Bài viết của Đường Tú Minh

[MINH HUỆ 04-05-2015]

Tin về hoạt động thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được nhiều hãng thông tấn tại Vương quốc Anh đăng tải. Các hãng thông tấn chủ đạo và các tổ chức y khoa gần đây đã chú ý tới vấn đề quan trọng này và đã đưa tin về tội ác thu hoạch tạng của ĐCSTQ trên các kênh truyền thông của mình.

7e7a32ca5da5a8bee68baf0e6253814c.jpg

79d5d2e34ec4c84e678d0b62e7a6413a.jpg

Hình chụp trang MailOnLine, phiên bản trực tuyến của tờ báo Daily Mail của Anh ngày 08 tháng 04 năm 2015

Tờ báo Daily Mail của Anh đăng hai bài về việc ĐCSTQ thu hoạch tạng từ các tù nhân là học viên Pháp Luân Công trên trang web của hãng là MailOnline vào ngày 06 và 08 tháng 04 năm 2015. Các bài báo này nói về bộ phim tài liệu mới “Thu hoạch Nhân thể: Buôn bán tạng trái phép ở Trung Quốc”.

Bộ phim này được biên kịch, đạo diễn và sản xuất bởi nhà làm phim Leon Lee, Giám đốc Hãng Sản xuất phim Flying Cloud tại Vancouver. Người phụ trách sản xuất là Jason Loftus của hãng thông tấn Mark Media có trụ sở tại Toronto. Bộ phim mới đây đoạt giải Phim tài liệu Peabody – giải thưởng sẽ được trao vào ngày 31 tháng 05 tại Lễ Trao giải Peabody thường niên tại New York. Giải thưởng George Foster Peabody uy tín được khởi lập vào năm 1940 nhằm công nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong ngành sản xuất truyền thông, truyền hình, và là một trong những giải thưởng cao quý và đáng giá nhất trong ngành.

Bài báo của tờ Daily Mail ngày 06 tháng 04 của tác giả John Carney có tựa đề “Thu hoạch nhân thể: Buôn lậu tạng ở Trung Quốc bị phơi bày qua bộ phim tài liệu gây sốc cho thấy buôn bán tạng trái phép có doanh thu khủng 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm”.

Bào báo này có đưa hình ảnh và đoạn video mô tả hoạt động buôn lậu tạng do nhà nước [Trung Quốc] hậu thuẫn [mà tạng] được lấy từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công. Bài báo mở đầu bằng câu: “Năm 2006, khi các báo cáo từ Trung Quốc lần đầu tiên đưa tin bệnh viện nhà nước đang giết các tù nhân lương tâm để bán nội tạng của họ, người ta khó mà tin được sự thực này vì nó quá khủng khiếp.

“Tuy nhiên, bộ phim tài liệu mới sẽ hé lộ hoạt động buôn bán tạng trái phép được cho là mang đến 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Mặc dù hàng năm Trung Quốc có tới 10.000 ca ghép tạng nhưng con số trên danh sách người hiến tạng chính thức lại quá nhỏ.”

Bài báo thuật lại quá trình tiến hành điều tra toàn diện của Luật sư nhân quyền người Canada, ông David Matas và ông David Kilgour, nguyên Nghị sỹ Quốc hội Canada, và đi đến kết luận khó tin rằng các tù nhân là học viên Pháp Luân Công bị sử dụng như người hiến tạng sống cho hoạt động buôn bán tạng trái phép. “Bằng chứng xác đáng mà họ khai thác được cho phép suy luận hàng chục nghìn người vô tội đã bị giết theo nhu cầu để phục vụ ngành ghép tạng trái phép đang diễn ra [tại Trung Quốc].”

Bài báo dẫn lời chỉ trích của Liên Hợp Quốc đối với Trung Quốc vì sử dụng tù nhân đang chờ án tử hình làm nguồn hiến tạng không tự nguyện và trình bày các luật đang được thực thi trên thế giới nhằm ngăn chặn ngành du lịch ghép tạng. Israel và Tây Ban Nha được dẫn chứng như là hai nước áp dụng thành công về mặt pháp lý.

Bài báo cũng đề cập đến Quốc hội Hoa Kỳ và Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết lên án hoạt động cưỡng bức thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc.

Bài báo thứ hai của Daily Mail ngày 08 tháng 04 của Julian Robinson có tựa đề “Bộ phim tài liệu cho thấy mỗi năm Trung Quốc có 11.000 tù nhân chính trị còn sống bị mổ để lấy gan, thận và cả giác mạc mà KHÔNG gây mê”.

Bài báo này đưa ra kết quả điều tra của ông Matas và ông Kilgour như bộ phim đề cập. Bài báo trích dẫn quan sát của ông Matas: “Họ giết người để lấy tạng. Không còn cách giải thích nào khác cho những gì đang xảy ra.”

“Ở khắp nơi trên thế giới, người ta phải mất hàng tháng, hàng năm trời [để nhận được tạng]. Nếu bạn đăng ký ghép tim trước và bạn tới Trung Quốc, ca ghép của bạn sẽ được tiến hành trong vòng vài ngày.”

Bài báo chỉ ra rằng “Các luật sư nhân quyền tham gia vào cuộc điều tra muốn có hành động cụ thể hơn, những kẻ có liên đới phải bị đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế tại Hague, Hà Lan.”

Bên cạnh Daily Mail, Thời báo Kinh doanh Quốc tế cũng đưa tin về bộ phim tài liệu này.

63bd3a61da6801d3795a728a849729c9.jpg

Thời báo Kinh doanh Quốc tế (tên gốc: International Business Times) đăng bài báo với tiêu đề “Trung Quốc: Bộ phim phơi bày tội ác thu hoạch tạng từ các tù nhân còn sống do nhà nước hậu thuẫn” vào ngày 08 tháng 04 năm 2015

Bài viết trong ấn phẩm Mùa Xuân năm 2015 của Khoa Cộng đồng Y khoa, Đại học Imperial College London thuật lại buổi thuyết trình tại Quốc hội Anh về hoạt động thu hoạch tạng phi đạo đức từ các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

39e6486cf399b1d0058957c3a0e9715e.jpg

Hình chụp blog của Khoa Cộng đồng Y khoa, Đại học Imperial College London đề cập đến nghiên cứu sinh Alex Chen thuyết trình tại Quốc hội Anh về hoạt động buôn bán tạng trái phép ở Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái. Anh được mời đến thuyết trình trong một phiên hội thảo do DAFOH (Hiệp hội các Bác sỹ chống cưỡng bức Mổ cướp tạng) tổ chức

Trên trang web của Trung tâm Hợp tác Y tế Công cộng, Giáo dục và Đào tạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tại Đại học Imperial College, London, bài thuyết trình của Alex cũng được đưa tin. Bài báo viết: “Tiến sỹ Chen thuyết trình về hoạt động thu hoạch tạng phi đạo đức từ các tù nhân Trung Quốc, đồng thời đề cập đến phản ứng của cộng đồng quốc tế về mặt pháp lý và ảnh hưởng từ xa đối với hoạt động ghép tạng trên thế giới.”

ce1ec2752608032cf96941c35dd34853.jpg

4639bc2e89ba08ce6896206d3bd5497f.jpg

Hình chụp từ các bài báo về bài thuyết trình của Alex Chen tại Quốc hội Anh về hoạt động thu hoạch tạng phi đạo đức tại Trung Quốc, được đăng trên trang web của Trung tâm Hợp tác Y tế Công cộng, Giáo dục và Đào tạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tại Đại học Imperial College, London


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/5/2/308339.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/5/4/150006.html

Đăng ngày 10-05-2015. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share