Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 23-12-2014] Ngày 28 tháng 12 năm 2013, hơn 60 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp ở thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc. Một năm sau, 10 người trong số họ vẫn đang bị giam giữ.
Các học viên bị bắt gồm có:
Bà Lý Thuý Phương, 71 tuổi, người huyện Tần Châu, thành phố Thiên Thủy, đã bị bắt tại nhà vào khoảng 9 giờ sáng ngày 28 tháng 12 năm 2013. Cảnh sát đã tịch thu máy tính, máy in, các sách Pháp Luân Công và các bức ảnh của Ngài Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập của Pháp Luân Công. Bốn cảnh sát đã đột nhập và lục soát cửa hàng của bà.
Ông Lý Nghĩa Khuê, 65 tuổi, đã bị bắt vào khoảng 6 giờ sáng ngày 28 tháng 12 năm 2013. Ngay sau khi ông ra khỏi nhà, những cảnh sát đã nấp sẵn ở bên ngoài đã bắt ông. Sau đó, họ lục soát nhà, tịch thu máy tính và máy in của ông.
Bà Mã Tiểu Quyên, 70 tuổi, đã bị bắt vào khoảng 8 giờ sáng ngày 28 tháng 12 năm 2013. Hôm đó bà đang ở nhà in lịch có thông tin giảng chân tướng về Pháp Luân Công, khi cháu trai bà mở cửa đi ra ngoài thì hai cảnh sát đã vội vàng xông vào. Họ bắt bà Mã và chồng bà. Họ còn ltịch thu ba máy tính, một máy in và một máy cắt giấy.
Ông Kiều Văn Thành, 46 tuổi, đã bị bắt tại nhà vào khoảng 8 giờ sáng. Cảnh sát đã tịch thu máy tính, máy in và 10 điện thoại di động trị giá hơn 15.000 nhân dân tệ.
Ông Trương Chí Minh, 37 tuổi, đã bị bắt vào lúc 9 giờ sáng khi đang trên đường về nhà. Cảnh sát đã lục soát nhà ông và lấy đi máy tính, máy in và giấy in.
Ông Vương Minh Huy, 69 tuổi, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước khi cuộc bức hại này bắt đầu vào ngày 20 tháng 07 năm 1999. Trước đó ông bị ung thư gan. Vợ ông ly dị với ông và tái hôn, ông phải sống cô độc. Sau khi ông bước vào tu luyện Pháp Luân Công, bệnh ung thư của ông đã biến mất. Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 28 tháng 12 năm 2013, cảnh sát đã leo qua tường và đột nhập vào nhà và bắt giữ ông. Họ cũng tịch thu máy tính và máy in của ông. Nhiều hàng xóm vây quanh nhà và chứng kiến cảnh bắt giữ.
Ông Dư Vĩnh Minh, 46 tuổi, ông bị bắt vào khoảng 6 giờ sáng ngày 28 tháng 12 năm 2013. Cảnh sát phá cửa và xông vào nhà khi ông đang ngủ. Khi ông đang bị đưa đi, vợ ông Dư đứng trong sân hô lớn để được giúp đỡ. Cha của ông đã đến và nói lý lẽ với cảnh sát. Trong khi họ nói chuyện với cha của ông Dư, con gái ông Dư cũng đến và đề nghị cảnh sát để họ vào trong nhà cho ấm. Khi cảnh sát đang nói chuyện trong nhà, ông Dư đã trốn thoát.
Mùa xuân năm 2014, khi ông Dư dùng chứng minh thư của mình để mua vé tàu tại thành phố Lan Châu, nhân viên bán vé đã nhận thấy số chứng minh thư nằm trong danh sách “truy nã”. Sau đó Cảnh sát Đường sắt Lan Châu đã bắt giữ ông. Ở trong tù, ông Dư bị cùm và tra tấn trên ghế cọp, song một lần nữa ông đã xoay xở trốn thoát được.
Vẫn đang bị giam giữ
Cảnh sát ép buộc tất cả các học viên bị bắt giam phải ký vào các tuyên bố phỉ báng Pháp Luân Công và hứa sẽ từ bỏ tu luyện. Những học viên nào ký vào các tuyên bố này đều đã được thả ra.
Bà Quách Cúc Mai từ chối ký tên. Bà nói với cảnh sát rằng bà đã bị bắt ba lần trước đây vì tín ngưỡng của mình và hỏi cảnh sát tại sao họ lại bắt bà lần nữa. Sau đó bà được thả ra. Một học viên khác cũng được thả sau khi tuyên bố sẽ khiếu kiện các cảnh sát đó lên cấp trên của họ.
Mười học viên vẫn đang bị giam giữ vì từ chối ký vào các tuyên bố đó. Một số học viên đã bị kết án tù phi pháp. Những người còn lại hiện vẫn bị giam giữ, mặc dù theo luật định, cảnh sát chỉ được phép giữ họ trong 30 ngày. Ngoài ra, Viện kiểm sát địa phương đã trả lại các trường hợp này hai lần do “thiếu bằng chứng”. Cảnh sát không thể tìm thêm được cái gọi là “bằng chứng”, nhưng họ vẫn tiếp tục giam giữ phi pháp các học viên.
Bài viết liên quan:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/23/301860.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/3/147814.html
Đăng ngày 26-02-2015; Bài viết có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.