Bài chia sẻ của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi ở hải ngoại

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Chào các bạn đồng tu!

Tôi năm nay 24 tuổi và đã bắt đầu bước vào tu luyện từ năm chín tuổi sau khi được cha tôi giới thiệu môn pháp này cho mọi người trong gia đình. Một trong những ký ức sâu sắc nhất và sớm nhất của tôi về Đại Pháp là khi tôi khoảng mười tuổi. Trong một buổi chia sẻ tu luyện, một video về các học viên Đại Pháp sau khi ký thệ ước đã hạ thế từ thiên thượng cùng Sư phụ. Họ nguyện sẽ cứu độ chúng sinh, tu luyện trở về nhà và không bỏ lại nhau. Khoảnh khắc tôi nhìn thấy bức tranh ‘Hoàn thành thệ nguyện’ trên màn hình, tôi tràn đầy cảm xúc và cảm thấy bên trong mình có điều gì đó đã thay đổi.

Trong những năm qua, tôi đã thấy nhiều người bạn thời thơ ấu của mình rời khỏi Đại Pháp và ngừng tu luyện. Mặc dù tôi chưa bao giờ từ bỏ tu luyện, nhưng tôi vẫn chưa thực sự cư xử như một đệ tử Đại Pháp, và tôi vẫn phạm lỗi trên con đường tu luyện của mình. Tôi luôn biết ơn Sư phụ vì đã tha thứ cho những thiếu sót của tôi và luôn cho tôi cơ hội để đề cao. Thể ngộ của tôi về Đại Pháp đã thay đổi đáng kể và tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm của tôi với đồng tu.

Hướng nội mọi lúc mọi nơi

Một trong những điều cơ bản nhất mà các đệ tử Đại Pháp phải làm là hướng nội và tu luyện bản thân. Mặc dù Sư phụ đã nói rất rõ những yêu cầu đối với một học viên, nhưng thường rất khó để nhận biết những hành vi chưa phù hợp và thay đổi cách suy nghĩ của bản thân. Rất dễ để chỉ ra sai sót ở người khác nhưng lại khó khi tìm ra lỗi của chính mình. Khi cha mẹ tôi có bất đồng hoặc chứng kiến mâu thuẫn giữa các học viên, tôi nghĩ rằng họ nên đề cao tâm tính. Rốt cuộc, hướng nội là nền tảng của sự tu luyện của chúng ta.

Hai tháng trước, trong buổi học Pháp nhóm hàng tuần, tôi ngay lập tức nhận thấy rằng cách đọc của các học viên Trung Quốc rất tản mát. Một số học viên thì đọc khá nhanh và một số thì chậm. Những người khác thì cố để theo một tốc độ để thống nhất, và điều này tạo ra một âm thanh hỗn loạn hơn. Khi tôi cố gắng làm theo, tôi nhanh chóng cảm thấy sự khó chịu của mình tăng lên. Đây là buổi học Pháp nhóm lần thứ hai xảy ra vấn đề này và tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng với các học viên quanh mình. Tại sao họ không thể dừng lại một giây để lắng nghe và điều chỉnh tốc độ đọc của họ? Chẳng nhẽ quá khó khăn khi dừng lại để suy nghĩ cho người khác? Sự cáu kỉnh của tôi kéo dài trong toàn bộ buổi học Pháp. Cuối cùng, tôi cảm thấy như thể tôi đã lãng phí cả một bài giảng vì tâm trí của tôi quá mất tập trung.

Trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm nhóm của chúng tôi sau đó, tôi đã hướng nội và nhớ lại lời giảng của Sư phụ:

“Phàm khi mâu thuẫn phát sinh ở trên thân chư vị, xuất hiện ở chỗ của chư vị, xuất hiện giữa chư vị với nhau, thì rất có thể là có quan hệ với chư vị, sẽ có những thứ mà chư vị phải bỏ. Cho dù là lỗi tại chư vị hay không, Pháp thân của tôi khi loại bỏ tâm của chư vị, lại không quan tâm là sự việc này lỗi tại họ hay là lỗi tại chư vị. Chỉ cần chư vị có cái tâm này, họ nghĩ hết mọi biện pháp khiến chư vị xuất hiện mâu thuẫn, khiến chư vị nhận thức được cái tâm còn thiếu sót, cho nên chư vị vẫn còn ở đó tìm: việc này không phải lỗi tại tôi nhé. Hoặc là chư vị vẫn còn đang nghĩ: Tôi đang duy hộ Pháp nhé.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

