Bài của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-11-2017] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi rất vui mừng vì Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm Minh Huệ hàng năm dành cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp Đại lục đã được tổ chức. Tôi muốn nhân cơ hội này để chia sẻ với các đồng tu câu chuyện tu luyện của tôi và con trai.
Đắc Pháp
Lần đầu tiên tôi biết đến Pháp Luân Đại Pháp là khi tôi đang mang thai được sáu tháng, vào tháng 9 năm 1996. Tôi biết rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy Chân-Thiện-Nhẫn. Vào thời điểm đó, tôi lo sợ về thế giới mà con tôi sẽ được sinh ra, nơi đạo đức đang xuống dốc nhanh chóng. Tôi tìm kiếm những phương pháp để giáo dục con mình, để cháu trở thành một người tử tế, lạc quan, hài hước và lịch thiệp.
Tháng 7 năm 1997, tôi đi làm trở lại khi con trai được sáu tháng tuổi. Một ngày nọ, khi tôi nói về ý nghĩa của cuộc sống với một trong những đồng nghiệp của mình thì anh ấy liền khuyên tôi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Khi đọc ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn, tôi cảm thấy như đang nhìn thấy một ngọn hải đăng giữa biển đen. Những chữ này giống như ba chùm ánh sáng rực rỡ rọi vào sâu trong thâm tâm tôi. Nó khiến tôi tràn ngập niềm vui và sự tươi sáng, và tôi biết rằng tại thời điểm đó tôi sẽ chiểu theo nguyên lý của Đại Pháp để nuôi dạy con trai mình.
Mẫu giáo
Tháng 5 năm 1999, tôi đón con trai từ nhà bố mẹ chồng trở về nhà. Tôi đưa cháu đến gần ảnh chân dung của Sư phụ Lý Hồng Chí (người sáng lập của Pháp Luân Đại Pháp) và nói với cháu rằng đây là Sư phụ của chúng ta. Mới hai tuổi rưỡi, với đôi bàn tay nhỏ ôm chặt trước ngực, cháu vui mừng cúi đầu chào Sư phụ nhiều lần. Tôi đã rất xúc động và biết rằng cháu sẽ là người tốt. Từ rất sớm, tôi đã mở các bài giảng của Sư phụ cho cháu nghe. Bất cứ khi nào chúng tôi về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm là bật băng ghi âm bài giảng sau đó mới làm những việc khác, trong khi cháu chơi đùa. Tôi không phải làm quá nhiều để dạy cháu. Thỉnh thoảng tôi dùng các ví dụ thực tế để dạy cháu làm thế nào để trở thành một người tốt.
Tôi đã từng nói với cháu rằng: “Con là một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp và phải kiên nhẫn với người khác. Ví dụ, trong lớp mẫu giáo, khi các bạn tức giận và khó chịu, con không nên đánh các bạn. Khi các bạn biểu hiện tốt hơn, các con có thể chơi lại cùng nhau.” Một buổi tối, khi được đón tại trường mẫu giáo, cháu nói: “Mẹ, hôm nay con đã làm như mẹ nói! Bạn con đã hét vào mặt con, nhưng con chỉ chơi một mình, chờ bạn ấy bình tĩnh. Sau đó con lại chơi với bạn ấy.”
Tôi rất hài lòng: “Con ngoan, hôm nay con đã làm đúng. Cổ nhân có một câu nói là: ‘Tể tướng đỗ lý năng xanh thuyền, tướng quân ngạch đầu năng bào mã.’ (Tấm lòng của tể tướng rộng rãi [đến độ] có thể bơi thuyền bơi, đầu óc của tướng quân khoáng đạt có thể đua ngựa; ý chỉ kẻ lớn/bề trên thì ko để tâm đến lỗi lầm của người nhỏ/kẻ dưới.)” Cháu trả lời: “Mẹ, cũng có một câu: ‘Không trong ngũ hành, ra ngoài tam giới.’ (Chuyển Pháp Luân)”
Giáo viên mẫu giáo của con trai tôi đã nhận xét: “Cháu là một đứa trẻ tốt. Ngày nay, trẻ em rất hư và ích kỷ. Nhưng con trai của cô rất hòa đồng. Cháu giúp đỡ bất kỳ ai gặp vấn đề.” Trong căn phòng dành cho phụ huynh, miếng giẻ lau bảng rơi xuống đất trong khi giáo viên đang dạy. Con trai tôi đứng dậy, bước đến và nhặt miếng giẻ lau cho thầy giáo. Một phụ huynh nói: “Hãy nhìn cháu bé đó! Cháu là một học trò cưng của thầy giáo. Cháu biết làm thế nào để vừa lòng giáo viên.” Tôi biết con mình chỉ là đang làm việc tốt.
