Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-04-2013] Trong hơn 13 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thi hành một cuộc bức hại vô lý lên các học viên Pháp Luân Công vô tội. Nhiều học viên đã bị tra tấn đến tàn phế, tinh thần suy sụp, hay qua đời vì cuộc bức hại tàn bạo này. Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia là một trong những nơi bức hại khét tiếng nhất ở Trung Quốc. Dưới đây là lời tường thuật của tôi về những gì tôi đã nghe và chứng kiến trong suốt hai năm bị giam tại đây.

Các viên chức tại trại đã phát động một đợt bức hại điên cuồng khác vào tháng 11 năm 2010 và sử dụng nhiều phương pháp tra tấn lên các học viên.

Một học viên 63 tuổi ở thành phố Bản Khê bị buộc phải quỳ trên sàn gạch trong thời gian dài khiến hai bàn chân bà trở nên tê liệt. Đội trưởng Trương Quân đã đến và đá mạnh vào chân bà. Thạch Vũ là trưởng trại lao động ở thời điểm đó, cùng với một nam đội trưởng, và nhiều người trẻ tuổi đã liên tục ra vào các phòng nơi các học viên bị giam cầm mỗi ngày, ngược đãi và tra tấn họ. Nữ học viên Vu Kiệt bị tra tấn bằng hình thức “kéo căng”. Hai tay bà bị còng, và khi Trương Quân hét lên: “Kéo căng”, các lính canh sẽ kéo hai còng tay sang hai bên, đến khi bà bị treo lơ lửng trên không và bất tỉnh vì đau đớn.

Đội số 3

Các học viên Pháp Luân Công đã bị giam cầm tại Đội số 3 của Mã Tam Gia vào năm 2009. Đội số 3 nằm trên tầng ba của khu ký túc xá. Tầng một và tầng hai được dùng để giam các tù nhân hình sự. Tại thời điểm đó, khoảng 180 học viên Pháp Luân Công bị giam ở đó. Có một số đội thuộc Khu số 3. Ở bên cánh trái phía tây tầng ba được gọi là “Tây Cương” và ở bên phải phía đông được gọi là “Đông Cương” [khu được dùng để bức hại các học viên Pháp Luân Công]. Đối diện cầu thang là một phòng hình tam giác. Dọc hành lang “Tây Cương” là khu ký túc xá, mỗi phòng giam khoảng 20 người. Có nhiều khăn trải giường được trải gọn gàng và nệm trên mỗi giường, nhưng chúng chỉ để trưng bày, không được dùng. Chúng tôi phải mua chăn để dùng, và mỗi sáng sau khi thức dậy, chúng tôi phải gấp chăn vào một cái túi, sau đó nó được chuyển đến một nhà kho ở “Đông Cương” và được mang trở lại vào buổi tối.

Đi qua một cánh cửa sắt đến “Đông Cương”, có nhiều phòng ở mỗi bên hành lang, nhưng toàn bộ cửa sổ đều bị dán giấy. Đây là nơi các lính canh, các trưởng khu và các đội trưởng tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Đây là một nơi kinh hoàng đến mức các đội trưởng thường dùng từ “Đông Cương” để đe dọa các học viên.

Căn phòng hình tam giác là nơi lính canh tra tấn các học viên bằng hình thức treo họ lên trên không. Khoảng 1,5 mét ở bên phải cánh cửa là một bồn chứa nước bằng kim loại, có diện tích 2,5 mét x 02 mét; có một cầu thang bằng sắt được hàn lên mặt bồn chứa. Căn phòng có nền và trần bê tông cao khoảng 3-4 mét. Nếu một người bị còng vào các bậc thang phía trên, nạn nhân khó có thể chạm đất bằng các đầu ngón chân; nếu bị còng vào các bậc ở giữa, nạn nhân phải gập cong lưng; nếu họ bị còng vào các bậc phía dưới, nạn nhân phải nằm áp bụng trên sàn bê tông. Có hai khung sắt lớn ở mỗi bên phòng, và nó rất lạnh. Học viên Trương Quý Bình đã bị còng vào khung sắt trong khi một đội trưởng lấy dấu tay của bà.