Tôi biết rằng Sư phụ đang nhắc nhở mình phải hướng nội, và tôi nhận ra rằng tình huống này có liên quan đến tôi. Gần đây tôi đã cố gắng tích cực và đảm nhận thêm vai trò trong việc giảng chân tướng và tham gia vào nhóm luyện công chung tại một địa điểm thu hút khách du lịch. Tôi khá tự hào về bản thân vì đã tham dự nhiều ngày cuối tuần liên tiếp. Tôi không bao giờ có thể thúc đẩy bản thân trong quá khứ, ngay cả khi tôi có thời gian để tham gia. Tôi nghĩ rằng tôi đã tiến bộ, nhưng tôi nhận ra rằng tôi đã không thực sự làm tốt. Mỗi cuối tuần, tôi sẽ thức dậy đúng giờ nhưng sau đó nội tâm tôi đấu tranh xem có nên đi hay không. Tôi cho phép bản thân mình buông lơi. Tôi mất thời gian ra khỏi giường, chuẩn bị và rời khỏi nhà. Khi tôi đến, các học viên khác đã hoàn thành bài công Pháp thứ nhất hoặc bắt đầu Bài công pháp thứ 2. Mặc dù vậy, tôi vẫn tự hào về bản thân mình và thậm chí còn nghĩ rằng: “Ít nhất mình cũng đã đi. Một số học viên còn chẳng bao giờ đến!”

Sự khó chịu của tôi với học viên khác thực sự phản ánh một thiếu sót lớn hơn nhiều của tôi; Tôi thậm chí còn ích kỷ hơn. Khi tôi đến muộn gây mất tập trung cho các học viên đang thiền định và phản ánh một hình ảnh không tốt về học viên trong mắt của chúng sinh đang chú ý quan sát. Bởi vì tôi không bao giờ đến đúng giờ, tôi cũng không bao giờ giúp đặt các bảng chân tướng và bảng hiệu nặng, phần lớn là các học viên lớn tuổi làm. Ngay cả khi buổi học Pháp nhóm mà tôi tham gia, tôi cũng đến trễ, giữa lúc phát chính niệm. Lúc đó tôi rất xấu hổ và cảm tạ Sư phụ vì đã điểm hoá cho tôi những thiếu sót này.

Tôi luôn tin rằng mình hiểu ý nghĩa của việc hướng nội và tôi cảm thấy may mắn khi mình là người ngoài cuộc trước những xung đột. Bây giờ tôi hiểu rằng thực sự hướng nội không đơn giản như nhìn thấy những người khác xung đột và nghĩ: “Ôi, họ nên hướng nội”, mà thực sự tận dụng mọi cơ hội để đào sâu và tu luyện bản thân trước.

Tu bỏ tâm tật đố

Khi tôi đề cao trong tu luyện, tôi nhận ra rằng mình có một chấp trước tật đố sâu sắc biểu hiện ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Bất cứ khi nào tôi nghe một người bạn hoặc bạn cùng lớp có tin tốt hoặc hoàn thành điều gì đó tuyệt vời, tôi thực sự khó cảm thấy mừng cho họ. Tôi sẽ ngay lập tức biện minh cho sự thành công của họ và nghĩ rằng: “Chắc hẳn họ có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Không thể nào mà họ tự làm được.” Hoặc “Ồ, nếu tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị, tôi cũng có thể làm được”. Trong vai trò điều phối các hoạt động bên ngoài, sự ghen tị của tôi thường khiến tôi không thể ủy thác nhiệm vụ cho người khác vì tôi không thể chịu đựng được suy nghĩ rằng người khác sẽ nhận được tín nhiệm vì ý tưởng hoặc nỗ lực của tôi. Tệ hơn nữa, sự ghen tị của tôi còn lẫn vào các hạng mục chứng thực Đại Pháp và tôi thường che giấu tâm oán hận đối với các học viên đã giúp đỡ hoặc chủ động hoàn thành công việc. Tôi sẽ bảo vệ hành vi của mình bằng suy nghĩ rằng lý do duy nhất tôi không giao việc cho người khác là vì sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải thích và chờ người khác hoàn thành; nó sẽ dễ hơn và nhanh hơn nếu tôi tự mình làm.

