Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-07-2013] Các học viên Pháp Luân Công gồm bà Lục Tuyết Cầm, ông Viên Thiệu Hoá, bà Lưu Tú Trinh, ông Dương Ái Kiện, và bà Thôi Lỗ Ninh và một số người khác từ thành phố Thanh Đảo đã bị bắt giữ bất hợp pháp vào ngày 02 tháng 05 năm 2013. Hiện họ vẫn đang bị giam giữ.

Những học viên này đã bị bắt vì chụp ảnh phơi bày những hình thức tra tấn mà các nhà tù và trại lao động ở Trung Quốc sử dụng với các học viên Pháp Luân Công. Rất nhiều những bức ảnh tương tự đã được đăng tải trên Minh Huệ Net.

Để ngăn chặn sự can thiệp của các luật sư, cáo buộc chống lại các học viên đã đột ngột bị thay đổi.

Phó giám đốc Đồn Cảnh sát Thuỷ Thanh Câu, Trường Tác (Mã số 024644), đã nói thẳng với các luật sư: “Những người này bị giam giữ vì tội ‘xúi giục nổi loạn và âm mưu lật đổ chính quyền’ và không được phép gặp luật sư bào chữa; những trường hợp như thế này không cần có luật sự bào chữa.”

Những lời buộc tội vu khống

Cho đến ngày 09 tháng 06 năm 2013, các học viên bị bắt giữ với tội danh “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thi hành pháp luật”. Những lời buộc tội này được ghi trong lệnh bắt giữ bà Lục, ông Dương, bà Lưu, ông Viên. Lệnh bắt giữ của bà Lục được ban hành bởi Đồn Cảnh sát Thuỷ Thanh Câu, trong khi lệnh bắt giữ của ông Dương đến từ Đồn Cảnh sát Lưu Đình Thiên Phương.

Những lời buộc tội tương tự đã được đưa ra bởi các cơ quan chấp pháp của Trung Quốc trong suốt 14 năm qua nhằm chống lại các học viên Pháp Luân Công.

Luật sư của bà Lục đã cố gắng gặp bà Lục trong tù ba lần từ ngày 14 đến 16 tháng 05, nhưng đều không thành công. Các trại giam đã đưa ra rất nhiều lý do để ngăn hai người gặp nhau.

Gia đình của bà Lục và luật sư bào chữa đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan pháp luật và các nhà chức trách khác nhau, bao gồm thanh tra Sở Cảnh sát Thanh Đảo, chính quyền thành phố Thanh Đảo, Cục Công an thành phố Thanh Đảo, và những ban ngành khác. Nhưng họ vẫn chưa nhận được câu trả lời từ bất kỳ cơ quan nào.

Những lời cáo buộc đột ngột bị thay đổi

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, Tân Hoa Xã và các phương tiện truyền thông nhà nước khác đưa tin rằng cảnh sát Thanh Đảo “đã phá” được một vụ án liên quan đến việc sản xuất và phân phối các bức ảnh giả mạo về việc tra tấn học viên Pháp Luân Công trong tù.

Ngay sau đó, gia đình bà Lục và các thành viên trong gia đình của các học viên bị bắt khác nhận thấy rằng chính quyền địa phương đã đồng loạt thay đổi các cáo buộc này.

Gia đình bà Lục đã đi đến Đồn Cảnh sát Thuỷ Thanh Câu và nói chuyện với sỹ quan Vương Vĩ (Mã số 024639). Gia đình muốn làm rõ việc chính quyền ngăn cấm họ được gặp bà Lục. Vương tuyên bố rằng bà Lục bị bắt vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia, kích động nổi loại, và âm mưu lật đổ chính quyền”, nên về mặt pháp lý quyền gặp gỡ luật sư của bà bị từ chối.

Cùng ngày, các cáo buộc chống lại bà Lưu, ông Dương, và ông Viên cũng được chuyển thành “kích động nổi loạn và âm mưu lật đổ chính quyền”.