Hạn chế thời gian vệ sinh cá nhân

Ở Khu số 3, những người bị giam phải thức dậy từ 5 giờ 20 sáng và chỉ có năm phút để rửa mặt và đánh răng. Họ được cho tám phút để rửa ráy vào buổi tối. Vào sáng thứ Bảy, họ được nhiều nhất là 15 phút để giặt quần áo và gội đầu. Để tiết kiệm thời gian, các học viên thường cho dầu gội đầu lên tóc trước, rồi khi họ đến phòng tắm, họ sẽ nhanh chóng gội đầu và vội vàng giặt quần áo.

Nước thường đóng băng vào mùa đông. Người bị giam chỉ được tắm hai lần một năm, một lần trước Tết Nguyên đán và một lần vào mùa hè. Thời gian tối đa là 20 phút. Mỗi người phải đi vệ sinh chung, không ai được dùng nhà vệ sinh trong giờ làm. Có một học viên đã 67 tuổi. Bà bị ung thư phổi, nhưng đã hồi phục nhờ tập Pháp Luân Công. Bà chỉ còn da bọc xương sau khi bị đưa đến trại lao động. Một ngày, bà rất cần phải đi vệ sinh nhưng Hoàng Hải Yến, đội trưởng Đội số 2, không những không cho bà đi, mà còn lăng mạ bà. Khi bà giải thích lý do với đội trưởng Hoàng, bà ta đã tát vào mặt bà. Khi người học viên lớn tuổi rời khỏi phòng, mặt bà đỏ tấy và sưng phồng. Bà bị sốt cao vào đêm đó. Nhiệt độ của bà vẫn ở mức cao trong nhiều ngày, khiến bà phải nằm liệt giường. Trong 10 ngày thời hạn của bà kết thúc, nên các viên chức đã gọi chồng bà nhanh chóng đến đón bà, vì lo sợ bị khiển trách và chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của bà. Chồng bà đã nhanh chóng đến và đưa bà về nhà.

Thức ăn thật khủng khiếp và khó nuốt

Chúng tôi ăn sáng vào lúc 6 giờ sáng tại căng tin tầng dưới. Thức ăn là bánh bao được làm bằng bột ngô mốc trộn với một ít bột mỳ. Có rất nhiều cát ở trong bánh bao và chúng có vị đắng chát. Có cả phân chuột trong rau giầm. Bữa trưa gồm cải bắp hoặc súp củ cải, với rất ít bắp cải nổi trên bề mặt. Không lạ gì khi thấy xác ruồi chết ở trong súp và đôi khi còn thấy một lớp côn trùng trong nổi trên mặt súp. Chúng tôi được ăn cơm vài lần trong một tuần, nhưng nó thường không được nấu chín.

Lao động khổ sai

Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia chấp nhận tất cả học viên bị chuyển đến, bất kể tuổi tác hay sức khỏe của họ. Trong năm 2009, họ nhận một học viên tên Lệ Hoa. Cô không thể đi lại, và hai người phải giúp cô đi vệ sinh. Cô bị bắt tại nhà và họ nhét cô vào một xe cảnh sát rồi chở đến trại lao động. Một học viên khác vẫn đang cho con bú đã bị bắt đến trại lao động. Cô bị buộc phải làm việc với các tù nhân. Để tăng lực lượng lao động, lãnh đạo trại đã cử nhân viên đến Bắc Kinh và đưa về mười mấy học viên vào cuối năm 2009. Tôi nghe những người phụ trách nói trại lao động phải trả hơn 300 nhân dân tệ cho mỗi học viên, và họ còn trẻ và có thể làm được nhiều việc. Không ai biết trại lao động đã kiếm được bao nhiêu tiền trong nhiều năm bằng cách khai thác những người bị giam cầm. Hai tòa nhà và một dãy nhà sau khu kí túc xá là những xưởng làm việc khổ sai.

Các học viên bị buộc phải làm việc vào lúc 6 giờ 25 sáng. Giờ nghỉ trưa bắt đầu lúc 11 giờ 30 trưa, và bắt đầu làm việc lại vào lúc 12 giờ 20 chiều. Chúng tôi làm việc đến tận 4 giờ 30 chiều. Họ bắt chúng tôi phải xem các băng hình tẩy não từ 6 giờ tối đến 8 giờ tối, ngồi trên những ghế nhựa nhỏ ở giữa phòng ngủ tập thể; không ai được nói chuyện. Chúng tôi không được đi ngủ cho đến 9 giờ tối.

