Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-05-2013] Trại lao động cưỡng bức nữ Hà Bắc ở tỉnh Hà Bắc rất tích cực trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Các lính canh ở đây được lãnh đạo bởi đội phó Phùng Khả Trang, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã hủy hoại thể xác và tinh thần các học viên Pháp Luân Công thông qua sỉ nhục, đánh đập, biệt giam, sốc điện, và gia tăng thời hạn giam giữ.
Cưỡng ép “Chuyển hóa”
Cưỡng chế một công dân Trung Quốc phải từ bỏ niềm tin của người đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Trại lao động cưỡng bức nữ Hà Bắc lại cố tình vi phạm pháp luật và tích cực tham gia dùng vũ lực “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Khi một học viên mới bị giam giữ, sẽ có nhiều tù nhân giám sát, canh chừng các hoạt động của cô ấy và cấm cô nói chuyện với người khác. Cộng tác viên là những người đã từ bỏ niềm tin của họ vào Pháp Luân Công, sau đó sẽ thay phiên nhau đến tấn công các học viên. Học viên bị cấm ngủ, buộc phải đứng trong thời gian dài, và bị ngược đãi về thể chất và tinh thần. Lính canh thậm chí còn bỏ thuốc vào trong đồ ăn và nước uống của học viên để cố “chuyển hóa” họ. Chỉ trong vài ngày, tinh thần và thể chất của học viên nhanh chóng bị kiệt quệ do căng thẳng kéo dài.
Vào năm 2012, các học viên Pháp Luân Công gồm bà Tạ Bảo Phượng, Vương Khôn Anh, Diêm Quốc Diễm, Vương Thục Liên đều bị giam trong nhiều phòng biệt giam. Nhiều ngày sau đó, lính canh đã cố gắng “chuyển hóa” họ, gây tăng huyết áp của bà Tạ Bảo Phượng, bà Vương Khôn Anh, và bà Diêm Quốc Diễm. Huyết áp của họ còn tăng vượt quá chỉ số của máy đo huyết áp. Nhịp tim của bà Vương Khôn Anh và bà Diêm Quốc Diễm còn lên đến 140 nhịp/phút. Để đạt được “chỉ tiêu” chuyển hóa của trại lao động, các lính canh đã không quan tâm đến tính mạng của các học viên.
Khi bà Vương Thục Liêu được thả khỏi phòng biệt giam, bà đã bị đánh đến mức thâm tím khắp người. Tiếng thét “Họ đang đánh tôi! Xin cứu với!” thường xuyên được nghe thấy ở trại. Lính canh và cộng tác viên còn bí mật bỏ thuốc vào trong thức ăn của bà Diêm Quốc Diễm và bà Tạ Bảo Phượng, khiến cơ thể họ suy yếu và cuối cùng làm họ nhụt chí. Lính canh cũng hứa với các cộng tác viên về việc giảm thời hạn giam khi tham gia bức hại học viên.
Trại lao động đã thực hiện “đánh giá kết quả” vào tháng 06 và tháng 12, và đưa ra phần thưởng giảm 15 ngày cho phạm nhân “tốt”. Lính canh dùng hình thức giảm án để dụ dỗ phạm nhân trở thành những kẻ cướp và đồng lõa với họ. Được nhiều lính canh ủng hộ và khuyến khích, một số phạm nhân đã ngược đãi các học viên Pháp Luân Công. Các phạm nhân Du Hải Yến (người giám sát học viên) ở thành phố Đường Sơn, Trần Tân Phổ (cộng tác viên) ở thành phố Tân Tập, và Trần Tiểu Phủng (một cộng tác viên khác) ở thành phố Thâm Châu đã đánh các học viên Trương Quế Vinh, Vương Thục Liên, và Diêm Quốc Diễm nhiều lần. Tuy nhiên, những lính canh trong phiên trực lại làm ngơ. Những phạm nhân hỗ trợ lính canh để bức hại các học viên Pháp Luân Công đều được coi là những phạm nhân “tốt” trong khi bình xét kết quả.
Lính canh cũng ra lệnh cho các học viên đọc các quy định của trại lao động và hát những bài hát của ĐCSTQ tà ác. Những học viên từ chối thì bị bắt đứng trong thời gian dài. Khi đội trưởng Vương Hân làm nhiệm vụ, bà ta thường bắt các học viên đứng phạt trong hội trường. Kể cả lúc bà ta không trực, bà ta cũng nói lính canh trong phiên trực bắt các học viên trong danh sách của bà ta đứng phạt. Lính canh cũng cách ly các học viên và giám sát họ. Lính canh cũng không cho phép học viên nói chuyện với nhau. Mỗi học viên đều bị theo dõi suốt ngày đêm bởi người do lính canh sắp đặt, ngay cả khi các học viên đi vệ sinh, đi tắm, đến ký túc, hoặc đi ngủ.