Trên thực tế, sự ghen tị của tôi ngăn cản tôi tin tưởng người khác. Tôi cũng xem thường những người khác về khả năng của họ. Tôi tin rằng chỉ có mình có thể làm tốt hơn, và tôi muốn được khen ngợi vì điều đó. Trong tiềm thức, tôi cũng nghĩ rằng nếu người khác bị ấn tượng bởi kết quả công việc của tôi, họ sẽ nghĩ tôi có khả năng và tu luyện tốt. Tôi tự khiến mình thêm gánh nặng bằng việc hoàn thành các nhiệm vụ lớn một mình, gác lại giấc ngủ và các trách nhiệm khác vì tôi không thể buông bỏ sự kiêu hãnh và những quan niệm ích kỷ của mình. Khi thành tích của tôi không được công nhận, tôi không thể kìm nén mong muốn thể hiện của mình và sẽ tình cờ đề cập đến: “Ồ vâng, tôi đã làm tất cả. Ý tưởng này là của tôi”. Hoặc “Tôi không có ai giúp, vì vậy tôi đã thức nhiều đêm để hoàn thành”. Khi mọi người hỏi hoặc khen ngợi tôi về công việc, tôi thậm chí sẽ nhắc lại rằng tôi thực sự đã không quan tâm ai sẽ ghi nhận, miễn là nó được hoàn thành. Thực tế, tôi rất quan tâm, và tôi quan tâm rất nhiều. Chấp trước của tôi tồn tại ngay cả khi tôi không nhận ra. Tôi sẽ nói với những người khác rằng tôi đã không có chấp trước này và thậm chí tự nói với mình rằng tôi đã không có chấp trước này, nhưng chấp trước vẫn còn đó.

Gần đây, sau khi tôi tăng cường học Pháp, tôi đã nhận thức rõ hơn về những suy nghĩ tồi tệ này khi chúng xuất hiện. Tôi có thể nhận ra chúng là cái gì, và tôi có thể phủ nhận khi chúng hình thành trong tâm trí tôi. Đặc biệt là liên quan đến các hạng mục Đại Pháp, tôi đã nhận ra rằng ghen tị là một chấp trước phá hoại và nguy hiểm. Sư phụ giảng:

“Đại Pháp là của toàn vũ trụ, chứ không của bất kể một cá nhân nhỏ bé nào, công tác dẫu ai làm thì đều là hồng truyền Đại Pháp, có gì mà việc này người này làm người kia làm, loại tâm ấy của chư vị không bỏ đi thì lẽ nào muốn mang theo lên thiên quốc để cạnh tranh với chư Phật? Không ai có thể bao trọn lấy hết Đại Pháp.”(Trừ bỏ chấp trước hơn nữa,Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi nhận ra rằng mình đã cho phép tâm tật đố kiểm soát, tôi đã lợi dụng các hạng mục Đại Pháp thiêng liêng để nuôi dưỡng chấp trước của mình vào những điều thế tục. Thay vì giao nhiệm vụ cho các đồng tu có năng lực, tôi muốn làm mọi thứ vì tôi tin rằng tôi có thể làm điều đó tốt hơn. Thay vì tập trung vào làm thế nào để cứu chúng sinh một cách tốt nhất, tôi đã lo lắng về việc tên của ai ở cuối email. Kết quả của việc tăng cường học Pháp, tôi đã có thể gạt bỏ chấp trước này sang một bên và làm các hạng mục Đại Pháp với một tâm trí và trái tim thuần khiết hơn. Bây giờ chúng tôi hợp tác trơn tru hơn, và những nỗ lực của chúng tôi có kết quả tốt hơn. Bây giờ tôi nhận ra rằng tôi đã mù quáng đến mức tật đố. Mối quan hệ của tôi với các đồng tu cũng được cải thiện, vì tôi thực sự cảm thấy rằng các học viên khác có thể cảm nhận được nếu suy nghĩ và hành vi của tôi được bắt nguồn từ tật đố và oán giận.

