Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 06-06-2020] Con xin kính chào Sư phụ và chào các bạn đồng tu! Tôi biết đến Pháp Luân Đại Pháp vào cuối năm 2016. Năm đó khởi đầu rất đặc biệt vì tôi nhận được học bổng đi học Thạc sỹ ở Hoa Kỳ. Cảm thấy vừa e ngại lại vừa đầy hoài bão, tôi nghĩ mình sẽ học khoa học và công nghệ để hồi đáp cho xã hội vì những cơ hội mà tôi có được. Tuy nhiên, những mục tiêu của tôi đã quay ngược 180 độ khi tôi gặp được Pháp Luân Đại Pháp ở kỳ học đầu tiên, và tu luyện đã trở thành mục đích chính của cuộc đời tôi.

Mọi khổ nạn đều liên quan đến việc chúng ta thăng tiến hay rơi rớt trong tu luyện

Kể từ khi mới bắt đầu tu luyện, tôi đã cố gắng không ngủ nhiều và không bỏ lỡ việc luyện công hàng ngày. Trong hai năm đầu, tôi đã hình thành thói quen thức dậy phát chính niệm và luyện công một tiếng. Dần dần, tôi ngộ ra tác dụng của việc luyện công và cảm thấy tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian, ngay cả với việc luyện công hàng ngày thì tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vô cùng và đầu óc tôi không được tập trung. Tôi khó có thể hoàn thành những nhiệm vụ hàng ngày cho được tốt, còn chưa kể đến việc bắt kịp những nỗ lực tham gia các hạng mục chứng thực Pháp.

Hồi đó, tôi biết rằng mình phải thay đổi, và tôi chỉ thấy có hai sự lựa chọn. Cách thứ nhất là ngủ nhiều lên, dành thời gian cho việc luyện công và các hạng mục Đại Pháp ít đi. Cách thứ hai là ngủ ít đi và luyện công nhiều lên. Tôi quyết định chọn cách thứ hai. Tôi nghĩ nếu hai tiếng đồng hồ luyện công mỗi ngày mà còn không thể đẩy lùi được sự mỏi mệt của tôi thì chẳng có gì có thể làm được cả.

Sư phụ giảng:

“Tôi nói với mọi người rằng, công này tôi truyền thế nào, chư vị chiếu theo như thế nấy mà làm, đảm bảo không có hại, chỉ có chỗ tốt. Chư vị nói rằng chư vị rất bận không có thời gian, kỳ thực, là chư vị sợ nghỉ ngơi không tốt. Chư vị đã từng nghĩ chưa, tu luyện chính là sự nghỉ ngơi tốt nhất. Loại nghỉ ngơi mà có thể đạt đến [trạng thái] mà chư vị ngủ cũng không đạt được.”(Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu)

Sau khi tham gia nhóm luyện công sáng sớm, tôi thấy có tác dụng tức thì: đầu óc tôi trở nên thanh tỉnh sau khi đả tọa. Nhưng làm được như vậy vài lần thì là một chuyện, duy trì được trong thời gian dài thì lại là chuyện khác. Khó nhất là ngồi đả tọa. Tôi cảm thấy một áp lực vô hình rất nặng đang cố gắng đánh gục chủ ý thức của tôi, điều mà chúng ta cần phải tránh hoàn toàn. Khi tôi đọc câu chuyện tu luyện của Phật Milarepa, tôi nhớ rõ rằng ông đã không ngủ 11 tháng ở trong động và ý thức rất rõ về việc đó. Tôi cũng nhớ rằng ông ấy đã giằng co trong những cuộc chiến giữa tinh thần và thể xác để có được trạng thái tĩnh lặng.