Lao động nô dịch
Trại lao động hợp tác với nhiều nhà máy và buộc cá phạm nhân làm lao động nô dịch để thu lợi nhuận lớn cho các nhân viên của trại. Các phạm nhân thường làm việc thêm giờ, và không được nghỉ ngơi với danh nghĩa “để kịp tiến độ”. Một trong những nhà máy đó là của Công ty TNHH Dệt kim Ích Khang Hà Bắc ở huyện Linh Thọ, tỉnh Hà Bắc. Đến cuối năm 2012, một nhà máy khác được thêm vào danh sách. Đó là nhà máy trong khu vực thành phố Lộc Tuyền và Chính Định ở tỉnh Hà Bắc, sản xuất các túi gạo cho nhãn hiệu Gạo Kim Long Ngư. Tất cả mọi người đều có một hạn ngạch để đáp ứng, và hạn ngạch này luôn tăng. Bất cứ ai không hoàn thành chỉ tiêu đều phải làm thêm giờ. Các phạm nhân thường phải làm việc thêm giờ khi Vương Hân (đội trưởng Đội 3) hoặc lính canh Lưu Tử Duy hay Trương Ninh làm nhiệm vụ.
Luật lao động quy định làm việc 8 tiếng một ngày. Tuy nhiên, ở trại lao động, các phạm nhân đã làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày. Họ làm việc trước 7 giờ 30 sáng đến sau buổi trưa. Sau đó họ tiếp tục làm việc vào buổi chiều. Đôi khi, giờ nghỉ trưa còn bị hủy bỏ, và các phạm nhân đã phải làm việc trong giờ nghỉ hoặc đi lau nhà. Mọi người đều kiệt sức vào cuối ngày.
Các phạm nhân đã sáng tác các đoạn nhạc để mô tả cuộc sống của họ: “Thức dậy sớm hơn gà trống, đi ngủ muộn hơn chó, ăn thức ăn tồi tệ hơn lợn, và làm việc chăm chỉ hơn gia súc.” Học viên Pháp Luân Công, cô Trương Quế Vinh ở huyện Diêm Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị giam ở Đội số 03. Cô bị đánh đập nhiều lần. Khi cô Trương mới đến trại lao động, cô đã từ chối đi lao động cưỡng bức. Vương Hân, đội trưởng Đội số 03 đã túm tóc rồi ném cô đập mặt vào tường. Sau đó Vương Hân còn ra lệnh cho các phạm nhân và cộng tác viên khác, trong đó có Trần Tiểu Bổng, Triệu Tuyết Bình, và Trương Cải Diệp, đến đánh cô Trương. Có thời gian cô Trương bị ép phải làm việc quá giờ đến tận 01 hay 02 giờ sáng. Khi cô Trương từ chối không làm quá giờ, cô bị phạt đứng trong thời gian dài. Lính canh cũng ra lệnh cho Du Hải Yến, một phạm nhân giám sát các học viên, đánh cô Trương đến mức đi khập khiễng.
Trại lao động công bố danh sách “công nhân tiêu biểu” mỗi tháng để khuyến khích các phạm nhân làm việc chăm chỉ và kiếm lợi nhuận nhiều hơn cho trại. Các tù nhân trong danh sách được khen thưởng với các ưu đãi như một cục xà phòng và giảm án của họ năm ngày. Ưu đãi như vậy thực sự khuyến khích cho một số phạm nhân.
Trại lạm dụng quyền lực và tự ý gia hạn thời hạn giam của học viên Pháp Luân Công
Hiến pháp Trung Quốc đưa ra trình tự pháp lý phải tuân theo nếu tự do cá nhân của một công dân bị hạn chế. Tuy nhiên, các lính canh trong Trại lao động cưỡng bức nữ Hà Bắc chưa bao giờ áp dụng luật pháp vào công việc. Họ lợi dụng chức vụ của mình và tùy tiện, phi pháp gia hạn thời hạn giam của các học viên Pháp Luân Công, những người cự tuyệt “chuyển hóa” hoặc tiếp tục giam giữ các học viên sau khi thời hạn giam của họ kết thúc. Khi các học viên hỏi tại sao thời hạn giam của họ bị gia hạn, đội trưởng Vương Hân trả lời: “Mấy người đã hát những bài hát được yêu cầu chưa? Mấy người đã đọc các quy định của trại chưa?” Vài lính canh còn trích dẫn lệnh từ cấp trên.
