[MINH HUỆ 01-5-2015] Ngày 16 tháng 4, tại diễn đàn “Cấy ghép và Nhân quyền” ở Bern, Thụy Sỹ, các chuyên gia y tế và luật pháp đã chia sẻ những phát hiện của mình liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.

Các thành viên tham gia diễn đàn cam kết giúp đỡ chấm dứt tội ác thông qua việc tiếp tục gia tăng sức ép của cộng đồng quốc tế lên chế độ Trung Quốc và sử dụng các công cụ luật pháp bên ngoài Trung Quốc để ngăn chặn các quan chức Trung Quốc thực hiện tội ác.

Theo ban tổ chức , IGFM (Internationale Gesellschaft für Menschenrechte – Hiệp hội Nhân quyền quốc tế), mục đích của diễn đàn là để nâng cao nhận thức cộng đồng và là nơi để các chuyên gia thảo luận, xác định và thực hiện các giải pháp chấm dứt tội ác chống lại nhân loại này.

Ông David Kilgour, cựu chính khách Canada, và ông David Matas, luật sư nhân quyền, đã trình bày nghiên cứu điều tra của họ và kết luận rằng từ năm 2000 đến 2005, ít nhất 41.500 tạng đã bị mổ cướp từ các học viên Pháp Luân Công – một nhóm tu luyện tinh thần ôn hòa đã bị bức hại tàn bạo ở Trung Quốc suốt 16 năm qua.

Ông Kilgour và ông Matas bắt đầu điều tra từ năm 2006, ngay khi tin tức về thu hoạch nội tạng sống lan truyền. Tại thời điểm đó, vợ của một bác sỹ phẫu thuật có dính líu đến thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công đã bước ra và công khai phơi bày tội ác ở Washington, DC.

85bdf971e0560ee8173c61297dd1d19f.jpg

Diễn đàn “Cấy ghép và nhân quyền” ở Bern, thủ đô Thụy Sỹ, vào ngày 17 tháng 4 năm 2015 (Ảnh do IGFM Thụy Sỹ, Internationale Gesellschaft für Menschenrechte – Hiệp hội nhân quyền quốc tế cung cấp)

d26d9e1a85af716222c8a8ca78949c40.jpg

Ông David Kilgour phát biểu tại diễn đàn “Cấy ghép và nhân quyền” ở Bern, Thụy Sỹ (Ảnh do IGFM Thụy Sỹ cung cấp)

Ông Kilgour trình bày thực trạng của những nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch tạng của Trung Quốc, bao gồm Nghị quyết Châu Âu 2013, Nghị quyết của Nghị viện Canada 2014, và hơn hai triệu chữ ký thu thập được trong hơn ba năm qua một cuộc thỉnh nguyện toàn cầu kêu gọi Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra.

Qua 9 năm nghiên cứu chủ đề này, ông Kilgour nói rằng nỗ lực chấm dứt tội ác đang tiến đến một điểm mấu chốt, mà ở đó những kết quả lũy tiến có thể hoàn toàn chấm dứt nó bất kỳ lúc nào.

Bác sỹ cấy ghép Thụy Sỹ: Chúng ta phải chấm dứt “thảm họa nhân loại” này

cfeaba397a3f544a7670bf575e024b72.jpg

Ông Franz Immer, Bác sỹ phẫu thuật tim, Phó Giám đốc điều hành viện cấy ghép Thụy Sỹ, Tổ chức Hiến tạng và Cấy ghép quốc gia Thụy Sỹ (Ảnh do IGFM Thụy Sỹ cung cấp)

Gọi tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng của Trung Quốc là một “thảm họa nhân loại,” ông Franz Immer, bác sỹ phẫu thuật tim và Giám đốc điều hành của Swisstransplant, Tổ chức Hiến và cấy ghép tạng quốc gia Thụy Sỹ, nói rằng Tổ chức này đã làm việc với Nghị viện Châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hơn sáu năm qua để chấm dứt vấn nạn đó.

Ông Immer nói: “Trong chuyến thăm của tôi đến Bắc Kinh vào năm 2007, một bệnh viện đã mời chúng tôi xem một cuộc phẫu thuật cấy ghép tim. Nhà tổ chức hỏi chúng tôi muốn xem ca phẫu thuật vào buổi sáng hay chiều.”

Ông tiếp tục: “Điều đó có nghĩa là người hiến có thể chết, hay bị giết, tại một khoảng thời gian xác định, thuận tiện cho khách thăm. Tôi đã từ chối tham gia.”

Học viên Pháp Luân Công: Các cuộc kiểm tra thể chất đáng ngờ

5e57f78279bb2dc37d68cab4c06c895a.jpg

Học viên Pháp Luân Công Lưu Vỹ (Ảnh do IGFM Thụy Sỹ cung cấp)

Trải nghiệm của học viên Pháp Luân Công Lưu Vỹ tại Trại lao động Bắc Kinh tương đồng với những phát hiện của ông Matas và Kilgour. Trong thời gian một năm rưỡi bị cầm tù ở đó, cô bị buộc kiểm tra thể chất năm lần, gồm thử máu, siêu âm nội tạng, và chất vấn về các bệnh di truyền trong gia đình cô.