Được khích lệ bởi ý chí kiên cường của Phật Milarepa, tôi đã quyết định luyện các bài công pháp, và thậm chí còn đột phá lớn hơn: tôi nên củng cố quyết tâm của mình để không bỏ cuộc trước áp lực này, chỉ cố gắng kiên định đến cùng, và để xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi ngồi ở tư thế lưng thẳng nhất, tập trung vào một niệm duy nhất rằng tôi đang ngồi đả tọa và ép bản thân không được đầu hàng trước bất cứ ý niệm nào muốn phá vỡ trạng thái này, không kể tôi ngáp bao nhiêu lần. Nó đã có hiệu quả-tôi thấy rằng khi tôi giữ trạng thái tinh thần này thì sẽ có bước ngoặt, sau đó thì áp lực yếu dần đi, và tôi có thể đạt được trạng thái nhập định thâm sâu. Trạng thái đó chỉ ngắn khoảng 5 phút thôi, nhưng sau khi hoàn thành 2 giờ đồng hồ luyện công, tâm trí tôi luôn vô cùng thanh tỉnh. Nhờ đó tôi lại nhận ra nội hàm của việc luyện công là hình thức nghỉ ngơi tốt nhất như thế nào.

Tu thiện khi tiêu nghiệp bệnh

Sau khi hân hoan luyện công hai giờ mỗi ngày trong vòng hai tuần, tôi đã gặp phải khảo nghiệm nghiệp bệnh gian nan nhất từ trước đến nay. Sư phụ giảng:

“Chỉ một chút đề cao cảnh giới tư tưởng, [thì] đã có những thứ xấu trong thân chư vị được loại bỏ bớt rồi.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi nhận ra vấn đề, tôi có thể ngộ được một vài nội hàm trong Pháp của Sư phụ. Một hôm, mắt phải của tôi đột nhiên bị đau. Nó đỏ và ngứa ngáy bất cứ khi nào tôi nhìn vào màn hình máy tính. Công việc của tôi đòi hỏi phải nhìn vào màn hình máy tính hàng giờ, vì thế tôi quyết định đeo một chiếc mũ mùa Đông để che mắt mình. Các bạn đồng nghiệp của tôi chỉ nhìn thấy mắt tôi khi nó đỏ, vì thế đối với họ thì tôi che như thế là tự nhiên, và đó là tất cả những gì họ biết về khó nạn của tôi.

Dần dần mủ xuất ra ở phía bên phải đầu tôi, quanh mắt và thái dương. Tôi cũng nhận ra có thứ như những cái hạch cứng, nhỏ đằng sau tai của mình và dọc theo chỗ giao giới giữa cổ và cằm. Có rất nhiều hạch và tôi không biết phải làm gì với chúng. Hai ngày sau, mủ xuất ra càng nhiều, phía bên phải đầu tôi như đang đập thình thịch, và cơn đau ngày càng nặng hơn. Tồi tệ nhất là mắt phải của tôi liên tục có một dòng nước mắt chảy ra, thấm đẫm phía trong cái mũ mà tôi đội để che đi. Tôi chỉ có thể lái xe bằng một mắt, và thị lực của tôi rất hạn chế.

Tôi hướng nội tìm nguyên nhân và tôi thấy mình có rất nhiều thiếu sót. Cuối cùng tôi có thể hiểu được nỗi khó khăn của bố tôi khi ông cũng chỉ có thể nhìn bằng một mắt. Khi tôi đến thăm bố, tôi nhớ mình cảm thấy hơi khó chịu với cách ông xử lý những tình huống lái xe như thế nào. Giờ đây, tôi ở trong tình trạng tương tự và vui mừng vì điều này đã phơi bày suy nghĩ bất thiện của tôi. Tôi có thể mở rộng tấm lòng mình với tất cả các đồng tu bằng cách này hay cách khác đang vượt quan nghiệp bệnh. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng cách đối đãi đúng đắn nhất là giúp họ với tâm từ bi lớn nhất và thông cảm với hoàn cảnh của họ. Việc quy kết một cách đơn giản trạng thái nghiệp bệnh của các học viên khác thành tu không tốt hay có lậu, là lối suy nghĩ sai lầm, và làm như vậy thì còn gây hại chứ không phải là tương trợ. Tất cả chúng ta đều ở trong mê, không thể trực tiếp nhìn thấy sự việc chân thực hay nguyên nhân căn bản của sự việc cũng như hình thái chân thật của nó, ngoài ra bản thân chúng ta cũng còn đầy những chấp trước và quan niệm người thường. Giờ đây tôi ngộ ra rằng chúng ta nên giúp đỡ nhau cùng thăng tiến.

