Bài viết của Âu Dương Phi
[MINH HUỆ 24-04-2013] Tấm ảnh dưới đây do một phóng viên AP chụp tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào tháng 05 năm 2001. Căn phòng sạch sẽ và ngăn nắp. Ở trên khăn trải giường có một tấm chăn vuông. Chú thích nói rằng các học viên Pháp Luân Công đang xem chương trình “chuyển hóa” (tẩy não) do chính quyền Cộng sản Trung Quốc sản xuất. Những năm qua tấm ảnh này thường xuyên xuất hiện trên tờ Washington Post và những phương tiện truyền thông phương Tây khác bao gồm những câu chuyện về hệ thống lao động cưỡng bức của Trung Quốc.
Ngày 22 tháng 05 năm 2001. Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ngăn nắp (AP, John Leicester)
Truyền thông phơi bày
Bài viết “Ra khỏi Mã Tam Gia” (tựa đề đã đổi thành “Khám phá Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh: Trói vào ghế cọp và giường chết” khi được đăng lại trên Internet), được phát hành bởi một hãng truyền thông Trung Quốc đại lục vào ngày 07 tháng 04 năm 2013, chỉ ra rằng những tấm chăn thực ra không được sử dụng. Bài viết nói: “Những tấm chăn trong ký túc xá nhà tù được gấp lại thành hình vuông. Chúng được dùng cho những thanh tra hay khách bên ngoài. Chúng không thể được sử dụng. Các tù nhân gọi chúng là ‘chăn giả’. Những tấm chăn thật được đóng gói trong nhà kho vào mỗi sáng và lấy ra vào buổi đêm.”
Thật ra không chỉ là những tấm chăn. Những khăn trải giường hình vuông cũng không được sử dụng. Bà Vương Xuân Anh, người từng làm việc trong ngành y ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bỏ tù hai lần tại Mã Tam Gia, vào năm 2002 và 2007, trong cùng một đội như ba nạn nhân được đề cập đến trong bài viết “Ra khỏi Mã Tam Gia”. Bà nói: “Mỗi đêm chúng tôi phải đến nhà kho để nhận túi, gồm có chăn và khăn trải giường. Chúng tôi không được dùng ‘chăn giả’ hay làm chúng bẩn. Khi đi ngủ, chúng tôi phải cẩn thận đặt ‘chăn giả’ lên một chiếc ghế nhỏ gần giường.”
‘Chăn giả’ phản ánh cách ĐCSTQ lừa dối thế giới. Ban đầu nó phủ nhận sự thật, sau đó che đậy sự thật, và cuối cùng tạo một ảo ảnh để cố gắng đánh lừa thế giới. Đây là cách mà chế độ của Giang Trạch Dân và ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công.
Cố cứu vãn “danh tiếng”
Tháng 10 năm 2000, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã lột trần 18 nữ học viên Pháp Luân Công và ném họ vào nhà tù nam để các phạm nhân cưỡng hiếp họ, dẫn đến năm người chết và bảy người bị suy sụp tinh thần. Sau khi hành động ghê tởm này bị phơi bày ra quốc tế, để che đậy tội ác, Mã Tam Gia đã mời các phóng viên nước ngoài đến thăm trại. Tấm ảnh trên là do một phóng viên AP chụp vào thời điểm đó.
Ra lệnh điều tra
Sau khi bài viết “Ra khỏi Mã Tam Gia” được công bố, tất cả truyền thông Trung Quốc đại lục đều đăng lại, và công chúng náo động. Nhưng bài viết nhanh chóng bị xóa bỏ. Hai ngày sau, chính quyền ĐCSTQ tỉnh Liêu Ninh tuyên bố rằng họ đã thành lập một đội điều tra bao gồm các viên chức thuộc phòng tư pháp tỉnh, văn phòng lao động cưỡng bức, và viện kiểm sát địa phương.
