Bài viết của Tâm Ngộ, đệ tử Đại Pháp đến từ Đông Bắc, Trung Quốc
[MINH HỤÊ 13-11-2013] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!
Trước khi bắt đầu tu luyện năm 1996, cả hai bên gia đình tôi đều rất nghèo khó. Tôi thường hay bị ốm và thu nhập không đáng là bao. Ông chủ của chồng tôi gặp khó khăn về tài chính và do đó nhiều tháng trời chồng tôi không được trả lương. Tôi thậm chí đã phải lấy rau mà những người nông dân ngoài chợ bỏ đi để nấu ăn sống qua ngày.
Tất cả đã thay đổi kể từ sau khi tôi trở thành đệ tử Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Chồng của tôi đã nghỉ việc và mở một công ty riêng. Việc kinh doanh của anh ấy đã sớm khởi sắc và thực sự nó đã tiến triển rất tốt.
Chúng tôi giờ đây đã khá sung túc với vài căn nhà và cửa tiệm, một công ty phát đạt, và hơn 30 mẫu đất dùng trong công nghiệp.
Tôi biết rằng những gì chúng tôi có được đều là do Sư phụ đã ban cấp cho, và nó sẽ được sử dụng để chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh. Con muốn thưa với Sư phụ về việc con đã tiết kiệm đến từng đồng xu lẻ trong những năm qua để sử dụng cho các hạng mục của Đại Pháp.
Từ bần cùng trở nên khá giả
Trước khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp năm 1996, tôi đã bị vô số bệnh tật hành hạ và thường xuyên phải nghỉ phép dài ngày. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của tôi bị giảm sút rõ rệt. Chồng của tôi cũng là người làm công ăn lương và tình hình của anh ấy cũng không khá hơn tôi chút nào. Công ty của anh ấy gặp khó khăn về tài chính, nên nhiều tháng trời anh ấy cũng không được trả bất cứ khoản tiền nào.
Để có thể đủ sống, tôi thường phải đưa con trai mới chập chững biết đi của tôi đến chợ nông sản trong vùng để nhặt nhạnh rau mà người ta bỏ đi.
Kể từ sau khi tôi tu luyện Đại Pháp, thân thể tôi trở nên hoàn toàn khỏe mạnh và lại có thể tiếp tục làm việc nhà, cả gia đình chúng tôi như thể từ địa ngục đã được đưa lên thiên đường. Chồng tôi không còn phải lo lắng cho gia đình chúng tôi nữa và anh ấy đã nghỉ việc để bắt đầu kinh doanh riêng.
Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội Úc:
“Một người luyện công, toàn gia thụ ích.” (Tạm dịch)
Nó thực sự là như thế! Công việc kinh doanh của chồng tôi đã sớm khởi sắc và sinh hoạt gia đình đã trở nên khá giả sung túc.
Chi tiêu từng đồng có thể cho các hạng mục Đại Pháp
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 07 năm 1999, các học viên Pháp Luân Công ở địa phương đã tổ chức những điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng của riêng họ. Mỗi tháng, tôi dành 100 đến 500 nhân dân tệ cho việc mua tài liệu, phụ thuộc vào lượng tài liệu mà tôi cần.
Thời gian đầu, tôi đã nghĩ rằng tôi đã làm rất tốt vì đã phó xuất “không ít” tiền cho các hạng mục của Đại Pháp. Khi tôi đề cao tâm tính, tôi nhận ra rằng mọi thứ của tôi đều có được là Đại Pháp đã ban cho và tôi sẽ sử dụng chúng để chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ đếm xem tôi đã dành bao nhiêu tiền cho điểm sản xuất tài liệu, mà thay vào đó, tôi lo lắng suy nghĩ về việc còn nhiều chúng sinh chưa được cứu.
Sau khi tôi nghỉ hưu vào năm 2005, tôi đã lập một điểm sản xuất tài liệu riêng tại nhà của mình. Chồng tôi đã mua cho tôi một chiếc xe hơi để tôi có thể mua và phân phát các vật tư sử dụng để làm các tài liệu giảng chân tướng.
