Bài viết của Lam Hinh

[MINH HUỆ 25-4-2016] Nhân dịp kỷ niệm 17 năm sự kiện thỉnh nguyện Ôn hòa ngày 25 tháng 4 năm 1999 của các học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, chúng ta hãy nhìn lại và phân tích toàn bộ các mặt như sự kiện đó là gì, tại sao nó lại xảy ra, và nó có ý nghĩa gì với thế giới.

Cuộc thỉnh nguyện Ôn hòa

Mặc dù Pháp Luân Công đang rất phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng vào tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định cấm môn tu luyện này.

Trên thực tế, việc công kích Pháp Luân Công đã manh nha từ vài tháng trước đó. Một bài viết vu khống pháp môn này được đăng tải trên một tờ báo ở Thiên Tân, một thành phố lớn gần Bắc Kinh. Ngày 23 tháng 4 năm 1999, khi các học viên đến gặp nhà xuất bản để giảng rõ chân tướng sự việc, cảnh sát vũ trang đã tấn công khiến nhiều người bị thương, rồi bắt giữ 45 học viên.

Khi các học viên yêu cầu các nhà chức trách thành phố Thiên Tân giải thích về việc này, các học viên nhận được câu trả lời rằng họ nhận lệnh từ Bộ An ninh Công cộng ở Bắc Kinh.

“Nếu các vị đòi thả những học viên bị bắt kia thì hãy đến Bắc Kinh,” các nhà chức trách Thiên Tân nói vậy với các học viên.

Sự việc này dẫn đến cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 ở Bắc Kinh, với hơn 10.000 học viên tham gia. Thủ tướng đương nhiệm lúc đó là Chu Dung Cơ đã gặp mặt các học viên, và sự việc này đã được giải quyết một cách ôn hòa. Nó đã được giải quyết êm đẹp đến mức nhiều kênh truyền thông phương Tây gọi đây là một sự cải tiến trong môi trường chính trị của Trung Quốc.

Thậm chí cảnh sát còn ngạc nhiên với cách xử sự của các học viên. Bởi các học viên đã nhặt rác trên đường phố và thậm chí là những đầu mẩu thuốc lá mà cảnh sát vứt lại, một cảnh sát đã nói với một cảnh sát khác rằng: “Đôi khi chúng ta hay bàn về đạo đức. Những gì chúng ta thấy hôm này chính là đạo đức!”

Quyền cơ bản: Tự do tín ngưỡng

Một số người ngoài cuộc không lý giải được tại sao các học viên lại đi thỉnh nguyện. Một số thậm chí còn băn khoăn rằng nỗ lực này liệu có mang lại kết quả gì không, đặc biệt từ khi ĐCSTQ cho thấy rằng họ tuyệt đối không nhượng bộ trong các phong trào chính trị trước đây.

Với các học viên, câu trả lời đơn giản chỉ là: vì họ và xã hội này được thụ ích từ Pháp Luân Công, những gì họ làm chỉ để bảo vệ quyền cơ bản mà Hiến pháp Trung Quốc đã quy định, đó là quyền tự do tín ngưỡng.

Trong cuộc thỉnh nguyện năm 1999, các học viên đã yêu cầu chính phủ:

  1. Trả tự do cho các học viên đang bị bắt giữ ở Thiên Tân,
  2. Cho phép xuất bản sách Pháp Luân Công, và
  3. Chấm dứt can nhiễu các học viên luyện công.

Đây là những vấn đề mà các học viên phải đối mặt ở nhiều thành phố khác nhau trên toàn quốc.

Đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng có thể thấy các học viên không hề có kế hoạch ngầm hay âm mưu chính trị nào.