Hiệu quả của phát chính niệm

Hôm đó tôi đi làm như thường lệ, nhưng khi trở về nhà thì không thể đủ sức làm hạng mục. Quảng bá Shen Yun đang vào giai đoạn then chốt, và tôi thật sự không thể không hoàn thành phần việc của mình. Tôi bàng hoàng nói với bản thân: “Mình sẽ phát chính niệm hàng giờ hoặc nhiều hơn nếu cần thiết.” Tôi ngồi xuống và phát chính niệm, và hiệu quả rất rõ rệt chỉ sau 20 phút: tâm trí tôi bắt đầu được tẩy tịnh, và cơn đau bắt đầu dịu dần. Tôi lặp đi lặp lại điều này cho đến khi tôi nhận ra rằng “Bây giờ mình có thể làm việc được rồi” và tiếp tục làm những phần việc của mình.

Tối hôm đó tôi đi ngủ mà gần như không đau đớn gì và ngủ ngon đến tận sáng hôm sau. Khi tôi thức dậy, tôi biết “Bây giờ thì mình ổn rồi, nó sẽ chỉ tốt lên mà thôi.” Nhìn lại những ngày quyết tâm trước kia, tôi ngộ ra rằng cuối cùng, Sư phụ đã thanh lý phần lớn khổ nạn cho tôi. Thực sự chẳng có cách nào để có thể cảm ơn sự từ bi vô lượng của Sư phụ. Sau đó, tôi dần dần hồi phục, chỗ mủ đã khô và các cục hạch biến mất, và chỉ có đúng một đốm đỏ trên mắt để tôi vượt qua. Tôi đã trải qua khổ nạn này với tín tâm thậm chí còn lớn hơn vào Sư phụ và Đại Pháp, và với một tâm từ bi hơn với người thường và các đồng tu.

Làm được tùy kỳ tự nhiên

Đối mặt với những khổ nạn lớn giúp tôi tập trung vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc đời mình. Nhưng khi những áp lực bên ngoài như thế nới lỏng ra, thì những mong muốn người thường, những cám dỗ và dục vọng đều nổi lên trong tâm trí tôi. Là một nam thanh niên, người mà vẫn bị cám dỗ như Sư phụ giảng:

“Nhất là nam thanh niên; [vì] họ muốn phấn đấu hết mình nơi xã hội người thường, [họ] còn muốn đạt được mục tiêu này khác!” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi thấy rằng việc bài trừ những ý niệm lặp đi lặp lại này cần phải có kỷ luật nghiêm khắc và tín tâm to lớn. Lần này qua lần khác tôi phải nhắc nhở bản thân làm theo lời Sư phụ dạy: “Vô cầu nhi tự đắc.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu)

Khi tôi sắp tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, thì tôi đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan khi tìm việc làm. Qua giới thiệu, tôi được mời vào làm ở một vị trí đúng chuyên ngành của mình, nhưng tiền lương thì lại thấp hơn nhiều so với những gì mà mọi người xung quanh kỳ vọng. Nhưng lần này, tôi đã hình thành thể ngộ căn bản về Chính Pháp là gì, và tôi tâm nguyện có thể làm được nhiều việc Đại Pháp. Bởi vì tôi có thể tiết kiệm được thời gian quý giá đi tìm việc, và dường như là với công việc này tôi sẽ có thể tham gia các hạng mục Đại Pháp, nên tôi nhận vị trí này. Tôi cảm thấy như mình đang đi những bước đi đúng đắn trong việc coi nhẹ lợi ích cá nhân.