Các học viên bị giam giữ tại Đội số 6 thường khoảng 60 tuổi. Họ thường bị giao làm hoa xuất khẩu, chỉ tiêu hàng ngày là một túi (70 hoa). Vì tuổi tác nên họ không thể nhìn rõ các chi tiết, và khi họ không hoàn thành chỉ tiêu, họ phải làm việc thêm giờ, hoặc mang những bông hoa chưa hoàn thiện về phòng và tiếp tục làm việc. Có lần họ phải rắc phấn hoa lên các bông hoa. Phấn hoa màu vàng bay trong không khí và phủ lên mọi thứ trong phòng. Điều này gây khó chịu ở cổ họng và nó còn dính trên tay và quần áo của chúng tôi.

Học viên ở Đội số 2 bị giao làm áo khoác quân đội trong mùa hè năm 2009, và đây là việc làm có cường độ cao. Tất cả mọi người đều có những vết giộp do sử dụng kéo, và cơn đau chỉ giảm khi các mụn nước bị vỡ và trở thành vết chai. Các khớp ngón tay của họ cũng bị sưng lên và hầu hết mọi người đều không thể duỗi thẳng ngón tay của mình.

Công việc của Đội số 4 là cắt các mẫu hàng. Hàng ngày họ phải dỡ bỏ các cuộn lớn nguyên liệu, từ sáng đến tối, và điều này khiến họ kiệt sức. Triệu Ninh là đội trưởng tại thời điểm đó, lúc đầu bà ta nói về việc tôn trọng người già và chăm sóc người trẻ, nhưng ngay ngày hôm sau, bà ta buộc các học viên ở độ tuổi 50 hoặc 60 ngồi xổm trên sàn trong khi bà ta ngồi trên ghế để giáo huấn trong một thời gian dài.

Bức hại của “Người mới đến”

Mô phỏng tra tấn: Treo trên không

Đội trưởng Vu Tiểu Xuyên ở Khu số 3 là người phụ trách lớp “Người mới đến”. Bà ta buộc họ xem các băng hình tẩy não hàng ngày. Lúc đầu bà ta cố gắng lừa dối họ, sau đó bắt đầu đánh và tra tấn họ, hoặc treo họ lên trong phòng tam giác. Học viên Lý Thục Mai bị tra tấn “kéo căng” ngay khi đến và trong cả một năm sau, các ngón tay của cô vẫn bị tê liệt và không thể hoạt động chính xác. Khi học viên Hoàng Á Cần bị gọi đến văn phòng, ba đội trưởng – Trương Quân, Trương Hoàn, Trương Trác Tuệ – đã đánh cô thậm tệ. Hai người họ kéo tay và một người giựt tóc cô. Họ cưỡng chế cô điểm chỉ vào biên bản “chuyển hóa” nhưng không thành công.

Sau đó họ đè cô Hoàng Á Cần xuống sàn, rồi đá cô và cấu hai tay cô. Sau đó hai người họ lại đè cô xuống trong khi người kia mở các ngón tay của cô để bắt cô điểm chỉ vào một mẩu giấy. Điều này khiến hai cánh tay và bàn tay của cô đầy những vết thâm tím. Cô bị sưng lên ở cẳng tay và bị một chỗ sưng khác ở sau lưng do bị gập người lại. Cô còn bị giựt tóc đến mức có thể nhìn thấy da đầu của cô.

Mô phỏng tra tấn: “Kéo căng”

Trong năm 2010, tôi thấy một học viên trong lớp “Người mới đến”. Một tay của cô bị băng bó. Tôi nghe nói nó đã bị gãy khi Trương Quân đá cô. Có lần các lính canh còn dùng nhiều cách khác nhau để tra tấn những người mới đến, các nạn nhân sẽ bị đưa đến các xưởng để lao động nặng nhọc.

