Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-12-2014] Họ đã từng là một gia đình không yên ấm: cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Người chồng tính tình nóng nảy, nghiện rượu và thường hay đánh vợ sau khi say, có lần đã khiến người vợ phải nhập viện trong vài ngày. Tất cả điều này đã gây khó khăn cho con gái họ cùng người bố chồng bị liệt.

Để kiếm sống, người chồng đã phải tới Hàn Quốc từ năm 2002 đến năm 2007, trong suốt thời gian đó ông thường thấy người dân bên ngoài Trung Quốc được phép tu luyện và hưởng nhiều lợi ích từ Pháp Luân Công.

Ông đã không dám thử tu luyện khi trở về Trung Quốc nhưng các vấn đề sức khỏe mãn tính của ông, bao gồm viêm túi mật, vẩy nến, huyết áp cao và đau tim cuối cùng đã khiến ông thử tập luyện Pháp Luân Công vào năm 2010. Vợ ông, người đã chịu đựng chứng đau bụng kinh trong nhiều năm liên tục cũng đã sớm tham gia cùng chồng.

Khi họ bắt đầu sống theo các Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, những xung đột của họ biến mất và họ trở thành một cặp vợ chồng hạnh phúc. Cuộc sống gia đình của mọi người đã được cải thiện.

Nhưng hạnh phúc của họ không kéo dài. Khi ông Hứa Hiển Đạt (许显达) và bà Hoàng Hiểu Hà (黄晓霞) đang nói cho những người khác biết rằng họ đã được hưởng lợi nhờ tu luyện Pháp Luân Công như thế nào thì ai đó đã báo họ với cảnh sát. Hơn mười cảnh sát tại thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang và giám đốc cộng đồng [dân cư] đã bao vây căn hộ của họ vào ngày 23 tháng 04 năm 2014. Họ đã bắt cặp vợ chồng cùng một đồng tu khác đang ghé thăm họ.

Các cảnh sát viên cũng đã lục soát căn hộ và tịch thu nhiều tài sản cá nhân, bao gồm hai máy tính, một laptop, năm ổ cứng, hai máy in, giấy in, một máy cắt giấy, bao bì và vài trăm nhân dân tệ tiền mặt.

Gia đình bị cấm vào phòng xét xử

Bảy tháng sau, cặp vợ chồng đã bị xét xử vào lúc 9 giờ ngày 27 tháng 11 năm 2014. Các cảnh sát mặc thường phục đã được bố trí ở trong và ngoài phòng xử án, bí mật chụp ảnh và quay video.

Người thân của cặp vợ chồng nghe tin về phiên tòa và đã tới phòng xử án nhưng không ai được phép vào. Khi họ hỏi tại sao họ lại không được thông báo về phiên tòa, nhân viên Phòng 610 Trương Tử Long đáp: “Chúng tôi đã dán một thông báo hai hoặc ba ngày trước. Những ai đi qua đều nhìn thấy.” Ông ta nói phòng xử án năm mươi chỗ ngồi đã xếp chặt người và không còn chỗ cho các thành viên gia đình.

Em gái của ông Hứa nói với Trương: “Chúng tôi đã không gặp anh trai và chị dâu trong vài tháng. Tại sao chúng tôi lại không thể ngồi trong phòng xử án trong khi những người không liên quan lại có thể. Hơn nữa, sau khi anh trai và chị dâu của tôi bị bắt, không còn ai chăm sóc cha tôi và cảnh sát các vị đã nhiều lần gọi cho chúng tôi tới thăm nom ông. Tại sao các vị lại không gọi để cho chúng tôi biết về ngày xét xử?”

Một người xem đã chỉ trích Trương: “Tôi nghĩ rằng ông nên để họ vào – ai cũng có gia đình và ông không thể đối xử tệ với họ như vậy.”

Cuối cùng, bốn trong số bảy người thân đã được phép vào, trong đó có con của cặp vợ chồng. Sau khi ngồi, họ tình cờ nghe được một người ngoài cuộc nói: “Có vẻ giám đốc cộng đồng dân cư đã mời các vị đến và xếp chỗ cho các vị. Tôi cũng thế.”

Luật sư bào chữa bị đuổi khỏi phòng xử án

Một luật sư đã biện hộ vô tội cho ông Hứa và bà Hoàng dựa theo Điều 35, Hiến pháp Trung Quốc (“Công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tham gia tổ chức đoàn thể, diễu hành và biểu tình.”) và điều 36 (“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”)

Ông đã chỉ ra rằng, vì niềm tin của ông Hứa và bà Hoàng vào Pháp Luân Công nên việc họ sở hữu, tải xuống, in các tài liệu Pháp Luân Công và nói cho những người khác về nó là hoàn toàn hợp pháp. Thêm nữa, họ không buộc bất cứ ai phải chấp nhận tư tưởng của họ. Dựa trên những lý lẽ hợp pháp này, luật sư yêu cầu rằng cặp vợ chồng phải được thả.

Chủ tọa phiên tòa và trợ lý thẩm phán đã không biết trả lời ra sao. Sau khi thảo luận, họ ra lệnh cho các chấp hành viên đuổi luật sư ra khỏi tòa án.

Trớ trêu thay, cảnh sát biết rằng cuộc sống của cặp vợ chồng đã được cải thiện sau khi họ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi khỏi bệnh đau bụng kinh nhờ việc luyện công, bà Hoàng thường giúp ông Hứa hỗ trợ gia đình và chăm sóc người cha chồng 79 tuổi bị liệt do đột quỵ.

Một lần, thấy bà Hoàng đang lau rửa cho cha chồng, một cảnh sát đã nói trước mặt gia đình bà và các cảnh sát khác rằng: “Bà ấy thực sự là một người tốt. Rất ít cô con dâu có thể làm được như vậy.”

Nhưng người vợ tốt bụng này và chồng bà đã không thoát khỏi việc bị bức hại. Khi cặp vợ chồng này bị bắt giữ và đưa ra xét xử thì hai người con nhỏ tuổi cùng người cha già bị liệt của họ đã bị bỏ mặc không ai chăm sóc.

Các bên liên quan đến việc bức hại ông Hứa và bà Hoàng

Trương Kiến Tân (张建新): Thẩm phán

Tống Văn Hào (宋文豪): Trợ lý thẩm phán

Trương Đạt Lực (张达力): Giám đốc Phòng 610

Trương Tử Long (张子龙): Nhân viên Phòng 610


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/2/301001.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/6/147180.html

Đăng ngày 30-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share