[Chúc mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới] Xóm núi nhỏ gà chó không yên nay đã có thay đổi lớn
Bài viết của Chính Ca, Tân Vũ, đệ tử Đại Pháp tại Đại lục
[MINH HUỆ 14-05-2025]
Trước đây, tại vùng núi Đông Bắc có một ngôi làng nhỏ khét tiếng, dân làng nơi đây không vội ăn rau nhà mình trồng, mà đi trộm rau ở ruộng nhà người khác trước. Trộm hết rau nhà người ta mới về hái rau nhà mình thì phát hiện rau nhà mình cũng bị người khác hái trộm sạch rồi. Người bán hàng nếu đi một mình, đều không dám đến xóm đó bán hàng, một người canh không nổi, đảm bảo hàng bán được thì ít mà hàng bị mất thì nhiều.
Làng này trộm cắp, đánh lộn ẩu đả đã thành thói, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, tệ nạn nào cũng có, đến mức các làng bên cũng bị vạ lây. Người dân các thôn xung quanh và tất cả tiểu thương đều gọi nơi này là “ổ trộm cắp”, gọi như thế đã mấy chục năm. Nhưng sau khi Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền đến xóm nhỏ này, chẳng bao lâu, những thói hư tật xấu của dân làng trong “ổ trộm cắp” này bỗng chốc thay đổi, những làng xung quanh đều kinh ngạc: “Cảnh sát quản không nổi, chính phủ quản không xong, vậy mà Pháp Luân Công lại quản được tốt thế nhỉ!”
Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp có thể bỏ được những tật xấu cố hữu, trở thành một người tốt, một người tốt hơn nữa, điểm này mỗi người tu luyện đều có thể nghiệm. Nhưng trong phút chốc mà cải biến được hơn mấy trăm người trong một thôn, từng nhà từng nhà đều thay đổi, cải biến được những dân làng đã quen thói trộm cắp suốt hai, ba, thậm chí bốn thế hệ, là điều thực sự khiến người ta kinh ngạc, cảm thấy quá thần kỳ.
Tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng câu chuyện về “ổ trộm cắp” này, muốn viết ra cho nhiều người hơn nữa được biết, để chứng thực sự vĩ đại và siêu thường của Pháp Luân Đại Pháp và giúp thế nhân minh bạch chân tướng Đại Pháp. Cơ duyên thật tình cờ, một đồng tu đã hẹn tôi đến nhà một anh đồng tu trong thôn ấy để cùng giao lưu.
Trưởng thôn: “Pháp Luân Công đến liền khác hẳn”
Khi chúng tôi đến nhà đồng tu, cổng chính khóa kín. Vì là lần đầu đến, tôi vừa hay có thời gian ngắm nhìn cảnh sắc ngôi làng. Lúc này, một người đàn ông trung niên dáng vẻ cao ráo, anh tuấn rắn rỏi, ăn mặc chỉn chu bước đến. Anh ấy lịch sự hỏi: “Các vị là khách đến chơi nhà này à?” Rồi gọi điện thoại nói: “Anh à, nhà có khách, anh về đi.” Nói xong, anh ấy thông thuộc lấy chìa khóa từ một chỗ ngoài cổng, mở cổng và dẫn chúng tôi vào sân. Anh ấy lại lấy chìa khóa cửa nhà từ một chỗ khác, rồi mời chúng tôi vào nhà. Sau đó, anh ấy xuống bếp lấy bình nước nóng và mấy cái chén, rót nước cho từng người chúng tôi.
Anh ấy vừa đặt bình nước xuống, vừa lịch sự nói: “Nhìn gương mặt niềm nở của hai vị, tôi biết ngay hai vị đều là người tốt”. Tôi nói: “Anh là trưởng thôn à? Chắc là anh hiểu rất rõ chân tướng Đại Pháp”. Anh ấy không trả lời thẳng mà nói: “Trước đây, lối sống của thôn này không có đời trưởng thôn nào không đau đầu, dân làng đánh lộn ẩu đả, trộm cắp, không ai trị được. Muốn người dân đi lao động công ích thì đừng có mơ, không trả tiền thì không ai chịu làm không công cả. Pháp Luân Công đến liền khác hẳn, trong thôn cần quyên ít tiền, học viên Pháp Luân Công quyên góp đầu tiên; lao động công ích, đều là người học Pháp Luân Công đứng ra làm; trong thôn chia phúc lợi gì đó cho người dân, người học Pháp Luân Công nhận sau cùng, nếu không đủ thì đệ tử Đại Pháp cũng không cần nữa. Họ ai cũng tốt cả”.
