Bài viết của Phi Bộc

[MINH HUỆ 07-12-2012] Vì tính phi pháp của cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những kẻ tay sai của ĐCSTQ đã dùng tất cả những cái cớ xảo trá để biện hộ cho sự ngược đãi của họ đối với các học viên vô tội. Những lời tráo trở, giảo biện theo khuôn mẫu đã được sử dụng để lừa dối các học viên là nạn nhân. Dưới đây chúng tôi liệt kê những mánh khóe mà những kẻ tay sai của ĐCSTQ thường sử dụng, nhằm đưa ra một số ý tưởng về những dối trá của họ.

“Không phải bắt giữ, mà là mời”

Vào sáng ngày 20 tháng 07 năm 2000, một số học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và nhốt trong một khách sạn, nơi mà một trung tâm tẩy não đã được thành lập ở đó. Việc bắt giữ được thực hiện bởi công an tại Đồn công an Bắc Nhai, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc và những người bị bắt, mà chúng tôi được biết, là ông Triệu Thống Tiêu, bà Lữ Tố Quân, ông Triệu Chí Quân, bà Ôn Phượng Lan, bà Phan Thục Hà, bà Vương Hiểu Anh, bà Nhâm Diễm Phương, bà Nhâm Diễm Chi, ông Hồ Minh Trí, bà Hồ Á Thiền, ông Vương Hoa và ông Tôn Thanh Tuấn. Các nhân viên phụ trách ở trung tâm tẩy não là Cao Sĩ Tiên, thư ký Ủy ban Kỷ luật ĐCSTQ của thành phố Thạch Gia Trang. Ông Triệu Thống Tiêu đã phản đối việc bắt giữ nhưng công an tìm cách đưa ông đến trung tâm tẩy não lấy cớ là ông được gọi đến để phỏng vấn tại đồn công an. Trong quá trình giam giữ, các học viên bị đối xử giống như tội phạm. Họ không được phép tắt đèn hay đóng cửa khi ngủ và công an được lệnh theo dõi chặt chẽ từng người một, ngay cả khi họ dùng nhà vệ sinh. Công an gọi hành động phi pháp của họ là: “Không phải bắt giữ, mà là mời đi.”

“Không phải lừa dối, mà là thủ đoạn”

Vào ngày 29 tháng 12 năm 2009, Kháng Vĩnh Lợi, bí thư của Ủy ban thôn Thạch Đại Câu, huyện Lai Nguyên, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã nhận một cuộc điện thoại từ một nhân viên công an Đội An ninh Nội địa, yêu cầu ông thông báo một học viên Pháp Luân Công tại địa phương, ông Tả Trạch Văn, đến đồn công an để nhận chiếc xe ba bánh đã bị tịch thu. Khi ông Tả và vợ đến Đội An ninh Nội địa thì họ bảo ông đến đồn công an. Công an Trương Phương nói với ông rằng sẽ lái xe đưa ông đến đồn công an, nhưng khi ông Tả lên xe công an, Trương đã lái xe thẳng đến Trại lao động Cao Dương, nơi ông đã bị kết án lao động cưỡng bức.

Vợ ông Tả, không thấy ông trở về, đã đến gặp ông Kháng để hỏi chồng bà ở đâu. Ông Kháng gọi điện thoại và biết rằng ông Tả đã bị đưa đến trại lao động. Hôm sau ông Kháng và vợ ông Tả đã đến đội an ninh để đòi trả tự do cho ông Tả. Ông Kháng nói với nhân viên công an, Ngụy Kim Khôi một cách giận giữ: “Tại sao anh lại lừa dối tôi và làm tôi lừa dối người khác? Thật đáng xấu hổ! Từ nay trở đi, làm sao người dân trong thôn tin tưởng vào tôi nữa?” Ngụy nói: “Đây không phải lừa dối, mà là chiến thuật. Ông không làm gì sai trái cả. Ông chỉ là người đưa tin thôi. Ông cũng nên đứng về phía ĐCSTQ.” Chỉ tay vào mặt vợ ông Tả, Ngụy nói: “Từ giờ bà đừng đi gặp ông Kháng nữa.”

