Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-8-2016] Một cư dân 37 tuổi ở thành phố Mật Sơn đã trải qua nửa cuộc đời của mình trong giam cầm hay bị bắt giữ vì niềm tin của anh.

Anh Phạm Minh Sinh mới 21 tuổi khi anh bị giam giữ ở trại lao động cưỡng bức trong hai năm vì anh từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại. Kết quả là, tinh thần của anh suy sụp sau những ngược đãi và tra tấn liên tục ở trại lao động.

Dù được trả tự do vào năm 2003 nhưng chính quyền địa phương vẫn theo dõi anh gắt gao.

Công an đã lên kế hoạch đâm vào xe máy của anh Phạm vào tháng 8 năm 2006, khi anh đang trên đường về nhà.

Va chạm này khiến anh bị chấn thương nghiêm trọng, nhưng một công an đã nói trước mặt những người ở hiện trường: “Tiếc là anh ta không chết ngay tại chỗ!”

Thay vì bắt giữ những kẻ gây án, chính quyền địa phương lại đe doạ đưa anh Phạm vào trại lao động một lần nữa.

Anh rời nhà đi trốn cùng vợ và con gái nhỏ, nhưng bị bắt lại vào tháng 2 năm 2009 và bị vào trại lao động cưỡng bức trong 6 tháng.

Anh Phạm và gia đình đã phải rời khỏi nhà ngay sau khi anh được tự do. Hiện không ai biết anh đang ở đâu.

Dưới đây là những gì anh Phạm đã trải qua kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu.

Bị tiêm thuốc ở Bệnh viện tâm thần

Mùa xuân năm 2001, anh Phạm bị bắt và bị đưa tới Bệnh viện tâm thần Mật Sơn vì tu luyện Pháp Luân Công. Tại đây, họ tiêm cho anh nhiều loại thuốc lạ, khiến cơ thể của anh yếu đi, mất tự chủ và anh bị hôn mê trong ba ngày. Khi anh tỉnh lại, họ đã cho anh uống chlorpromazine khiến anh bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng.

Sau đó anh bị sốc điện bằng dòng điện cao thế, với lý do để chữa những triệu chứng gây ra bởi chlorpromazine. Kết quả là anh Phạm bị co giật và sủi bọt mép, anh còn bị tổn thương não nghiêm trọng, bị đau đầu nghiêm trọng đến mức phải ngồi một tư thế trong hơn 5 tiếng đồng hồ để giảm đau.

Anh được trả tự do sau 53 ngày. Tuy nhiên, họ lại bắt anh khi chưa đầy sáu tháng sau. Anh đã tuyệt thực ở trại tạm giam để phản đối việc giam cầm phi pháp. Họ dùng một ống cao su chọc vào mũi anh Phạm để bức thực trong nhiều ngày.

Chỉ trong một tuần, cơ thể anh xuất hiện các triệu chứng mất nước nghiêm trọng. Để tránh việc phải chịu trách nhiệm nếu anh chết, trại tạm giam đã trả tự do cho anh sau khi tống tiền hàng trăm tệ từ gia đình anh.

Anh Phạm vẫn bị theo dõi chặt chẽ sau khi được tự do. Để tránh bị bắt lại, anh rời khỏi nhà vào nửa đêm. Tuy nhiên anh bị bắt vào sáng hôm sau và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Kê Tây.

Không cần bất cứ quy trình tố tụng nào, anh Phạm bị kết án hai năm ở trại lao động cưỡng bức. Lúc đó anh mới 21 tuổi.

Tra tấn ở Trại lao động cưỡng bức Kê Tây

Giống như các học viên khác, anh Phạm bị ép phải xem những băng hình phỉ báng Pháp Luân Công. Anh còn bị đánh đập mỗi khi anh nói cho ai đó sự thật về Pháp Luân Công.

Hàng ngày, anh bị buộc ngồi trên một cái ghế nhỏ. Anh không được luyện công hoặc nói chuyện với các học viên khác.

