[MINH HUỆ 02-06-2009] Mới đây, có một sự chuyển biến nhanh chóng trong một trường hợp đáng chú ý tại Trung Quốc. Sự việc một người phụ nữ đã giết chết một viên chức chính quyền nhằm tự vệ khi bị ông ta cưỡng hiếp và một viên chức khác, đã thu hút sự chú ý của tôi. Những phương tiện truyền thông của nhà nước đã công bố hai nhân chứng mới mà chưa từng được nghe tới trước đó. Họ được kỳ vọng sẽ nói rằng các viên chức không cưỡng hiếp người phụ nữ khi cô ấy rút ra một con dao, giết một người trong số họ và làm người kia bị thương. Điều này làm tôi nghĩ rằng, khi tất cả các phương tiện truyền thông, cơ quan hành pháp và tòa án đều được kiểm soát bởi ĐCSTQ, làm sao một công dân bình thường có thể thực sự tìm ra được sự thật?

Điều này cũng dẫn tôi đến một suy nghĩ khác. Vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, trong khi cả thế giới đang theo dõi cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn, một số đông người dân Trung Quốc vẫn bị các kênh truyền thông lừa gạt rằng tất cả các sinh viên đã rút khỏi quảng trường Thiên An Môn và không có ai bị thương. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng, giống như bất cứ ai ở quanh tôi, điều này là sự thật. Tôi nhớ lại một đoạn phim trên TV quay cảnh một người đàn ông đang nói với đám đông về việc các sinh viên đã bị bắn bằng súng máy như thế nào và xác họ bị xe tăng lăn qua, và rõ ràng anh ta nói rằng: “Ở trên phố máu đang chảy thành sông!” Ngay sau đó, người phát thanh viên trên truyền hình yêu cầu khán giả truy tìm giúp “kẻ phao tin đồn” này. Trong vòng một tuần, người này thực sự bị tìm thấy và bị bắt giữ. Lần tiếp theo anh ấy xuất hiện trên TV là lúc anh ấy đang ngồi đối diện với một sĩ quan cảnh sát, cúi gằm mặt xuống. Anh ấy đã thừa nhận tội “phao tin đồn” của mình.

Vào thời điểm ấy, thực sự có rất ít người biết được sự thật về cuộc thảm sát. Tôi nhớ rằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Viên Mộc đang trả lời câu hỏi của các phóng viên Mỹ. Một phóng viên nói: “Chúng tôi đã có trong tay đoạn phim làm bằng chứng cho cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn.” Ông Viên trả lời ngay không chớp mắt: “Công nghệ hiện đại thừa sức chế tạo ra những thứ như vậy.” Vào lúc đó, tôi nhớ rằng tôi và những người xung quanh đã tán thưởng với nhau rằng: “Trả lời hay quá. Người Mỹ lại đang tìm cách kích động và gây hỗn loạn cho chúng ta.”

Hai mươi năm sau, tôi đã biết được điều gì thực sự xảy ra ở Thiên An Môn, và tôi quá chán ngán với những gì mà phương tiện truyền thông nhà nước đã nói. Khi họ có thể che dấu nhân dân Trung Quốc tới mức như vậy, còn điều gì mà chúng ta có thể tin tưởng được ở ĐCSTQ đây?

Trung Cộng cũng làm những việc tương tự ở bên ngoài Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2003, nghiên cứu sinh Ngụy Tinh Diễm ở Đại học Trùng Khánh đã bị bắt giữ vì nói cho mọi người biết về Pháp Luân Công. Một cảnh sát tại Trung tâm giam giữ Bạch Hạc Lâm đã cho hai nữ tù nhân lột hết quần áo của cô, và cưỡng hiếp cô ngay trước mặt hai nữ tù nhân kia.

Hành vi còn ác hơn cả cầm thú này không có cơ hội bị phơi bày ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng khi tin tức bắt đầu lan truyền ở hải ngoại, Phòng 610 thành phố Trùng Khánh đã cố gắng che đậy nó. Một mặt, họ bí mật di chuyển cô Diễm đến một nơi khác. Cùng lúc đó, họ chỉ thị cho Đại học Trùng Khánh loại bỏ tất cả hồ sơ liên quan đến cô Diễm. Trong những ngày tin tức bị lan rộng ở hải ngoại, tất cả các dấu hiệu liên quan đến cô Diễm đã biến mất trên website của Đại học Trùng Khánh, thậm chí cả [tên] bộ phận nghiên cứu chuyên trách của cô Diễm.

Không dừng tại đó. Phòng 610 thành phố Trùng Khánh đã phạt rất nặng năm học viên Pháp Luân Công chịu trách nhiệm đưa thông tin ra hải ngoại. Bốn trong số năm người đó đã bị kết án hơn 10 năm tù.

Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ thật là nham hiểm và vô liêm sỉ, và bước đầu tiên để vượt qua được những lời dối trá của nó là hiểu được [hai] nhân tố di truyền của ĐCSTQ là ‘lừa dối’‘tà ác’. Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản (Cửu Bình) đã đưa ra rất nhiều chi tiết về chủ đề này, và điều này cho phép chúng ta có một cái nhìn tổng quát về việc ĐCSTQ có thể làm được những gì.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/5/27/201701.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/6/2/107944.html

Đăng ngày 04-06-2009; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share