Chúng tôi không lục soát mà chỉ xem xét nhà”

Vào tháng 11 năm 2000, cô Lưu Huy, một cô giáo dạy Hán ngữ tại Trường tiểu học đường Kim Cầm, quận Kim Ngưu, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đang dạy trong lớp thì hiệu trưởng và một nhân viên công an đã đưa cô đến đồn công an địa phương với chiêu bài là họ có điều muốn hỏi cô. Phùng, đội trưởng Đội số 1 của Cục Công an thành phố Thành Đô, đã tố cáo cô “cố tình lật đổ chính quyền”, rồi còng tay và giam giữ cô tại đồn công an trong ba ngày. Họ đưa hơn mười người đến để lục soát nhà cô, nói rằng: “Chúng tôi không lục soát nhà cô; chúng tôi chỉ xem xét.”

“Chúng tôi không đánh, mà chỉ dạy các quy định”

Sau đây là lời tường thuật về sự tra tấn mà một học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng khi bà bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Kiều Trang, thuộc quận Thông Châu, Bắc Kinh.

Sáng hôm sau, họ dạy bà các quy định. 1. Tư thế bay: Cúi đầu xuống bàn chân, dựa sát vào tường với hai cánh tay đưa ngược cao lên sát vào tường; 2. Tư thế quỳ: Hai chân nửa quỳ, với hai tay giữ thăng bằng song song trước mặt; 3. Đánh đập: Nạn nhân bị đánh vào mông bằng đế giày nhựa, ít nhất mười cái mỗi lần. Ở trong tù, tôi không được phép cười nói. Hằng ngày tôi bị bắt phải học thuộc các quy định và kỷ luật trong tù mà có đến hơn 100 điều. Một lỗi nhỏ khi đọc những điều luật này đều bị trừng phạt, từ tư thế bay cho đến bị đánh đập tàn nhẫn. Sau khi đánh tôi xong, họ nói: “Chúng tôi có đầy quy định khiến bà phải đau đớn. Nếu có ai hỏi bà thì bà đừng có nói bà bị đánh ở đây. Thật ra, chúng tôi không đánh bà, mà chỉ dạy bà các quy định.”

“Đây không phải là tra tấn thể xác, mà làm tâm trí các người mệt mỏi thôi”

Ở Đội số 3 của Trại lao động Tân An, Bắc Kinh, các học viên bị tra tấn bằng cách bắt chạy trong một thời gian rất lâu, cấm ngủ và bắt đứng hay ngồi xổm rất lâu. Lính canh Tiêu Học Tiên tuyên bố: “Đây không phải là tra tấn thể xác, mà làm tâm trí các người mệt mỏi thôi. Bằng cách làm các người kiệt sức, đầu óc các người sẽ hoàn toàn tỉnh táo và không suy nghĩ vớ vẫn nữa.”

“Đây không phải là đánh đập mà là một biện pháp độc đáo”

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2006, bảy học viên Pháp Luân Công đã bị bắt bởi một nhóm công an, dẫn đầu là Hà Hiểu Phái, phó trưởng Đội An ninh Nội địa của quận Hồng Tháp, thành phố Ngọc Khuê, tỉnh Vân Nam, và một nhân viên công an, Chu Gia Dũng. Các học viên bị giam giữ tại một đồn công an ở quận Hồng Tháp. Học viên ông Lưu Thụ Hoa đã phản đối việc bắt giữ, thì Hà Hiểu Phái chửi mắng ông, siết cổ ông bằng một cánh tay, bẻ tay ông ra sau lưng và đè ông xuống đất. Các học viên khác phản đối: “Anh không được đối xử với ông ấy như thế!”, nhưng công an Hà đã đánh mẹ của ông Lưu và ra lệnh cho các công an khác còng tay ông Lưu vào lan can hành lang với hai tay ở sau lưng. Ông Lưu nói với Chu: “Tôi sẽ kiện anh vì đã đánh tôi.” Chu trả lời: “Đây không phải là đánh đập; đây là một biện pháp độc đáo.”

