Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 9-8-2016] Một cư dân tỉnh Vân Nam bị phi pháp kết án 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công và gia đình bà liên tục bị từ chối thẳng thừng hoặc đột ngột bị dừng cuộc gặp mặt ngay khi bà phản ánh việc bà bị tra tấn ở trong tù.

Gia đình bà Hà Liên Xuân yêu cầu nhà tù cho phép bà được tại ngoại để điều trị y tế, bởi nhà tù đã hai lần thông tin cho họ về tình trạng nguy kịch của bà và rằng hiện cân nặng của bà chỉ còn chưa đầy 30kg.

Tuy nhiên, nhà tù đã từ chối yêu cầu này, họ nói: “Bà ta sẽ không đủ tiêu chuẩn tại ngoại điều trị y tế trừ khi bà ta nhận tội.”

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hà trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại. Lần đầu tiên bà bị kết án năm năm tù giam vào năm 2001 trước khi bị bắt giữ một lần nữa vào năm 2009 và bị kết án 10 năm tù.

Gia đình bà hiện đang vô cùng quan ngại về tình trạng của bà.

Hai lần bắt giữ, 15 năm tù giam

Bà Hà, 46 tuổi và sống ở quận Mông Tự, tỉnh Vân Nam. Bà bị bắt lần đầu vào ngày 1 tháng 10 năm 2001 vì phân phát tài liệu chân tướng để nói với công chúng về cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền Cộng sản. Sau đó bà đã bị kết án 5 năm tù giam và giam giữ trong Nhà tù nữ Số 2 tỉnh Vân Nam.

Bà bị bắt giữ lần nữa vào ngày 23 tháng 1 năm 2009 với cùng lý do trên. Lần này, bà bị xét xử bí mật và kết án phi pháp 10 năm tù giam và vẫn bị giam giữ trong Nhà tù nữ Số 2 tỉnh Vân Nam.

Tra tấn, bức thực tàn bạo

Bởi bà Hà khẳng định rằng việc bà làm hoàn toàn không hề sai, cho nên bà không nhận tội. Nhà tù đã xếp bà vào diện “nghiêm quản”, kể từ ngày đầu tiên bà bị cầm tù lần hai năm 2009, bà luôn bị giám sát 24/24.

Bà bị đánh đập và bắt phải ngồi yên trên một chiếc “ghế nhỏ” (được dùng làm công cụ tra tấn) trong suốt 16 giờ đồng hồ một ngày. Bà không được phép lên tiếng hay rời khỏi phòng giam.

Nhà tù giới hạn việc bà sử dụng nhà vệ sinh, uống nước, ngủ, tắm rửa, và mua sắm các nhu yếu phẩm dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Bà tuyệt thực phản đối việc bị ngược đãi. Nhà tù đã trả đũa bằng việc bức thực bà, khiến bà bị thương tổn cổ họng, dạ dày và nhiều nội tạng khác. Răng của bà bị rụng nhiều đến nỗi bà đã không thể nhai bất cứ thứ gì—thậm chí bà còn phải ngâm cơm trong nước cho mềm nhũn để nuốt nó, việc ăn với bà là một cực hình. Dạ dày của bà cũng không thể nào tiêu hóa được những thức ăn có vị cay.

Trang web Minh Huệ đã báo cáo về vụ bắt giữ và tra tấn bà Hà trong hai bài viết:

Bà Hà Liên Xuân bị bí mật kế án 10 năm tù giam sau khi hoàn thành bản án tù năm năm (2011)Nước mắt người cha: Có thể con gái của chúng tôi có thể ra khỏi tù mà vẫn còn sống không? (2014)

Kể từ năm 2015, bà Hà đã nói với gia đình trong khi họ vào thăm bà rằng bà vẫn đang bị ngược đãi.

Sau khi thường xuyên không được phép sử dụng nhà vệ sinh, hiện bà đang gặp vấn đề về tiểu tiện. Đôi khi bà đã phải tiểu tiện ra quần mình. Có lần bà đi tiểu vào chiếc hót rác, một tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà đã dúi đầu bà xuống, khiến mặt và tóc bà thấm đẫm nước tiểu, và họ còn đá bà.

Suốt 10 tháng trong năm 2012, bà không được cung cấp nước và không được tắm rửa. Bởi vậy, tháng 9 năm đó, khi gia đình bà vào thăm bà, người bà rất bẩn thỉu. Tuy nhiên, lính canh lại trách cứ rằng bà tự làm ướt quần mình và không chịu tắm rửa.

