Bài viết của Lý Chính, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 30-11-2017] Không lâu sau khi Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm Trung Quốc trực tuyến trên trang Minh Huệ kết thúc, học viên Denice Johnson, người Úc, đã chia sẻ những bài viết đó đã giúp bà như thế nào trong suốt những năm qua.
Bà cho biết: “Qua việc đọc các bài chia sẻ của Pháp hội Trung Quốc, tôi có thể vượt qua các khổ nạn lớn nhiều lần, thậm chí cả quan sinh tử.” Bà nói những bài viết này đã củng cố thêm chính niệm cho bà, giúp bà minh bạch hơn về vấn đề nghiệp bệnh và kiên định hơn trong tu luyện.
Tháng 6 năm 2000, bà Denice bắt đầu tu luyện. Bà nhớ lại: “Thoạt đầu, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi tìm được con đường ‘phản bổn quy chân’. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng Pháp Luân Đại Pháp mang lại nhiều điều hơn tôi tưởng.”
Chẳng hạn, bà bị bệnh khí thũng phổi mãn tính không thể chữa trị do hút thuốc. Nhưng căn bệnh đã biến mất một cách thần kỳ ngay sau khi bà Denice bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà có thể tự do đi bộ mà không gặp bất kể vấn đề gì về hô hấp. Ngoài ra, sau này bà còn tham gia vào Đoàn nhạc Tian Guo và có khả năng chơi kèn Pháp (kèn thợ săn) trong các cuộc diễu hành.
Bà Denice Johnson tham dự một buổi diễu hành tại công viên Hyde Park ở Sydney với tư cách là thành viên của Đoàn nhạc Tian Guo vào ngày 9 tháng 5 năm 2015
Thỉnh nguyện ôn hòa trên quảng trường Thiên An Môn
Trong khi đang tận hưởng những lợi ích về sức khỏe và tinh thần từ Pháp Luân Đại Pháp, bà Denice đã rất bất ngờ khi biết rằng thực hành môn này ở Trung Quốc có thể bị bắt giữ và cầm tù. Khi biết nhiều quan chức chính phủ và dân thường đang bị những tuyên truyền vu khống của chính quyền cộng sản lừa dối, bà đã quyết định giúp họ hiểu rõ chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp.
Bà kể: “Vào ngày 7 tháng 3 năm 2002, tôi đã cùng con trai Stewart và tám học viên khác tới Bắc Kinh.” Sau khi tới Bắc Kinh, họ đã phân phát các tờ rơi thông tin chỉ ra rằng có hơn 100 triệu người ở 53 quốc gia trên thế giới đang tu luyện Đại Pháp. Sau khi cảnh sát bắt giữ họ, bà Denice nói với các cảnh sát rằng họ tới đây để giúp người dân Trung Quốc biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt và đã được đón nhận trên khắp thế giới.
Ngày 9 tháng 3, sau khi chính quyền Trung Quốc trục xuất họ về nước, bà Denice và các học viên khác đã tổ chức một cuộc họp báo ở Melbourne. Một số kênh truyền thông đã đưa tin về sự kiện này, bao gồm hãng tin ABC, kênh 7, kênh 9 và kênh 10. Kết quả là, nhiều người ở Úc đã biết về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc đàn áp ở Trung Quốc.
Bà Denice (thứ tư từ phải sang) và các học viên khác đến sân bay Melbourne sau khi trở về từ Trung Quốc
Các bài chia sẻ trên Pháp hội Trung Quốc
Vì bà Denice từng đến Trung Quốc, nên bà vẫn cảm thấy có liên hệ gần gũi các học viên Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các bài chia sẻ trên Pháp hội Trung Quốc.
Bà nói: “Khoảng 9 năm sau khi tôi từ Bắc Kinh trở về Melbourne, bác sĩ đã chẩn đoán tôi bị ung thư.” Trong những ngày đó, bà đã đọc một bài chia sẻ trên Pháp hội Trung Quốc lần thứ 9 liên quan đến tình huống của bà. Bà nói: “Tôi đã rất buồn vì không biết đến Pháp hội Trung Quốc từ sớm. Là học viên Đại Pháp, tôi biết Sư phụ đang chăm sóc và dẫn dắt mình. Đọc câu chuyện của những học viên khác thực sự đã giúp tôi nhận ra những sơ hở trong tu luyện và bắt kịp.”
Trong vài năm đó, các triệu chứng bệnh gây khổ nạn cho bà Denice cứ xuất hiện rồi lại biến mất. Bà vừa nói vừa rơi nước mắt: “Mỗi ngày tôi dành nhiều thời gian để đọc các sách Đại Pháp. Ngoài ra, tôi cũng đọc một số bài chia sẻ hàng ngày – chúng thực sự đã giúp tôi rất nhiều.” Đặc biệt khi đọc các bài chia sẻ trên Pháp hội Trung Quốc, bà cảm thấy như thể những học viên đó đang ngồi gần và kể cho bà nghe những câu chuyện của họ. Bà nói tiếp: “Đó là một trải nghiệm thú vị và tuyệt vời. Tôi thực sự cảm nhận được sự hiện hữu và giúp đỡ của họ. Và tôi biết rằng tất cả những điều này đến từ an bài và dẫn dắt từ bi của Sư phụ.”