Khi anh Phạm viết thư khiếu nại về cuộc bức hại, các tù nhân đã giám sát anh chặt chẽ, tóc của anh còn bị cắt giống như tội phạm.

Ngoài ra, anh thường xuyên bị đánh đập và treo lên. Có lần hai tay và chân của anh cùng bị trói bởi một dây nilon, ở tư thế cả ngực và chân đều treo lơ lửng còn bụng thì chúi xuống. Ở tư thế này, dây trói cắt vào da thịt của anh khiến anh khó thở và tê cứng.

Anh Phạm đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối ngược đãi. Họ dùng một ống nhựa nhét vào mũi anh đi thẳng xuống dạ dày rồi đổ nước muối qua ống nhựa nhằm bức thực anh. Kết quả là anh bị huyết áp cao và tiêu chảy ra máu. Đêm đó anh cũng đi vệ sinh hơn chục lần. Lính canh rất lo lắng và cho anh đi bệnh viện, và bác sỹ chẩn đoán nước muối đã làm hòa tan niêm mạc trong dạ dày của anh Phạm. Tuy nhiên, khi họ đưa anh trở lại trại lao động, anh vẫn bị trói vào giường.

Tháng 4 năm 2002, anh Phạm suy sụp tinh thần sau thời gian bị tra tấn liên tục kéo dài. Anh bị trói vào lan can cầu thang và họ còn nhét giẻ vào miệng để ngăn anh không kêu thét. Không chỉ vậy, họ còn lừa anh ký vào một biên bản hối lỗi.

Anh Phạm được trả tự do vào tháng 7 năm 2003, tuy nhiên anh bị công an giám sát chặt chẽ.

Công an cố ý đâm xe nhằm khiến anh Phạm tàn phế

Ngày 11 tháng 8 năm 2006, khi anh Phạm đang trên đường về nhà sau khi nói chuyện với nhiều người về Pháp Luân Công, công an huyện Mật Sơn đã cố ý đâm xe khiến anh bị gãy chân. Khi anh được đưa đến bệnh viện, công an thu xếp để anh là người chi trả viện phí.

Anh Phạm chỉ nằm viện trong 8 ngày vì gia đình anh không có nhiều tiền. Anh đã luyện các bài công Pháp của Pháp Luân Công ngay sau khi về nhà. Năm ngày sau, anh có thể đứng dậy được và một tháng sau anh đã đi lại được.

Sau khi hồi phục chấn thương, anh Phạm đã thuê luật sư kiện những người đã đánh anh. Để đáp lại, nhân viên Sở cảnh sát Mật Sơn đã đe dọa luật sư của anh Phạm và tạo chứng cứ giả để đưa anh Phạm vào trại lao động cưỡng bức. Anh đã đưa vợ con rời khỏi nhà để tránh bị bắt giữ.

Tiếp tục bị giam cầm phi pháp

Tháng 2 năm 2009, anh Phạm lại bị bắt và bị giam tại Trại lao động cưỡng bức Tuy Hóa trong 6 tháng. Khi anh tố cáo nhiều tù nhân đánh các học viên khác, họ lại quay sang đánh anh. Thay vì trừng phạt các tù nhân, lính canh đã gia hạn thời hạn giam của anh thêm một tháng.

Người nhà của anh cũng bị liên lụy

Gia đình anh Phạm cũng bị liên đới từ cuộc bức hại. Vợ anh bị bắt giữ phi pháp hai lần. Mẹ anh bị mất ngủ do liên tục bị công an địa phương và viên chức chính phủ sách nhiễu. Cha anh bị bệnh tim và em gái anh thì không được vào trường đại học tốt bởi vì áp lực của cuộc bức hại.

Ít nhất 9 người thân của anh Phạm cũng là học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại theo cách tương tự như vậy. Một người anh em họ của anh bị tra tấn đến chết vào năm 2010, trong khi những người khác bị giam tại trại lao động cưỡng bức trong nhiều năm. Những người khác bị đưa đến trại tẩy não.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/14/332847.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/29/158468.html

Đăng ngày 14-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share