“Đây không phải là bức hại mà là giết hại”

Ông Lương Bảo Phàm, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt vào ngày 14 tháng 11 năm 2005 và sau đó bị đưa đến trại Lao động Cửu Đài tỉnh Cát Lâm. Một ngày, lính canh Vu Minh Châu đã đấm rất mạnh vào mặt ông Lương và ông té ngửa ra sau vì bị đấm quá nặng, trong khi một lính canh khác, Lý Khắc Lâm, dùng bàn tay chặt mạnh vào cổ ông. Ông Lương bất tỉnh ngay lập tức. Khi tỉnh lại, ông lại bị đánh đập tàn nhẫn. Lính canh Phùng Vĩ tuyên bố: “Đây không phải là bức hại mà là giết hại. Nếu ông bị giết chết thì chúng tôi chỉ cần điền đơn báo tử là xong. Chúng tôi có chỉ tiêu tử vong của học viên Pháp Luân Công và tất cả những cái chết như vậy sẽ được tính là tự sát. Gia đình ông sẽ được báo tử sau khi ông bị hoả táng.”

“Chúng tôi không đánh ông, mà giáo dục”

Tại nhà tù Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, ông Lâm Thành Lai, cựu giảng viên Trường Đại học Tập Mỹ ở thành phố Hạ Môn, đã phản đối việc ngược đãi ông khi ông bị một nhóm lính canh đè xuống đất và đánh đập. Giám đốc chính trị của nhà tù, Hồng Kiến Quân tuyên bố: “Chúng tôi không đánh ông, mà giáo dục ông thôi. Hiểu chưa?”

“Đây không phải là đánh mà là vỗ”

Bà Nghiêm Anh là một học viên Pháp Luân Công bị tàn tật ở Nông trường Linh Vũ, thành phố Linh Vũ, tỉnh Ninh Hạ. Bà bị bệnh bại liệt khi bà một tuổi, căn bệnh đã gây cho bà nhiều di chứng như là teo cơ ở chân phải của bà, liệt thần kinh và tay chân của bà bị lạnh cóng. Thậm chí chỉ bước một bước cũng gây đau đớn khôn cùng cho bà. Bà bị kết án một năm lao động cưỡng bức vào tháng 10 năm 2001 tại Trại lao động nữ tỉnh Ninh Hạ. Bà bị bắt phải đứng bằng chân không trên nền gạch lạnh cóng. Hai chân bà bị sưng phù tồi tệ đến nỗi bà không mang giày được. Chân phải tật nguyền của bà trở nên hoàn toàn tê cóng lại. Với tất cả trọng lượng dồn lên chân trái, nên chân trái của bà sưng phù lên và rất đau đớn. Bà bị đánh bất cứ khi nào chợp mắt. Các tù nhân Đới Hiệu Lỵ và Trầm Hồng thay phiên nhau tra tấn bà. Họ đánh một cách tàn nhẫn lên đầu và vai bà, và tuyên bố: “Đây không phải là đánh mà là vỗ.”

Gọi đánh đập là vỗ không phải phát minh của các tù nhân. Vào tháng 11 năm 2002, ĐCSTQ đã lập ra một nhóm công an phi pháp thành cái gọi là “Nhóm Cải tạo các học viên Pháp Luân Công”. Nhóm này đi khắp Trung Quốc để hướng dẫn nhà tù và trại lao động những kỹ thuật mà họ đã sử dụng để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Khi đến Trại Lao động nữ tỉnh Ninh Hạ, họ đã dạy những kỹ thuật “vỗ” này cho các lính canh ở đó.

“Đây không phải ngược đãi thể xác mà là hành vi hợp pháp”

ĐCSTQ thường diễn tả cuộc đàn áp Pháp Luân Công của họ là hợp pháp. Dương Minh Sơn, giám đốc Nhà tù nữ số 2 tỉnh Vân Nam, chắc chắn sẽ đứng đầu trong danh sách quỷ quyệt đó.