Tôi nghĩ thầm: đệ tử Đại Pháp nơi đây thật xuất sắc, không chỉ cải biến được dân làng, đến cả quan chức cũng đã bị đồng hóa. Tôi nói: “Đệ tử Đại Pháp trong thôn có một vị quan tín nhiệm họ như anh, quả là có phúc”.
Trong khi nói chuyện, đồng tu anh và chị dâu đều đã về, trưởng thôn cũng tạm biệt chúng tôi. Sau khi tiễn trưởng thôn, tôi nói: “Vị trưởng thôn vừa rồi là chức sắc thôn thứ hai tôi gặp”. Anh đồng tu nói: “Ừ, anh ta và dân làng đều rất tín nhiệm đệ tử Đại Pháp. Họ trước khi quyết định việc gì, có chuyện gì không giải quyết được, gặp chuyện khó, đều đến nhà tôi nói chuyện. Chúng tôi đều chiểu theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn, chỉ họ cách làm việc, làm người, họ đều làm theo. Mỗi khi làm xong, kết quả đều tốt ngoài sức tưởng tượng. Họ trở lại nói cho chúng tôi biết như báo cáo vậy”.
“Dân làng đi xa, hoặc đi làm ăn xa trở về, thường đến nhà chúng tôi ngồi một lát rồi mới về nhà. Họ đến nhà tôi, thoải mái như về nhà mình. Những dân làng không tu luyện thấy cả nhà chúng tôi tu Đại Pháp, quanh năm hòa thuận vui vẻ, hiếu thảo với cha mẹ già, chung sống chan hòa với tất cả người thân, đối xử với bà con cũng như đối xử với người thân vậy. Chúng tôi không tranh danh, không đoạt lợi, nhưng làm gì cũng kiếm được tiền, không thiếu thứ gì, sống sung túc, họ rất ngưỡng mộ”.
Tôi hỏi anh chị: “Trên huyện, thị trấn, nhiều năm qua có chuyện xuống thôn sách nhiễu đệ tử Đại Pháp không?” Chị dâu nói: “Có chứ. Thời đầu bức hại, trưởng thôn trước đây vì để được thăng chức, đã tích cực phối hợp với cấp trên, dẫn họ đến nhà của các đệ tử Đại Pháp sách nhiễu, khám xét phi pháp, phạt tiền, bắt bớ, giam đệ tử Đại Pháp của thôn vào các trại tạm giam, lớp tẩy não, có người thậm chí còn bị đưa đến trại cải tạo lao động. Trưởng thôn khi ấy còn theo dõi, báo cáo chúng tôi. Họ đúng là đã thăng quan, nhưng kết cục rất đáng thương. Chúng tôi đều không hận họ, vô tình gặp vị cựu trưởng thôn gặp nạn kia trên đường, chúng tôi vẫn thiện tâm giảng chân tướng, khuyên ông ấy tam thoái (thoái xuất khỏi các tổ chức Đảng Đoàn Đội của Trung Cộng), hy vọng họ có được tương lai tốt đẹp. Họ không nghĩ rằng đệ tử Đại Pháp có thể thiện đãi họ như thế, nên rất cảm động và luôn miệng cảm ơn”.
Anh ấy nói: “Mấy vị trưởng thôn nhậm chức sau này, sau khi chúng tôi giảng rõ chân tướng cho họ, cũng giảng cho họ biết nên đối diện với cấp trên thế nào, đặt định cho tốt vị trí của bản thân trong trận giao tranh chính – tà này ra sao. Vậy nên nhiều năm sau này, mỗi lần bên trên có sách nhiễu đều bị họ chặn lại rồi phải quay về. Mới mấy tháng trước, trưởng thị trấn, trưởng trại tạm giam của thị trấn dẫn một toán người đến, nói trưởng thôn dẫn họ đến nhà chúng tôi, không cho chúng tôi luyện, rồi cùng họ ra thị trấn tham gia cuộc họp gì đó. Trưởng thôn nói: “Tốt nhất là các anh không nên đi. Vì sao lại không nên đi? Những người này sau khi học Pháp Luân Công, ai bất hiếu cũng đã hiếu thuận, trong nhà bất hòa cũng đã vui vẻ, sức khỏe kém cũng đã tốt lên, ăn trộm ăn cắp, đánh lộn ẩu đả cũng đã thay đổi thành tốt. Các anh muốn đến nhà họ, nói với họ Pháp Luân Công không tốt, muốn họ nói không luyện Pháp Luân Công nữa, căn bản là không được đâu. Họ sẽ chỉ nói ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’. Các anh nói xem, các anh muốn đến nhà học viên nào? Tôi có thể dẫn các anh đến. Có điều đến đó rồi, những gì các anh nghe được, ghi chép được, chỉ là ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ thôi. Các anh làm sao báo cáo lên trên? Thử hỏi các anh có còn muốn đi tiếp không?” Lãnh đạo thị trấn nói: “Đây là trên huyện sắp xếp, chúng tôi không làm cũng không được” Trưởng thôn nói: “Đi tìm mấy làng không có người luyện công đối phó cho qua chẳng phải cũng xong sao? Sau này các anh muốn tìm người luyện Pháp Luân Công trong thôn của tôi, thì đừng trực tiếp đi tìm họ nữa. Các anh mà lùng sục họ, họ đi lên trên khiếu nại, chẳng phải rước thêm phiền phức cho chúng ta sao, đúng không? Các anh đến tìm tôi là được rồi”.”