Ngay sau đó, Phòng 610 của Đồn Cảnh sát Thanh Đảo và văn phòng chi nhánh Tú Phương bắt đầu yêu cầu gia đình các học viên bị bắt giữ ký vào lệnh bắt giữ mới. Các cán bộ nói rằng lệnh bắt giữ ban đầu của đồn cảnh sát bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, họ đã từ chối giải thích lý do tại sao nhiều đồn cảnh sát lại có thể mắc cùng một lỗi sai.

Con trai của bà Lưu đã ký vào lệnh bắt giữ mới, nhưng gia đình của bà Lục và ông Viên đã từ chối ký.

Luật sư bào chữa của các học viên đã đệ trình một lá thư khiếu nại đến các cơ quan liên quan, yêu cầu hủy bỏ tội danh “kích động nổi loạn và âm mưu lật đổ chính phủ”.

Thêu dệt các cáo buộc mới

Chồng và em gái bà Lục đã gửi thư khiếu nại đến Viện Kiểm sát quận Thị Bắc. Một cán bộ có mã số 005 nói rằng lá thư sẽ được chuyển lên cấp trên, và rằng gia đình bà sẽ nhận được một cuộc điện thoại vào ngày hôm sau về vấn đề này. Nhưng gia đình bà không bao giờ nhận được phản hồi.

Sau đó chồng và em gái của bà Lục đã đi đến chi nhánh Tú Phương thuộc Sở Cảnh sát Thanh Đảo và yêu cầu được gặp Vương Minh Triết từ Phòng 610. Một nhân viên đã gọi điện thoại cho văn phòng và sau đó nói rằng Vương chưa đến.

Chồng bà Lục nói rằng: “Vậy chúng tôi sẽ nói chuyện với những cán bộ khác.” Khi chồng bà mở cửa văn phòng, ông ấy nhìn thấy Vương đang ngồi ở đó.

Vương nói một cách giận dữ: “Anh đang làm gì ở đây vậy? Tại sao anh dám công khai số điện thoại của văn phòng tôi trên mạng Internet? Tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ nước ngoài [yêu cầu trả tự do cho những học viên đã bị bắt].” Sau đó ông ta đuổi họ đi.

Em gái của bà Lục nói rằng, “Chúng tôi đến đây để khiếu nại. Làm sao chúng tôi có thể nói chuyện được với ông nếu chúng tôi ra về?” Sau đó Vương gọi một nhân viên khác đến để đuổi em gái của bà Lục ra ngoài.

Khi chồng của bà Lục hỏi tại sao bà Lục không được phép gặp luật sư, Vương nói rằng: “Đồn cảnh sát đã bảo ông đi lấy thông báo rồi mà.”

Chồng của bà Lục giải thích rằng thông báo mà ông nhận được nói rằng bà Lục bị bắt vì “sử dụng một tà giáo để phá hoại việc thi hành pháp luật” là không đúng

Vương trả lời rằng có lẽ đồn cảnh sát nhầm lẫn. Sau đó ông ta soạn ra cáo buộc mới của Viện kiểm sát Thị Bắc

Chồng của bà Lục kêu lên: “Tôi đã không ký cái này! Ông không thể chỉ làm bất cứ điều gì ông muốn!”

Thủ đoạn nham hiểm

Các gia đình và luật sư của bà Lục, ông Viễn và bà Lưu đã đi đến Trại giam Phố Đông để thăm họ. Các lính canh nói với các luật sư rằng những người này không được phép thăm nuôi.

Sau khi trở về khách sạn của mình, luật sư của bà Lục – ông Vương Vũ phát hiện ra máy tính của ông đã bị phá hỏng và không thể khởi động. Ông đã đến hỏi tiếp tân của khách sạn và yêu cầu xem video giám sát, nhưng yêu cầu của ông bị từ chối.

Cuối cùng nhân viên khách sạn đề nghị đền cho ông một máy tính khác.

Ông Vương nói: “Tôi không cần bồi thường; tôi chỉ muốn xem video giám sát.”

Từ chối ký vào “các cáo buộc” mới

Vương Minh Triết gọi cho chồng bà Lục và yêu cầu ông đến Đồn Cảnh sát Thuỷ Thanh Câu vào 10 giờ sáng ngày hôm sau. Vương nói rằng ông có thể gặp Vương ở đó.