Bất cứ khi nào tâm tôi lay động, tôi có thể nhận ra và phủ nhận nó một cách có ý thức. Tôi biết đây sẽ là một quá trình dần dần loại bỏ hoàn toàn chấp trước của tôi, nhưng tôi rất biết ơn Sư phụ liên tục điểm hoá và cho tôi cơ hội để thực sự loại bỏ tâm tật đố.

Loại bỏ chấp trước vào danh tiếng và lợi ích cá nhân

Là một sinh viên tốt nghiệp, tôi thường xuyên có những khảo nghiệm về danh và lợi ích cá nhân. Ở trường đại học, tôi đã học tập chăm chỉ để duy trì điểm số cao, và tôi được nhận vào một trường nha khoa tốt. Trước khi tôi nộp đơn, tôi đã đấu tranh xem mình có nên chuyển sang trường y không. Với điểm số tốt của mình, tôi muốn chứng minh với mọi người tôi có thể được nhận. Khi tôi thấy nhiều bạn học cũ của mình cũng được nhận vào trường nha khoa, tôi bắt đầu cảm thấy rằng thành tích của mình là vô ích. Tôi biết nhiều người trong số họ, và tôi cảm thấy rằng thái độ làm việc của họ không tốt bằng tôi, điểm số của họ không tốt bằng tôi, hoặc mục đích của họ không phù hợp hoặc đúng đắn như tôi. Tôi cảm thấy bất công và việc họ được nhận đã khiến những nỗ lực của tôi bị hạ thấp. Rốt cuộc, tại sao tôi lại dồn quá nhiều nỗ lực nếu tất cả chúng ta đều có kết quả như nhau?

Những suy nghĩ này khiến tôi trở nên chấp trước vào suy nghĩ tách bản thân khỏi đám đông. Tôi cảm thấy tức giận và hối hận vì tôi đã không đến trường y và tôi muốn chứng minh rằng tôi giỏi hơn thay vì chỉ là một sinh viên nha khoa thông thường. Khi tôi có hứng thú với phẫu thuật miệng, tôi bắt đầu tìm hiểu các chương trình nội trú khắt khe kéo dài sáu năm. Cuối cùng, tôi sẽ có hai bằng tiến sỹ. Tôi nghiêm túc nghĩ về việc sắp xếp lại thập kỷ tiếp theo của cuộc đời mình để tạo sự khác biệt với các bạn cùng lứa. Đó là một sự cam kết về thời gian rất lớn, nhưng nó cảm thấy giống như một việc tôi cần phải làm để thăng tiến sự nghiệp và bản thân.

Trong Giảng Pháp tại Thụy Sỹ, Sư phụ đã đưa ra một ví dụ về nghiên cứu sinh tiến sỹ y khoa tại Trung Quốc. Sinh viên này đang trong giai đoạn cuối để lấy bằng và chỉ cần mổ một số lượng chuột nhất định trước khi anh ta có thể nhận bằng tiến sỹ. Anh ấy đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Người đó nói với thầy hướng dẫn của mình rằng anh ta không thể làm điều này: giờ anh ta là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và không thể sát sinh, vì nó tạo nghiệp. Bất chấp công việc của mình, anh thậm chí còn sẵn sàng buông bỏ tấm bằng của mình. Sư phụ giảng:

“Mọi người nghĩ xem, con người sống trên thế gian không gì khác là vì danh và lợi. Sau khi anh ta lấy được học vị tiến sỹ rồi, công tác và tiền đồ tương lai của anh ta sẽ có thể phần nào tốt hơn, tiền lương của anh tự nhiên cũng sẽ nhiều, điều đó không cần phải nói, sẽ cao hơn người thường, cao hơn người bình thường. Con người chẳng phải là vì cái này mà sống sao? Anh ta ngay cả cái đó cũng không cần nữa. Mọi người nghĩ xem anh ta ngay cả cái đó cũng dám buông bỏ. Là một người trẻ tuổi, [nhưng] những cái này đều có thể không cần, thì chẳng phải là cái gì cũng có thể vứt bỏ rồi sao, anh ta chẳng phải là bằng như dám buông bỏ sinh tử sao? (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

Đọc câu chuyện này là một bước tiến lớn khiến tôi nhận ra chấp trước của mình và hiểu ra mục đích thực sự của mình khi là một đệ tử Đại Pháp. Tôi nhận ra rằng mình chính xác giống với những người mà Sư phụ giảng:

