[MINH HUỆ 05-07-2013] Ngày 27 tháng 06 năm 2013, Phương Tân Hưng, Hiệu trưởng trường Đại học Bưu chính và Viễn thông Bắc Kinh tuyên bố từ chức vì “lý do sức khỏe” tại lễ tốt nghiệp. Việc từ chức của ông ta khiến người dân trên khắp Trung Quốc vui mừng.
Những người dùng Internet Trung Quốc đáp lại bằng: “Thiện ác hữu báo, thiên công đại đạo”, và hai câu thơ: “Bán sinh doanh đắc thiên phu chỉ, Nhất thế tu lai phẩn thổ danh” (Nửa đời bị hàng nghìn người quở trách, khi chết mang tiếng xấu một đời). Tựa đề bài thơ là “Không uổng chuyến này”.
Phương Tân Hưng, đích nhắm của những lời chỉ trích công khai
Vào tháng 05 năm 2011, các sinh viên đã ném trứng và giầy vào Phương trong bài diễn văn ở Đại họcVũ Hán. Phương đã gửi một thông điệp chúc mừng năm mới đến những người dùng Internet Trung Quốc, kết quả là đã nhận lại được 250.000 tin nhắn mang nội dung “Cút xéo” trong vòng 02 ngày.
Tại sao Phương Tân Hưng là mục tiêu của sự chỉ trích công khai như vậy? Trong nhiều năm, Trung Quốc bị các tổ chức quốc tế xếp hạng như một “kẻ thù chung của Internet”. Phương (với biệt danh “cha đẻ của Tường lửa Trường thành”) đã đóng vai trò chính trong việc thiết lập hệ thống kiểm duyệt Internet bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông ta là kẻ tiên phong trong cuộc chiến tranh mạng của ĐCSTQ nhằm phá hoại sự thật và tự do ngôn luận, và không tiếc công sức “trợ Trụ vi ngược” nhằm đạt được mục tiêu kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Lịch sử của Tường lửa Trường thành tại Trung Quốc
ĐCSTQ đã duy trì chế độ độc tài của nó bằng lừa dối và bạo lực. Khi thế giới bước vào thời đại thông tin và với sự ra đời của Internet, ĐCSTQ đã sử dụng một lượng lớn công quỹ đáng kể để phát triển dự án Tường lửa Trường thành.
Dự án khởi động năm 1998, với nỗ lực ngăn chặn luồng thông tin và tự do ngôn luận của người Trung Quốc. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 07 năm 1999, sự phong tỏa ngăn chặn sự thật về Pháp Luân Công và công tác kiểm duyệt đã tăng cường cao độ chưa từng thấy.
Vào ngày 20 tháng 07 năm 1999, Giang Trạch Dân, nguyên Tổng bí thư của ĐCSTQ, đã sử dụng toàn bộ phương tiện truyền thông nhà nước thực hiện cuộc bức hại tàn bạo đối với hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bằng chính sách: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”.
ĐCSTQ đã khống chế hơn 3.000 đầu báo và tạp chí của Trung Quốc cùng với hàng trăm kênh truyền hình và đài phát thanh để phát động một chiến dịch lừa dối nhằm phỉ báng Pháp Luân Công phô thiên cái địa chưa từng có trên toàn thế giới, gán nhãn cho môn tu luyện là “tà giáo”. Truyền thông toàn cầu tràn ngập những lời lừa dối chống lại Pháp Luân Công trong một giai đoạn thời gian, đồng thời ĐCSTQ cũng siết chặt gọng kìm phong tỏa luồng thông tin sự thật, chân thực từ thế giới bên ngoài.
Vào tháng 12 năm 1999, Hội đồng nhà nước của ĐCSTQ đã thành lập Ban lãnh đạo về công tác thông tin quốc gia, do Phó Chủ tịch nhà nước Ngô Bang Quốc đứng đầu. Ngay sau đó, Phương được chuyển từ Học viện kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân đến làm việc ở cơ quan nòng cốt – Trung tâm phối hợp nhóm kỹ thuật ứng đối khẩn cấp mạng lưới máy tính quốc gia của Trung Quốc. Một năm sau, ông ta trở thành kỹ sư trưởng của Trung tâm, sau đó trở thành giám đốc vào năm 2002.
