Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 07-01-2015] Theo sau việc chính quyền Cộng sản Trung Quốc đóng cửa các trại lao động dưới áp lực của quốc tế vào cuối năm 2013, con số các học viên Pháp Luân Công bị bắt trong năm 2014 tăng lên 29,8%, theo số liệu của Minh Huệ Net tính đến ngày 05 tháng 01 năm 2015. Trong năm 2014, ở cấp tỉnh, 23 trong tổng số 30 tỉnh thành và khu tự trị tại Trung Quốc đều cho thấy sự gia tăng của các vụ bắt giữ.
So với 4.942 người bị bắt (đã được xác nhận) trong năm 2013, thì năm 2014 có 6.415 học viên bị công an bắt giữ bởi đức tin của họ, và trung bình mỗi ngày có 18 học viên bị bắt giữ.
Trong số 6.415 học viên bị bắt, có 3.941 (61,4%) học viên bị bắt cùng với một hoặc nhiều học viên khác, trong đó có 21,3% học viên bị bắt theo nhóm hai người, 21% học viên bị bắt theo nhóm từ ba đến năm người, và có 19% học viên bị bắt theo nhóm trên sáu người. Nhóm học viên lớn nhất bị bắt giữ lên đến hơn 100 học viên ở tỉnh Giang Tô vào tháng 09 năm 2014.
Hình 01: Số lượng học viên bị bắt thống kê theo nhóm
Theo số liệu ở biểu đồ 02, số vụ bắt giữ tăng lên đến đỉnh điểm vào tháng 04 và tháng 07 năm 2014. Điều này có liên quan đến hai dịp lễ lớn được coi là những “ngày nhạy cảm” của Đảng Cộng sản, đó là ngày 25 tháng 04 (ngày các học viên Pháp Luân Công cùng nhau thỉnh nguyện ôn hòa ở bên ngoài khu liên hợp chính quyền trung ương) và ngày 20 tháng 07 (ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc).
Hình 02: Số lượng học viên bị bắt thống kê theo tháng
Các vụ bắt giữ xảy ra ở trên khắp cả nước Trung Quốc, riêng ở tỉnh Sơn Đông có số học viên bị bắt giữ nhiều nhất (813 người, chiếm 12,7%), tiếp đó là Liêu Ninh (640 người, chiếm 10%) và cuối cùng là Cát Lâm (635 người, chiếm 9,9%).
Hình 03: Số lượng học viên bị bắt thống kê theo tỉnh
Nhóm học viên bị bắt do đã bị theo dõi, giám sát
Không giống như những vụ bắt giữ đơn lẻ các học viên ở trên phố khi họ đang nói chuyện ở nơi công cộng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, phần lớn các học viên bị bắt theo nhóm đều được lên kế hoạch từ trước – thông thường đều do Phòng 610 (một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật được thành lập nhằm mục đích chuyên biệt là nhổ tận gốc Pháp Luân Công) – và họ thường lên kế hoạch giám sát tỉ mỉ trong nhiều tháng.
Ngày 17 tháng 08, 42 học viên bị bắt giữ khi đang chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Công tại Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Theo nguồn tin đã được xác nhận, người của Phòng 610 Thương Châu trước đó đã giám sát các học viên khi họ đang chuẩn bị cho buổi gặp mặt.
Trong số 42 học viên bị bắt giữ, bà Lý Lệ đã bị theo dõi từ năm 2013. Ở dưới gầm xe ô tô của mình, bà Lý đã tìm thấy mộtthiết bị theo dõi có đèn màu đỏ và xanh lục. Hai ngày sau khi bà gỡ bỏ và đặt nó trong tầng hầm, công an đã đến lục soát nhà bà.
Vụ bắt giữ lớn nhất với hơn 100 học viên đã diễn ra vào ngày 17 tháng 09 năm 2014 tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô. Công an đột nhập vào nhà của nhiều học viên và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in, và nhiều tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công khác. Có thông tin rằng Phòng 610 Giang Tô đã đứng sau vụ bắt giữ với quy mô lớn này. Hơn 500 công an đã được điều động để giám sát các học viên trong hai tuần trước khi xảy ra vụ bắt giữ này.