Sau khi đọc xong các bài chia sẻ trên Pháp hội Trung Quốc lần thứ 9, bà Denice tiếp tục đọc các bài viết của những năm khác. Bà thậm chí đã in tất cả ra và kẹp chúng lại với nhau như những quyển sách để đọc lại. Qua những bài chia sẻ đó, bà đã được chứng kiến các học viên duy trì chính niệm và chính hành trong môi trường khắc nghiệt ở Trung Quốc như thế nào.
Bà nói: “Tôi cũng nhận thấy thế nào là chính niệm trong suốt quá trình tu luyện của những học viên này. Họ xem Đại Pháp là quan trọng nhất và có niềm tin sâu sắc đối với Sư phụ và Đại Pháp.” Điều này được thể hiện trong cuộc sống thường ngày, tâm tính, mâu thuẫn, khi đối mặt với nghiệp bệnh hay khi đối mặt với các lính canh lúc bị giam giữ. Vì vậy, bà thấy rằng chính niệm của chính mình cũng được củng cố khi đọc những bài chia sẻ này.
Vứt bỏ những quan niệm người thường
Một điều nữa mà bà Denice nhận thấy là các học viên ở Trung Quốc thực sự đặt tâm vào việc tu luyện. Bà nói: “Đó là, họ không tư duy dựa trên quan niệm của người thường. Ví dụ, khi nói về nghiệp bệnh, họ gọi đó là ‘tiêu trừ nghiệp’ thay vì tên y học cụ thể của căn bệnh.” Bà nhận ra rằng với việc nhắc đến tên của căn bệnh, một học viên ít nhiều đã thừa nhận nó. Là học viên, chúng ta nên dựa vào chính niệm thay vì những quan niệm của người thường.
Khi tiếp tục đề cao trong tu luyện, bà Denice dần ngộ ra rằng những suy nghĩ trước đây của bà về bệnh là không đúng. Bà nói: “Lần đầu tiên nghe đến bệnh ung thư, tôi đã nghĩ rằng rắc rối sắp xảy ra, tôi đã sợ hãi và lo lắng. Khi thuốc không không có tác dụng, tôi đã ngưng dùng chúng.”
Trong sách Chuyển Pháp Luân, Sư phụ nói:
“…tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau.” (Chuyển Pháp Luân)
Bà Denice nói quan trọng là tất cả các học viên phải đọc Pháp nhiều hơn, phân biệt được giữa chính niệm và quan niệm người thường.
Bà Denice đã tới Hồng Kông vào tháng 4 năm 2017 để nói chuyện với người Trung Quốc về Pháp Luân Đại Pháp
Tu luyện vững chắc
Sau khi đọc những bài chia sẻ này, bà Denice cũng đã học được cách tận dụng thời gian của mình. Bà chia sẻ: “Tôi học Pháp vào buổi sáng sớm, trong giờ ăn trưa, và sau bữa tối.” Ngoài ra, bà phát chính niệm trong nửa giờ đồng hồ và đọc bài chia sẻ của các học viên khác. So với các học viên ở Trung Quốc, bà thấy cuộc sống ở Úc tương đối thoải mái với nhiều thú vui của người thường. Một học viên nên cưỡng lại những cám dỗ như thế và hòa tan trong Pháp, bà nói thêm: “Đây là cách tôi vượt qua nghiệp bệnh.”
Ở tuổi 63, bà Denice vẫn làm việc toàn thời gian tại Bộ Quốc phòng. Bà nói: “Điều đầu tiên tôi nghĩ đến sau khi thức dậy là mình phải tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Để tránh ùn tắc giao thông trên đường đi làm kéo dài hàng giờ đồng hồ, tôi luôn đi làm sớm và luyện công. Trong bữa trưa và giờ nghỉ giải lao, tôi sẽ học Pháp hoặc phát chính niệm. Trong thời gian rảnh rỗi, tôi tập kèn Pháp.”
Bà Denice cũng rất ấn tượng vì sự phối hợp chặt chẽ giữa các học viên. Bà nói: “Tất cả những điều này đến từ Sư phụ từ bi của chúng tôi và các nguyên lý thâm sâu của Đại Pháp.” Trong một bài viết trên Pháp hội Trung Quốc có tiêu đề “Vượt qua khổ nạn nhờ tín Sư tín Pháp”, tác giả đã viết: “Tôi quyết tâm đi theo con đường mà Sư phụ đã an bài cho tôi cho đến cuối cùng và tôi muốn cùng Sư phụ trở về nhà.”
Bà nói: “Tôi nhớ trước đây mình cũng đã nói như vậy, và tôi thực sự thấu hiểu điều đó.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/30/357302.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/1/166595.html
Đăng ngày 14-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.