chúng như thế nào. Tôi đã xin lỗi bố vì thái độ của mình và vì tôi đã cãi lại ông, mọi việc đã ổn hơn. Tâm tính của tôi cũng được đề cao. Thời gian còn lại của ngày hôm đó, mọi việc đều ổn, như không có chuyện gì xảy ra vậy. Hướng nội là một Pháp bảo mà Sư phụ đã ban cho các học viên.
Sư phụ giảng rằng:
“Người tu luyện là phải xét vấn đề ‘phản’ lại, coi những ma nạn và thống khổ ấy là cơ hội tốt để đề cao, đều là ‘hảo sự’; để chúng đến nhiều, đến mau, thì bản thân đề cao càng nhanh hơn. Có một số người tu luyện còn đẩy ra ngoài: ‘ngươi đừng đến’, và khi [khó khăn] đến thì liền cho rằng là [người khác] nghĩ xấu về mình, và không để người khác nói. Chư vị chính là muốn sống ‘dễ chịu’ hơn một chút, [nhưng] đó có phải tu luyện không? Đó có thể tu luyện sao? Đến hôm nay mà quan niệm đó còn vẫn chưa chuyển đổi đi, thì tôi, làm Sư phụ, không hiểu nổi là chư vị có thể tiến về viên mãn như thế nào nữa. (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco, 2005)
Trạng thái tu luyện của tôi thường được phản ánh bởi cách tôi hành xử trong cuộc sống hàng ngày. Khi chăm chỉ học Pháp, tôi sẽ hành xử tốt hơn. Tôi biết rằng việc tu luyện của tôi còn xa mới đạt được tiêu chuẩn của Đại Pháp. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm một đệ tử Đại Pháp tốt.
(Bài viết được trình bày tại Pháp hội trực tuyến dành cho các học viên trẻ năm 2020)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/31/十三岁小弟子的修炼之路-407045.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/4/185358.html
Đăng ngày 19-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.