Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Vancouver
[MINH HUỆ 9-8-2018] “Hàng triệu người vẫn đang bị bức hại ở Trung Quốc, nhưng cuối cùng, công lý sẽ chiến thắng.” Đó là lời kết của bộ phim tài liệu Thư từ Mã Tam Gia của ông Tôn Nghị, người đã bí mật viết bức thư kêu cứu từ Trại Lao động Mã Tam Gia.
Bộ phim tài liệu này, Thư từ Mã Tam Gia, đã trình chiếu tại Nhà hát Vancity ở Vancouver, British Columbia vào cuối tuần qua.
Ông Tôn Nghị cùng bức thư ông viết khi ở Trại Lao động Mã Tam Gia
Bộ phim mở đầu bằng cảnh một bức thư viết tay được tìm thấy trong hộp đồ trang trí Halloween, được cô Julie Keith, một phụ nữ ở tiểu bang Oregon, mua tại một trung tâm thương mại ở Hoa Kỳ. Bức thư là lời kêu gọi giúp đỡ của một tù nhân lương tâm tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, một trại lao động khét tiếng ở tỉnh Thẩm Dương, Trung Quốc. Cô Keith đã đăng bức thư trên phương tiện truyền thông xã hội, câu chuyện nhanh chóng được giới truyền thông trên toàn thế giới đưa tin và châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền, dẫn đến việc bãi bỏ hình thức cải tạo thông qua hệ thống lao động cưỡng bức của Trung Quốc, ít nhất là ở cái tên, vào năm 2013.
Tác giả của bức thư, ông Tôn Nghị, đã bị giam giữ tại trại lao động chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công. Ông đánh liều đưa câu chuyện của mình ra thế giới qua một bức thư bí mật, và gần đây đã một lần nữa mạo hiểm sinh mạng khi làm bộ phim tài liệu này để phơi bày cụ thể hơn về cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc.
Dưới sự giám sát của chính quyền Trung Quốc, ông Tôn Nghị đã quay những cảnh về cuộc đời ông ở Trung Quốc, và phỏng vấn các cựu tù nhân khác ở Mã Tam Gia. Cùng với câu chuyện của mình, ông Tôn Nghị đã chia sẻ những bản vẽ của mình về những hình thức ngược đãi mà ông từng phải chịu đựng và chứng kiến tại Trại Lao động Mã Tam Gia.
Sinh viên quốc tế người Trung Quốc: Sốc khi nghe sự thật
Nhiều sinh viên quốc tế người Trung Quốc đã xem buổi chiếu phim vào hôm thứ Bảy. Cô Trần, một trong những sinh viên này, chia sẻ rằng bộ phim tài liệu đã cho cô biết sự thật về hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
“Tôi đã sốc khi ông ấy (Tôn Nghị) nói rằng Pháp Luân Công là chính Pháp, bởi vì chúng tôi không được dạy như thế ở Trung Quốc. Chúng tôi như bị tẩy não vậy”, cô Trần nói.
Cô nói thêm rằng cô tin tưởng ông Tôn là người trung thực, và cô phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cô cho biết cô sẽ tìm hiểu kỹ về chủ đề này và chia sẻ thông tin với bạn bè của mình.
Bà Chiyo Buston tại buổi chiếu phim “Thư từ Mã Tam Gia”
Khán giả Chiyo Buston chia sẻ trải nghiệm của bản thân về sự kiểm duyệt thông tin của chính quyền Trung Quốc khi bà tới thăm Thượng Hải, gắt gao tới mức bà thậm chí không thể truy cập được vào trang Google. “Bộ phim tiết lộ rất nhiều thông tin và gây sốc. Tôi rất trân trọng những người đã can đảm làm bộ phim này để nói cho toàn thế giới”, bà Buston nói.
Joyce và Paul Pinsker nhận xét rằng bộ phim tài liệu này rất hay và sẽ giới thiệu cho bạn bè của mình. “Giống như Julie [người phụ nữ ở Oregon tìm thấy bức thư bí mật trong hộp đồ trang trí Halloween], tôi cũng sẽ suy nghĩ về câu hỏi lao động khổ sai tại các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc làm ra được thêm bao nhiêu sản phẩm như thế? Bộ phim thực sự khiến bạn phải suy nghĩ”, Joyce nói thêm.
Enid và Brian Brasier, khách thăm quan đến từ Úc, bày tỏ sự kính trọng đối với nhân vật chính Tôn Nghị. “Ông ấy vô cùng can đảm”, ông Brasier nói.
Bà Brasier cho biết, sau khi về nhà, hai ông bà sẽ viết thư cho chính phủ Úc để yêu cầu họ kêu gọi Trung Quốc giúp chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và ngừng bức hại các luật sư nhân quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/9/372240.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/13/171500.html
Đăng ngày 15-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.