[MINH HUỆ 27-04-2014] Hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc thỉnh nguyện hòa bình vào ngày 25 tháng 04 năm 1999 tại Bắc Kinh, yêu cầu khôi phục lại quyền tự do tín ngưỡng cho các học viên Pháp Luân Công. Cuộc thỉnh nguyện thể hiện lòng dũng cảm kiên định của các học viên trong việc bảo vệ công lý và lương tâm. Kể từ sau sự kiện lịch sử ngày 25 tháng 04 năm 1999, hàng năm cứ đến gần dịp này, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới lại tổ chức các hoạt động để kỉ niệm sự kiện này.

Các học viên Pháp Luân Công ở New Zealand và Úc đã tổ chức các hoạt động vào ngày 25 tháng 04 năm 2014 nhằm kỉ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04, đồng thời kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài suốt 15 năm qua ở Trung Quốc. Các học viên đã tổ chức một buổi thắp nến để tưởng niệm các đồng tu đã bị bức hại tàn bạo đến chết tại Trung Quốc.

Học viên Pháp Luân Công New Zealand tổ chức biểu tình tưởng nhớ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04

Ngày 25 tháng 04 năm 2014, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland để tưởng nhớ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04 năm 1999.

Biểu tình trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland tưởng nhớ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4.

Cuộc biểu tình ngày 25 tháng 4 bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân Trung Quốc

Tháng 08 năm 1999, học viên Hứa Ba Công đã bị sa thải và bắt giam 04 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, ông còn bị bắt giam nhiều lần và chịu đựng nhiều hình thức bức hại khác nhau trong suốt hơn 10 năm. Ông Hứa hiện đang sống tại New Zealand. Ông chia sẻ: “Cuộc biểu tình ngày 25 tháng 04 là trường hợp các học viên Pháp Luân Công thực hiện quyền hiến pháp của mình. ĐCSTQ đã chà đạp lên hiến pháp và bức hại Pháp Luân Công. Kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, hệ thống tư pháp và đạo đức xã hội của Trung Quốc đã xuống cấp một cách nhanh chóng.

“Cuộc thỉnh nguyện của các học viên không chỉ để bảo vệ quyền lợi của riêng họ, mà còn là vì tất cả người dân Trung Quốc. Cuộc đàn áp của ĐCSTQ không chỉ ảnh hưởng đến các học viên Pháp Luân Công, mà thực chất đó là cuộc đàn áp đối với cả dân tộc Trung Hoa. Trong suốt 15 năm qua, tôi luôn giữ vững niềm tin của mình vào Pháp Luân Công và giảng rõ sự thật cho mọi người, vì tôi tin rằng chính nghĩa sẽ chiến thắng.”

Đàn áp bắt nguồn từ bản chất bạo lực và nỗi sợ hãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ông Jing Yu, đại diện của Pháp Luân Đại Pháp Phật học hội New Zealand, đã phát biểu tại cuộc biểu tình: “Đảng sử dụng cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 04 như một cái cớ để đàn áp. Nhưng nếu như không có cuộc thỉnh nguyện thì ĐCSTQ vẫn sẽ đàn áp Pháp Luân Công vì bản chất của nó là bạo lực và sợ hãi.”

Ông nói thêm: “Tại sao Đảng lại sợ sự ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công và đàn áp họ một cách dã man? Bởi vì Đảng không ngừng sử dụng bạo lực kể từ khi lên nắm quyền. Nó duy trì quyền lực bằng bạo lực, nỗi sợ hãi và lừa dối. Kể từ khi lên nắm quyền, Đảng đã giết hại một trăm triệu người dân Trung Quốc thông qua các chiến dịch bạo lực của nó, bao gồm cuộc Cách mạng Văn hóa và cuộc thảm sát ngày 04 tháng 06. Nó sợ mất quyền lực vì vô số tội ác nó đã gây ra.”

Học viên Pháp Luân Công ở Melbourne tưởng niệm cuộc biểu tình ngày 25 tháng 04

Các học viên Pháp Luân Công đã cầm biểu ngữ để tạo thành “Bức tường Quả cảm” trên cầu Các Hoàng Tử, một thắng cảnh nổi tiếng ở Melbourne. Các tấm biểu ngữ giới thiệu Pháp Luân Công và phơi bày cuộc bức hại trong suốt 15 năm qua của ĐCSTQ.

Học viên Pháp Luân Công cầm biểu ngữ tạo thành “Bức tường Quả cảm” trên cầu Các Hoàng Tử vào ngày 25 tháng 4 năm 2014.

