Bài viết của Trương Vận

[MINH HUỆ 7-12-2015] Hoa hậu Thế giới Canada, Anastasia Lin, bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc, khiến cô không thể tham dự cuộc thi sắc đẹp thế giới – Miss World tại Tam Á, Trung Quốc vào ngày 19 tháng 12.

Sự việc này đã thu hút đút đông đảo sự chú ý của giới truyền thông, như CNNAssociated PressWall Street Journal, Time,New York Times, và nhiều báo khác cũng đăng tải lại câu chuyện này. Cô Lin nói rằng cô không được nhập cảnh vào Trung Quốc bởi cô là một học viên Pháp Luân Công, và cô đã nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở Trung Quốc.

Khi được hỏi về lý do mà cô bị từ chối cấp visa, cô nói: “Họ muốn ngăn cản tôi bước chân vào lãnh thổ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng đây là tất cả những gì họ đang cố gắng làm. Tôi thực sự không hiểu xuất phát điểm của sự lo ngại của họ là gì.”

Với những gì đã trải qua, cô Lin nói với hãng thông tấn Associated Press rằng mọi người không nên sợ hãi những đe dọa từ chính quyền Đảng Cộng sản: “Tôi nghĩ rằng khi mọi người chứng kiến sự việc này và có cách nghĩ tiêu cực thì đó mới thực sự là tác hại. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ nhìn thấy sự can đảm và hy vọng trong câu chuyện này, chứ không đơn giản chỉ là việc tôi đang bị từ chối nhập cảnh.”

2015-12-6-minghui-anastasia_lin-story-01--ss.jpg

Cô Anastasia Lin được trao vương miện Hoa hậu Thế giới Canada vào ngày 16 tháng 5 năm nay.

“Sắc đẹp song hành cùng mục đích”

Cô Lin, 25 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc và di cư sang Canada hồi cô 13 tuổi. Cô tốt nghiệp Đại học Toronto, chuyên ngành nghiên cứu sân khấu. Cô cũng theo học về lịch sử và chính trị. Cô là một nữ diễn viên và đã đóng nhiều vai trong các bộ phim phản ánh về những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, trong đó có cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Sau khi đạt danh hiệu Hoa họa Thế giới Canada 2015 ở Vancouver vào đầu năm nay, cô Lin đã được lên kế hoạch sẽ tham dự cuộc thi sắc đẹp tổ chức ở Tam Á, cùng với các thí sinh khác đến từ hơn 110 quốc gia. Các viên chức Trung Quốc không gửi văn bản trả lời đơn xin cấp visa của cô, bởi vậy cô Lin đã đáp máy bay đến Hồng Kông vì theo thông lệ, Hồng Kông là nơi cấp visa cửa khẩu cho công dân Canada.

Nhưng sau khi xác minh danh tính của cô, một nhân viên chính quyền đã nói với cô Lin rằng cô không đủ điều kiện để được cấp visa. Ông ấy không đưa ra một lời giải thích nào.

Viện dẫn đến tiêu chí “Sắc đẹp song hành cùng Mục đích”, Lin giải thích đó là lý do tại sao cô tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Với quyết tâm lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, cô ủng hộ nhân quyền và muốn giúp Canada ủng hộ những giá trị phổ quát đó.

“Tôi hy vọng sẽ giúp mọi người nhận thấy rằng chúng ta không nên cúi đầu trước bạo quyền. Mặc dù tôi không thể có được visa để tới Tam Á, nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã đạt được mục đích của mình.”

Chính quyền Trung Quốc lo sợ điều gì?

Cô Lin không phải là người đầu tiên nằm trong danh sách đen [của chính quyền Trung Quốc]. Một số diễn viên nổi tiếng cũng bị liệt vào danh sách những người không được hoan nghênh, gồm có Brad Pitt, Christian Bale, Harrison Ford, và Richard Gere, theo một bài báo được đăng trên trang nhất của tờ New York Times vào ngày 27 tháng 11, với tựa đề “Trung Quốc cấm Anastasia Lin, Hoa hậu Thế giới Canada (và cũng là nhà hoạt động nhân quyền).”