Vào mùa hè năm 2009, lính canh nữ Vu Tiểu Xuyên đã đến “Đông Cương” khi một học viên đang bị tra tấn. Cô ta đã cấu người học viên đó và kêu lên: “Đánh người thật vui!”

Ngoài ra còn có một đội đặc biệt ở Khu số 3. Tám hay chín học viên bị nhốt trong một tòa nhà nhỏ, đơn độc, đằng sau khu nhà ngủ tập thể trong năm 2009, và chúng tôi thường thấy các lính canh nam ra vào tòa nhà. Vào ban đêm, chúng tôi thường nghe thấy những tiếng la hét đáng thương phát ra từ tòa nhà. Vài tháng sau, các học viên này bị chuyển đến “Đông Cương”. Một số còn bị bức thực hàng ngày. Kết quả là nhiều người trong số họ đã bị suy sụp tinh thần. Họ còn bị còng tay cả ngày, kể cả khi đi vệ sinh. Một số còn bị còng tay vào giường vào ban đêm. Khi họ đến hạn trả tự do vào tháng 7 năm 2010, thời hạn giam của họ đã bị gia hạn thêm các thời hạn khác nhau ngay trước khi họ được thả.

Các học viên ở Khu 3 bị tra tấn “kéo căng” và các phương pháp tra tấn tàn bạo khác.

Tháng 8 năm 2009, trại lao động đã đưa các học viên vào cái họ gọi là quá trình “sàng lọc”, sau đó họ tiến hành đưa các học viên kiên định đến “Đông Cương” để gia tăng bức hại, nhằm khiến họ từ bỏ tín ngưỡng của mình. Hơn 30 học viên bị đưa đến đó để tra tấn. Vài người bị buộc phải quỳ gối trong thời gian dài; một số bị còng tay vào giường trong nhiều ngày; một số bị cấm ngủ trong nhiều ngày liên tiếp. Đội trưởng Đội số 2, Hoàng Hải Yến, đã tát mạnh vào mặt bà Triệu Thúy Chi. Sau đó bà ta dùng băng dính dán miệng bà Triệu lại. Khi bà Triệu được phép quay lại xưởng làm việc, trên mặt, hai tai và miệng của bà có nhiều vết cắt, ngoài ra, mặt bà còn bị sưng tấy thậm tệ.

Học viên Cổ Phượng Lâm cũng bị Hoàng Hải Yến đánh đập đến khi mặt bà Cổ đỏ tấy và sưng phù. Hình thức tra tấn khủng khiếp nhất đã được thực hiện cho một học viên 50 tuổi. Bà bị giữ ngồi trên ghế đẩu với hai chân dang rộng. Sau đó hai lính canh, mỗi người cầm một chân, và kéo sang hai bên. Điều này khiến người học viên không thể đi lại sau đó, và cần giúp đỡ. Khi thời hạn giam của bà kết thúc sau đó vài tháng, bà phải dựa vào tường và chậm chạp bước từng bước từng bước ra khỏi trại lao động.

Một học viên khác ở Cẩm Châu cũng bị hình thức tra tấn tương tự. Gây đau đớn kinh khủng cho bà ở xương hông và xương chậu. Bà đã khóc tại xưởng làm việc. Chu Hải Kiệt, đội trưởng phụ trách sản xuất, đã quát mắng bà vì làm chậm. Khi bà giải thích bà bị đau đớn không thể chịu được ở xương chậu, Chu nói “Nếu bà không làm việc ra trò, tôi sẽ đưa bà về Đông Cương!”

Để tẩy não các học viên, Khu số 3 đã thường xuyên mở các lớp và giao cho những người bị giam “bài tập về nhà”. Một học viên ở Bản Khê từ chối làm bài tập và đã bị nhốt trong phòng tam giác lạnh lẽo. Bà bị còng vào bậc thang thấp nhất của chiếc thang khiến bà phải nằm áp bụng trên sàn xi măng trong hai ngày một đêm. Khi được tháo ra, bà bị không thể nhấc nổi chân và bị thương khắp mình mẩy. Bà Hoàng Á Cần cũng bị đưa đến phòng tam giác do từ chối làm bài tập.  Bà bị còng vào bậc thang ở giữa trong cả ngày và không được ăn cũng như dùng nhà vệ sinh.