Mỗi tháng chồng tôi đưa cho tôi 5.000 nhân dân tệ để chi tiêu cho gia đình, và tôi luôn luôn dành dụm được toàn bộ số tiền của mình. Bất cứ khi nào tôi biết được các học viên đang cần kinh phí để làm các hạng mục Đại Pháp, tôi liền đưa cho họ một phần số tiền của tôi mà không hề do dự.
Có những lần khi tôi hết tiền để mua thức ăn cho gia đình, tôi đã đi tìm các túi quần, túi áo của chúng tôi xem còn tiền không. Kỳ lạ thay, hầu hết lần nào tôi cũng tìm thấy một ít tiền còn dư lại, và từ trong tâm mình, tôi luôn luôn cảm tạ Sư phụ.
Nếu không tìm thấy tiền ở trong túi, tôi đề nghị chồng tôi đi cùng tôi đến hàng tạp hóa và anh ấy sẽ trả tiền.
Con trai chúng tôi, một tiểu đệ tử Đại Pháp, đã tình nguyện sử dụng hết tiền để trong lợn tiết kiệm của cháu cho công việc Đại Pháp. Từng xu từng hào chúng tôi đi mua rau, đều là lưu hành tiền có in thông điệp giảng chân tướng trên đó.
Sau khi con trai tôi học đại học, cháu chỉ xin chồng tôi những khoản chi phí sinh hoạt, bởi vì cháu biết rằng tôi cần tiền để dùng vào các hạng mục Đại Pháp. Cháu tiêu tiền rất cẩn trọng và không bao giờ phung phí tiền bạc để thể hiện bản thân giống như nhiều sinh viên cùng lứa tuổi. Cháu muốn tiết kiệm tiền cho các hạng mục Đại Pháp.
Tôi luôn luôn trông mong mỗi lần cháu về thăm nhà, và mỗi lần cháu về, cháu đều mang tiền về. Bất cứ khi nào cháu đưa cho tôi những khoản tiền mà cháu đã tiết kiệm được, tôi đều cảm ơn cháu. Con trai tôi nói: “Mẹ không cần cảm ơn con đâu. Chúng ta thực sự cần nó để cứu được nhiều người hơn.” Thay mặt tất cả chúng sinh, tôi cảm ơn cháu vì sự ủng hộ đó.
Sống đạm bạc để tiết kiệm tiền cho Đại Pháp
Tôi thậm chí còn tằn tiện hơn sau khi con trai tôi đi học đại học, vì tôi muốn tiết kiệm tiền nhiều nhất có thể để sử dụng chúng vào các hạng mục Đại Pháp. Tôi thường đi đến những cửa hàng quần áo cũ để mua những quần áo đã qua sử dụng. Tôi không bao giờ uống nước đóng chai hay nước ép hoa quả. Mỗi khi khát, tôi chỉ uống nước máy.
Khoảng hơn 10 năm nay, tôi luôn giặt quần áo bằng nước máy. Vào mùa đông nước lạnh thấu xương. Tôi đã không chỉ tiết kiệm được tiền mà còn tiết kiệm thời gian để đun nước sôi.
Một lần, tôi nhìn thấy một chiếc chai không đựng gì cả, tôi đã đổ đầy nước vào trong đó. Khi tôi uống từng ngụm nước, tôi thấy nó có mùi nhựa rất nặng. Tôi đã ném nó ra ghế sau của xe ô tô và bỏ quên nó ở đó trong vài tháng.
Một ngày nọ, khi tôi lái xe đi làm các công việc Đại Pháp với một đồng tu, chúng tôi đều đang rất khát, nhưng không có chỗ nào có nước để uống cả. Tôi tìm lại chiếc chai nước kia và thấy nước ở trong chai đã đóng băng vì cái lạnh của mùa đông. Chúng tôi dùng tay để làm nóng chiếc chai và cho đến khi băng tan chảy ra, sau đó chúng tôi uống nước ở trong đó. Vì nước lạnh nên chúng tôi không ngửi thấy mùi nhựa nữa.