Đồng tu nói đến đây, tôi nói xen vào: “Tôi cảm nhận được, anh ấy không hề sợ tà đảng Trung Cộng chút nào”. Đồng tu nói: “Không sợ, anh ấy không sợ đâu. Chính anh ấy từng nói: ‘Tôi sinh ra vốn là một người dân thường trồng trọt. Dùng tôi, tôi là một người dân thường; không dùng tôi nữa, tôi vẫn là một người dân thường, tôi lại về nhà trồng trọt thôi, còn có thể làm gì được tôi nữa’.”
Nghe đến đây, mấy đồng tu chúng tôi cùng nhìn nhau, trong lòng đều cảm thán các đồng tu trong xóm nhỏ này đã cứu người thật rốt ráo, cảm thán sự lựa chọn và hành động sáng suốt của thế nhân sau khi minh bạch chân tướng. Tiếp đó chúng tôi lại trò chuyện về quá khứ cười ra nước mắt của thôn này. Anh đồng tu nói: Năm nay tôi ngoài 60 tuổi rồi, từ bé đến nay tôi đã thuộc nơi này như thuộc lòng bàn tay, ký ức vẫn còn như mới.
Dân làng ở xóm núi này chịu sự tẩy não, nhồi nhét của thuyết vô Thần, thuyết tiến hóa suốt một thời gian dài, khiến họ quên mất những mỹ đức truyền thống Trung Hoa, mất đi bản tính làm người. Nơi đây không chỉ họ hàng lộn xộn, mà quan hệ giữa hàng xóm láng giềng còn loạn hơn: đấu đá lẫn nhau, bằng mặt không bằng lòng, vì một chút chuyện mà có thể ra tay đánh nhau. Dù ban ngày hay ban đêm, thường xuyên nghe tiếng đánh nhau, tiếng chửi, tiếng khóc lóc trên đường. Người lớn đã vậy, trẻ nhỏ cũng không biết đúng sai, còn cho thế là hay, đổ xô ra đứng quanh xem.
Về mặt tình cảm gia đình, dân làng cũng rất tệ, giữa anh chị em dâu chỉ vì chút gia sản hoặc phân chia việc chăm sóc cha mẹ già không đều liền xích mích, cãi vã không dứt. Còn thỉnh thoảng truyền ra những tin như người già nhà này không có người nuôi dưỡng, người già nhà kia đổ bệnh không ai trông nom, người già nhà ai đó bị mắng, người già nhà ai đó bị đánh…Tệ hơn nữa là thôn dân đã dưỡng thành thói quen xấu ác phường trộm đuôi cướp. Hồi trước còn lưu truyền một câu nói ‘Ngoài nước có Canada, Trung Quốc có mọi người cùng lấy’ (chơi chữ phiên âm 加拿大 Gia Nã Đại (Canada) và 大家拿 Đại Gia Nã (mọi người cùng lấy)). Quan cũng lấy, dân cũng lấy, không lấy thì phí, lấy về bỏ đi cũng cứ lấy. Ớt, cà, khoai tây, khoai lang, các loại hoa màu, gà, vịt, ngỗng, chó, những thứ nhỏ này cứ tiện tay là trộm.
Đến những thứ lớn cũng không tha: đêm đến nếu đậu xe máy trong sân, sáng sớm ngủ dậy thì bánh xe, những động cơ có giá trị đều mất, chỉ còn lại cái khung sắt. Con trâu con bò buổi tối bị dắt ra bờ sông, lúc tìm thấy chỉ còn mỗi bộ da. Gần như người nào cũng trộm. Vậy nếu nghe đậu đũa, ớt nhà ai bị hái mất; chuồng gà nhà ai bị dỡ; gạo, ngô nhà ai bị lấy; trâu bò nhà ai bị dắt đi; xe máy nhà ai bị mất, hoặc bánh xe nhà ai bị dỡ rồi, v.v, đều là chuyện như cơm bữa. Mỗi ngày dù là ở ngoài đường, đến thăm nhà người quen, đều là thấy những lời mắng chửi của người mất đồ.
