Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại Lục   

[MINH HUỆ 16-07-2020] Kể từ lúc bắt đầu tu luyện, tôi vẫn luôn sử dụng công năng để làm những việc chứng thực Pháp. Cho đến hôm nay đã trải qua hơn 20 năm, tôi xin tổng kết lại một cách đơn giản và chia sẻ cùng các đồng tu.

1. Có hay không có công năng đều là con đường Sư phụ an bài

Nhắc đến công năng, Sư phụ đã từng nói rất rõ ràng trong nhiều lần giảng Pháp, điều quan trọng là bản thân chúng ta có thể buông bỏ tự ngã và thật sự chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà làm hay không. Sư phụ giảng:

“… mỗi cá nhân đều đang đi trên [mỗi] con đường khác nhau mà các đệ tử Đại Pháp cần phải đi; con đường mà chư vị đi là có ảnh hưởng đến tương lai của vũ trụ. Nếu khiến một đệ tử Đại Pháp nào đó có mang theo công năng khi tu thì nhất định là có nguyên nhân, nhất định là để đặt định điều gì đó cho các sinh mệnh tương lai; bởi vì các đệ tử Đại Pháp có trách nhiệm to lớn như vậy, chính là [bản] thân mang trách nhiệm trọng đại.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago năm 2004)

Một bộ phận rất lớn các đồng tu đều sẽ xuất hiện những trạng thái liên quan đến tu luyện, đó cũng là con đường mà họ cần phải bước đi. Gần đây tôi ngộ ra rằng: Cho dù một sinh mệnh chọn lấy phương thức tu luyện loại nào thì đều là những việc thần thánh và trang nghiêm, đều có yêu cầu về sự tôn trọng và thấu hiểu các sinh mệnh khác, chứ không thể dùng những trạng thái trên thân thể mình để bình phẩm trạng thái và con đường tu luyện của người khác. Bản thân việc đó là bất kính đối với Đại Pháp, và thậm chí là khinh nhờn Pháp. Điều này cũng giống như đồng tu có thiên mục đóng thường hay nói: “Phải chi tôi có thiên mục mở nhìn thấy được nhiều thứ thì tốt biết mấy!” Hoặc như đồng tu có thiên mục mở lại thường hay nói: “Trong quá trình tu luyện với thiên mục mở, tôi gặp phải nhiều thứ từ không gian khác can nhiễu đến các đồng tu, không giống như những người có thiên mục đóng.” Tôi cho rằng hết thảy những điều này đều là dùng nhân tâm để đo lường tu luyện, cũng như đo lường an bài của Sư phụ. Bản thân chúng cũng mang theo những phương diện bất kính và nhân tâm ở trong đó.

Một người tu luyện cần phải bước đi trên con đường tu luyện với thiên mục mở hay đóng không phải là chúng ta mang theo rất nhiều nhân tâm để nói về nó thì xem như xong chuyện, thực chất những điều này đều là an bài có trật tự của Sư phụ. Nó tuyệt đối không phải là chúng ta tự cho rằng mình nên tu luyện theo phương thức như thế nào đó.

Còn có một phương diện nữa, nhiều năm đã trôi qua như vậy, bởi vì một số người có công năng mang đến cho tu luyện và chứng thực Pháp quá nhiều can nhiễu nên đã khiến cho các đồng tu có thiên mục đóng sinh ra rất nhiều quan niệm về phương diện này. Kỳ thực những điều này cũng không đúng. Việc sử dụng công năng chính là an bài một cách có trật tự trên con đường chứng thực Pháp, còn việc những sinh mệnh trong đó có thể làm tốt hay không lại chính là cá nhân đó nắm bắt vấn đề như thế nào. Nó không có nghĩa là chúng ta không thể bước đi trên con đường tu luyện này. Chúng ta tuyệt đối không được lẫn lộn về khái niệm quan trọng này.

