Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-9-2016] Một cư dân quận Hô Mã đã không qua được những biến chứng đột quỵ và qua đời vào ngày 20 tháng 7 năm 2016.

Bà Diêu Ngọc Minh, 64 tuổi, đã nhiều lần bị tra tấn và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc trong khi thụ án bảy năm tù vì không từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp.

Ngày 2 tháng 8 năm 2005, bà bị xuất huyết não và được tạm tha để điều trị y tế sau một vài tuần. Nửa cơ thể của bà bị liệt và bà không thể tự đi lại khi được thả ra.

Gia đình rất đau lòng khi mất đi người thân sau nhiều năm nỗ lực đấu tranh. Thêm vào đó, họ còn đau đớn hơn khi phải tìm cách để thi thể bà được hỏa thiêu.

Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang đã tịch thu thẻ đăng ký nhân khẩu của bà Diêu lúc bà được chuyển đến nhà tù, nhưng họ không trả lại khi bà được thả. Bây giờ, gia đình bà cần nó cho việc làm thủ tục hỏa táng, nhà tù thừa nhận họ đã làm thất lạc. Tuy nhiên, họ không làm gì để khắc phục hậu quả.

Gia đình bà Diêu phải mua thẻ đăng ký giả để thi thể bà được hỏa táng. Họ cảm thấy cay đắng vì không chỉ không thể đòi công bằng cho người thân yêu của mình, mà còn phải sử dụng thủ đoạn thấp kém để tiễn bà đi.

Nỗ lực đòi công lý không có hồi đáp

Trước khi bà Diêu được thả, bà và những học viên bị cầm tù khác đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vào ngày 2 tháng 9 năm 2004, cáo buộc cựu độc tài Trung Quốc đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công dẫn đến việc họ bị cầm tù và tra tấn.

Hiện không rõ khiếu nại hình sự của họ từng được gửi đi hay chưa, vì nhà tù vẫn không ngừng tra tấn họ.

Khoảng bốn tháng sau, bà Diêu đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao tỉnh Hắc Long Giang yêu cầu cơ quan này đòi công bằng cho bà và các học viên bị giam cầm khác về việc họ bị ngược đãi trong tù.

Tuy nhiên, việc thỉnh nguyện không có kết quả gì vì bà Diêu và các học viên khác vẫn tiếp tục bị tra tấn.

Bất tỉnh trong ba ngày

Bà Diêu bị bắt vào tháng 9 năm 2002 và bị kết án bảy năm tù vào ngày 17 tháng 3 năm 2003.

Ngày 12 tháng 9 năm 2003, bà bị chuyển đến Nhà tù nữ Hắc Long Giang. Kiểm tra sức khỏe cho thấy bà có huyết áp bất thường, nhưng cảnh sát Ngô Kiệt đã hối lộ để nhà tù tiếp nhận bà.

Bà Diêu bị tiêm thuốc ngay khi được đưa vào. Bà bị bất tỉnh và không tỉnh dậy cho đến ba ngày sau. Bà không bao giờ có thể biết được mình đã bị tiêm loại thuốc gì.

Còng tay và treo lên (Điếu khảo)

Bà Diêu đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn và ngược đãi vì không từ bỏ Pháp Luân Công và không chịu mặc đồng phục tù nhân.

Lính canh liên tục áp dụng phương pháp tra tấn được mệnh danh là “điếu khảo” với bà Diêu và các học viên khác trong khoảng thời gian giữa tháng 3 và tháng 5 năm 2004.

Với kiểu tra tấn này, một tay của nạn nhân sẽ bị kéo qua vai ra sau lưng cùng với tay kia vặn ngược ra phía sau. Sau đó, hai tay bị còng với nhau thành một cái cần, [cơ thể bị treo] chân không chạm đất và trọng lượng của toàn cơ thể bị dồn lên cánh tay.

Bà Diêu và các đồng tu của bà thường bị treo như vậy trong khoảng thời gian dài, thường kéo dài từ 20 đến 28 giờ đồng hồ. Lính canh cũng đánh đập họ trong suốt quá trình.

Khi một số học viên, gồm cả bà Diêu, ngất xỉu vì đau đớn, họ sẽ thả họ xuống và cho uống thứ thuốc không rõ tên trước khi lại tiếp tục treo họ lên.

Ngày 5 tháng 8 năm 2005, bà Diêu đã bị xuất huyết não, nhưng hai ngày sau mới được đưa tới Bệnh viện Y khoa Chi nhánh Số 2. Các bác sĩ ở đó đã tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ và bà bị chuyển tới bệnh viện trực thuộc nhà tù vào ngày 22 tháng 8 khi vẫn đang trong quá trình hồi phục.

Các báo cáo liên quan:

Đơn thỉnh nguyện tới Tòa án Tối cao tỉnh Hắc Long Giang

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang cùng kiện Giang Trạch Dân


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/9/1/333806.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/9/2/158523.html

Đăng ngày 14-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share