Hành vi trộm cắp của những người dân làng không chỉ nhắm vào làng mình, những thôn làng xung quanh cũng cùng chịu nạn, cũng bị trộm đến gà chó không yên, tiếng oán thán vang trời. Đến cả những thương nhân nơi khác đến, cũng không ai thoát được: chỉ cần xe hàng của tiểu thương dừng lại, một nhóm thôn dân liền bao vây, những dân làng đứng gần xe vờ như đang lựa hàng, chọn hàng, một mình tiểu thương trông không xuể, người chọn hàng kia liền tuồn hàng cho người bên cạnh mang đi. Tiểu thương dẫu thấy hàng của mình bị lấy cũng không dám đuổi theo, ai mà dám rời khỏi xe hàng chứ, đợi đến khi quay lại thì trên xe chẳng còn lại bao nhiêu hàng. Thói trộm cắp thế này làm cho các tiểu thương khiếp sợ, nếu không có hai, ba người đi cùng trông hàng, đều không dám đến xóm này buôn bán. Người dân ở những làng lân cận và tất cả tiểu thương đều gọi đây là “ổ trộm cắp”, gọi như thế cũng đã mấy chục năm, hơn nữa tiếng xấu càng ngày càng truyền xa. Trưởng thôn, đồn công an qua biết bao lãnh đạo rồi, hễ nhắc đến chuyện về “ổ trộm cắp”, không ai không kinh hãi, đau đầu.
Anh ấy kể tiếp: “Pháp Luân Công được hồng truyền đến thôn này vào mùa xuân năm 1998. Dưới sự giúp đỡ của các đồng tu trên huyện, trong thôn đã thành lập được điểm học Pháp. Mấy người dân thích khí công nơi đây đã tiên phong tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chủ động bỏ tiền mua loa, máy ghi âm, máy ghi hình, để cho các dân làng muốn học Đại Pháp sử dụng miễn phí. Dạo ấy đúng dịp nông nhàn, những thôn dân học Đại Pháp không so đo ân oán trước kia, liên tục nói cho hàng xóm láng giềng, thân bằng cố hữu: “Mau đi xem Sư phụ Đại Pháp giảng Pháp đi, hay lắm. Không những có thể trị khỏi bệnh, còn dạy người ta làm người tốt, đắc phúc báo nữa, lại không thu tiền”.
Lần đầu chiếu băng hình giảng Pháp của Sư phụ Đại Pháp, dân làng đến xem không nhiều, đa số đều bán tín bán nghi đến xem sao, xem cho vui. Nhưng đến lần thứ hai mở băng hình Sư phụ giảng Pháp, khi tổ chức lớp chín ngày, ngày nào cũng không còn chỗ trống, có thể lên đến 70, 80 người. Sáng sớm luyện công, nam nữ già trẻ lên đến gần cả trăm người.
Có một thời gian, xóm nhỏ này vô cùng náo nhiệt. Những câu chuyện bị mất gà, mất chó, chủ đề chửi này chửi kia trước đây mỗi khi dân làng gặp nhau đều chấm dứt. Mọi người gặp nhau, vẫn bàn luận rôm rả, nhưng đều nói công này thật tốt; luyện xong cảm giác tinh thần sảng khoái, đầu óc minh mẫn, làm việc không thấy mệt; Sư phụ Đại Pháp giảng hay quá, đúng quá; trước giờ chưa từng có ai giảng cho chúng ta về những đạo lý làm người tốt như thế, trước đây đâu có biết đến “đức”, đâu biết “tích đức” quan trọng thế nào, cũng không biết tạo nghiệp rồi thì phải cấp “đức” cho người ta. Thì ra đức tổn thất nhiều rồi, phúc phận cũng sẽ ít đi. Xem ra những gì trước đây chúng ta làm đều sai cả rồi!
Từ đó trở đi, các tệ nạn trong làng cũng mất hẳn. Sự xuất hiện của Pháp Luân Đại Pháp đã hoàn toàn giúp thôn gỡ bỏ cái mũ “ổ trộm cắp” đã đeo bám suốt mấy chục năm qua. Nếu không phải ngày 20 tháng 7 năm 1999, Trung Cộng phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhất định sẽ còn có nhiều người hơn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, người được thụ ích trong Đại Pháp sẽ càng nhiều hơn.