Những kết luận của cuộc điều tra đúng như dự đoán. Ngày 19 tháng 04, Tân Hoa Xã đã bác bỏ những “tin đồn”, nói rằng bài viết “Ra khỏi Mã Tam Gia” đã bóp méo sự thật nghiêm trọng. Nhưng trưởng ban điều tra lại là Trương Phàm, Trưởng phòng Tư pháp tỉnh và nguyên là Giám đốc Văn phòng quản lý nhà tù tỉnh. Phó ban điều tra là Trương Siêu Anh, Trưởng Văn phòng Lao động tỉnh và nguyên là Giám đốc Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia! Những kẻ tội phạm điều tra chính họ, vậy nên chúng ta có thể mong đợi điều gì? Trại lao động cưỡng bức có lưu lại hồ sơ ‘trói người vào ghế cọp và giường chết’ trong tài liệu của họ không? Ngoài ra, tra tấn trong trại lao động cưỡng bức được thực hiện tại những nơi trong trại mà người bên ngoài vào không thấy. Từ số người được phỏng vấn, các điều tra viên quan tâm chất vấn công an hơn tù nhân. Công an sẽ thú nhận những tội ác đã phạm sao? Những tù nhân được hỏi có dám trả lời sự thật mà không sợ hãi sẽ bị bức hại không?
Những gì còn sót lại
Bài viết của Tân Hoa Xã vẫn phơi bày một khía cạnh của sự bức hại tàn bạo. Bài viết “Ra khỏi Mã Tam Gia” đã cố tình che giấu sự thật rằng Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã bỏ tù phi pháp một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công. Nó chỉ dùng những từ như “nhóm người khác biệt” và “nhóm đặc biệt” để miêu tả sự tra tấn đối với các học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bài viết của Tân Hoa Xã rõ ràng đã đề cập đến Pháp Luân Công bốn lần.
Bài viết trên Tân Hoa Xã cũng thừa nhận sự thật rằng trại lao động cưỡng bức đã theo đuổi tỉ lệ “chuyển hóa” tối đa, có nghĩa là các học viên Pháp Luân Công là những nạn nhân chính của sự tra tấn. Điều này cũng là sự thật trong tất cả trại lao động cưỡng bức và nhà tù trên toàn quốc.
Các “tin đồn chính thức” cho biết: “(Các học viên) đã từ chối tuân theo các nguyên tắc… công an đã dùng mọi cách cưỡng ép thông thường. (Các học viên) đã tuyệt thực để phản đối ‘giáo dục’ và ‘chuyển hóa’… công an phải dùng đến những chiếc giường của bệnh viện để bức thực.” Đây là một cách gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của các dụng cụ tra tấn và những phương thức như “treo lên”, ghế cọp, và giường chết, cũng như sự tồn tại của cuộc bức hại. Những phương pháp tra tấn này được miêu tả lịch sự như “các phương pháp kiềm chế” và “ép ăn” để làm người nghe lầm lẫn.
Nói đơn giản là: “Nếu các học viên từ chối ‘bị chuyển hóa’, công an sẽ treo họ lên và buộc họ ngồi trên ghế cọp. Nếu các học viên tuyệt thực để phản đối bức hại, công an trói họ vào giường chết và ép họ ăn.” Ép ăn ở đây không phải là để cứu nạn nhân – nó được dùng để trừng phạt và là một hình thức tra tấn. Trên Minh Huệ Net có nhiều miêu tả về việc các học viên phải chịu đựng sự khủng khiếp từ việc bị bức thực tàn bạo như thế nào.
Ba loại tù nhân
Bà Vương Xuân Anh đã nói với tôi rằng có ba loại tù nhân trong trại lao động cưỡng bức. Nhóm đầu tiên là tội phạm ma túy và gái mại dâm. Nhóm thứ hai là những người kiến nghị thỉnh nguyện xin sự giúp đỡ từ chính phủ. Nhóm thứ ba là các học viên Pháp Luân Công, chiếm một số lượng lớn. Năm 2004 có đến 4.000 học viên bị giam ở Mã Tam Gia. Tất cả tù nhân đều bị buộc phải lao động nặng nhọc, đã tạo ra thu nhập tài chính rất lớn cho trại. Nguyên Phó Giám đốc của Mã Tam Gia, Bành Đại Minh, nói với phóng viên của bài viết “Ra khỏi Mã Tam Gia” rằng trong những năm đỉnh điểm, có hơn 5.000 tù nhân trong trại, và họ làm ra gần 100 triệu nhân dân tệ mỗi năm từ việc lao động nô dịch không lương.
Bà Vương nói rằng số lượng những người thỉnh nguyện đã tăng trong những năm qua. Một nhóm bị tổn thương, họ thỉnh nguyện đến chính phủ vì họ bị chính quyền địa phương đối xử bất công, nhưng cuối cùng họ bị bắt giữ và bị giam cầm. Họ phản đối việc lao động cưỡng bức và không tuân theo các lính canh, dẫn đến bị tra tấn tàn bạo.