Kể từ tháng Năm năm ngoái đã có hàng trăm nghìn đơn tố cáo Giang Trạch Dân vì tội bức hại Pháp Luân Công. Các nguyên đơn yêu cầu chính phủ:

  1. Xin lỗi và khôi phục thanh danh của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công;
  2. Trả tự do cho các học viên đang bị giam giữ phi pháp và khôi phục thanh danh cho họ;
  3. Cho phép xuất bản sách Pháp Luân Công và sản xuất băng hình, băng tiếng của Pháp Luân Công;
  4. Chấm dứt can nhiễu việc luyện công của các học viên;
  5. Yêu cầu Giang Trạch Dân và các thủ phạm cầm đầu khác chịu trách nhiệm trước cuộc bức hại; và
  6. Bồi thường thiệt hại cho các học viên.

Như vậy, các học viên Pháp Luân Công chỉ yêu cầu được có những quyền căn bản theo quy định Hiến pháp để được tự do tu luyện.

Điểm đáng lưu ý: Không vì lợi ích cá nhân

Từ khi cuộc bức hại khai màn vào tháng 7 năm 1999, tất cả những gì mà các học viên Pháp Luân Công yêu cầu không có gì nhằm giành lợi ích cá nhân mà đều là vì lợi ích chung cho xã hội.

Trong cuộc thỉnh nguyện, các học viên không hô khẩu hiệu, không ồn ào. Thậm chí họ còn tình nguyện dọn sạch điểm thỉnh nguyện trước khi rời đi. Khi Giang Trạch Dân cấm Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999 và các học viên bị giam giữ trong sân vận động, trời đã đổ mưa ở một vài thành phố. Lúc đó, một số cảnh sát không có ô nên các học viên đã nhường ô của họ cho cảnh sát.

Các học viên luôn suy nghĩ và hành động vì người khác. Từ thỉnh nguyện ôn hòa cho đến phản đối bức hại, từ nâng cao nhận thức về những vi phạm nhân quyền cho đến kiện Giang Trạch Dân, các học viên Pháp Luân Công đều hành động vì lợi ích xã hội. Các học viên đã hy sinh rất nhiều. Nhiều người đã mất việc, bị bắt và giam giữ, và chứng kiến cảnh gia đình nhà tan cửa nát.

Các học viên làm tất cả những điều này là vì họ biết rằng, bằng việc nâng cao sức khỏe và phẩm chất đạo đức, họ đang trở thành những hình mẫu tiêu biểu cho một xã hội bền vững và tiến bộ nhân loại. Bởi vậy, họ kiên định với đức tin của mình, ngay cả khi đối diện với cuộc bức hại tàn bạo.

Công lý sẽ chiến thắng

Một bí thư đảng ủy bảo tôi: “Vì Đảng đã hủ bại quá rồi nên người dân Trung Quốc đã mất hết hy vọng, nó khiến đạo đức xã hội trở nên tha hóa.”

Rõ ràng là chính quyền Cộng sản đang đi ngược lại với những giá trị truyền thống tốt đẹp, phổ biến. Bởi vậy, nó mới bức hại Pháp Luân Công, bức hại những học viên tin theo Chân-Thiện-Nhẫn.

Năm 1999, khi ĐCSTQ cấm Pháp Luân Công, nhiều người nghĩ rằng Pháp Luân Công sẽ không thể trụ được lâu dưới chế độ độc tài này. Tuy nhiên, 17 năm đã trôi qua, nhờ nỗ lực của các học viên, một số lượng lớn người dân trong và ngoài nước Trung Quốc đã minh bạch chân tướng.

Môn tu luyện thiền định ôn hòa này đã được hồng truyền đến hơn 100 quốc gia với hàng trăm triệu học viên; cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, đã được xuất bản với hơn 30 ngôn ngữ.

Nhiều quan chức chóp bu của ĐCSTQ từng tham gia bức hại gần đây đã bị điều tra, bắt và giam giữ. Hiện nay đã có hơn 230 triệu người dân Trung Quốc tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/4/25/327103.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/5/6/156559.html

Đăng ngày 24-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share