Nhà tù này nằm trong diện ‘Tù nhân phải triệt để áp dụng Kỷ luật cấp độ A. Thật vậy, điều đó được nói trong điều 7, mục 6, chương 2 rằng: “Tất cả các học viên Pháp Luân Công từ chối nhận tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.” Khi người nhà của một số học viên Pháp Luân Công chỉ ra rằng những lời phát biểu như thế dứt khoát sẽ gây ra vi phạm luật pháp, thì Dương nói với họ: “Các quy định này theo đúng với mệnh lệnh của Phòng 610. Là giám đốc nhà tù, tôi có quyền ra quy định cho nhà tù này. Chúng tôi không nói rằng người có tín ngưỡng Pháp Luân Công là những tội phạm vì đó là sự phán quyết của toà án. Tất cả những người ở đây là toà án đưa đến, và họ phải tuân theo những quy định trong tù.” Sau đó gia đình của người học viên chỉ rõ rằng nhà tù là đang vi phạm pháp luật vì bắt buộc các học viên ngồi im trên một cái ghế nhỏ 15 tiếng mỗi ngày. Dương nói: “Cần phải nói thêm nữa khi nói việc bắt các học viên ngồi trên một cái ghế là một hình thức tra tấn. Ông định nghĩa thế nào là tra tấn? Ông có bằng chứng tra tấn không? Tôi chịu trách nhiệm pháp lý về những điều tôi làm ở đây. Nếu ông muốn kháng cáo lại tôi, ông có thể lên các cấp chính quyền cao hơn.”

Ngoài ra, Dương cũng lý luận rằng nhà tù có quyền hợp pháp để bắt các học viên tiêm thuốc hay uống những thứ thuốc gây rối loạn thần kinh.

Theo Dương, tất cả những người bị kết án là những tội phạm, nhưng không có chuyện toà án kết án sai sao? Vấn đề Pháp Luân Công chính là một vấn đề về tín ngưỡng cá nhân. Cưỡng bức người ta từ bỏ tín ngưỡng của mình bằng cách buộc họ phải ngồi trên một cái ghế nhỏ trong một thời gian dài là hoàn toàn vi phạm pháp luật và là sự tẩy não dưới sự ngụy trang của cái gọi là “cải tạo”. Cái cớ của Dương sẽ không thay đổi bản tính tà ác trong các hành động của ông ta. Là giám đốc một nhà tù của ĐCSTQ, những lời nói và hành vi của Dương đều thể hiện các thủ đoạn của ĐCSTQ nhằm bào chữa cho những vi phạm pháp luật trong việc thực thi pháp luật của họ.

“Ở Trung Quốc, đây không phải là trộm cướp”

Vào tháng 02 năm 2002, một học viên Pháp Luân Công người Mỹ, bà Lý Xuân Tuyền, đang đi trong một đường hầm ở Quảng trường Thiên An Môn, thì bị các công an mặc thường phục đè xuống đất và đánh đập. Mặt bà bị thương vì kính bị vỡ. Công an đã giẫm lên cổ bà, làm bà gần ngạt thở. Sau đó bà bị mấy tên công an kéo lên và đá bà. Công an còn dùng khăn quàng cổ của bà để bịt miệng làm bà ngạt thở. Sau đó, họ nhét chiếc khăn quàng cổ vào miệng bà.

Công an đã tịch thu những tài sản cá nhân của bà và bắt cóc hai học viên Pháp Luân Công người Mỹ khác. Bà Lý hỏi công an liệu họ có biết rằng họ đang phạm tội trộm cướp vì lấy tài sản cá nhân của bà không, và công an đã trả lời: “Ở Trung Quốc, đây không phải là trộm cướp.”

Trộm cướp chắc chắn là hành động bị lên án trên toàn thế giới, nhưng công an Trung Quốc lại có lời giải thích riêng của họ một cách rất bình thường như vậy: “Ở Trung Quốc, đây không phải là trộm cướp!” Tại sao ở Trung Quốc không xem đó là trộm cướp? Đây có thể là do các giá trị đã bị bóp méo, nhưng ở Trung Quốc thì còn hơn thế. Ở Trung Quốc, tất cả những hành động phi pháp đều được phép khi liên quan đến Pháp Luân Công. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng tốt và xấu đều bị đảo ngược trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Ngày nay, ngày càng nhiều người nhận thức được về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ và những thủ đoạn bỉ ổi được dùng trong bức hại. Những gì mà bài viết này đề cập đến chỉ là những điều thông thường nhất đang được những kẻ bợ đỡ của ĐCSTQ sử dụng. Những người đi theo ĐCSTQ, đã tự phơi bày sự tráo trở của chính họ. Chắc chắn rằng tất cả những hành động tà ác của ĐCSTQ sẽ bị vạch trần trước thế giới.

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/12/7/136561.html

Đăng ngày 08-09-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share