2. Đối với vấn đề nắm bắt công năng

Đối với phương diện này tôi cho rằng chúng ta đừng coi trọng bản sự của mình, tuyệt đối đừng chấp trước vào bản thân mình. Đồng thời, chúng ta hãy biết tôn trọng và kính úy sâu sắc đối với trạng thái tu luyện của các đồng tu khác là được rồi.

Dù cho một người trên thế gian này có bản sự to lớn ra sao, nhưng trong toàn thể vũ trụ này, chúng sẽ trở nên vô cùng nhỏ bé. Nhớ lại có một lần tôi gặp đồng tu có công năng, anh này rất coi trọng những thứ của bản thân mình, lúc đó tôi nhìn thấy một vị Thần ở tầng thứ rất cao, nhìn ánh mắt của ông ấy rất khác lạ. Có lẽ ông ấy cũng để ý là tôi đang nhìn, cho nên ông ấy đã cho tôi xem chư Thần ở cảnh giới cao hơn triển hiện thần thông ra sao, sau đó lại xuất hiện chư Thần ở cảnh giới còn cao hơn nữa. Tôi nhìn họ triển hiện ra những bản sự của mình như thế nào. Kỳ thực đối với bản thân những vị Thần kia, đối với những sinh mệnh ở tầng thứ thấp mà nói đều là bất khả tư nghị. Cho nên, tôi đã nói chuyện với vị đồng tu kia: “Chúng ta đừng coi trọng chút đỉnh bản sự của mình. Những thứ của chúng ta thật sự không là gì cả trong mắt của chư Thần. Lúc chúng ta coi trọng chúng thì chư Thần cho rằng chúng ta đang chấp trước, và cần có cơ hội cũng như hoàn cảnh để chúng ta vứt bỏ chấp trước kia đi. Đây chính là nạn do con người thêm vào, thử hỏi như thế có khổ không chứ?!”

Sư phụ giảng:

“Nhưng có một số học viên cá biệt có công năng đã phụ bạc sứ mệnh trọng đại ấy, không hề tiến bước tốt, lại cho rằng bản thân có chút đỉnh bản sự, cảm thấy dương dương tự đắc, thậm chí đã vượt khỏi vấn đề ‘hiển thị’, thậm chí đã đi lộn sang đường vòng, thậm chí có người bị tà ngộ, vậy mà chưa tỉnh ngộ ra! Chư vị đang phụ bạc sự uỷ thác trọng đại của vũ trụ, chuyện này không nhỏ đâu. Do vậy đã là đệ tử Đại Pháp mà giảng, cần phải chú ý mọi phương diện.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago năm 2004)

Một số người có công năng tự cho rằng mình có chút đỉnh bản sự, đi truyền bá những thứ đó khắp nơi trong các đồng tu. Khi họ làm như vậy sẽ tạo thành can nhiễu rất lớn cho bản thân họ cũng như các đồng tu khác, thậm chí là gây ra những tổn thất khó bù đắp trở lại. Bài học giáo huấn về phương diện này đã quá nhiều rồi.

Đối với những đồng tu có hứng thú đối với công năng, các bạn hãy suy nghĩ một chút, con đường của các bạn là do Sư phụ an bài, ai có thể giúp bạn nhìn xem nó như thế nào, thử hỏi họ có thể nhìn được những điều thực chất hay không? Nếu như phá hết cái mê thì các bạn làm sao tu luyện được! Cho dù là lúc nào đi nữa, chúng ta không được học theo người khác mà không học Pháp, và tuyệt đối không thể chạy theo những người có công năng đi đến khắp nơi với danh nghĩa giao lưu chia sẻ và giúp đỡ các đồng tu đề cao. Nếu làm như thế chính là đang bị tà ác lợi dụng, can nhiễu hoàn cảnh tu luyện của đệ tử Đại Pháp.