Chồng và em gái của bà Lục, cùng con trai của ông Viên, luật sư của bà Lục, và luật sư của ông Viên, tất cả đã đi đến Đồn Cảnh sát Thuỷ Thanh Câu. Nhiều nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã đứng chờ sẵn bên ngoài khi họ đến.

Phó giám đốc Đồn Cảnh sát Thuỷ Thanh Câu, Nghiêm Thuận (Mã số 024644), yêu cầu được nói chuyện một mình với chồng của bà Lục. Người chồng sau đó đã được đưa đến một căn phòng trống, nơi có 5 người khác đang chờ sẵn. Họ nói với ông rằng họ đang trong quá trình thay đổi cáo buộc của bà Lục và rằng ông cần phải ký tên.

Một tháng trước, cũng tại đồn cảnh sát này, chồng của bà Lục đã bị cảnh sát đánh đập. Vì thế ông cảm thấy không an toàn khi ở lại đó. Ông nhanh chóng đứng lên và bỏ đi tìm luật sư của mình.

Nghiêm Thuận đi theo ông ra ngoài, và nói rằng: “Ông nghĩ rằng tôi sẽ lừa ông sao? Một người trong số họ đến từ văn phòng chi nhánh Tú Phương, hai người ở đồn này, và hai người khác đến từ ủy ban lân cận. Họ đến đây để làm chứng.”

Chồng của bà Lục đáp lại: “Luật sư của tôi ở đây. Hãy nói chuyện ở đây để tôi cũng có một nhân chứng. Ông Vương ở văn phòng chi nhánh yêu cầu tôi đến đây, vì tôi muốn nói chuyện với ông ấy.”

Cuối cùng thì Vương Minh Triết cũng xuất hiện. Luật sư của các học viên nộp văn bản yêu cầu thực hiện các thủ tục pháp lý thích hợp. Họ cũng yêu cầu tất cả những cáo buộc chống lại thân chủ của họ phải được thu hồi lại.

Vương cam kết rằng tình trạng sức khoẻ của bà Lục vẫn ổn. Ông ta tuyên bố rằng bà không phải chịu đựng bất kỳ hình thức tra tấn thể xác nào, và rằng các buộc ban đầu (“sử dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thi hành luật pháp”) chỉ đơn giản là bị in sai.

Sau đó Vương hướng dẫn cho Nghiêm Thuận viết lại cáo buộc mới “kích động nổi loạn và âm mưu lật đổ chính quyền”. Vương yêu cầu chồng của bà Lục và con trai ông Viên ký vào văn bản này nhưng cả hai đều từ chối. Sau đó Vương đập mạnh tay xuống bàn và nói: “Vậy không còn gì để nói thêm nữa. Chúng ta đi thôi.”

Các vị luật sư một lần nữa lại bước vào để trình bày các tài liệu hướng dẫn kèm theo các thủ tục pháp lý thích hợp. Sau đó Nghiêm nói: “Các bị cáo có tội danh ‘xúi giục nổi loạn và âm mưu lật đổ chính phủ’ không được phép gặp luật sư bào chữa vì không cần luật sư bào chữa cho những trường hợp này.”

Các bài liên quan:

Các học viên bị kết tội “tiết lộ bí mật quốc gia” vì phơi bày các phương pháp tra tấn trong các nhà tù và trại lao động Trung Quốc (https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/4/140867.html)

Phòng 610 Thanh Đảo từ chối luật sư gặp gỡ khách hàng ngay sau khi các tra tấn bị phơi bày (https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/30/140764.html)

Bà Lục Tuyết Cầm bị bức hại vì vạch trần các trường hợp tra tấn; gia đình lo lắng về sự an toàn của bà (Ảnh) (https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/23/140633.html)

Bà Tống Hội Khanh bị từ chối quyền có luật sư tại tòa (https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/16/141075.html)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/7/12/陷害揭露酷刑者-青岛警察改“罪名”阻律师-276573.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/11/141511.html

Đăng ngày 20-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share