Khi tôi nghe chồng tôi nói rằng một ai đó tái chế dầu ăn thải loại, tôi nghĩ có thể tôi sẽ sử dụng dầu đó để nấu ăn. Một lần tôi đã thử, nhưng thức ăn không còn đúng mùi vị của nó nữa. Chúng tôi quyết định không sử dụng loại dầu đó nữa, nhưng tôi không bao giờ ngừng tìm cách để tiết kiệm tiền.
Thực tế là tôi không phải là người duy nhất sống đạm bạc để tiết kiệm tiền cho các hạng mục Đại Pháp.
Một lần tôi đi đến thăm một học viên phụ trách làm tài liệu giảng chân tướng. Cô ấy nói với tôi rằng chồng của cô ấy than phiền khá nhiều lần về việc cô ấy chuẩn bị đồ ăn đạm bạc quá. Chồng của cô ấy đã đưa cho cô ấy toàn bộ lương của mình và anh ấy biết rằng nó đủ để mua được những thức ăn thực sự ngon.
Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã tiêu hết toàn bộ tiền lương của chồng và của cô ấy trong tháng đó. Cô ấy dùng nó để mua một chiếc máy in mới để làm tài liệu vì chiếc máy cũ đã không thể sửa được nữa. Cô ấy cung cấp những tài liệu này cho các học viên lâu năm với giá thấp, và cô ấy thực sự không có mong muốn yêu cầu họ phải đóng góp gì.
Tôi nhớ những lời cô ấy nói và bắt đầu cung cấp giấy in cho cô ấy, ba tuần một lần và mỗi lần hai thùng giấy.
Có một học viên khác cũng bị chồng than phiền. Mỗi tháng chồng cô ấy đưa cho cô ấy 3.000 nhân dân tệ, nhưng cô ấy chỉ nấu bắp cải cho mỗi bữa ăn. Anh ấy tự hỏi tiền đi đâu hết. Trong khi anh ấy chán nản với việc ăn cải bắp, thì cô ấy lại thấy nó rất ngon và cô ấy có thể ăn bất cứ loại thức ăn nào miễn là lấp đầy bao tử.
Học viên này không chỉ thành thạo về công nghệ mà còn chịu trách nhiệm mua và phân phát tài vật cho các học viên khác. Cô ấy đã tiêu từng đồng để mua đồ làm tài liệu.
Tôi đã cảm động khi nghe về hoàn cảnh của cô ấy, nhưng tôi cũng nhận ra rằng chúng ta cần phải chăm sóc tốt cho gia đình mình vì chúng ta nên chu đáo với người khác. Tôi chia sẻ những thể ngộ của mình với người học viên này và chúng tôi đều thay đổi để trở nên tốt hơn. Bất cứ khi nào chúng tôi ra ngoài chứng thực Pháp, chúng tôi đều nhớ mua đồ ăn mà gia đình mình ưa thích.
Đều là Sư phụ đã ban cho chúng tôi tiền để làm các hạng mục Đại Pháp
Hẳn là Sư phụ đã thấy chúng tôi thực tâm muốn cứu được nhiều người hơn, vì vậy chúng tôi thường hay ngạc nhiên với những khoản tiền bất ngờ do Ngài ban cấp. Một số lần tôi đã không còn một chút tiền nào để đưa cho các đồng tu, nhưng tôi vẫn kiểm tra ví của mình lần cuối để tìm xem liệu rằng có quên đồng tiền nào ở trong đó không.
Kỳ diệu làm sao, tôi thường tìm thấy một khoản tiền nào đó. Có lần tôi đã tìm thấy rất nhiều tiền trong ví của mình, đến nỗi chúng tôi vẫn còn lại một ít tiền sau khi đã mua sắm các vật tư.
Tôi tự hỏi tại sao lại có nhiều tiền dư lại đến thế, mà trước đó tôi đã nghĩ rằng không còn một đồng nào cả. Tôi biết rằng Sư phụ đã giúp chúng tôi và rằng Sư phụ đã ban cho chúng tôi mọi thứ.