Lính canh ở Khu số 3 thường khám xét các học viên, đặc biệt khi có sự thanh tra từ cấp trên. Trong những lần khám xét, các học viên bị buộc phải cởi quần áo ở hành lang, chỉ mặc quần áo lót trên người. Đôi khi các lính canh còn lục ví của các học viên ra. Có lần các lính canh còn tháo toàn bộ vải cotton may bên trong “phần vỏ ngoài” để kiểm tra có gì được giấu bên trong không. Nhiều tài sản cá nhân ở phòng chứa đồ cũng thường bị khám xét và lục soát.

Các lính canh đã tìm thấy một mẩu giấy nhỏ trong hành lý của một học viên ở Bắc Kinh có nội dung là kinh văn của Sư phụ. Thời hạn giam của bà đã bị kéo dài thêm năm ngày. Một lần, các lính canh đã đào sàn nhà của xưởng làm việc lên để tìm kiếm. Mỗi phòng ngủ tập thể đều bị thắp sáng đèn suốt đêm. Ban đầu, người đội trưởng làm nhiệm vụ sẽ đi kiểm tra các phòng ba lần trong một đêm. Sau đó, họ khám xét hai giờ một lần. Họ cũng mở một phòng nhỏ ở cuối hành lang cho người đội trưởng này ngồi ở đó.

Trong tháng 11 năm 2010, Khu số 3 đã thực hiện một đợt bức hại điên cuồng khác. Một lần nữa, họ gọi lần lượt các học viên đến “Đông Cương” để tra tấn. Một học viên 63 tuổi ở Bản Khê bị buộc phải ngồi xổm trên sàn gạch trong thời gian dài. Kết quả là hai chân của bà đã bị tê cứng; Trương Quân đã xông đến đá vào chân bà một cách tàn bạo. Nhiều lính canh khác cũng làm theo. Khi học viên này cố gắng đứng lên, bà lại bị kéo xuống. Sau đó, các lính canh còng hai tay bà ra sau lưng và buộc chặt bà vào chân giường. Bà không thể đứng hoặc ngồi xổm, và còng tay thì cắt vào cổ tay bà. Bà không được ăn hay dùng nhà vệ sinh trong cả ngày. Vũ Hòa là lãnh đão trại lao động lúc đó, cùng nhiều viên chức khác đã đi ra vào phòng tra tấn với những cây gậy gỗ trên tay. Họ đã ngược đãi các học viên, và một số còn tham gia tra tấn học viên.

Học viên Đổng Anh bị lột quần áo chỉ còn đồ lót và phải ngồi trên sàn gạch trong nhiều ngày. Học viên Vu Kiệt thì bị “tra tấn kéo căng”. Hai tay của bà bị còng ở hai bên, và khi Trương Quân ra lệnh, hai lính canh ở hai bên sẽ kéo còng tay cho đến khi bà Vu bị treo trên không và bất tỉnh vì đau đớn. Các ngón tay của bà vẫn bị tê liệt cho đến khi bà được thả.

Học viên Đỗ Ngọc Hồng đã bị tra tấn tàn bạo. Bà bị sốc điện vào hai tai. Sau khi bị tra tấn kéo căng, bà không thể nhấc nổi tay và không ngủ được do đau đớn kéo dài. Một học viên khác là Nghê Thúy Hà cũng bị sốc điện trong lúc bà lăn lộn trên sàn nhà vì đau đớn. Lúc được thả, bà rất tiều tụy.

Khi học viên Vạn Hiểu Huy bị “tra tấn kéo căng”, hai chiếc còng tay đã bị gãy bởi lực kéo mạnh. Sau đó bà đã tuyệt thực. Bà bị trói vào giường và bị bức thực. Điều này khiến miệng của bà bị rách và sưng phồng. Lính canh còn bảo bác sỹ tiêm nhiều loại thuốc lạ vào hai thái dương của bà. Có một cái búa trong phòng tra tấn. Khi các đội trưởng đi vào, họ cầm búa đập vào đầu bà Vạn, cho đến khi đầu bà đầy những cục sưng. Bà Vạn đã bị tra tấn trong nhiều ngày trước được thả ra khỏi “Đông Cương”. Bà cảm thấy buồn nôn và không ăn được gì. Bà nôn mửa và khuôn mặt bà trở nên xanh xao. Ngoài ra, bà đi lại rất khó khăn. Sau đó, họ đưa bà đi xét nghiệm và chẩn đoán bà bị bệnh gan.