Nhưng những phản ứng như vậy làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng. “Nếu họ bắt đầu kiểm duyệt các cuộc thi sắc đẹp—thì điều đó thảm hại đến nhường nào?” cô Lin phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ở Hồng Kông.

Ngoài việc tham gia đóng phim, cô Lin cũng tham gia các diễn đàn thảo luận về nhân quyền. Trong phiên điều trần hồi tháng 7 năm nay do Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) tổ chức, cô đã làm chứng rằng có ít nhất 3.800 học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng do bị tra tấn trong khi bị cảnh sát giam giữ ở Trung Quốc. Nhiều học viên cũng trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch tạng cưỡng bức.

2015-12-6-minghui-anastasia_lin-story-02.jpg

Cô Lin tham dự phiên điều trần do Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) tổ chức vào ngày 23 tháng 7 năm 2015, thảo luận về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc

Bộ phim gần đây nhất mà cô tham gia diễn xuất, The Bleeding Edge (Lưỡi dao rỉ máu), do các nhà sản xuất của bộ phimHuman Harvest (Thu hoạch Nhân thể) giành giải thưởng Peabody thực hiện, đó là một bộ phim kinh dị dựa trên các sự kiện có thực ngoài đời mà trong bộ phim đó cô đã thủ vai một học viên Pháp Luân Công. Bộ phim dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2016.

Tại diễn đàn vào ngày 8 tháng 9 tại Hội đồng Lập pháp Đài Loan, cô Lin nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp ở Trung Quốc. “Rất nhiều các học viên vô tội đã bị bắt và giam giữ chỉ vì đức tin của họ.” Cô hy vọng có nhiều quan chức chính phủ hơn nữa sẽ lưu tâm đến sự việc này và thúc giục chính quyền Trung Quốc chấm dứt bức hại.

Hơn 16 năm kể từ khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Hơn 221 triệu người dân Trung Quốc đã thoái xuất khỏi các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và gần 200.000 người đã đệ đơn kiện Giang về vai trò của ông ta trong cuộc bức hại.

a911904e9edda164583cd902de482d39.jpg

Cô Lin tham gia tích cực vào các hoạt động nhân quyền và đã gặp người bất đồng chính kiến Trần Quang Thành. Là một diễn viên, cô đã đóng nhiều vai diễn trong hơn 20 bộ phim, trong đó có một số bộ phim phản ánh về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc (ảnh giữa và bên phải).

Canada và cả thế giới ủng hộ

Vài ngày sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Canada vào ngày 16 tháng 5, cảnh sát đã ghé thăm cha cô Lin, hiện vẫn đang sống ở Trung Quốc, hối thúc và đe dọa ép ông phải yêu cầu con gái mình ngừng tham gia các hoạt động nhân quyền.

Tuy nhiên, ở Canada, cô lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu cho phép cô tham gia vòng thi chung kết hoa hậu thế giới vào năm sau. Ông Ike Lalji, giám đốc điều hành Hoa hậu Thế giới Canada, cho biết ông thất vọng với hành động này của Trung Quốc. “Một số người không tôn trọng chủ nghĩa đa nguyên và sự đa dạng.” “Nó [đa nguyên và đa dạng] sẽ có thể mang đến cho chúng ta một thế giới hòa bình nếu chúng ta tiếp nhận văn hóa và tín ngưỡng của nhau.”

Cô Lin cũng nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ Canada. Trong một tuyên bố gửi bằng email tới tờ The Globe and Mail,một tờ báo quốc gia của Canada, phát ngôn viên Ngoại giao bà Amy Mills viết: “Canada khen ngợi cô Lin bởi nỗ lực của cô trong việc nâng cao nhận thức về những vấn đề này”. “Canada cũng quan ngại về những cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc đã sách nhiễu gia đình cô Lin ở Trung Quốc.”

Cô Lin cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác thông qua các trang Facebook, Twitter, và các báo cáo đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

“Hoa hậu phải im lặng, phóng viên nhà báo bị kiểm duyệt và người theo tín ngưỡng tôn giáo bị tra tra tấn không phải là biểu hiện của sức mạnh, mà cho thấy sự yếu kém và bất an sâu sắc,” theo tờ The Guardian của Anh đăng tải ngày 26 tháng 11.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/12/7/320165.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/12/12/154059.html

Đăng ngày 17-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share