Một người dù cho anh ta nói năng ra sao thì chúng ta đều phải dùng Pháp để đo lường. Về điểm này, Sư phụ đã từng giảng rất rõ ràng:

“Ngay từ đầu tôi đã giảng rằng tiêu chuẩn đo lường người ta chính là tâm tính của đệ tử, hơn nữa tôi tuyệt đối không cho bất kể ai chưa khai ngộ, chưa viên mãn nhìn rõ tình huống tu luyện chân thực của đệ tử của tôi.” (Lại luận về tiêu chuẩn đo lường, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Còn có một điểm nữa, người tự cho rằng mình có công năng thường rất giỏi thuyết nói, hơn nữa trông như họ nói ra câu nào cũng không rời xa Pháp của Sư phụ, chính vì vậy nên mới có thể dụ dỗ mê hoặc những đồng tu thiếu lý trí. Kỳ thực đối diện với người loại này, trước tiên chúng ta cần phải nhìn vào anh ta, tuy miệng nói ra đều là những lời thoại trong Pháp nhưng khi gặp phải sự việc cụ thể thì anh ta có thật sự hướng nội tìm hay không, khi gặp phải chuyện gì anh ta có suy xét cho người khác và có buông bỏ về phương diện danh-lợi-tình hay không. Nếu ngay cả những thứ cơ bản trong tu luyện này anh ta vẫn chưa vứt bỏ và chưa làm được thì cũng không còn gì để nói nữa.

Kỳ thực, những người có công năng thường hay có thể tiếp xúc với các không gian khác, ở các không gian kia nhìn hết thảy những thứ trong thế gian con người đều là vô thường, tâm tính của những người đó đáng lẽ cần phải cao hơn so với những người có thiên mục đóng, yêu cầu của bản thân trong tu luyện lại càng nghiêm túc và nghiêm khắc hơn nữa. Ít nhất sẽ có một bộ phận như vậy. Nếu như vận dụng bản sự kia để thể hiện điều gì đó ở nơi thế gian (những phương diện về tiểu đạo như nhìn nhân duyên, xem phong thủy v.v.) thì chúng ta tuyệt đối không được làm như vậy. Bỡi lẽ nó chính là không buông bỏ chấp trước vào con người.

3. Một số cách làm cụ thể của bản thân tôi

(1) Cho dù nhìn thấy hay biết được chuyện gì thì tôi đều dùng Pháp để đo lường

Trong quá trình tu luyện, dù cho tôi nhìn thấy gì hay biết được gì, tôi đều dùng Pháp để đo lường. Bởi vì bản thân công năng chỉ mang tính cục hạn; hơn nữa, chúng ta vẫn còn thân người ở đây tức là vẫn còn có quan niệm, lúc chúng ta vận dụng công năng nhìn thấy cảnh tượng hay sự việc gì thì đều thông qua đại não để “biên dịch” (sử dụng ngôn ngữ của con người để biểu đạt ra) cho nên rất dễ mang theo quan niệm và nhân tố biến dị vào trong đó, thậm chí còn có giả tướng và những phản ánh méo mó. Cho nên dù cho nhìn thấy hay biết được điều gì thì chúng ta đều phải dùng Pháp để đo lường mới được.

Liên quan đến việc dùng Pháp để đo lường, bản thân tôi thời thời khắc khắc chú ý đến một điểm: Gặp phải việc gì hay là nhìn thấy, biết được chuyện gì, trong tâm đừng âm thầm thừa nhận rằng nó đúng hay sai hoặc là suy nghĩ mình nên làm như thế nào; thay vào đó, tôi sẽ đi học Pháp mà không mang theo bất cứ quan niệm và nhân tâm nào. Cách làm dựa trên chính niệm đối với sự việc nào đó mới thật sự là ở trong Pháp. Nếu không làm như vậy thì bạn vốn đã “âm thầm thừa nhận” cách thức suy nghĩ đúng sai hay cách làm nào đó, tiếp theo sau bạn sẽ cố ý tìm câu trả lời cho mình ở trong Pháp. Dưới tiền đề như vậy, những kết luận đưa ra đều sẽ bị sai lệch. Nó sẽ trở thành sử dụng Pháp làm cái cớ để che đậy tâm chấp trước của mình. Nghiêm khắc mà nói, đây chính là sự sỉ nhục và bất kính đối với Đại Pháp, cũng là không có trách nhiệm với bản thân mình và các đồng tu.