Vào tháng 05 năm 2000, Trung quốc bắt đầu sử dụng hệ thống lọc/kiểm soát thông tin quốc gia, trọng điểm là Hệ thống Quản lý An ninh Thông tin Quốc gia – thường được gọi là Tường lửa Trường thành.
Tường lửa Trường thành sẽ kiểm soát, phân tích và lọc luồng thông tin trong và ngoài nước, các website mục tiêu và thông tin của họ, theo dõi và ngăn chặn các địa chỉ Internet (IP) không được chấp thuận và chặn các thông điệp đối lập trên Internet.
Những người tham gia
Chức năng của Tường lửa Trường thành được quyết định bởi các yêu cầu và chỉ thị từ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Bộ An ninh Quốc gia và Phòng 610. Tường lửa Trường thành được xem như “Dự án quốc phòng nhà nước” dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị ĐCSTQ; Giang Trạch Dân, Lý Lam Thanh và Ngô Bang Quốc chú ý sát sao đến dự án này.
Phương trực tiếp xây dụng và quản lý Tường lửa Trường thành. Ông ta là kỹ sư trưởng và phối hợp những nỗ lực của các viện nghiên cứu khác nhau và các nhà cung ứng bao gồm: Phòng thí nghiệm An ninh thông tin tại Học viện kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Học viên kỹ thuật máy tính/Học viện phần mềm/Học viện Vật lý cao năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học kỹ thuật quân sự, Trụ sở thứ ba Bộ tổng tham mưu của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA), Văn phòng thứ 9 Bộ An ninh quốc gia, Đại học bưu chính và viễn thông Bắc Kinh, Đại học khoa học kỹ thuật điện tử Tây An, Đại học giao thông Thượng Hải, Đại học Giao thông Bắc Kinh, Học viện khoa học và kỹ thuật điện tử Bắc Kinh, Học viện kỹ thuật điện tử quân đội giải phóng nhân dân, Đơn vị 13 của Bộ công nghiệp và kỹ thuật thông tin của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đơn vị 56 của Bộ tổng tham mưu quân đội giải phóng nhân dân, và gần như tất cả các đại học chính tại Trung Quốc.
Các cơ quan tham gia trong việc phát triển Tường lửa Trường thành nhận được thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật từ các công ty kỹ thuật lớn bao gồm: Cisco Systems Inc, Nortel Networks Corporation, và Huawei Technologies Co. Ltd.
Chi phí
Theo CCTV (Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc) báo cáo, chi phí cho giai đoạn đầu của chương trình “Lá chắn vàng” đã tăng lên hơn một tỷ đô la vào cuối năm 2002.
Về nhân lực, bên ngoài ước tính cho rằng ĐCSTQ đã sử dụng trên 300.000 nhân viên cho sự phát triển và hoạt động của hệ thống kiểm soát mạng khắt khe nhất và lớn nhất trên thế giới này.
Chặn những thông tin gì?
Theo báo cáo nghiên cứu năm 2005 của giáo sư John Palfrey của Đại học Harvard, chế độ Trung Cộng đã chặn: 10% trong số tất cả (cái gọi là) các website “văn hóa đồi trụy”, gần 50% thông tin có thể tìm kiếm về cuộc biểu tỉnh [của học sinh sinh viên yêu nước] tại quảng trường Thiên An Môn ngày 04 tháng 06 năm 1989, 60% thông tin trực tuyến liên quan đến các bên chính trị đối lập, 90% thông tin về Cửu bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản), và 100% tất cả thông tin báo cáo tích cực về Pháp Luân Công. Nghiên cứu bởi các chuyên gia từ Khoa Khoa học và công nghệ máy tính tại Đại học bang Michigan đưa ra giả thuyết rằng phần mềm lọc gây tranh cãi được biết đến như “Green Dam”, đã cài đặt sẵn trong tất cả các máy tính bán tại Trung Quốc từ năm 2009, được thiết lập để lọc và chặn thông tin về Pháp Luân Công.
Hệ thống lọc thông tin Tường lửa Trường thành nhắm tới nhiều công cụ tìm kiếm ở hải ngoại, các dịch vụ blog miễn phí, các diễn đàn cộng đồng phổ biến của Trung Quốc, các hệ thống quản lý bộ lưu trữ ảo (VSM), các dịch vụ phim/ảnh, các website của đài phát thanh tiếng Trung Quốc, các máy chủ miễn phí hoặc cụm máy chủ, các máy chủ proxy hoặc các website có thể đột phá kiểm duyệt, các trang chủ của các cổng vào nổi tiếng, cũng như các website về kỹ thuật, mua sắm, từ thiện, tôn giáo và nhân quyền.