Tôi rất buồn sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Một ngày trong bữa tối, tôi đã nói với con trai rằng: “Con trai, con có thể không biết, nhưng con may mắn hơn những đứa trẻ khác.” Cháu xuống khỏi ghế bước tới chỗ tôi, đặt tay lên tay tôi, và nói với tôi: “Con biết mà mẹ.” Cháu tiếp tục đọc:
“Thường nhân bất tri ngã,
Ngã tại huyền trung toạ;
Lợi dục trung vô ngã,
Bách niên hậu độc ngã.”
(Giác giả, Hồng Ngâm)
Diễn nghĩa:
Bậc giác ngộ
“Người thường chẳng biết được ta,
Ta ngồi tại nơi bí mật;
Ta chẳng ở nơi lợi và dục (ham muốn),
Trăm năm sau chỉ có mình ta.”
Tôi cảm thấy phân vân và rơi nước mắt khi nghe điều này!
Cháu thường nhờ tôi đọc Hồng Ngâm, Tinh Tấn Yếu Chỉ trước khi đi ngủ. Đôi khi tôi phải đọc đi đọc lại cho đến khi cháu ngủ say. Khi tôi bị đưa đi trại lao động cưỡng bức vào năm 2001, tôi đã nhờ bà ngoại đọc Hồng Ngâm cho cháu trước khi đi ngủ. Mẹ chồng tôi sau đó nói với tôi rằng cháu có thể đọc thuộc hết tất cả các bài thơ Hồng Ngâm.
Tiểu học
Cuối năm 2003, khi tôi trở về từ trại lao động cưỡng bức, con trai tôi mới bắt đầu học lớp một. Trong ba năm tôi vắng nhà, cháu đã không học Pháp. Tuy nhiên, Pháp Luân Đại Pháp đã ban cho cháu nhiều phúc lành. Các đồng nghiệp và giáo viên đánh giá cao sự thiện lương của cháu. Cháu được bầu làm lớp trưởng. Tuy nhiên, một học sinh khác lại rất muốn làm vị trí này, và con trai tôi đã sẵn sàng nhường lại vị trí cho bạn. Nhưng giáo viên nhất định chỉ định con trai tôi làm.
Cô giáo của cháu luôn muốn gặp phụ huynh, và cuối cùng cô đã có cơ hội gặp tôi sau khi tôi được thả ra vào thời điểm giữa học kỳ. Cô đã ôm cháu và nói: “Giá như con là con trai cô, thì sẽ tuyệt vời làm sao!” Tôi lại bắt đầu học Pháp và luyện công cùng con.
Con trai tôi bị thương nặng trên lớp khi một bạn học đá vào háng cháu, gây ra vết bầm tím. Cháu cảm thấy đau đớn khi đi tiểu trong suốt một tuần. Một lần khác, một bạn quấn sợi dây thừng quanh cổ cháu và kéo mạnh. Kết quả là cổ cháu bị bầm tím. Nhưng cháu đã không nói với giáo viên, cũng không để tôi phàn nàn với giáo viên hoặc cha mẹ bạn kia. Cháu nói rằng bạn học sinh kia đã không cố ý làm điều đó.
Khi cháu đang học lớp năm, trong cuộc phỏng vấn giữa phụ huynh và giáo viên, giáo viên nói với tôi rằng cháu rất có năng lực, nhưng không thích ra ngoài chơi cùng các bạn cùng lớp trong giờ giải lao. Và giáo viên lo lắng về điều đó. Tôi về nhà hỏi cháu và cháu giải thích rằng: “Khu vực [vui chơi] quá nhỏ, nhưng lại có rất nhiều người, con không muốn làm bị thương người khác và con cũng không muốn bị người khác làm bị thương. Con không sao khi không ra ngoài chơi đâu. Con ổn mà!”
Trung học cơ sở
Khi con tôi còn nhỏ, tôi thường nói chuyện nhiều với cháu. Khi cháu bắt đầu học trung học vào tháng 9 năm 2008, chúng tôi có một số bất đồng về vài chuyện. Tôi chỉ trích cháu đến mức khiến cháu phát khóc. Cháu phàn nàn: “Bố mẹ thì lúc nào cũng đúng. Những gì con nói không là gì hết!” Phản ứng của cháu khiến tôi dừng lại và hướng nội. Tôi nhận ra rằng mình đã rất độc đoán, thích phê phán và muốn khuất phục người khác. Khi chỉ trích cháu, tôi đã không dừng lại cho đến khi khiến cháu khóc. Đây chính là ma tính của tôi!