Ngày 07 tháng 08 năm 2011, các học viên Hách Quang Mai, Lưu Tố Nhiên, Trương Xuân Hiện, và Hoắc Ngọc Bình đã từ chối làm việc để phản đối bản án của họ bị tùy tiện kéo dài. Đội trưởng Vương Hân và Lữ Á Cầm đã bắt họ đứng phạt ở hành lang trong một tuần. Ngày 15 tháng 08, lính canh Lữ Á Cầm và Lưu Tử Duy đã đánh dã man nhiều học viên và sốc điện họ bằng dùi cui điện. Đội phó Phùng Khả Trang và nhiều lính canh nam ở phòng quản lý trại đã đến động viên họ. Bà Triệu Diệp, 42 tuổi, bị đánh dã man và bị sốc điện đến khi vai phải của bà bị tàn phế. Người bà trở nên hốc hác và không được chăm sóc. Bà chỉ được đưa ra khỏi trại lao động khi bà nguy kịch, và đã qua đời vào năm 2012. Câu chuyện của bà Triệu đã được báo cáo trên Minh Huệ.
Nhiều lính canh cũng hiểu việc gia hạn thời hạn giam của các học viên là phi pháp. Từ tháng 05 năm 2011 đến tháng 11 năm 2012, dù họ gia hạn thời hạn giam của các học viên Pháp Luân Công, nhưng họ không bao giờ dám công bố công khai. Có thông tin chắc chắn về việc các học viên sau đã bị lính canh gia hạn bản án một cách phi pháp:
Học viên Tề Tuấn Lĩnh ở Hành Thủy bị lính canh Trương Ninh gia hạn thêm 36 ngày;
Bà Hoắc Tử Bình bị lính canh Lưu Tử Duy gia hạn thêm 22 ngày;
Bà Trương Xuân Hiện bị lính canh Lưu Tử Duy gia hạn thêm 68 ngày;
Bà Chu Lệ Anh bị lính canh Trương Ninh gia hạn thêm 22 ngày;
Bà Hách Quang Mai bị lính canh Vương Hân gia hạn thêm 52 ngày;
Bà Lưu Tố Nhiên bị lính canh Vương Vệ Vỹ, Lương Thiến gia hạn thêm 62 ngày;
Bà Trương Ngọc Chi bị lính canh Sư Giang Hà gia hạn thêm 27 ngày.
Kiểm soát giấy bút – hành vi che giấu tội ác
Trại lao động cưỡng bức nữ Hà Bắc làm mọi việc để che giấu tội ác của nó với công chúng. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở trại thường được nhanh chóng thông báo lên trang web Minh Huệ. Trại lao động đã kiểm soát chặt chẽ giấy và bút để ngăn chặn các học viên viết thư hoặc báo cáo những gì đang diễn ra trong trại. Các học viên không được phép có bất kỳ tờ giấy hoặc cây bút nào. Để viết một lá thư, một học viên phải có sự cho phép đặc biệt và viết thư trong hội trường dưới sự giám sát. Ngay cả một lá thư cá nhân gửi đến người nhà học viên cũng bị xem xét, và nó thường được tịch thu và không được gửi đi.
Có hai hộp thư ở lối vào khu tập thể, một hòm thư gửi đến Viện Kiểm sát và một hòm thư gửi đến giám đốc trại lao động. Tuy nhiên, lính canh luôn giám sát hai hòm thư để xem ai bỏ thư vào. Khi các phạm nhân bị lăng mạ hoặc bị ngược đãi, thời hạn giam của họ bị kéo dài tùy tiện, họ không được phép tắm, hay bị ngược đãi theo cách nào đó, và lính canh thất bại trong việc giải quyết vấn đề, ai đó sẽ viết thư gửi giám đốc trại và yêu cầu được gặp mặt. Tuy nhiên, nó không giúp được gì. Lá thư gửi đến vị giám đốc sẽ nhanh chóng được đưa về trại. Thay vì giải quyết vấn đề, đội trưởng sẽ trừng phạt người viết thư. Đôi khi các phạm nhân viết thư gửi giám đốc để yêu cầu gặp mặt, nhưng họ không bao giờ nhận được trả lời.
