Bài viết của Nhất Nặc
[MINH HUỆ 16-10-2012] Vào năm 2004, học viên Pháp Luân Công, ông Tào Ngọc Cường ở Phổ Lan Điếm, tỉnh Liêu Ninh, đã bị công an đánh chết. Sau khi trang web Minh Huệ báo cáo tin tức này, một học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại đã gọi điện thoại cho Cục Công an ở Phổ Lan Điếm để xác nhận về [trường hợp] tử vong này. Người trả lời điện thoại đã nói: “Đáng đời ông ta.”
Thật không thể tưởng tượng được một người có thể bừa bãi phát biểu như vậy sau khi một người đàn ông đã bị giết. Bất cứ ai, đặc biệt là công an, đều biết rằng các học viên Pháp Luân Công không bao giờ đánh trả hay dùng lời chửi mắng. Tại sao những nhân viên công an lại có thể quá lạnh lùng mà không cảm thấy tội lỗi. Tại sao một nhân viên công an cảm thấy rằng hành động của anh ta là đúng và không hề sợ hãi sau khi giết chết một con người?
Bất hạnh thay, đây không phải là một trường hợp cá biệt khi chúng ta đọc những báo cáo trên Minh Huệ. Lời phát biểu rằng các học viên Pháp Luân Công bị chết vì tra tấn là “đáng đời” cũng giống như một cơn bệnh dịch lây truyền trong công an Trung Quốc. Dưới đây là những phát biểu từ các quan chức về vấn đề này.
Tân Hà Xung, Phó Cục trưởng Cục Công an ở Thư Lan, Cát Lâm đã nói với bà Tống Băng, người đã bị tra tấn đến chết rằng: “Nếu bà chết vì đánh đập thì đáng đời bà! Thậm chí điều đó không khiến tôi bớt ghét bà!”
Tịch Mẫn, một lính canh tại Trung tâm Tẩy não Lũng Bình ở Toại Ninh, Tứ Xuyên, đã chửi mắng các học viên tuyệt thực để phản đối việc cầm tù phi pháp. Anh ta nói: “Tôi đã bảo các người đừng tu luyện nữa, nhưng các người vẫn tiếp tục. Đáng đời nếu các người bị chết vì đói. Lò hỏa thiêu rất gần đây, tôi sẽ kéo xác các người tới đó khi các người chết.”
Lý Tĩnh, một lính canh tại Trại lao động cưỡng bức Hà Loan ở Vũ Hán đã ra lệnh bức thực các học viên bằng ớt bột. Ông ta nói: “Đáng đời nếu chúng không chịu nổi. Nếu chúng chết vì tra tấn cũng không có vấn đề gì.”
Thành phố Chương Khâu, tỉnh Sơn Đông, đồn phó Đồn Công an Gia Hương tại huyện Minh Thủy đã nói với một học viên: “Mày có chết cũng đáng đời. Nếu mày chết thì bớt đi một học viên Pháp Luân Công.”
Một lính canh tại Trung tâm tẩy não Tĩnh Khẩu ở quận Sa Bình Bá, thành phố Trùng Khánh, đã nói về bà Từ Vân Phượng, người sau này đã chết vì tra tấn: “Đáng đời nếu bà ta chết trong khi bị bức thực. Đó là lỗi của bà ta vì đã không bỏ tu luyện. Trung Quốc còn đông người lắm…”
Công an Trung Quốc dùng câu nói “đáng đời chúng” như là một lời bào chữa cho họ khi tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công. Ngoài sự vô lương tâm, câu nói “đáng đời” cho thấy rõ ràng rằng những công an này thù ghét các học viên Pháp Luân Công. Họ thù ghét các học viên đến nỗi đã không nghỉ tay cho đến khi đã giết chết các học viên. Các học viên bị tra tấn và thậm chí bị giết hại vì họ bị thù ghét. Nhưng các học viên chỉ là một nhóm người tốt, những người theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống. Tại sao lại có người thù ghét những người tốt này? Sự thù ghét này đến từ những tuyên truyền phỉ báng của chế độ Trung Quốc, đã dàn dựng nên những điều mà các học viên Pháp Luân Công không bao giờ làm và kích động thù hận đối với họ từ người dân Trung Quốc.