Phần lớn các vụ bắt giữ theo nhóm với hơn 20 học viên diễn ra từ giữa tháng 06 đến tháng 10. Nhiều nhóm học viên bị đưa thẳng đến các trung tâm tẩy não, gồm có hơn 30 học viên ở Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 02 tháng 09, và 27 học viên ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, bị bắt vào ngày 21 tháng 10.
Điểm đáng lưu ý là khoảng thời gian này trùng khớp với số lượng học viên bị đưa đến trại tẩy não lên đến đỉnh điểm “từ tháng 07 đến tháng 10” trong năm 2014.
Các vụ bắt giữ thường xảy ra xung quanh “những ngày nhạy cảm” – Thông tin rò rỉ tiết lộ chính sách bức hại tập trung
Đầu tháng 03 năm ngoái, số lượng học viên bị bắt giữ bắt đầu tăng lên, đỉnh điểm vào tháng 04 và tháng 07.
Số lượng các vụ bắt giữ tăng cao xung quanh những “ngày nhạy cảm” của chính quyền Cộng sản, bao gồm những dịp kỷ niệm như hai sự kiện là ngày 25 tháng 04 và ngày 20 tháng 07 đã thống kê ở trên, cũng như ngày 13 tháng 05 – là ngày kỷ niệm Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng.
Các vụ bắt giữ cũng tăng lên trước các sự kiện chính trị quan trọng, như Kỳ họp Quốc hội và Hội nghị cấp cao APEC.
Trong một thông báo khẩn nội bộ bị rò rỉ từ Phòng 610 Tứ Xuyên ban hành ngày 23 tháng 04 năm 2013, có rất nhiều công an được điều động thêm để tiến hành bắt giữ và giám sát các học viên Pháp Luân Công xung quanh các ngày 25 tháng 04 và 13 tháng 05.
Thông báo cũng đề cập đến việc các học viên ở Tứ Xuyên rất tích cực gửi các báo cáo về cuộc bức hại cho truyền thông ở hải ngoại, như Minh Huệ Net, và việc các học viên phun các thông điệp như “Pháp Luân Đại Pháp hảo” lên các cột điện ở thành phố Tự Cống trong các ngày 26 tháng 03 và ngày 03 tháng 04 năm 2013.
Ngày 09 tháng 06 năm 2014, Phòng 610 Nội Mông Cổ đã ra “thông báo tuyệt mật” [Nằm ở bên trái của hình 04] để ra lệnh cho chính quyền địa phương “thu thập tên tuổi các học viên Pháp Luân Công ở Nội Mông Cổ.”
Thông báo còn yêu cầu các ủy ban khu đô thị, khu dân cư, ủy ban khu vực đến ngày 10 tháng 07 năm 2014 phải cung cấp danh sách tên của các học viên, và yêu cầu chính quyền các thành phố lân cận phải cung cấp trước ngày 15 tháng 07 năm 2014, chỉ vài ngày trước “ngày nhạy cảm” 20 tháng 07.
Phòng 610 chú trọng việc sử dụng mạng lưới thông tin của công an để đạt được “độ chính xác” trong “cuộc chiến đánh bại Pháp Luân Công”.
Thông báo cũng nhấn mạnh vào “kiểm soát nghiêm ngặt việc bảo mật và ngăn chặn việc rò rỉ thông tin,” cũng như “ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.”
Hình 04: Thông báo nội bộ về việc giám sát các học viên xung quanh “những ngày nhạy cảm” (ở bên trái bảng là thông báo của Nội Mông Cổ, ở giữa và bên phải là thông báo của tỉnh Tứ Xuyên)
Các báo cáo liên quan:
Thống kê bức hại năm 2014: 983 học viên Pháp Luân Công bị xét xử, 635 học viên bị kết án
Năm 2014 có thêm nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại các hắc lao
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/7/302817.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/24/148087.html
Đăng ngày 15-03-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.