Tôi làm việc chăm chỉ ở công ty, và những đóng góp của tôi sớm được công nhận. Hồi đó khi cảm thấy mình đã đạt đến một cột mốc là có những đóng góp quan trọng cho công ty, tôi đã xin sếp của mình đổi lịch làm việc xuống còn bốn ngày một tuần. Thật mừng thay, lời đề nghị của tôi đã được chấp nhận, và tôi đã có trọn ba ngày dành cho các hạng mục Đại Pháp. Tôi rất cảm ân vì những sự an bài này và toàn tâm dành thời gian đó cho việc học Pháp nhiều hơn và làm thêm các hạng mục.

Sau vài tháng, sếp của tôi có vẻ hài lòng với công việc mà tôi gánh vác và đã gợi ý rằng nếu tôi quay lại làm năm ngày một tuần thì tôi có thể được tăng lương. Tôi luôn giữ trong tâm Pháp lý mà Sư phụ dạy:

“Những cái mà người thường vẫn truy cầu thì chúng tôi không truy cầu; thứ mà người thường có thì chúng tôi cũng không quan tâm; nhưng thứ mà chúng tôi có thì người thường có muốn cũng không được.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi từ chối một cách lịch sự và cảm thấy vui vì quyết định của mình. Cho đến hôm nay, tôi cảm thấy thời gian là nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta.

Tâm tôi lại bị dẫn động khi công ty tuyển thêm người vào vị trí như của tôi. Những câu hỏi người thường luôn luẩn quẩn trong đầu tôi như so sánh kỹ năng, so sánh lương và liệu tôi có nhận được những gì mình đáng có không. Tôi phải luôn nhắc nhở bản thân rằng Sư phụ đã dạy chúng ta:

“những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm thấy tiếc cho bản thân vì Sư phụ đã dạy chúng ta rằng:

“Hỡi các đệ tử chân tu, tôi dạy chư vị là Pháp tu Phật tu Đạo, vậy mà chư vị lại kể khổ với tôi vì những tổn thất về lợi ích nơi người thường, chứ không thấy khổ não vì tâm chấp trước nơi người thường của bản thân vẫn chưa buông bỏ được, đó là tu luyện sao” (Chân tu, Tinh tấn yếu chỉ)

Nhưng trong quá trình này, bằng việc luôn giữ Pháp trong tâm, tôi có thể dần dần tu bỏ chấp trước vào lợi ích cá nhân. Càng tu luyện, tôi càng cảm thấy nhẹ nhàng. Hoàn cảnh bên ngoài thì vẫn như thế, nhưng cuối cùng thì một sự nhẹ nhàng kỳ diệu đã hình thành trong nội tâm.

Trong quá trình này, tôi thể ngộ được rằng tôi vẫn chưa tu luyện được đến mức mà tôi không còn dễ trở thành nạn nhân của một số chấp trước nhất định và bị ràng buộc bởi những chấp trước và dục vọng người thường. Giống như Sư phụ đã giảng:

“Thanh niên thường khó tự chủ bản thân; bình thường chư vị thấy họ rất tốt; khi chưa có bản sự gì nơi xã hội người thường, thì tâm danh lợi của họ rất nhẹ.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi vẫn chưa đề cao được cảnh giới của bản thân để có thể không bị dẫn động trước những lợi ích lớn hơn. Sư phụ cũng giảng rằng:

“Nhà chư vị xây bằng vàng, trong tâm chư vị không có, coi rất nhẹ.” (Giảng Pháp ở Sydney)

Hôm nay nếu tôi sống ở trong một căn nhà bằng vàng thì tôi có lẽ sẽ không nhịn được việc khoe khoang một chút.

Tôi cũng muốn nhắc nhở các đồng tu trẻ tuổi nên thận trọng với những cám dỗ về lợi ích cá nhân, vì chỉ khi chúng ta đặt việc tu luyện lên hàng đầu thì chúng ta mới có thể thực sự chứng thực Đại Pháp thông qua sự nghiệp đáng nể cùng với tâm tính của một người chân tu. Trải nghiệm của tôi là khi tôi có ý thức trách nhiệm với xã hội cũng như với Đại Pháp, tôi đều có được mọi thứ mà không cần truy cầu gì. Tôi nhận được visa và tiền tài trợ cho công dân thẻ xanh chỉ đơn giản bằng việc hỏi một câu hỏi. Tôi không phải lo lắng về tài chính, có thời gian đọc thuộc Chuyển Pháp Luân, và tham gia các hạng mục chứng thực Đại Pháp. Tôi cảm thấy mình thực sự quá may mắn.

