Bài viết của Hạ Vũ và Mục Văn Thanh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 23-6-2016] Ba nhà điều tra quốc tế đã công bố bản báo cáo cập nhật sâu về việc giết hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng ở Trung Quốc tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington DC ngày 22 tháng 6 năm 2016.

Bản nghiên cứu sâu rộng của họ, dựa trên các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, tạp chí y khoa, website các bệnh viện, và các trang lưu trữ, đã kết luận rằng số lượng số ca cấy ghép tạng thực hiện ở Trung Quốc và số nạn nhân là cao hơn nhiều so với ước tính trước đó.

Năm 2009, ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã xuất bản cuốn Thu hoạch Đẫm máu: Thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc (Blood Havest) nhằm phơi bày nạn mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong đó có đến hàng triệu người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù chỉ vì đức tin của mình.

Năm 2014, sau khi tiến hành một cuộc điều tra độc lập, ông Ethan Gutmann, nhà báo điều tra từng đoạt giải và là chuyên gia phân tích các vấn đề của Trung Quốc, đã xuất bản cuốn Tàn sát: Đại thảm sát, mổ cướp nội tạng, và giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến (The Slaughter).

cf0b382d17dbe29acaf632ce0baad62e.jpg

Ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh của Canada, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chủ trì một cuộc họp báo về việc phát hành báo cáo mới của họ tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia vào ngày 22 tháng 6 năm 2016

c5856b2e9ab56476c2b0067277f552df.jpg

Luật sư nhân quyền David Matas, đồng tác giả với ông Kilgour, xuất bản cuốn Thu hoạch Đẫm máu: Thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Báo cáo này được ra mắt và cuộc họp báo này được tổ chức chỉ vài ngày sau hôm 13 tháng 6, khi Nhà Trắng thông qua Nghị quyết số 343 nhằm lên án tội ác thu hoạch nội tạng sống một cách hệ thống do nhà nước hậu thuẫn, lấy nguồn từ các tù nhân lương tâm bất đồng chính kiến tại Trung Quốc, mà phần lớn là học viên Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo khác và các nhóm dân tộc thiểu số.

“Trung Quốc đã tái diễn những vi phạm nhân quyền có lẽ là khủng khiếp và nghiêm trọng nhất đối với Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác, song hầu như không gặp phải bất kỳ sự chỉ trích nào, chứ chưa nói đến trừng phạt vì sự ngược đãi này cả”, nghị sỹ Ileana Ros-Lehtinen (R-FL) – người đề xuất nghị quyết này hồi năm ngoái giải thích. Bà cho biết cuộc bức hại và tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc “phải bị cả thế giới phản đối và phải chấm dứt vô điều kiện.”

Điều tra sâu rộng

Bản báo cáo mới dài 680 trang này (có thể tải về tại www.endorganpillaging.org) là một bản cập nhật toàn diện về công tác điều tra của ba tác giả trong suốt thập kỷ qua. Với hơn 2.300 loại tài liệu tham khảo, nó chứa một lượng lớn thông tin thu thập được từ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, tài liệu quảng cáo ở Trung Quốc, tạp chí y khoa, và website của các bệnh viện.

Vì nhiều website về cấy ghép tạng ở Trung Quốc đều đã bị xóa hoặc sửa đổi sau khi tội ác mổ cướp nội tạng bị đưa ra ánh sáng vào năm 2006, bản báo cáo mới này cũng đào sâu vào những thông tin thu thập được từ các nguồn lưu trữ của các website. Ngoài ra, các nhà điều tra còn kiểm tra số ca cấy ghép, công suất sử dụng giường bệnh, đào tạo cán bộ y tế, cùng chính sách và các quỹ của chính phủ.

Ghép tạng theo nhu cầu

Tại hầu hết các quốc gia, bệnh nhân phải chờ đợi đến hàng năm mới có thể có được một quả thận hoặc một lá gan để cấy ghép. Tuy nhiên, ở Trung Quốc nhiều cơ quan tạng phù hợp được xác định chỉ trong vòng có vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày, bao gồm hàng ngàn ca ghép gan cấp cứu cho bệnh nhân cần phải có gan mới trong vòng 72 giờ. Một số bệnh viện thậm chí còn bảo đảm tìm được người hiến gan và thận trong vòng hai tuần.

Các tài liệu quảng cáo hoặc website của các bệnh viện Trung Quốc còn tuyên bố rằng luôn có người hiến cho những bệnh nhân cần tạng. Trường hợp tạng mới ghép bị đào thải, một số bệnh viện còn tuyên bố có thể tìm được nhiều loại nội tạng cho một bệnh nhân.

Hơn nữa, những bệnh viện này còn chào giá trên mạng cho các trường hợp đặt ghép tạng trực tuyến. Một số bệnh viện còn xây dựng các loại tiện ích để thu hút bệnh nhân nước ngoài (khách du lịch ghép tạng), nhiều người trong đó đã phải trả hàng trăm ngàn hoặc thậm chí cả vài triệu đô cho các ca cấy ghép. Thời gian chờ đợi nhìn chung là ngắn, nhiều trường hợp chỉ mất vài tuần sau khi đặt hàng.