“Rồi một khi nổi danh, thông thường họ rất dễ bị tâm danh lợi can nhiễu; họ cảm thấy năm tháng đời này còn là một chặng đường rất dài, còn cần chạy vạy này khác, [còn cần] phấn đấu một phen để đạt được một mục tiêu nào đó nơi người thường.”(Bài giảng thứ Ba, Chuyển Pháp Luân)

Là một đệ tử Đại Pháp, mục đích thực sự của tôi là gì? Làm thế nào tôi có thể tu luyện tốt và cứu độ chúng sinh khi tôi đã đánh mất bản thân trong những chấp trước trần tục như những người bình thường? Tôi cũng nhận ra rằng tôi đã nhìn mọi thứ giống như một người thường. Ở trường đại học, tôi đã được cộng điểm đặc biệt bằng cách người thường và thường xuyên thức đêm. Tôi không siêng năng học Pháp, luyện công hay giảng chân tướng. Tôi thường bỏ bê trách nhiệm Đại Pháp của mình để nuôi dưỡng chấp trước vào danh.

Đồng thời, tôi bị ám ảnh bởi việc thay đổi con đường tương lai của mình thay vì suy nghĩ xem mình có thể đi trên con đường tu luyện của mình như thế nào cho tốt. Đây là những an bài của Sư phụ, và tật đố với những người khác là một chấp trước ích kỷ vào nổi danh. Tôi thậm chí đã nghĩ về những cơ hội mà tôi sẽ có với tư cách là một nha sỹ, trong tương lai, tôi sẽ có lựa chọn tự làm chủ, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các dự án giảng chân tướng và hạng mục Đại Pháp.

Bây giờ tôi hiểu rằng tất cả những gì tôi đạt được là nhờ Đại Pháp. Trách nhiệm thực sự của tôi là Đại Pháp chứ không phải là sự nghiệp. Tôi phải làm tốt trong công việc của mình để truyền bá và chứng thực Đại Pháp, nhưng không bao giờ được đánh mất mục đích thực sự của mình.

Các đệ tử Đại Pháp là một chỉnh thể

Khi virus ĐCSTQ (coronavirus) xuất hiện trên thế giới và dường như mọi thành phố đều bị phong toả, tôi bắt đầu lo lắng và cảm thấy chán nản về tương lai của mình. Khi các trường học đóng cửa, tôi không có bệnh nhân để khám và không có lý do để rời khỏi nhà. Việc ra khỏi giường ngày càng khó khăn và tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Ý nghĩ về việc cách ly vô thời hạn gần như không thể chịu đựng nổi và tôi mong muốn đại dịch chấm dứt.

Sau khi đọc bài kinh văn mới nhất: “Lý tính” của Sư phụ, tôi biết rằng tôi cần phải dùng tư duy của người tu luyện để tiếp cận tình huống này, vì không có gì trên con đường tu luyện của chúng ta xảy ra một cách ngẫu nhiên. Thay vì ám ảnh với suy nghĩ tất cả sẽ kết thúc, tôi nên trân trọng tất cả thời gian rảnh rỗi mà tôi có và tận dụng nó để trở thành một đệ tử Đại Pháp tinh tấn hơn.

Thông qua sự giúp đỡ và khuyến khích của các đồng tu trẻ khác, tôi đã tăng cường đáng kể thời lượng học Pháp và luyện công. Tôi đã không bỏ lỡ một ngày học Pháp nào trong hai tháng và mỗi ngày tôi đọc ít nhất một bài giảng với các học viên trẻ khác trên mạng. Bây giờ tôi đã ngộ ra các khái niệm mà tôi chưa bao giờ hiểu trước đây. Bây giờ tôi cảm thấy như thể trước đây tôi chưa từng thực sự đọc Pháp.

Hai năm trước, trong một thời điểm tu luyện trì trệ, tôi đã có một thời gian dài gặp khó nạn khi tôi không thể ngồi song bàn. Đây là một điều khiến tôi rất xấu hổ, đến mức tôi đã không dám nói với bất cứ ai, và tôi đã không cố gắng đào sâu hơn tìm nguyên nhân. Sư phụ đã trả lời hai câu hỏi trong Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore.

Đệ tử: Chân con trước đây từng bị thương, đã từng ngồi được song bàn, nhưng gần đây không biết vì cớ gì, làm thế nào cũng không song bàn được?