Phối hợp: Trí huệ đến từ việc cùng nhau làm việc

Mùa Hè năm ngoái là một bước ngoặt lớn khi tham gia các hạng mục Đại Pháp. Trước kia tôi rất khoa trương về khả năng học hỏi nhanh, khả năng giao tiếp, và thành thục một số kỹ năng công nghệ nhất định. Phải đến tận một mùa Hè khi tôi quay trở lại châu Âu thì tôi mới bừng tỉnh ra sự thật rằng trí huệ chân thực sẽ đến khi chúng ta cùng nhau phối hợp.

Hồi đó, môi trường tu luyện ở địa phương của tôi bắt đầu có sự bất đồng và có dấu hiệu hiểu lầm giữa các học viên phương Tây và phương Đông; không có nhóm học Pháp lớn ổn định và việc giảng chân tướng thì bị đình trệ. Cũng có một căn hộ bỏ không trong nhiều năm cần được sửa sang. Thêm vào đó, tôi đã không gặp gỡ bạn bè mình ở châu Âu trong nhiều năm, và tôi tâm nguyện muốn nói với họ về môn tu luyện mà tôi mới tìm được này.

Trong môi trường như thế, tôi đã lập một nhóm rất tốt cùng với mẹ tôi. Trước hoàn cảnh tu luyện đó, chúng tôi quyết định thành lập điểm sản xuất tài liệu riêng và giải quyết vấn đề tài liệu chưa cập nhật bằng việc thiết kế những tờ rơi và tấm poster mới. Khi máy in của chúng tôi bị hỏng, chính sự lóng ngóng của chúng tôi trong việc tìm cách sửa máy đã phơi bày nguyên nhân gốc rễ. Dần dần chúng tôi biết từng học viên địa phương trong vùng và tạo ra các cơ hội kết nối bằng việc đi đến từng điểm giảng chân tướng và tăng thời lượng học Pháp nhóm. Dĩ nhiên, mâu thuẫn luôn xuất hiện.

Ví dụ, khi ngồi xuống thiết kế tờ rơi, tôi thấy đầu mình trống rỗng và tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Sau đó mẹ tôi nói rằng: “Mẹ biết mẹ muốn nhìn thấy gì trên tờ rơi đấy!” và chỉ ra phần nào nên giải thích nội dung nào. Tôi liền có ý nghĩ kiểu như: “Ồ, nếu mẹ biết thì mẹ tự làm đi,” và kiểu như “được rồi, nhưng chính xác là chúng ta nên viết gì trên đó?” Tôi nhận ra những niệm đầu bất hảo này thấp kém đến mức nào, và thật sự tập trung vào việc tu bỏ chúng. Một khi chúng được loại bỏ đi rồi thì một dòng ý nghĩ tốt đẹp bắt đầu tràn vào tâm trí tôi. Bằng việc tu những ý nghĩ tích cực và không để quan niệm người thường thấp kém chen vào, chỉ trong một ngày mà chúng tôi đã tạo ra được những tờ rơi bằng cả hai ngôn ngữ.