Trong một lần vào thăm bà hôm 22 tháng 9 năm 2015, bà Hà kể với gia đình rằng bà bị bức thực, họ luồn một chiếc ống nhựa qua mũi vào thẳng dạ dày khiến mũi bà bị tổn thương nghiêm trọng. Các vết sẹo trong mũi bà thậm chí còn khiến lính canh khó luồn ống vào được.

Ngày 14 tháng 6 năm 2016, cha, anh trai và chị gái bà đã rất sốc khi gặp bà: Vết thương đầy rẫy khắp mặt và dưới mũi, bà cũng rất ốm yếu. Anh trai bà đã bật khóc.

Bà Hà nói với họ: “Lính canh dùng một chiếc thìa lớn cậy mồm con ra, dùng mọi cách để đưa thức ăn vào cổ họng hòng bức thực con. Chiếc thìa đó được thiết kế chuyên biệt do các nhà tù tự chế tạo. Nó khiến cổ họng con bị cứa rách. Họ bức thực con ba lần một ngày, và lần nào họ cũng chỉ dừng lại cho đến khi con nôn ra máu.”

Gia đình chỉ được vào thăm trong chốc lát hoặc bị từ chối thẳng thừng ngay từ đầu

Nhà tù ít nhất đã tám lần từ chối yêu cầu thăm viếng của gia đình bà. Trong mỗi lần gia đình bà Hà được phép vào thăm bà, lính canh đều giám sát và ghi hình lại cuộc nói chuyện của họ.

Kể từ năm 2015, lính canh đã năm lần rút ngắn thời gian mỗi lần gia đình vào thăm khi bà đề cập đến việc bị tra tấn hoặc mỗi khi gia đình bà nói với bà về làn sóng kiện Giang Trạch Dân tội phát động bức hại Pháp Luân Công.

Ngày 12 tháng 5 năm 2015, khi bà Hà nói với gia đình mình về những thống khổ mà bà phải trải qua trong tù, lính canh liền đột ngột chấm dứt cuộc thăm viếng của họ.

Từ tháng sau, nhà tù liên tục từ chối yêu cầu thăm viếng của gia đình bà.

Ngày 15 tháng 7 năm 2015, lính canh đã ngắt kết nối điện thoại của bà Hà ngay sau khi bà nói với gia đình rằng bà bị gẫy vài chiếc răng vì bị nhà tù bức thực.

Ngày 14 tháng 7 năm 2016, khi bà Hà đang kể với gia đình rằng bà bị bức thực, lính canh giám sát cuộc trò chuyện của họ liền lệnh cho bà phải im lặng.

Nhìn vào máy quay an ninh, bà Hà chỉ tay lên trời nói: “Tôi thề với ông Trời là mọi điều tôi nói đều là sự thật!”

Một lính canh đã ngắt kết nối điện thoại của bà và gọi hai tù nhân khỏe mạnh đến kéo bà Hà ra khỏi phòng thăm viếng.

Ngày 20 tháng 7, nhà tù từ chối đề nghị vào thăm của em và cháu gái bà. Họ tuyên bố rằng lý do họ từ chối là bởi bà Hà đã tiết lộ quá nhiều bí mật của nhà tù trong những lần thăm hỏi trước đó.

Ngày 27 tháng 7, nhà tù tiếp tục từ chối yêu cầu vào thăm bà của chị gái, con gái và cháu gái một lần nữa, với lý do tương tự.

Từ chối yêu cầu điều trị y tế

Trong một lần vào thăm bà hôm 10 tháng 6 năm 2014, gia đình bà Hà đã yêu cầu cho bà tại ngoại để điều trị y tế. Lãnh đạo nhà tù đã từ chối yêu cầu.

Sau đó, gia đình bà nhiều lần gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đơn yêu cầu cầu cho phép bà tại ngoại điều trị y tế tới nhà tù và cục quản lý nhà tù. Nhưng họ đều không hề nhận được phản hồi gì cho đến ngày 12 tháng 5 năm 2016.

Sau lần vào thăm của gia đình, một lính canh đã cầm đơn xin điều trị y tế của họ đưa lại cho chị gái bà và nói: “Bà ấy sẽ không được phép tại ngoại điều trị y tế nếu bà ấy không nhận tội.”

“Ngay cả nếu bà ấy ở trong tình trạng nguy kịch?” em gái bà Hà hỏi.

“Tất nhiên!” Lính canh trả lời và rời đi mà không nhìn họ.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/8/9/332714.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/26/158433.html

Đăng ngày 6-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share