Thôn này vốn đã “khét tiếng”. Sau khi Trung Cộng bắt đầu bức hại Đại Pháp, vì người học Đại Pháp trong thôn chúng tôi khá nhiều, nên lại càng nổi tiếng hơn, bị chính phủ tà đảng Trung Cộng, công an coi là trọng điểm. Từng đợt từng đợt, họ đến nhà các học viên Pháp Luân Công khám xét phi pháp, ép phải ký tên, một số thôn dân chưa hiểu sâu về Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp không dám luyện nữa. Những đồng tu còn lại có người bị bức hại đến phải lưu lạc, có người bị cải tạo phi pháp, có người giam giữ phi pháp trong trại tạm giữ, trại tạm giam, có người bị bắt đến lớp tẩy não phi pháp; ngoài ra, họ còn phải chịu nhiều áp lực từ các phương diện như cuộc sống, kinh tế, xã hội.
Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kiên định bước trên con đường chứng thực Pháp. Chúng tôi chiểu theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn yêu cầu bản thân trên các phương diện, có thể sinh sống bình thường ổn định trong hiện thực tàn khốc do tà đảng Trung Cộng tạo ra, hơn nữa còn sống tốt hơn những người dân không tu luyện khác. Chúng tôi đều chiểu theo tiêu chuẩn của Đại Pháp kiên định tu luyện, đường đường chính chính giảng chân tướng cho dân làng, dẫn dắt bà con từng bước từng bước tốt lên, dần dần trở về với truyền thồng, trở về với sự thiện lương.
Anh đồng tu lại kể chi tiết cho tôi về câu chuyện của các đồng tu trong thôn tu tốt bản thân, khiến dân làng tin Pháp Luân Đại Pháp hảo, và các câu chuyện thay đổi thói quen xấu. Anh ấy nói các ví dụ thì rất nhiều, anh chỉ kể vài ví dụ ở một vài phương diện mà thôi.
Câu chuyện thứ nhất: Thật lòng phụng dưỡng mẹ cha không oán hận, cảm hóa dân làng
Vợ chồng đồng tu A cùng tu luyện Đại Pháp. Trước khi tu luyện, vì mẹ già chia tài sản không công bằng, đem hết tài sản cho người con trai út, nhưng người con trai ấy lại không phụng dưỡng bà. Người anh không đành lòng trước cảnh mẹ già không ai phụng dưỡng, muốn chăm sóc mẹ nhưng lại thấy bà thiên vị quá, vì lẽ đó mà tâm oán hận rất lớn, cũng làm cho mâu thuẫn giữa hai anh em càng gay gắt hơn, đến mức không còn nhìn mặt nhau, trong thôn xì xào cũng rất nhiều. Sau khi vợ chồng anh A tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, họ hiểu được làm thế nào để trở thành người tốt, người tốt hơn nữa. Đại Pháp không chỉ giúp họ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, mà còn nhiều lần hóa giải ma nạn và nguy hiểm cho họ. Hai vợ chồng vô cùng cảm ân Đại Pháp, cảm ân Sư phụ.
Họ khắc ghi lời dạy của Sư phụ:
“Tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)
Vợ chồng đồng tu A quyết định đón mẹ già về nhà mình ở, hơn nữa mọi chi phí cho bà cũng không cần người khác cùng gánh vác, toàn bộ do họ tự mình đảm đương. Sau khi đón mẹ già về nhà, họ phụng dưỡng rất chu đáo. Đôi khi mẹ già trái tính trái nết, cáu kỉnh, chửi mắng, dù có đối xử với bà tốt thế nào, bà không những không vừa lòng, mà còn hay đặt điều, đổi trắng thành đen. Đồng tu không để tâm đến những lời vô lý, bẻ cong sự thật của mẹ già, mà đều coi đó là chuyện tốt để tu luyện bản thân, đề cao tâm tính, một mực yêu cầu bản thân chiểu theo Chân Thiện Nhẫn, luôn tìm xem mình có thiếu sót ở đâu, có chỗ nào chưa phải đạo với mẹ già, buông bỏ oán hận và tư tâm, thấu hiểu và càng thiện đãi mẹ già hơn.