Tường lửa Trường thành trở thành “kỳ quan” lớn nhất trong thế giới ảo với việc khóa số lượng cư dân mạng lớn nhất trên hành tinh này bên trong bức tường của nó, đồng thời chặn các website mang sự thật ở bên ngoài. Nó hoạt động giống như một hacker – chặn, can thiệp và khóa các giao tiếp bình thường của người dùng Internet, và tự ý cắt bỏ liên lạc của người Trung Quốc với thế giới tự do, cưỡng bức họ sống trong một trang web chứa những điều dối trá được nhào nặn bởi chế độ Trung Cộng.
Phương đã mất quyền kiểm soát chương trình kiểm duyệt Internet Trung Quốc vào tháng 04 năm 2012 do dính líu đến kế hoạch đảo chính của Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, và bị điều tra bởi Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ. Do lo sợ bị lộ việc mổ cướp nội tạng sống trên diện rộng các học viên Pháp Luân Công và làn sóng thoái Đảng, những người kế nhiệm của Phương đã sử dụng tài lực và nhân lực để tiếp tục tăng cường sự kiểm duyệt luồng thông tin và tấn công các website hải ngoại.
Bất chấp Tường lửa trường thành, các phương pháp đột phá tăng nhanh
Truy cập thông qua Freegate
Hạ Bí Nhĩ thuộc Tổ chức tự do Internet toàn cầu nói: “Khoảng 1/3 tổng dân số Trung Quốc là người dùng Internet, vì vậy chúng tôi nhận thấy ý thức trách nhiệm rất lớn. Chúng tôi phải đột phá tường lửa của Trung Cộng để mang sự thật đến với người dân. Đây là sứ mệnh của chúng tôi.”
Trong cuộc chiến đấu kéo dài 14 năm giữa bên kiểm duyệt và phái đối lập của nó, các chuyên gia kỹ thuật chống phong tỏa hải ngoại đã thành lập “Tổ chức tự do Internet toàn cầu”. Họ phát triển một mạng động và các công cụ chống kiểm duyệt như Ultrasurf, Garden, Gpass và Firephoenix. Các công cụ này hiện nay được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc, với hàng trăm nghìn công dân mạng Trung Quốc đột phá sự kiểm duyệt của Trung Cộng hàng ngày để truy cập các website hải ngoại nhằm tìm kiếm thông tin chân thực.
Nhiều người kinh ngạc trước việc các học viên Pháp Luân Công đã chiếm quyền kiểm soát trong cuộc chiến tranh mạng chống lại kiểm duyệt của Trung Cộng, nhận ra sự khác biệt rất to lớn về nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, họ đã làm được điều đó.
Nhiều người dùng Internet bên trong Trung Quốc bày tỏ lòng biết ơn của mình và tôn trọng những người có tinh thần tự do mà cả thập kỷ dũng cảm và những nỗ lực của họ đã mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc. Chẳng hạn có những câu trích dẫn như: “Ai đại diện cho công lý, ai đại diện cho tà ác? Hãy để chúng tôi tự nhận diện trong một thế giới mạng tự do.” “Vàng thì có giá trị, còn sự thật thì vô giá trị. Người Trung Quốc đến nay đã có hi vọng.” “Những người anh hùng vô danh, toàn bộ người dân Trung Quốc với ý thức về công lý và lương tâm nhiệt liệt cổ vũ các bạn!”
Nhà nghiên cứu lỗi lạc Michael Horowitz từ nhóm chuyên gia cố vấn của Viện Hudson Hoa Kỳ phát biểu rằng các học viên, bất chấp an toàn của cá nhân, và bằng tài năng và trí tuệ lạ thường, đã đánh bại tường lửa Internet của Trung Cộng được dựng lên với chi phí hàng tỷ đô la. Họ mang những thông điệp tự do và hòa bình cho thế giới, mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Các học viên Pháp Luân Công sẽ xuất hiện trong chương đầu của trang lịch sử này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/7/5/突破中共网络封锁-给网民带来自由真实的信息-276270.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/18/141114.html
Đăng ngày 04-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.