(2) Nhìn rõ “tính biến hóa” và “tính phức tạp” của các nhân tố trong không gian khác

Nhớ lại có một vị đồng tu xuất hiện trạng thái nghiệp bệnh trong thời gian rất dài, anh ấy đã tìm đến tôi thông qua lời giới thiệu của người khác. Mục đích của anh ta rất rõ ràng: Muốn tôi nhìn xem nhân tố tà ác nào đang can nhiễu anh ấy. Câu trả lời của tôi dành cho anh ấy cũng rất rõ ràng: Nếu như tôi nói với anh là con chó đang can nhiễu thì anh sẽ phát chính niệm thanh lý con chó. Nhưng cái thứ kia nó sẽ biến đổi thành hình dạng khác, như thế chẳng phải anh có lậu rồi sao? Đây là ý thứ nhất tôi muốn nói với anh. Thứ hai, nếu như một người tu luyện gặp phải chuyện gì mà người khác đều nói rõ đáp án cho anh ta thì cá nhân này làm sao đề cao lên được? Con đường tu luyện đã đi đến đầu đỉnh, nhưng tâm tính của anh không đạt được thăng hoa, vậy thì có phải tôi đã làm việc xấu rồi sao? Bên cạnh đó, những điều bản thân tôi biết cũng cực kỳ hạn chế. Ý tôi là rất nhiều nhân tố can nhiễu ở các không gian khác sẽ huyễn hóa biến thành đủ loại hình tượng, cũng là để lừa gạt những ai có công năng, khiến cho họ xem thấy một hình tượng bất kỳ trở thành nhân tố căn bản ảnh hưởng đến sự việc nào đó, dẫn đến nhân tố tà ác có thể dùi vào chỗ sơ hở. Cho nên vào lúc đang thanh lý tà ác, chúng ta chiểu theo yêu cầu của Pháp mà làm là được rồi. Đương nhiên về việc vận dụng công năng cụ thể, chúng ta nắm bắt ra sao, vào lúc nào lại là vấn đề cụ thể của bản thân từng người. Nó không mang tính phổ biến, và ở đây tôi cũng không nói đến những điều cụ thể như vậy. Tóm lại, chúng ta cần phải cẩn trọng, nghiêm túc, đối đãi một cách trí huệ, không được để cho tà ác dụ dỗ dẫn đến bị tà ác dùi vào sơ hở.

(3) Khiêm nhường về mọi mặt khi tiếp xúc với các đồng tu

Nhiều năm qua bởi vì tôi có chút đỉnh công năng, cũng như đã từng viết một số bài chia sẻ trên mạng cho nên có rất nhiều đồng tu ở các nơi mong muốn tiếp xúc với tôi một chút. Đối diện với những việc này, về cơ bản tôi đều từ chối họ. Lý do của tôi là không can nhiễu và dẫn động người khác. Tôi có thể chia sẻ một chút đối với một số người cá biệt, nhưng cũng chỉ là chia sẻ dựa trên Pháp, chứ tuyệt đối không dùng công năng để nhìn giúp người khác có nghiệp bệnh hay nhân duyên gì. Vào lúc chia sẻ, bản thân tôi luôn khiêm nhường về mọi mặt, tôi thường rất ít nói và thật sự đặt bản thân mình vào trong các đồng tu, vứt bỏ hết thảy nhân tâm, buông bỏ tự ngã phối hợp với đồng tu và viên dung chỉnh thể.