Học viên Lương Vũ bị nhốt trong một phòng ở “Đông Cương”. Bà buộc phải ngồi trên một cái ghế đẩu và bị cấm ngủ trong một tuần. Nhiều đội trưởng thay phiên nhau canh chừng bà. Họ đánh thức bà bất cứ lúc nào bà ngủ gật. Khi bà ra ngoài, trông bà xanh xao và yếu ớt, trông giống như một người khác hẳn.

Học viên Triệu Nhạc Vinh bị “tra tấn kéo căng” khi bà ở lớp “Người mới đến”. Thị lực của bà không tốt khi bà bị đưa đến đội làm việc. Mắt bà bị thương tổn khi tiếp xúc với ánh sáng. Khi bà yêu cầu gặp bác sỹ và được đeo kính, Trương Lỗi đã mắng và kéo bà ra khỏi xưởng Số 3, rồi buộc bà phải cởi giày đứng trên nền đất lạnh giá. Trương Lỗi sau đó túm tóc bà Triệu và bắt bà đứng ngước mặt nhìn mặt trời. Khi một học viên khác giúp bà Triệu mang giầy, Vương Quảng Vân đã trông thấy. Vương đã tuôn ra những lời khó nghe để lăng mạ họ. Tôn Cảnh Viện, đội trưởng Đội số 3, đã kéo bà Triệu vào nhà kho để đánh và đá bà.

Theo quy định, gia đình người bị giam được vào thăm người thân hai tháng một lần. Tuy nhiên, việc họ có được gặp gia đình hay không là phụ thuộc vào Trương Hoàn, người sẽ vào phòng tiếp nhận vào ngày gặp mặt để quyết định. Nếu bà ta nói không, bất kể người nhà ở xa như thế nào đến, họ cũng không thể gặp người thân. Đặc biệt những học viên không “chuyển hóa”, thường bị từ chối thăm viếng. Có lần khi một người thân rất lo lắng về sức khỏe của học viên, ông ấy đã lặng lẽ dúi tiền vào tay Trương Hoàn, và chỉ khi đó bà ta mới cho ông gặp người học viên.

Chứng cứ phạm tội

Trong năm 2010, họ ra lệnh cho chúng tôi lau sạch phần trước của tòa nhà, tòa nhà ở bên trái cánh cổng lớn dành cho xe hơi. Chỉ có hai phòng trên lầu là sạch sẽ, và chúng trông giống các phòng công vụ, nhưng các phòng còn lại thì rất bẩn và có vẻ đã không được sử dụng trong nhiều năm. Ở bên trái cầu thang là hai phòng giam nhỏ, khoảng 5 mét vuông. Không có cửa sổ ở trong phòng này. Tôi nhìn thấy vài mảnh áo bị vướng ở trên tường, và trên sàn còn có một đống quần áo, một số đồ thể thao, và một số đệm bông đã mòn. Tôi nhặt một bộ quần áo thể thao, phủi bụi và nhìn thấy vết máu cũ. Có một chiếc ghế gỗ có còng tay treo ở đằng sau. Khi tôi lau chùi chiếc ghế, ở đó có nhiều vết máu. Ở bên trái phòng giam nhỏ này là một phòng khác với nhiều thiết bị lạ. Ở đó có một bàn bê tông dài, với nhiều kệ ở trên tường. Nó trông đầy sát khí.

Tôi nghe nhiều người nói rằng, trong những năm đầu đàn áp Pháp Luân Công, khoảng hai hoặc ba nghìn học viên đã bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia. Một học viên tên là Bao Khánh An bị treo trên không trung khi các lính canh đánh bà. Tất cả các răng của bà đều gãy. Hiện bà phải đeo răng giả. Năm 2009, bà lại bị bắt đến trại lao động này trong hai năm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/4/8/马三家女子劳教所三大队的暴虐-271845.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/11/139399.html

Đăng ngày 30-07-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share