Tôi không biết phải làm thế nào để thừa nhận với cháu rằng tôi đã sai, mặc dù tôi biết mình đã sai. Tôi nhận ra rằng mình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và cháu cũng vậy. Cả hai chúng tôi đều cố gắng để tốt hơn. Tôi phải làm tốt hơn trước mặt con mình, vì vậy tôi đã xin lỗi cháu. Đây là lần đầu tiên tôi chính thức xin lỗi cháu và thừa nhận rằng tôi đã sai. Ngay lập tức cháu trả lời: “Mẹ ơi, con cũng đã không tốt. Xin mẹ đừng phiền lòng!” Tôi cảm thấy sự tuyệt vời của việc hướng nội. Tôi phải hướng nội ngay cả với con mình. Tôi không thể cho rằng mình cao hơn cháu và coi thường cháu.
Ở tuổi này, cháu không còn cùng tôi đi khắp nơi nữa. Cháu ở nhà khi tôi ra ngoài. Vào nửa cuối năm, tôi lại một lần nữa bị bắt và giam giữ bất hợp pháp trong hai tuần. Cháu đã cùng các bạn đồng tu đi đòi thả tự do cho tôi. Khi trở về, tôi đã ở trong trạng thái khá chán nản vì không thể thoát khỏi bóng tối của việc bị giam giữ. Tôi cũng bỏ qua cảm nhận của cháu và không nhận ra sự ích kỷ của mình.
Khi ra ngoài, tôi đã tắt điện thoại. Khi tôi gọi cho cháu, cháu liên tục hỏi: “Mẹ, mẹ đang ở đâu?” Vì lý do an ninh, tôi không thể nói với cháu. Vì vậy, tôi thường chỉ bảo cháu đừng tiếp tục hỏi nữa. Khi chịu nhiều áp lực, tôi đã yêu cầu cháu phát chính niệm. Cháu dần bắt đầu khép mình hơn và thậm chí không ra ngoài với bạn bè.
Nhìn lại những ngày đó, tôi đã bỏ mặc cháu, khiến cháu cảm thấy cô đơn, chán nản và bất lực. Tôi đã quá ích kỷ và không cố gắng để hiểu được cảm nhận của cháu. Tôi đã nhìn mọi thứ từ quan điểm riêng của mình. May mắn thay, cháu đã học Pháp và luyện công. Sư phụ luôn chăm sóc cho cháu!
Trung học phổ thông
Khi bắt đầu học trung học, cháu đột nhiên “hiểu rất nhiều chuyện”, để sử dụng lý lẽ của mình. Tôi không còn áp đặt ý kiến của mình lên cháu nữa, mà thay vào đó tôi thảo luận mọi thứ với cháu. Tôi cũng thấy rằng cháu đã đề cập đến việc dùng các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp để chỉ đạo cuộc sống hàng ngày của cháu. Tôi nhớ một sự việc khi cháu đã bí mật làm một số việc giúp đỡ bạn học. Cháu đã không muốn nói ra điều này và người được giúp không biết. Tôi đã rất xúc động khi nghe câu chuyện.
Khi đang học lớp 11, cháu cầm về nhà một đơn xin học bổng. Có một mục trong này yêu cầu khai chức danh chính trị (yêu cầu ngầm của học bổng là người nhận phải là một Đoàn viên). Cháu đã do dự và không chắc là mình có nên theo đuổi học bổng hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng vì chúng ta là đệ tử Đại Pháp, chúng ta xứng đáng được công nhận: “Nếu chúng ta là người giỏi nhất, chúng ta nên được công nhận.” Thế là cháu điền mẫu đơn và để trống mục này. Vào cuối học kỳ, cháu đã nhận được học bổng. Cháu nói rằng cháu không quan tâm nhiều đến kết quả. Thầy giáo của cháu đã hỏi lại cháu về việc liệu cháu có gia nhập Đoàn Thanh niên và cháu trả lời rằng cháu chưa từng gia nhập.
Từ tiểu học đến trung học, tất cả giáo viên của con tôi đều nhận xét rằng cháu rất tập trung. Vì cháu phải đọc Pháp và luyện công hàng ngày, thời gian cho bài tập về nhà rất hạn chế. Cháu thường hoàn thành bài tập về nhà ngay khi về nhà. Cháu đã học xong trung học sớm một năm để vào một trường đại học rất tốt. Giáo viên của cháu và các phụ huynh khác rất buồn khi cháu chuyển đi.
