Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 23-11-2014] Hơn 1.000 người dân thuộc tỉnh Hồ Bắc đã bị ép buộc phải trải qua các phiên tẩy não trong suốt thập kỷ qua tại một nơi không rõ ràng thuộc quận Kiều Khẩu thành phố Vũ Hán.
Người dân gọi nơi đó là Trung tâm tẩy não thành phố Vũ Hán hoặc Trung tâm tẩy não quận Kiều Khẩu, cơ sở ngoài vòng pháp luật này chịu trách nhiệm buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình.
Được giám sát bởi Phòng 610 thành phố Vũ Hán và Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Kiều Khẩu, trung tâm tẩy não liên tục chịu áp lực phải đạt hoặc vượt mức “tỉ lệ chuyển hóa” của nó.
Để có đủ số lượng học viên từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã sử dụng mọi phương pháp có thể để làm suy yếu ý chí của các học viên. Những người “chuyển hóa” được nhiều học viên hơn thường được trao thưởng với những số tiền béo bở và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong công việc.
Các thủ đoạn dùng để ép buộc các học viên bao gồm các hình thức tra tấn thể xác, lạm dụng về tinh thần và cưỡng chế tẩy não. Khi tất cả đều thất bại, các lính canh đã viện đến phương pháp đầu độc các học viên bằng các loại thuốc gây tổn hại đến hệ thống thần kinh trung ương. Họ vừa trộn thuốc vào thức ăn hoặc đồ uống của các học viên, vừa tiêm thuốc trực tiếp cho họ.
Hậu quả là một số học viên tinh thần trở nên hỗn loạn hoặc thậm chí tử vong. Tuy nhiên, các lính canh hoàn toàn cảm thấy tốt với những kết quả đó. Một lính canh đã nói: “Việc của chúng tôi là khiến các người mất trí và nhảy lầu! Sau đó, chúng tôi sẽ nói với mọi người rằng các người đã bị điên và tự tử vì Pháp Luân Công!”
Các học viên đã bị đầu độc tại trung tâm tẩy não
Các loại thuốc không rõ ràng được tiêm cho các học viên kiên định thường gây nên những tổn hại cực kỳ lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số học viên có triệu chứng bị trúng độc ngay, trong khi những học viên khác lại không có bất kỳ dấu hiệu gì cho đến tận sau này. Dưới đây, chúng tôi ghi nhận bốn trường hợp trúng độc được xác định tại trung tâm tẩy não.
Trường hợp 1: Cô Vương Ngọc Khiết qua đời vì bị tiêm thuốc độc ở tuổi 24
Học viên Vương Ngọc Khiết (王玉洁), 24 tuổi, tại quận Tiên Đào thành phố Vũ Hán đã bị các nhân viên tại trung tâm tẩy não tiêm vào cánh tay phải. Khi về nhà, miệng cô bắt đầu sùi bọt và nôn mửa. Cô không thể ăn hay uống được gì cả. Toàn bộ cơ thể cô đau đớn dữ dội đến mức cô không thể ngừng khóc. Cô dần bị mất thị giác và thính giác. Tay bị co quắp và sau bốn tháng đau đớn, cô đã qua đời vào tháng 09 năm 2011.
Cô Vương Ngọc Khiết
Trường hợp 2: Bà Tiếu Ánh Tuyết vẫn đang phục hồi từ những biến chứng do bị nhiễm độc
Bà Tiếu Ánh Tuyết (肖映雪), trước đây là nhân viên tại Cục Thương mại và Công nghiệp quận Kiều Khẩu, bà đã bị tiêm ba lần vào năm 2011. Trong những năm tiếp theo, bà tiếp tục thường xuyên bị đau đầu.
Tái hiện lại phương thức tra tấn: Tiêm các loại thuốc không rõ ràng, thuốc độc
Trường hợp 3: Bà Vương bị mất phương hướng sau khi ăn thức ăn có tẩm độc
Bà Vương, là học viên Pháp Luân Công, bị bắt giữ và đưa tới Trung tâm giam giữ Kiều Khẩu vào ngày 07 tháng 04 năm 2013 sau khi có người tố cáo bà với cảnh sát. Ngày 19 tháng 04, bà được đưa tới Trung tâm tẩy não Kiều Khẩu. Bà kể lại: “Tại trung tâm tẩy não, có hai nữ nhân viên, một người giám sát tên là Chu Tịch Hương và người kia họ Lưu, thường xuyên chỉ trích Pháp Luân Đại Pháp. Hai cảnh sát Lưu và Thái đã đánh đập tôi. Thái thường xuyên phạt tôi phải ở yên một chỗ. Các nhân viên ấn một cây bút và một tờ giấy vào tay tôi rồi bắt tôi viết ra tên và địa chỉ của mình. Nhưng tôi đã không thỏa hiệp. Tại trung tâm tẩy não tôi cảm thấy không thoải mái. Đầu tôi sưng lên, tư tưởng trở nên hỗn loạn và chậm chạp. Tôi không thể ngồi yên một chỗ. Vào ngày 21 tháng 04, khi tôi trở về nhà, tôi tiếp tục phải chịu đựng những triệu chứng tương tự. Nhưng cuối cùng, thông qua tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã phục hồi trở lại.”