Cuối cùng, vợ chồng đồng tu A đã làm cho bà cụ cảm động không nói nên lời. Còn nhà em trai, dù được thừa kế toàn bộ gia sản, nhưng em dâu đổ bệnh, thường nằm viện dài ngày, cuộc sống rất khó khăn. Vợ chồng đồng tu A đã buông bỏ hết oán hận và lợi ích tích dồn bấy lâu với gia đình em trai, chủ động quan tâm đến gia đình chú ấy. Em trai thiếu tiền, vợ chồng anh A liền đưa tiền, nhà họ thiếu thốn thứ gì, vợ chồng đồng tu A đều giúp đỡ. Một lần, hai lần, ba lần, bốn lần, mỗi lần gia đình em trai gặp khó khăn, vợ chồng đồng tu A luôn chủ động giúp trước, mỗi lần đều dùng thiện tâm tu xuất được từ trong Đại Pháp để đối đãi. Cuối cùng, một gia đình vốn lạnh lẽo băng giá biết bao năm đã tan chảy bởi sự lương thiện mà đệ tử Đại Pháp tu được, giữa anh em, chị em dâu, quan hệ mẹ chồng nàng dâu đều trở nên tốt đẹp.
Câu chuyện đồng tu B phụng dưỡng mẹ chồng cũng đã làm thay đổi dân làng rất nhiều. Nhà chồng đồng tu B có năm anh chị em, đều đã lập gia đình riêng, chỉ còn người mẹ chồng tàn tật với đôi mắt mù lòa không nơi nương tựa. Bà cụ ở nhà này vài ngày, đến nhà kia vài hôm. Thấy tình cảnh của mẹ chồng, lòng đồng tu B như lửa đốt, chồng cô ấy bị tai biến mạch máu não không thể làm việc, vậy nên việc nhà, việc bên ngoài, việc đồng áng đều dựa vào bản thân, rảnh rỗi lúc nào thì đi làm thuê kiếm chút tiền tiêu vặt, trang trải cuộc sống gia đình. Xét theo hoàn cảnh của đồng tu B, lẽ ra việc chăm sóc người già không thể đến tay cô ấy. Nhưng đồng tu B nói: “Tôi là đệ tử Đại Pháp, là người tu luyện Chân Thiện Nhẫn, dù khó khăn đến mấy cũng phải đảm nhận trách nhiệm này”.
Nói thì dễ, thực tế làm được mới khó, ai làm mới biết mệt mỏi! Người nhà chồng và dân làng đều đang quan sát, xem một phụ nữ yếu đuối như cô ấy có thể kiên trì được bao lâu. Sau khi đồng tu B đón mẹ chồng về, cô sắp xếp chu đáo cuộc sống cho bà, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của bà. Khi mẹ chồng đau ốm, một mình đồng tu B chạy vạy lo toan mà không oán thán một lời. Các việc giặt giũ, cơm nước, gieo trồng thu hoạch, hầu hạ mẹ già, rồi làm thêm lo cho gia đình, bận trong bận ngoài, nhưng bất kể tình huống gì, đồng tu B thà tự mình chịu khổ, chịu nhọc, nghỉ ngơi rất ít, chứ không để mẹ chồng phải tủi thân. Cô ấy hết lòng đối đãi mẹ chồng mù lòa như thế suốt mười mấy năm ròng.
Trước đây, vì kiên định tu luyện Đại Pháp, đồng tu B từng bị bắt cóc, bị giam giữ, bị phạt tiền phi pháp, bị đến nhà sách nhiễu nhiều lần, thậm chí còn bị người chồng không hiểu đánh đập chửi mắng. Người nhà chồng cũng như hàng xóm láng giềng không hiểu nổi vì sao phải chịu ma nạn lớn như thế, cô ấy vẫn muốn tu luyện?! Nay hơn mười năm như một đồng tu B chăm sóc tốt cho mẹ chồng, thiện cử ấy không chỉ làm cảm động tất cả anh chị em, bạn bè người thân, hàng xóm láng giềng, mà còn giúp họ đều biết được Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.
Khi mẹ già qua đời, cô em chồng nói: “Chị dâu à, chị đã quá phi thường. Đệ tử Đại Pháp thật quá xuất sắc, chúng em đều tâm phục khẩu phục”. Đồng tu B nói: “Các em cần cảm ơn Đại Pháp, cảm ơn Sư phụ Đại Pháp! Nếu chị không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, không có Chân Thiện Nhẫn chỉ dẫn, thì cũng không làm được như vậy”.
Những hành xử của các đồng tu kể trên đã có ảnh hưởng rất lớn trong làng, mọi người đều thấy tận mắt, bội phục từ trong tâm. Từ đó về sau, trong thôn không còn những chuyện không phụng dưỡng cha mẹ già nữa.