Sư phụ: Kỳ thực chư vị nên hỏi chính mình là nguyên nhân gì. Một là có phải vì học Pháp không tinh tấn, hoặc là có việc làm sai rồi lại không muốn sửa hoặc là ngộ chưa đến? Nếu như sự việc hiện nay chư vị làm được hết sức tốt, phù hợp với Pháp, vốn dĩ chư vị có thể ngồi song bàn được mười phút, thì bảo đảm sẽ ngồi được hai mươi phút, chúng ta có rất nhiều học viên đã có thể hội như vậy rồi. Việc này cũng không phải tuyệt đối, nhưng mà thời kỳ gần đây, chư vị phải tiêu một lượng nghiệp lớn hơn chút, thì cũng sẽ xuất hiện vấn đề này. (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])

Đệ tử: Tu luyện đã một năm rồi nhưng vẫn không thể ngồi song bàn, càng không ngồi được thì càng lo lắng.

Sư phụ: Đừng lo lắng, thực sự không ngồi được, cũng sẽ không vì không ngồi được song bàn mà không cho chư vị viên mãn. Nhưng làm một người tu luyện thì chư vị phải ngồi song bàn. Tôi bảo chư vị, không phải chuyện đùa nhé, một người tu luyện tu rất khá nhưng lại không ngồi được song bàn, các Bồ Tát ở bên trên đều đang bưng lấy miệng cười chư vị, thật đó. Nhưng đừng lo, từ từ đều sẽ ngồi được, tôi trước giờ chưa hề nói thời gian không còn kịp nữa (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])

Tôi cảm thấy rất xấu hổ sau khi đọc đoạn Pháp này. Dần dần khi tôi trở nên tinh tấn hơn, tôi đã có thể ngồi song bàn trở lại. Với việc luyện công nhóm trực tuyến trong đại dịch này, cuối cùng tôi đã ngồi thiền được một tiếng và tôi có thể nhẫn chịu. Là một người thường xuyên ngủ muộn và ngủ nhiều giấc mỗi ngày, giờ đây tôi cũng có thể thức dậy để phát chính niệm vào buổi sáng và hoàn thành hai giờ luyện công chung sau đó.

Tôi đề cập đến tất cả những thay đổi này vì tôi muốn cảm ơn tất cả các đồng tu của mình. Tôi chưa bao giờ có thể đạt đến mức tinh tấn này trong tu luyện và tôi biết rằng tôi không thể làm điều này nếu không có sự giúp đỡ của Sư phụ và các đồng tu khác. Bây giờ tôi thực sự hiểu ý của Sư phụ:

Quần hùng tập kết hồng lưu trung

Giai tầng hành nghiệp bất đồng công

Đại Pháp đệ tử thị chỉnh thể

Trợ Sư Chính Pháp trở tà phong

(Trợ Sư, Hồng Ngâm III).

Tạm dịch:

Quần hùng tập kết trong dòng lớn

Công tác ngành nghề dẫu khác nhau

Đệ tử Đại Pháp là chỉnh thể

Trợ Sư Chính Pháp cản tà phong

Có được hoàn cảnh tu luyện nhóm này đã hỗ trợ cho sự tu luyện của tôi rất nhiều trong thời điểm bấp bênh này, và tôi muốn khuyến khích tất cả các học viên trẻ hãy bình tâm và tận dụng tốt khoảng thời gian này.

Mặc dù tôi đã đề cập đến một số mặt mà tôi đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều phần mà tôi vẫn cần phải tu luyện. Tôi tin rằng ngay cả sau đại dịch này, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau, tiến bộ trong tu luyện và thực hiện thệ nguyện thiêng liêng của chúng ta. Tôi rất biết ơn Sư phụ từ bi vô hạn vì đã tạo ra môi trường tu luyện mà tôi có với các đồng tu trẻ tuổi.

Trên đây là một số hiểu biết và kinh nghiệm hạn chế của tôi. Xin từ bi chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Cảm ơn Sư phụ. Cảm ơn các bạn đồng tu!

Hợp thập!

(Được trình bày tại Pháp hội Pháp Luân Đại Pháp trực tuyến dành cho các đệ tử trẻ năm 2020)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/2/407099.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/6/185396.html

Đăng ngày 21-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share