Đại học
Khi con trai tôi vào đại học, cháu sống rất xa nhà, vì vậy chúng tôi chỉ có thể học Pháp và chia sẻ thể ngộ vào những ngày nghỉ lễ. Tôi đã nói với cháu rằng một ngày nào đó tôi sẽ mua một chiếc xe hơi, và cháu kể cho tôi nghe một câu chuyện. Cháu đã thắng giải một chiếc xe hơi trong một sự kiện. Người tổ chức sau đó gọi cháu đến để nhận chiếc xe, nhưng cháu đã từ chối. Người tổ chức trấn an cháu rằng đó không phải là trò lừa bịp và luật sư sẽ có mặt để chứng kiến. Nhưng cháu vẫn từ chối nhận. Cuối cùng, họ đã đề nghị trả tiền mặt cho cháu, trong trường hợp cháu không muốn nhận chiếc xe hơi. Cháu vẫn từ chối đề nghị này. Họ hỏi cậu ấy tại sao, và cậu ấy trả lời rằng cậu ấy có đức tin của mình. Cháu nói rằng lời đề nghị này lại nổi lên trong tâm trí và ám ảnh cháu vào cuối ngày. Thực ra, đó là số tiền lớn. Vào thời điểm đó, tôi không có việc làm vì bị bức hại, gia đình chúng tôi không có tiền để mua một căn hộ hay xe hơi. Điều đó rất cám dỗ.
Tôi đã bị động tâm và nói rằng cháu nên nhận giải thưởng và giữ để sử dụng cho các hoạt động Đại Pháp. Cháu nói rằng sự việc không đơn giản như vậy và có thể phát sinh những vấn đề khác. Cháu cũng không chắc chúng tôi có thể phó xuất cho Đại Pháp như thế nào. Và ngoài ra, Sư phụ đã giảng:
“Mình đã nhận của cải phi nghĩa mất rồi; mình đã mất cho họ bao nhiêu đức không biết?” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhận thấy con trai mình đã trở thành một người khép kín sau khi cháu học trung học. Cháu không muốn học Pháp cùng tôi, ít ở cùng các đồng tu khác hơn. Cháu cũng không nói về việc giảng chân tướng. Tôi muốn cháu trở nên nổi bật và khiến tôi tự hào, cả ở trường học lẫn khi là một người tu luyện. Tôi muốn thấy điều tốt!
Đây là chấp trước vào danh của tôi. Đôi khi tôi cảm thấy buồn vì cháu có vẻ không có động lực, tôi nài nỉ và bắt đầu tranh cãi với cháu.
Một ngày trước khi trở lại trường học, cháu nổi giận với tôi. Cháu bắt đầu chỉ ra nhiều thiếu sót của tôi, chẳng hạn như thiếu tín tâm vào Sư phụ và Pháp, không tôn kính Đại Pháp, không có kỷ luật nghiêm khắc, tự mãn, không tự tu sửa bản thân và chấp trước vào những quan niệm của riêng mình.
Tôi bình tĩnh lại sau khi cháu rời đi và nhận ra rằng Sư phụ đang thông qua cháu để nhắc nhở tôi. Tôi biết mình cần phải hướng nội và làm tốt hơn. Tôi đã cố gắng nhắc cháu không để bị sa lầy trong việc tu luyện cá nhân, nhưng hóa ra đó là cơ hội để tôi suy ngẫm về bản thân mình. Tôi nhận ra mình cần phải tập trung vào việc tu luyện cá nhân. Tôi rất biết ơn cháu!
Con trai tôi và tôi không trò chuyện nhiều về những điều thường nhật hay chuyện thế tục của người thường. Những cuộc trò chuyện của chúng tôi bây giờ là về tu luyện. Ngay khi tôi bắt đầu nói về điều gì đó xuất phát từ chấp trước của người thường, cháu sẽ ngăn tôi lại. Cháu nói rằng nếu chúng ta không có nhiều điều để nói, thì tốt hơn là không nói điều gì. Tôi đã từng hy vọng rằng cháu sẽ trở thành như thế này thế kia, nhưng bây giờ thì tôi tin rằng dù cháu có làm gì đi nữa, thì cháu cũng sẽ ổn thôi vì cháu đã có Sư phụ và Đại Pháp.
Tôi thật sự đã nợ ân đức của Sư phụ vì Ngài đã ban cho tôi một đồng tu như vậy. Con xin cảm tạ Sư phụ đã bảo hộ và cứu độ chúng con.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/15/356187.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/27/166543.html
Đăng ngày 14-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.