Để ngăn không cho học viên gửi thư đến Viện Kiểm sát, giám đốc trại đặc biệt sắp xếp một lính canh nữ đứng bên cạnh hộp thư. Trại thường xuyên có “kiểm tra an ninh” để xem học viên có giấy hoặc bút không. Tất cả mọi thứ đều bị đảo lộn, và thậm chí nơi cung cấp vệ sinh nữ cũng bị khám xét cẩn thận. Nếu một học viên bước ra khỏi trại, cô ấy sẽ bị khám xét kỹ lưỡng từ đầu đến chân, và thậm chí còn bị lột quần áo để khám.
Vào cuối tháng 07 năm 2011, chính quyền cấp cao hơn đã cử một người đến kiểm tra trại lao động. Để ngăn các học viên Pháp Luân Công tố cáo ngược đãi, trại lao động đã tập hợp tất cả các học viên trong một phòng kín tại xưởng. Lính canh Vương Hải Yến dạy tâm lý học, trong khi đội trưởng Vương Hân ngồi ở bên cạnh. Lớp học kết thúc ngay sau khi thanh tra rời đi. Bất cứ khi nào có người từ cấp trên đến, lính canh lại nhốt các học viên lại, và đôi khi nhốt họ ở trong một phòng bí mật để họ không bị nhìn thấy. Có lần lính canh còn nhốt các học viên trong phòng tắm bỏ hoang trong một ngày hè nóng bức, và khiến họ bị khó thở.
Vào cuối tháng 04 năm 2012, Trại lao động nữ Hà Bắc đã tổ chức một “nhà mở” và mời mọi người ghé thăm trại. Nhiều viên chức ở phòng tư pháp cũng có mặt. Một biểu ngữ có nội dung “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” đã được treo ở sân chơi. Người nhà của các học viên “bị chuyển hóa” cũng được mời đến, và họ bị chụp hình lại. Giám đốc Lô Hựu Lâm đã giới thiệu với các du khách “bảng tâm tình” được treo ở lối vào khu ký túc và tuyên bố trại đưa ra tư vấn tâm lý dựa trên tâm trạng của phạm nhân. (Thực tế, “bảng tâm tình” chỉ là để phô diễn. Không có ai quan tâm đến tâm trạng của những phạm nhân vô tội.)
Lao động nô dịch vẫn tiếp tục mà không nghỉ vào ngày hôm đó để tạo ra lợi nhuận cho các trại lao động. Một báo cáo về một chương trình thời trang được tổ chức bởi các trại lao động trên “nhà mở” đã được công bố trên trang web của tờ báo địa phương. Trong những năm gần đây, tội ác của trại lao động cưỡng nữ Hà Bắc đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, vì vậy các trại lao động đưa chương trình lừa đảo này để che giấu tội ác của họ.
Quản lý “nhân đạo” thực ra là chuyên chế tước đoạt nhân quyền
Vào cuối năm 2011, có nhiều viên chức mới đến trại lao động. Họ không chỉ giảng bài về lịch sử của ĐCSTQ và luật pháp, mà còn dạy các bản văn tự cổ của Trung Quốc như Tam Tự Kinh, Đệ Tử Quy (Quy tắc khuyên bảo học sinh), và Luận ngữ của Khổng Tử. Các bài giảng bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối, ngay sau chương trình tin tức trên CCTV (Truyền hình Trung ương Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ) và kéo dài cho đến 9 giờ tối. Sau khi lao động cả ngày, các phạm nhân không được nghỉ vào buổi tối và có ít thời gian để rửa ráy. Các viên chức đã nói về đạo đức và các đức tính truyền thống Trung Quốc, nhưng trong thực tế họ chỉ muốn đánh và nguyền rủa phạm nhân. Họ dạy luật pháp ở trong lớp, nhưng lại là người vi phạm pháp luật.
Vào ngày Chủ nhật, các phạm nhân phải ngồi trên ghế nhỏ trong hội trường thay vì ở lại phòng ký túc để nghỉ ngơi. Phòng tắm và nhà vệ sinh đều bị khóa. Một phạm nhân được cho phép lấy nước từ phòng tắm hoặc dùng nhà vệ sinh, và một tù nhân đã được sắp xếp để đi cùng với cô. Mọi thứ còn khó khăn hơn cho các học viên Pháp Luân Công. Các học viên từ chối lao động cưỡng bức hoặc không thể hoàn thành chỉ tiêu công việc không được phép tắm. Thật buồn cười khi nói về việc quản lý nhân đạo dưới sự thống trị của ĐCSTQ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/22/曝光河北女子劳教所的罪恶行径-274099.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/23/140635.html
Đăng ngày 19-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.