Ngày 25 tháng 04 là ngày nghỉ lễ của nước Úc, có rất nhiều du khách và người dân địa phương đi lại trên cầu. Rất nhiều người đã dừng lại để ký vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi chính phủ Úc thông qua dự luật giúp ngăn chặn nạn mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.

Sau đó, các học viên di chuyển qua Quảng trường thành phố Melbourne và có một buổi thắp nến để tưởng niệm hàng ngàn học viên đã bị cướp đi mạng sống trong cuộc bức hại ở Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường thành phố Melbourne ngày 25 tháng 04 năm 2014.

Khán giả ca ngợi Pháp Luân Công

Một phụ nữ làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt đã xúc động nói: “Bức Tường Quả Cảm trông thật tuyệt vời. Hôm nay là ngày lễ, các học viên Pháp Luân Công tổ chức sự kiện này tại đây là vì họ muốn mọi người biết về cuộc bức hại ở Trung Quốc. Họ hẳn phải có niềm tin rất kiên định! Tôi giúp được gì đây? Tôi sẽ đưa các tờ rơi thông tin đến cho bạn bè của mình.”

Một luật sư người Úc đã sốc khi lần đầu tiên biết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bà nói: “Các học viên Pháp Luân Công rất can đảm. Họ đã tìm được lẽ sống cho riêng mình. Chính quyền Trung Quốc sợ mất quyền lực kiểm soát người dân nên đã ra tay đàn áp.” Bà đề cập rằng để chấm dứt cuộc bức hại thì quyền tự do ngôn luận phải được gia tăng để mọi người có thể nghe được sự thật.

Học viên Pháp Luân Công, cô Marie Helene Lambert, một nhà Âm ngữ Trị Liệu đến từ Quebec, Canada nói: “Nếu tất cả mọi người đều biết về tội ác của ĐCSTQ thì chính quyền này sẽ sụp đổ. Các học viên Pháp Luân Công tuân theo những nguyên lý cốt lõi của Chân Thiện Nhẫn. Để mọi người biết đến cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04 năm 1999 là một việc rất quan trọng. Ngày này sẽ được tương lai nhớ đến như là một ngày trọng đại.”

Các học viên Pháp Luân Công Sydney kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc

Các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các sự kiện trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày 25 tháng 04 năm 2014 để tưởng nhớ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04. Mặc dù trời mưa, họ vẫn tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp đang diễn ra tại Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt đàn áp.

Nhóm luyện công trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công vẫn duy trì thỉnh nguyện ôn hòa trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc kể từ năm 1999. Rất nhiều người đã xúc động trước sự kiên định hòa ái của các học viên. Người qua đường thường đưa ngón tay cái lên nhằm bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ dành cho các học viên.

Bà Dương, 76 tuổi, đã tình nguyện dành 05 ngày mỗi tuần để ra luyện công, thỉnh nguyện ôn hòa và phân phát tài liệu trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc. Vào buổi sáng các ngày cuối tuần, bà đến cảng Darling ở Sydney để luyện công theo nhóm và đến khu phố Tàu để thu thập chữ ký vào buổi chiều.

Bà Dương từng là giáo viên tiểu học tại Trung Quốc trước khi sang Úc định cư và nghỉ hưu vào năm 1997. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng con trai. Mỗi ngày, bà đọc 02 bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân và luyện 05 bài công pháp. Kết quả là, các căn bệnh mãn tính trước đây của bà đã được chữa khỏi.

Bà Dương xúc động nói: “Ngày càng có nhiều người hơn biết được sự thật của cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nhưng Tổng Lãnh sự Quán Trung Quốc lại lo sợ các cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của chúng tôi. Trước năm 2004, Tổng Lãnh sự quán từng ở một khu vực rất đông đúc, rất nhiều người chứng kiến cuộc thỉnh nguyện của chúng tôi và biết sự thật. Sau đó, họ đã rời tới khu vực yên ắng này, họ lo sợ các cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của chúng tôi nên đã dùng dây thép gai bao bọc chung quanh, nó trông như một nhà tù.

“Tổng Lãnh sự quán lo sợ nhiều người sẽ biết sự thật. Vài năm trước, họ đã sử dụng một đơn vị thầu chuyên xin thị thực, nên những người xin cấp thị thực không thể trông thấy chúng tôi nữa, nhưng vẫn có rất nhiều người đến đây làm ăn, cuộc biểu tình của chúng tôi sẽ không bao giờ chấm dứt.”


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/4/27/366.html

Đăng ngày 12-05-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share