Cô Lưu đã rất bối rối. “Rõ ràng là lính canh tại trại lao động thực sự không quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi vì chúng tôi bị cưỡng bức lao động suốt 16 giờ mỗi ngày,” cô nói.

Sau khi trốn thoát sang Đức, cô Lưu biết đến nạn cưỡng bức thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công, những người chiếm phần lớn trong số các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Cô nói rằng sau này cô biết được mục đích của tất cả các cuộc kiểm tra thể chất là để phục vụ cho việc cấy ghép tạng.

David Matas: Những lời dối trá quanh co của chế độ Trung Quốc

72df54f8647030e43505b31b89ad8c4a.jpg

Ông David Matas phát biểu trước diễn đàn (Ảnh do IGFM Thụy Sỹ cung cấp)

Ông David Matas chỉ ra rằng những lời giải thích của chế độ Trung Quốc về nguồn gốc tạng trong các ca phẫu thuật ghép tạng đã thay đổi nhiều lần trong thập kỷ qua. Mặc dù sự chênh lệch giữa tổng số ca ghép và số người hiến tự nguyện thường là rất lớn, ông Hoàng Khiết Phu, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từng phủ nhận việc sử dụng tạng từ các tù nhân bị tử hình.

Sau đó ông Hoàng đã công nhận rằng thực sự là họ đã thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm và nói nguồn tạng từ tử tù chiếm tỷ lệ 90%. Tỷ lệ này sau đó đã giảm xuống 65%, và rồi xuống đến mức dưới 20% trong báo cáo của ông ta. Giờ đây Hoàng nói rằng không có tạng nào bị cưỡng bức lấy đi từ các tử tù, và rằng tất cả tạng là từ những tù nhân hiến tự nguyện.

Nhưng không thể lý giải được sự chênh lệch giữa số tử tù và tổng số ca ghép. Trong 9 năm điều tra, Matas và Kilgour kết luận rằng phần lớn tạng ghép chỉ có thể là từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Sự tăng lên nhanh chóng số ca cấy ghép tỷ lệ thuận với cuộc bức hại Pháp Luân Công, thời điểm mà hàng trăm nghìn học viên bị bắt và đưa vào các trại tạm giam, nhà tù, và trại cưỡng bức lao động.

Ông Matas chỉ ra rằng con số thống kê ca ghép gan của Trung Quốc không còn được công bố sau khi ông và ông Kilgour trích dẫn chúng trong các báo cáo của mình. Các thống kê này chỉ có thể xem được sau khi đăng nhập một tài khoản.

Chín bệnh viện Quân y cấp tỉnh và trung ương được cho là đã thực hiện đa phần các ca ghép gần đây. Theo ông Matas, vai trò chính của các Bệnh viện quân y trong việc thu hoạch tạng là một dữ kiện quan trọng khác mà Đảng từ lâu đã cố gắng che đậy.

Giáo sư luật: Kết án hình sự các quan chức của Đảng có dính líu

2738dd3a2d91c8c3e332ba6b462c8098.jpg

Giáo sư luật Gerhard Dannecker, giám đốc Viện Luật tội phạm quốc tế, châu Âu, Đức và Luật tội phạm tại Đại học Heidelberg (ảnh do IMFG Thụy Sỹ cung cấp)

Giáo sư Gerhard Dannecker, giám đốc Viện Luật tội phạm quốc tế, châu Âu, Đức, và Luật hình sự tại Đại học Heidelberg, trình bày về quyền tài phán và việc áp dụng luật hình sự đối với hành vi buôn bán nội tạng bất hợp pháp.

Ông nói rằng nếu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc dính líu đến thu hoạch nội tạng mà nhập cảnh vào Đức và nếu một nạn nhân của tội ác liên quan đến thu hoạch nội tạng là một công dân Đức, án hình sự có thể được áp dụng đối với quan chức đó. Dù vị quan chức đó có được miễn trừ ngoại giao, việc đệ đơn kiện cũng có tác dụng ngăn chặn những kẻ mà vẫn tham gia vào những tội ác này.

Nghị sỹ Nghị viện Thụy Sỹ, bà Margit Kessler, chủ tịch Hiệp hội Bệnh nhân Thụy Sỹ, nói rằng cưỡng bức thu hoạch nội tạng “thực sự là thảm họa.” Bà nói sẽ tiếp tục đưa vấn đề ra trước các chính trị gia.

Ngoài diễn đàn này, IGFM cũng lên kế hoạch thành lập ủy ban chuyên gia để nâng cao nhận thức hơn nữa về tội ác.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/5/1/308297.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/5/4/150002.html

Đăng ngày 02-06-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share