Dường như chúng tôi phải đối mặt với mâu thuẫn ở khắp mọi nơi. Khi chúng tôi sửa sang căn hộ, ba trong bốn người hàng xóm đều rất căng thẳng với chúng tôi. Những người ở cùng bên với nhà chúng tôi thì thay đường ống nước của chúng tôi khi chúng tôi còn chưa đồng ý. Những người ở tầng dưới thì gõ cửa phàn nàn rằng nước đang chảy từ trần nhà xuống, trong khi cùng lúc đó thì chúng tôi gõ cửa người hàng xóm ở tầng trên nói với họ rằng nước đang chảy xuống trần nhà chúng tôi! Thực sự là phiền toái này chồng chất lên phiền toái khác. Tuy nhiên, bằng việc học Pháp, chúng tôi dần có thể tu bỏ lợi ích cá nhân và tìm được giải pháp hài hoà trong mỗi tình huống. Qua việc phối hợp gần với mẹ mà tôi nhận ra tâm trí và những niệm đầu của tôi còn xa mới trưởng thành, và tôi vẫn chưa phù hợp để điều phối những hạng mục lớn, thậm chí không cả phù hợp để sửa nhà. Mặc dù kỹ thuật dùng cưa, sơn sửa, và khoan đục của mẹ tôi có phần hạn chế, nhưng tôi có mặt ở đó là để gánh vác phần lớn những việc này.

Qua thời gian, trên tiền tuyến giảng chân tướng, khả năng sản xuất và kinh nghiệm của chúng tôi tăng lên. Tất cả các học viên ở địa phương đều cảm nhận được sự khích lệ mới này, lượng chữ ký ủng hộ tăng lên đáng kể, và cứ cuối tuần là có người mới đến học công. Nhóm học Pháp lớn được tái thiết lập, và với số lượng các học viên mới tăng lên, chúng tôi đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân bằng bốn thứ tiếng. Mọi người đều cảm thấy có chuyển biến như là tu luyện lại mới vậy! Trong toàn bộ quá trình này, tôi chỉ phải bài trừ những quan niệm người thường bất hảo, kiềm chế việc chứng thực bản thân, và nỗ lực đạt đến bao dung với các đồng tu. Mọi việc mở ra một cách tự nhiên, và tôi lại có được thể ngộ mới về điều mà Sư phụ dạy:

“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Làm việc với mẹ tôi thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng nhiều lần chúng tôi trải qua những lúc rất căng thẳng. Vì bố mẹ tôi ly hôn, và bố tôi lại tái hôn, nên đối xử từ bi với vợ mới của bố là rất khó cho mẹ. Cân bằng giữa hai gia đình là khó đối với tôi, vài quyết định của tôi thậm chí còn mang lại những cuộc xung đột mà mẹ tôi đã nói rằng tu luyện là quá khó đối với bà, và bà có thể không thể tiếp tục được nữa. Bất cứ khi nào bà cao giọng là tôi lại phải đặc biệt chú ý hạ giọng của mình, khi bà rất sôi sục thì tôi lại kiềm chế không phản ứng lại và cố gắng giữ bình tĩnh. Ngay khi tôi thấy mẹ tôi kiểm soát được cảm xúc thì chúng tôi ngồi xuống học Pháp. Bằng việc bền bỉ và hướng nội, không ôm giữ quan niệm rằng thể ngộ của mình tốt hơn của người kia, chúng tôi có thể vượt qua được mâu thuẫn và giải quyết tốt các vấn đề.

Thời gian ở châu Âu thực sự là một bước ngoặt đối với tôi. Tôi ngộ ra được rằng để việc giảng chân tướng có được tác dụng lớn thì thực sự phụ thuộc vào việc tu luyện tâm tính và lý giải Pháp lý thâm sâu hơn. Như Sư phụ giảng:

“Dường như người trẻ tâm hơi nhiều tham vọng, không tĩnh xuống được. Đệ tử Đại Pháp mà, muốn làm gì thì cần hết sức thiết thực mà làm cho tốt; chư vị là người tu luyện.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Bằng việc phối hợp với nhau và kiên định trong việc học Pháp, chúng tôi có thể thực sự chứng thực Pháp. Và cuối cùng, chỉ bằng cách làm được và giữ được quyết tâm của một ngươi tu luyện chúng ta mới có thể làm được điều mà Sư phụ giảng trong bài “Lý tính”:

“là sứ giả cứu độ [thời] mạt hậu [cuối cùng]”

Con tạ ơn Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu.

(Bài chia sẻ trên Pháp hội trực tuyến dành cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi năm 2020)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/6/407188.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/10/185458.html

Đăng ngày 28-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share