(4) Nghiêm túc đối đãi vấn đề “có qua có lại” trong đồng tu

Tuy tôi rất ít tiếp xúc với đồng tu, nhưng dẫu sao tôi cũng đang tu luyện trong người thường nên không thể không tiếp xúc với ai cả. Như vậy, cũng có lúc đụng chạm đến vấn đề về phương diện “có qua có lại”. Đối diện với những vấn đề này, tôi thường hay nói với các đồng tu: “Con đường của mỗi người không giống nhau. Dù cho các bạn đang tu luyện trong hoàn cảnh sung túc thì đó là con đường của các bạn; còn như tôi tu luyện trong cực khổ vất vả thì chính là con đường của tôi. Tuy là ở đây có an bài tà ác của cựu thế lực, nhưng cách thức để cải biến cuộc sống túng quẫn này không phải đắc được từ việc dựa dẫm vào sự giúp đỡ về phương diện tiền bạc và vật chất của các bạn, mà bản thân tôi cần phải dựa vào những thứ đắc được khi tu luyện càng ngày càng trở nên thuần chính ở trong Pháp. Nếu các bạn muốn giúp đỡ tôi cải biến hoàn cảnh khốn cùng thì các bạn có thể giúp tôi tìm một công việc thích hợp hơn, như vậy tôi mới thấy an tâm.” Khi nghe tôi nói như vậy thì các đồng tu cũng minh bạch ra, họ cũng không “bắt ép” tôi nhận lấy tiền bạc và vật chất nữa. Về sau, có đồng tu thật sự đã giúp tôi tìm một công việc rất thích hợp với mình, như vậy tôi đã giải quyết được vấn đề về phương diện kinh tế. Trong một hoàn cảnh sống tốt hơn với công việc mà đồng tu giới thiệu, tôi vẫn luôn sống hết sức thanh đạm, yêu cầu bản thân mình hết sức nghiêm khắc về phương diện danh-lợi-tình v.v. Tôi tuyệt đối không để cho mình bị ô nhiễm bởi những thứ này.

Nói chung, làm một người tu có mang theo công năng thì nhất định phải đối đãi nghiêm túc với con đường này. Không chỉ là cần phải bước đi cho tốt, cho chính, mà còn không được khởi tác dụng can nhiễu đến các đồng tu. Trong đó, chúng ta nhất định cần phải buông bỏ tự ngã, thật sự chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà làm. Lúc giao lưu chia sẻ với các đồng tu có thiên mục đóng, chúng ta cần phải hết sức chia sẻ dựa trên Pháp lý, không cần nói nhiều, thậm chí là không nói về phương diện công năng; lúc gặp phải nhân tố bất hảo chúng ta có thể giúp đồng tu thanh lý thì chỉ lặng lẽ mà làm là được rồi, cũng không cần phải cho đồng tu biết về nó. Nếu chúng ta biết được nhiều sự việc to lớn thì cũng không cần truyền bá trong các đồng tu xung quanh chúng ta, cách tốt nhất là viết thành bài chia sẻ đưa lên mạng để đánh động sự chú ý của mọi người.

Làm người tu luyện chúng ta đều biết rõ: Mục đích tu luyện của chúng ta không phải vì để nhận được sự khen ngợi và khẳng định của người khác trong người thường, mà là chân chính đồng hóa với Đại Pháp và hoàn thành sứ mệnh. Cho nên có rất nhiều việc không cần thiết để cho người khác biết, chúng ta âm thầm lặng lẽ mà làm tốt hơn. Như vậy có thể tránh được việc những đồng tu với trạng thái tu luyện khác nhau sinh ra các chủng nhân tâm như sùng bái, chấp trước vào công năng v.v. Nếu như chúng ta biết được một số sự việc mang tính đại biểu thì có thể viết ra thành bài chia sẻ đăng lên mạng để nhắc nhở mọi người chú ý và nhận thức chúng.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện nghiêm cẩn lắm, từng vòng nối từng vòng, ngay cả từng thời khắc, từng bước đi đều không được bị can nhiễu.“ (Lại một gậy cảnh tỉnh)

Chúng ta nhất định phải bước đi cho tốt, cho chính con đường tu luyện và chứng thực Pháp của mình!

Bên trên là nhận thức nông cạn của cá nhân tôi về phương diện này. Chỗ nào còn thiếu sót xin đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/7/16/409057.html

Đăng ngày 19-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share