Họ hàng của chúng tôi đến để mượn tiền chồng tôi, nhưng một số người trong số đó chưa khi nào trả tiền anh ấy cả. Anh ấy nói: “Sau này tôi sẽ chỉ cho những người của Pháp Luân Công mượn tiền thôi. Chỉ họ mới là người biết giữ lời hứa.”
Khi con trai của một học viên theo học một chương trình nghiên cứu ở nước ngoài, cháu cần 100.000 nhân dân tệ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cô ấy phải đợi vài tháng nữa mới có thể rút được tiền tiết kiệm của mình.
Tôi tình cờ có một trong số các thẻ ngân hàng của chồng tôi, nên cô ấy hỏi tôi liệu rằng tôi có thể cho cô ấy mượn một chút tiền không. Chúng tôi cùng nhau đi đến ngân hàng để kiểm tra số dư tài khoản và thấy rằng nó còn lại đúng 100.000 nhân dân tệ. Tôi đã hỏi ý kiến của chồng tôi và anh ấy nói rằng sẵn lòng giúp đỡ cô ấy.
Sau một thời gian, học viên này đã trả chúng tôi 50.000 nhân dân tệ như đã hứa cho khoản tiền đã vay cách đây hai tháng. Chồng tôi sừng sờ khi tôi đưa cho anh ấy 50.000 nhân dân tệ. Anh ấy không hề có ý niệm nào về khoản tiền đã cho vay này. Khi tôi nhắc lại với anh ấy về khoản tiền này, anh ấy quả quyết rằng: “Không thể nào như thế được. Anh chưa bao giờ cho cô ấy vay tiền cả.”
Lúc đó tôi đã ngay lập tức nhận ra rằng Sư phụ lại đang giúp đỡ chúng tôi một lần nữa. Nếu không, làm thế nào chồng tôi có thể thực sự quên khoản vay mà tôi đã nói với anh ấy? Khi tôi nói với học viên kia về điều này, cả hai cùng mỉm cười vui vẻ. Chúng tôi sử dụng 50.000 nhân dân tệ đó để làm tư liệu giảng chân tướng.
Chồng tôi đã kiếm được ngày càng nhiều tiền. Anh ấy đưa cho tôi 2 triệu nhân dân tệ để tôi sử dụng vào bất cứ việc gì mà tôi muốn. Tôi dành ra một phần ba số tiền đó làm tiền gửi, một phần ba để vào một tài khoản đầu tư, và một phần ba còn lại là trong tài khoản séc. Tôi sử dụng tiền trong tài khoản séc để mua vật tư.
Thời gian đó, chồng tôi đã tăng khoản tiền sinh hoạt hàng tháng của chúng tôi từ 5.000 đến 10.000 nhân dân tệ, nên tôi có nhiều tiền hơn để làm những việc tôi muốn. Anh ấy cũng lắp một lò nước đun nước nóng nên tôi không phải giặt quần áo bằng nước lạnh.
Vì ngày càng nhiều học viên lập ra các điểm sản xuất tài liệu của riêng họ, nên họ không cần chúng tôi hỗ trợ tài chính nữa. Họ bây giờ đang sử dụng thu nhập của mình để mua vật tư.
Mọi thứ tôi có đều là Sư phụ ban cho
Tôi hiểu rằng Đại Pháp và Sư phụ đã ban cấp cho chúng tôi mọi thứ.
Sư phụ đã giảng: “… vô cầu mà tự đắc.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế New York 2004)
Trải nghiệm của bản thân tôi cho phép tôi có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về Pháp lý này.
Khi chúng ta loại bỏ đi các tâm chấp trước của con người, chúng ta sẽ đương nhiên đắc được những gì đáng được đắc.
Đệ tử Đại Pháp không truy cầu điều gì khác, duy chỉ có tâm nguyện mong thế nhân trong mê hãy mau mau thức tỉnh. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể cùng nhau cố gắng và tinh tấn hơn nữa.
Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại! Hợp thập!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/13/明慧法会–救众生愿倾尽所有-281176.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/30/143444.html
Đăng ngày 10-12-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.