Câu chuyện thứ hai: Tu Đại Pháp tâm sinh từ bi thiện niệm, mẹ chồng nàng dâu hòa hợp
Đồng tu C và đồng tu D tuổi tác xấp xỉ, tính cách khác nhau, nhưng lại có những ân oán tình thù rất giống nhau. Sau khi hai cô ấy kết hôn về nhà chồng, không biết duyên phận thế nào, vừa mới đến đã bất hòa với bố mẹ chồng, mối quan hệ càng ngày càng trở nên bế tắc, thù hận lẫn nhau, hễ nhìn thấy bố mẹ chồng liền thấy phiền. Họ không những không qua lại, còn thề sẽ không quan tâm đến bố mẹ chồng, không chăm sóc phụng dưỡng họ. Bố mẹ chồng cũng tâm ý nguội lạnh, hai nhà mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đều như kẻ thù.
Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đồng tu C và đồng tu D đã nhận ra chỗ không đúng của mình, hướng nội tìm lỗi sai của bản thân, lấy Chân Thiện Nhẫn làm tiêu chuẩn đo lường.
Sư phụ giảng:
“Tôi nói rằng nếu chư vị không thể yêu kẻ thù của chư vị thì chư vị không thành Phật được. Một vị Thần hoặc là một người trong tu luyện sao có thể coi người thường là kẻ thù được? Làm sao lại có kẻ thù được?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston)
Pháp của Sư phụ đã cảnh tỉnh đồng tu C và đồng tu D. Đồng tu C lập tức buông bỏ oán hận, chủ động quan tâm bố mẹ chồng, chuyện người già khát nước, đói bụng, bị lạnh, bị nóng, cô ấy đều để mắt đến, giúp bố mẹ chồng giải quyết âu lo. Mỗi khi năm hết Tết đến, đồng tu C đều nấu những món ăn ngon, mời bố mẹ chồng đến nhà đón năm mới cùng với con cháu, để người già được hưởng niềm vui sum họp.
Đồng tu C không chỉ quan tâm đến bố mẹ chồng về đời sống, mà còn thường xuyên dặn dò: “Ông bà nhớ niệm chín chữ chân ngôn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ thật nhiều, sẽ được thân thể khỏe mạnh và một tương lai tốt đẹp”. Khi đồng tu C nhìn thấy vẻ mặt hiền từ mãn nguyện của bố mẹ chồng bên con cháu, nhìn thấy bầu không khí hòa hợp tốt đẹp của gia đình bốn thế hệ, nhìn thấy phụ từ, hiếu tử, cháu chắt vui đùa, thỏa lòng tận hưởng niềm vui hạnh phúc gia đình, đồng tu C liền nghĩ: “Thì ra rất dễ làm bố mẹ chồng mãn nguyện, trước đây đều do mình chưa làm được. Cảm tạ Sư phụ đã cứu con, cũng đã cứu họ!”
Còn đồng tu D cũng không kém. Mặc dù con trai ly hôn, cô ấy phải chăm sóc nuôi nấng hai cháu nhỏ, bận rộn không lúc nào ngơi, nhưng việc học Pháp tu tâm vẫn tinh tấn không ngừng. Dùng Pháp lý Chân Thiện Nhẫn làm tiêu chuẩn, đề cao tâm tính, buông bỏ nhân tâm, buông bỏ oán hận với bố mẹ chồng. Đồng tu D thường xuyên trò chuyện với bố mẹ chồng, còn hướng dẫn ông bà học Pháp, luyện công, niệm chín chữ chân ngôn, khiến bố mẹ chồng cô ấy vô cùng vui vẻ.
Khi bố mẹ chồng đau ốm, đồng tu D tận tình chăm sóc. Vì bố mẹ chồng ở nhà em trai, nên đồng tu D thường nhắc chồng cô ấy: “Vợ chồng mình nhất định phải quan tâm giúp đỡ em trai và ông bà nhiều hơn, ông bà muốn gì, anh phải đi mua đấy”. Đồng tu D cũng chủ động ân cần thăm hỏi bố mẹ chồng, một năm bốn mùa chuẩn bị quần áo trong ngoài cho đến thức ăn ngon cho họ. Cô ấy cũng thường mua quần áo, đồ dùng thiết yếu cho vợ chồng em trai, cảm ơn những hy sinh của vợ chồng em trai dành cho cha mẹ.
Những thiện cử của đồng tu D đối với bố mẹ chồng, nếu là trước khi tu luyện thì tuyệt đối không có khả năng xảy ra. Trước đây đồng tu D không chỉ bất hòa với bố mẹ chồng, mà còn thường xuyên khiến chồng bị khó xử giữa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Sau khi tu luyện, sự thay đổi cực lớn của đồng tu D đã làm cho người chồng vui ra mặt, mừng rỡ nói: “Pháp Luân Đại Pháp quá là tốt, em cứ học cho tốt, luyện cho tốt. Có chuyện gì đã có anh gánh vác, việc đồng áng trong nhà em không phải làm nữa. Em cần gì cứ nói, anh hoàn toàn ủng hộ em tu luyện Đại Pháp”.
