Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Cộng hòa Séc

[MINH HUỆ 24-1-2016] Nhà báo điều tra đồng thời là tác giả người Mỹ, ông Ethan Gutmann, đã đến Cộng hòa Séc vào ngày 8 tháng 1 năm 2016 để thực hiện loạt sự kiện kéo dài một tuần ra mắt phiên bản Séc cuốn sách của ông The Slaughter (Tàn sát), và nâng cao nhận thức về nạn mổ cướp tạng từ những tù nhân lương tâm còn sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

5bb1a201e902396e93f5e9d1def73f65.jpg

Ông Ethan Gutmann với cuốn sách The Slaughter của ông ra mắt tại Séc. (Ảnh do David Jurik)

Phiên bản tiếng Séc của cuốn sách được phát hành vào tháng 11 năm 2015, là bản dịch thứ hai sau phiên bản tiếng Đức. Trong loạt sự kiện tháng 1, ông Gutmann đã trình bày những phát hiện của mình tại hai trường đại học của Cộng hòa Séc, tại Quốc hội trước Tiểu ban Nhân quyền, và tại một vài buổi diễn thuyết khác.

Thượng Nghị sỹ Patrik Kuncar chia sẻ sau khi ông Gutmann diễn thuyết: “Nạn cưỡng bức thu hoạch tạng từ tù nhân chính trị ở Trung Quốc là điều ngoài sức tưởng tượng! Tôi cho rằng việc cần phải để cho cộng đồng biết về vấn nạn này để có thể ngăn chặn tội ác này càng nhiều càng tốt. Điều này về cơ bản là tương đồng với những gì đã diễn ra ở nước ta trong thời cộng sản; nó cho thấy chế độ độc tài nào cũng đều tàn nhẫn, nó tiêu diệt những thành phần đối lập với nó bằng những thủ đoạn man rợ nhất. Nếu có bất kỳ cơ hội nào có thể dùng nó để kiếm tiền thì thế nào nó cũng sẽ thực hiện.”

Ông Gutmann đã làm việc tại Bắc Kinh từ năm 1999 khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu. Ông nhanh chóng nhận ra rằng Pháp Luân Công đã trở thành vấn đề lớn nhất của ĐCSTQ. Sau vài năm, khi nhận ra vấn đề Pháp Luân Công và cuộc bức hại bị đưa tin lệch lạc và bị hiểu sai ở các nước phương Tây đến thế nào, nhận thấy những cuốn sách của các học giả phương Tây viết về vấn đề này thiếu công bằng như thế nào, ông đã bắt tay vào hành trình điều tra và viết cuốn sách của mình. Kết quả đạt được sau hàng năm trời chuyên cần nghiên cứu là sự ra đời của cuốn sách The Slaughter.

Ban đầu, Gutmann dự định viết về sự xung đột giữa Pháp Luân Công và ĐCSTQ. Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn nhiều nhân chứng để viết sách, ông đã nhận ra rằng nạn cưỡng bức thu hoạch tạng thật sự đang diễn ra tại Trung Quốc, và chính các học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất.

Vấn đề bảo mật y tế

Ông Gutmann phát biểu trước Tiểu ban Nhân quyền hôm 12 tháng 1 rằng: “Tôi chỉ đặt trường hợp nếu các vị bỏ qua việc bảo mật thông tin cá nhân, bảo mật hồ sơ y tế thì ít nhất chúng ta cũng sẽ tính được có bao nhiêu công dân Séc đến Trung Quốc [để cấy ghép tạng]. Và nếu như có công dân Séc đến Trung Quốc ghép tạng thì các vị sẽ có cơ sở để cân nhắc đến việc cấm du lịch ghép tạng tại Trung Quốc.”

Vấn đề bảo mật y tế đã cản trở ông Gutmann và những nhà điều tra khác trong việc điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc. Ông nói: “Đây là vấn đề mà chúng tôi luôn gặp phải. Tại Quốc hội của nước nào cũng vậy, họ luôn hỏi chúng tôi là có bao nhiêu công dân nước họ đến Trung Quốc để ghép tạng. Câu trả lời là chúng tôi không biết, đó là do quy định bảo mật hồ sơ y tế”.

Một ngày trước khi ông Gutmann diễn thuyết lần thứ hai tại Khoa Y dược Đại học Charles, một trong các bác sỹ có mặt ở đó là nhà chức trách của Hiệp hội Cấy ghép cho biết hai bệnh nhân của ông ấy, đều là người gốc Việt, đã sang Trung Quốc để cấy ghép thận. Điều này cho thấy ngành du lịch ghép tạng Trung Quốc diễn ra ở mọi nơi, và không chỉ giới hạn ở các quốc gia phương Tây giàu có mà còn có tại các quốc gia Đông Nam Á nữa.

“Chúng tôi sẽ tìm biện pháp giải quyết vấn đề này ở Cộng hòa Séc”, Nghị sỹ Marketa Adamova, chủ tịch Tiểu ban Nhân Quyền của Hạ viện nói.

Ông Gutmann giải thích rằng ở Trung Quốc, một “người hiến tạng” phải chết để một người khác được nhận nội tạng mới, kể cả thận. Ông ước tính có tới 75% tù nhân bị sử dụng làm nguồn tạng là tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Họ bị các bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc giết trên bàn mổ, ông Gutmann nói.

“Ở đây thấy rằng giới tuyến đạo đức và luân lý đã bị bỏ qua. Đâu đâu trên thế giới, bác sỹ cũng là những người được coi trọng nhất. Biến họ thành những kẻ giết người hàng loạt là điều thật khủng khiếp,” ông Gutmann nói. Ông và những nhà điều tra chuyên sâu khác cùng các bác sỹ, đã hết sức nỗ lực nhằm hối thúc từng nước giảm thiểu vấn đề này, đồng thời cấm công dân sang Trung Quốc du lịch ghép tạng.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/24/154928.html

Đăng ngày 30-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share