Vào những ngày đầu cuộc bức hại, chế độ Trung Quốc đã huy động tất cả hệ thống tuyên truyền nhà nước để bẻ cong sự thật và phỉ báng các học viên Pháp Luân Công. Các phương tiện truyền thông đã dựng nên “1.400 trường hợp tử vong” về những người mà được xem là đã chết vì tu luyện, tự tử, giết hại người khác, hay trở nên điên loạn. Chế độ Trung Quốc làm bất cứ điều gì mà họ có thể làm được bằng quyền lực của mình để phỉ báng các học viên và kích động thù hận của dân chúng đối với họ. Một bộ phim tài liệu được đài truyền hình Vũ Hán dựng nên để phỉ báng Pháp Luân Công và người sáng lập đã được Giang Trạch Dân dùng để ép buộc các lãnh đạo đứng đầu trong Bộ Chính trị phải đồng ý với quyết định của ông ta nhằm bức hại Pháp Luân Công. Bộ phim cũng được dùng là cơ sở để tẩy não và tra tấn các học viên trong các nhà tù. Nhiều cảnh sát đã có ác cảm đối với Pháp Luân Công sau khi xem bộ phim tài liệu này. Khi Giang Trạch Dân nhận ra rằng hầu hết các học viên Pháp Luân Công đều không chịu từ bỏ tín ngưỡng của họ dưới sự áp bức, ông ta đã gia tăng cường độ bức hại. Ông ta muốn “hủy hoại thân thể các học viên Pháp Luân Công”. Ông ta đã dàn dựng “vụ tự thiêu Thiên An Môn” và những tin tức giả tạo như “các học viên Pháp Luân Công bị điên loạn và giết người vô tội” để phỉ báng các học viên.
Một phóng viên đã phỏng vấn một trưởng đại diện của chế độ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc sau này, Sa Tổ Khang, và hỏi ông ta rằng tại sao các học viên Pháp Luân Công bị nhốt tại các bệnh viện tâm thần và bị tiêm những loại thuốc gây hại đến hệ thần kinh. Sa trả lời một cách rất thản nhiên: “Đáng đời họ.” Bạc Hy Lai, khi còn là Thị trưởng tỉnh Liêu Ninh, đã trắng trợn ra lệnh cho Cục trưởng Cục Công an Đại Liên: “Hãy nhìn những học viên Pháp Luân Công này. Họ rất đoàn kết và có khả năng. Chúng ta sẽ bị rắc rối nếu họ không bị bắt và trừng trị. Cứ đánh họ đi, nếu họ chết, đáng đời họ. Chính phủ chịu trách nhiệm.” Lối lý luận rằng “đáng đời” các học viên này không chỉ xuất phát từ tuyên truyền kích động thù hận, mà còn đến từ các lãnh đạo Trung Quốc “dẫn đầu làm gương”.
Lý luận vô lý này không bắt nguồn từ cuộc bức hại Pháp Luân Công; nó có một căn nguyên sâu xa bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nó đến từ thời Mao Trạch Đông, người đã đem đến vô số thảm họa cho đất nước Trung Quốc. Mao có lần nói: “Thậm chí khi chúng ta đánh người, chúng ta cần tiến hành một cuộc phân tích. Khi một người tốt đánh một người xấu, người xấu đáng bị như thế. Khi một người xấu đánh một người tốt, người tốt phải tự hào. Khi một người tốt đánh một người tốt, chắc chắn có sự hiểu lầm.” Cách lý luận “đáng đời” của Mao Trạch Đông đã được Hồng quân sử dụng rộng rãi, vì thế bạo lực và máu đã nhanh chóng lan tràn khắp Trung Quốc. Giang Trạch Dân không những chỉ kế thừa cách lý luận vô lý này, mà còn bổ sung cho nó. Ông ta đã thêm một câu nói tà ác nhất vào nó “hủy hoại thân thể” và “đánh chết được tính là tự sát.”
Một người bình thường có lý trí và tình cảm. Khi thanh tỉnh, anh ta có thể hối hận về những sai lầm mà anh ta đã làm. Cái lý luận “đáng đời” đã làm tê liệt lương tâm của những kẻ thủ phạm. Cả Mao Trạch Đông và Giang Trạch Dân đều đã sử dụng nó một cách thành công để phát động những phong trào quy mô lớn mà đã kéo người dân Trung Quốc vào những thảm họa khủng khiếp.
Cách lý luận này của ĐCSTQ cho phép nó làm mà không cần nghĩ đến lương tâm, đạo đức, và cho phép nó lạm dụng luật pháp. Đây là cách lý luận của đám côn đồ. Điều này giải thích một cách rõ ràng mỗi phần của toàn bộ tuyên truyền ĐCSTQ đã được dựng nên để che đậy chính sách bạo lực của mình và dọn đường cho việc tiêu diệt bất cứ sự đối kháng nào.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/11/16/136337.html
Đăng ngày 08-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.