Đối với các học viên bị cầm tù, bên cạnh việc bị tra tấn được miêu tả như trên, họ cũng bị áp lực từ bỏ tín ngưỡng (bị “chuyển hóa”). Họ còn phải ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. “Chuyển hóa” là chính sách cơ bản của chế độ để bức hại Pháp Luân Công, và nó xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Tỉ lệ thành công của “chuyển hóa” trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của trại lao động, tiền thưởng, và thăng quan tiến chức.
Bà Vương nói rằng các học viên bị buộc phải nghe những tuyên truyền tẩy não mỗi sáng trong khi đang lao động nặng nhọc. Các tuyên truyền vu khống và lừa dối về Pháp Luân Công. Trại lao động cưỡng bức cũng cử một số “chuyên gia” đến giảng để khiến các học viên nhầm lẫn và tra tấn tinh thần của họ. Bà Vương nói rằng trong tháng đầu tiên bị giam tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào năm 2002, chỉ đạo nhà tù đã sắp xếp cho hai cộng tác viên bị tẩy não trông chừng bà. Các cộng tác viên đã dồn dập tấn công bà bằng những ý nghĩ lạ lùng mỗi ngày để khiến bà bị nhầm lẫn và từ bỏ tu luyện. Loại tra tấn tinh thần này tàn bạo không kém tra tấn thể xác.
Các học viên Pháp Luân Công
Các học viên Pháp Luân Công tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn và chỉ làm việc tốt không làm việc xấu đối với xã hội. Tại sao họ bị cầm tù và bị ép từ bỏ tín ngưỡng. Tại sao ĐCSTQ muốn “chuyển hóa” các học viên, những người chỉ muốn trở thành người tốt? Bà Vương nói rằng trại lao động cưỡng bức có một bài kiểm tra hàng tháng với hai từ “nhận tội” viết trên đó. Họ ra lệnh cho tất cả tù nhân ký vào. Nhiều học viên đã phản đối, từ chối hợp tác, và không “chuyển hóa”. Vì vậy điều này trở thành cái mà Tân Hoa Xã định nghĩa là “không hợp tác với giáo dục” trong “tin đồn chính thức” của họ. Sau đó ĐCSTQ bắt đầu “treo lên, ghế cọp và giường chết” để tra tấn các học viên và gọi nó là “các biện pháp cưỡng chế thông thường.”
Bà Vương đã bị tra tấn tàn bạo ở Mã Tam Gia nhiều lần. Một lần, bà đã bị “kéo căng bằng các còng tay” trong 16 giờ. Một tay bà bị còng vào cái giường ở vị trí cao và tay còn lại bị còng và trói vào cái giường ở vị trí thấp. Sau đó chân bà bị trói lại. Bà không được ăn, uống nước, hay đi vệ sinh. Bà không thể đứng thẳng hay ngồi. Nó rất đau đớn. Các cơ bắp ở tay bà co lại, và phải mất một thời gian dài mới hồi phục lại.
Minh họa tra tấn: Kéo căng bằng các còng tay
Rõ ràng [các nguyên lý] Chân – Thiện – Nhẫn và việc trở thành một người tốt là không có gì sai. Đó là lý do tại sao các học viên Pháp Luân Công không hợp tác với ĐCSTQ để từ bỏ tín ngưỡng và bị “chuyển hóa”. Không ai dám công khai phủ nhận rằng trở thành người tốt là không có gì sai. Các học viên ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia với thân thể dẻo dai và sống ngoan cường đã thể hiện tinh thần bất khuất vì họ bảo vệ các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và đảm bảo một tương lai tương sáng cho nhân loại.
Thay vì ngừng cuộc đàn áp, ĐCSTQ đã chủ động tra tấn các học viên, tuyên bố rằng họ không tuân theo chính quyền. ĐCSTQ tẩy não các học viên và thậm chí dùng những kết quả mà họ gọi là “điều tra” để tiếp tục làm mất uy tín Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã cho thấy ĐCSTQ thật ra là gì. Bất kể những tin đồn lan truyền như thế nào, người dân không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về ĐCSTQ nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/4/24/马三家的“假象被”与新华社的“官谣”-272455.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/28/140172.html
Đăng ngày 19-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.