4287c089828262b4c1ef105b47ee71da.jpg

Ông Ethan Gutmann, nhà báo điều tra và phân tích các vấn đề của Trung Quốc từng nhận nhiều giải thưởng, đã thuyết trình bản báo cáo cập nhật về tội ác mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.

Số ca ghép tạng lớn trong khi số người hiến tạng rất nhỏ

Một hiện tượng nữa mà các nhà điều tra phát hiện được là Trung Quốc có số ca ghép tạng lớn khổng lồ. Theo các website của các bệnh viện, theo kinh nghiệm của các bác sỹ, hay báo cáo trên các phương tiện truyền thông, có những nhóm cán bộ y tế còn phải tiến hành ghép tạng hết ca này đến ca khác, hầu như không ngừng nghỉ. Một số trung tâm cấy ghép tạng còn sử dụng quá 100% công suất giường bệnh. Khi xây thêm những tòa nhà mới, mở rộng các cơ sở ghép tạng, và bổ sung thêm giường bệnh, năm 2015, ông trùm ghép tạng Hoàng Khiết Phu công bố kế hoạch cấp giấy phép cấy ghép tạng cho nhiều bệnh viện hơn, nâng số bệnh viện ghép tạng – từ 169 đến 300.

Do Trung Quốc có truyền thống bảo toàn thi thể sau khi chết, và do thiếu hệ thống hiến tạng hiệu quả, nên việc hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc là rất hiếm. Tuy nhiên, việc tìm được số lượng tạng lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đã đặt ra một câu hỏi về nguồn gốc của chúng. Nguồn tạng mà các quan chức Trung Quốc tuyên bố – đó là tử tù (trước năm 2015) và những người tình nguyện hiến tặng – chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các ca cấy ghép đã được thực hiện.

Năm 2006, sau khi tội ác mổ cướp nội tạng bị phơi bày lần đầu tiên và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, các tổ chức của Trung Quốc vội vàng sửa hoặc xóa đi các dữ liệu trực tuyến về hoạt động cấy ghép nội tạng. Mặc dù con số ca ghép tạng chính thức của Trung Quốc rơi vào khoảng 10.000 ca mỗi năm, nhưng nếu chỉ cần thêm vài bệnh viện nữa thôi cũng đã có thể vượt qua con số này. Năm 2007 có hơn 1.000 bệnh viện nộp đơn xin cấp phép cấy ghép nội tạng lên Bộ Y tế, và chứng minh họ có thể ít nhất có thể đáp ứng được số giường bệnh phục vụ các ca ghép tạng tối thiểu theo yêu cầu.

Dựa vào yêu cầu tối thiểu về công suất theo quy định của Bộ Y tế, kể từ năm 2000, 146 bệnh viện được cấp phép ghép thận và gan có thể đã tiến hành ít nhất một triệu ca cấy ghép. Trên thực tế, tất cả những cơ sở cấy ghép này đang hoạt động vượt công suất tối thiểu. Ngoài ra, nhiều cơ sở không có giấy phép của Bộ Y tế cũng đang tiến hành cấy ghép có quy mô.

Tội ác quốc gia

Năm 2006, sau khi các phương tiện truyền thông phơi bày tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, đã có bằng chứng cho thấy thực trạng này vẫn đang tiếp diễn, mặc dù nó đã đi vào hoạt động bí mật hơn. Theo tuyên bố của một bác sỹ cấy ghép nổi tiếng, vì gặp “vấn đề chứng minh nguồn tạng” nên số ca cấy ghép thường không được báo cáo và ghi chép đầy đủ, khiến việc xác định con số chính xác là rất khó khăn.

Báo cáo cũng đề cập đến sự tham gia của quân đội, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và các tổ chức chính phủ trong việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, bao gồm cả các vụ mất tích và cưỡng bức kiểm tra y tế đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở các trại giam của Trung Quốc.

Từ nguồn nội tạng của bệnh nhân đến thành tích, công suất, trình độ cán bộ, và nguồn ngân quỹ của các bệnh viện, báo cáo đã thu thập được những thông tin chi tiết kết hợp với các tố giác của các nhân chứng trong việc thiết lập một mạng lưới các dây chuyền thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống. Tội ác này là do nhà nước hậu thuẫn nhằm thu lợi nhuận.

Thảm kịch này không chỉ dừng ở nạn thu hoạch và cấy ghép nội tạng. Khi nhiều triển lãm tiêu bản người [thi thể người được phủ lớp nhựa bên ngoài] được tổ chức vòng quanh thế giới, nguồn gốc của các tiêu bản này – hầu hết là từ Trung Quốc – càng trở nên bí ẩn. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những triển lãm này có liên quan đến các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Rất nhiều bằng chứng trong số đó được đề cập trong báo cáo này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/6/23/330442.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/6/24/157546.html

Đăng ngày 10-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share