Trường hợp 4: Cô Trương Huệ Phân ở trong tình trạng bất an và mất ngủ
Cô Trương Huệ Phân (张惠芬) sống ở quận Kiều Khẩu. Trước đây, cô là trưởng bộ phận tài chính tại một nhà máy sản xuất đồ chơi thuộc thành phố Vũ Hán. Ngày 11 tháng 07 năm 2014, cô bị bắt giữ và tám ngày sau đó, các nhân viên Phòng 610 đã đưa cô tới trung tâm tẩy não. Khi cô liên tục từ chối nghe các băng ghi âm tẩy não, các nhân viên đã mang các băng ghi âm tới giường cô để phát. Nhưng cô vẫn không chịu nhượng bộ.
Sau đó, các nhân viên đã tẩm thuốc độc vào thức ăn của cô. Bảy ngày sau, cô Trương bắt đầu cảm thấy không khỏe. Cô cảm thấy choáng váng và nhiều đêm cô bị mất ngủ. Ngày 08 tháng 08, cô được thả. Tại nhà, phản ứng của cô rất chậm và đôi lúc cô không thể tự kiểm soát được cử động của mình. Cô đi lùi một cách không kiểm soát được.
Cưỡng chế tẩy não
Tạ Hiểu Phượng, phó giám đốc Phòng 610 quận Kiều Khẩu, là người phụ trách trung tâm tẩy não. Cô ta thăm trung tâm vài ngày một tuần, gặp mặt các nhân viên và phân công các công việc mới cho họ. Chu Tịch Hương là người giám sát chịu trách nhiệm thực hiện các mệnh lệnh của cô ta.
Sau khi được đưa tới trung tâm tẩy não, mỗi học viên sẽ bị ba nhân viên giám sát, hai nhân viên từ ủy ban dân cư và một nhân viên từ trung tâm tẩy não. Những người giám sát thậm chí còn theo các học viên tới cả nhà vệ sinh.
Có camera giám sát trong tòa nhà để theo dõi và nghe ngóng các học viên 24 giờ một ngày. Bữa ăn được đưa tới tận phòng giam và các học viên không được phép luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Cửa sổ được bịt kín để các tù nhân không thể nhìn thấy bên ngoài. Nhất cử nhất động của các học viên được ghi lại suốt ngày đêm.
Mỗi buổi sáng và chiều, các học viên bị đưa tới một lớp học. Bốn hoặc năm nhân viên sẽ bắt họ nghe hoặc xem những tuyên truyền dối trá chống lại Pháp Luân Công của Đảng bằng âm lượng tối đa trong nhiều ngày liên tiếp. Nếu các học viên không chịu nghe, thì băng ghi âm sẽ được đặt cạnh giường ngủ và phát liên tục.
Các lính canh cũng sử dụng các học viên cũ đã từ bỏ tu luyện để truyền bá những lời lẽ ngụy biện cho các học viên kiên định, với hy vọng sẽ khiến họ từ bỏ niềm tin của mình. Đồng thời, họ cũng bắt các học viên phải viết các báo cáo tư tưởng hàng ngày.
Họ cũng tổ chức các cuộc họp thường xuyên, lấy đó làm nơi để bắt các học viên phải đọc to lên các tài liệu chỉ trích Pháp Luân Công và hát các ca khúc ca ngợi ĐCSTQ. Trưởng Phòng 610 quận thường tổng kết mỗi cuộc họp bằng một bài phát biểu phỉ báng Pháp Luân Công.
Các nhân viên thường giữ tay các học viên và ép họ điểm chỉ lên các văn bản tuyên bố rằng họ đã từ bỏ Pháp Luân Công.
Các học viên từ chối từ bỏ đức tin của họ sẽ bị đánh, phạt đứng im một chỗ trong thời gian dài, bị treo lên bằng còng tay hoặc phải chịu các hình thức tra tấn khác. Một vài người sau đó đã bị đưa tới các trại lao động hoặc nhà tù.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/23/300653.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/2/147123.html
Đăng ngày 29-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.