Chồng của đồng tu D không chỉ ủng hộ cô ấy tu Đại Pháp, hễ gặp ai bôi nhọ Đại Pháp trước mặt anh ấy, anh ấy sẽ nghiêm giọng hỏi người kia: “Nhà anh có ai luyện Đại Pháp không? Anh đã đọc sách Đại Pháp chưa? Anh chưa gặp đệ tử Đại Pháp, chưa từng đọc sách Đại Pháp, anh làm sao biết được Đại Pháp không tốt?!” Làm cho người kia cứng họng không nói nên lời.
Sự thay đổi to lớn như thể biến thành người khác của đồng tu C và đồng tu D cũng khiến dân làng chấn động không thôi, họ nói: “Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tệ đến thế mà cũng có thể tốt lên được, thật khó tưởng tượng nổi, xem ra chúng ta cũng phải học theo thôi”.
Câu chuyện thứ ba: Tu luyện khai trí khai huệ, buôn bán thành thật, làm ăn phát tài
Đồng tu F là người cao tuổi nhất trong thôn. Thuở nhỏ, gia đình đông anh chị em, cuộc sống vô cùng khó khăn, toàn phải dựa vào xin ăn để lớn lên. Đồng tu F không được đi học, không có trình độ, nên không biết tính toán. Sau khi lập gia đình, đồng tu F một lòng muốn sống tốt đẹp hơn, không kể xuân hạ thu đông, đều thức khuya dậy sớm làm đồng, nhưng vẫn không đủ ăn, lại còn mang một thân đầy bệnh. Căn bệnh nặng nhất là đau nửa đầu, bình thường luôn cảm thấy hoa mắt chóng mặt, lúc nghiêm trọng đau đến mức lăn lộn khắp đất, đập đầu vào tường cũng không đỡ đau, bệnh viện cũng không trị khỏi. Chuyên gia nói: “Bệnh này không trị tận gốc được, chỉ có thể định kỳ tiêm thuốc giảm đau thôi”. Căn bệnh này của đồng tu F đã khiến cả gia đình ông cực kỳ chán nản.
Mùa hè năm 1998, đồng tu F may mắn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chỉ sau mười mấy ngày nghe Pháp, luyện công, mọi đau đớn bệnh tật đều đã khỏi, đặc biệt chứng đau nửa đầu không chữa mà tự khỏi. Bạn bè thân thích, hàng xóm, người nhà của đồng tu F đều chứng kiến sự thần kỳ siêu thường của Đại Pháp. Đồng tu F hiểu rõ rằng chính Sư phụ Đại Pháp đã cứu mình và cả gia đình, ban cho mình sinh mệnh thứ hai, nên hạ quyết tâm tu luyện đến cùng. Vì tu luyện Đại Pháp, đồng tu F đã bị bắt bớ giam giữ phi pháp hơn 40 ngày, nhưng đồng tu ấy không khuất phục, vẫn kiên trì học Pháp tu luyện.
Một người một chữ bẻ đôi không biết, hiện giờ đã nhận đượct hết toàn bộ chữ trong “Chuyển Pháp Luân”. Đồng tu F đã có thể tự mình đọc sách Đại Pháp, còn biết tính toán, học cách buôn bán nhỏ, các phép cộng trừ nhân chia trong phạm vi vạn ông đều tính được chính xác, thật là thần kỳ.
Ngày nay, người làm kinh doanh phần lớn đều nói dối, hàng hóa kém chất lượng thì nói hàng tốt, hàng giả nói là hàng thật, ôm mộng phát tài trong một đêm. Nhưng đồng tu F biết mình là đệ tử Đại Pháp, tuyệt không thể làm thế, cần lấy Chân Thiện Nhẫn làm tiêu chuẩn, có sao nói vậy, bán hàng thật đúng giá, không nói thách, không thu thêm một đồng. Với những người cơ nhỡ khó khăn, hoặc người già neo đơn, người tàn tật, ông chỉ lấy giá vốn thậm chí không lấy tiền. Với những khách không hài lòng với sản phẩm, dù mua đã lâu, đều cho trả lại vô điều kiện. Mọi người đều muốn mua hàng của ông ấy, việc buôn bán của ông cực kỳ phát đạt.
Người cùng ngành đều hâm mộ nói: “Cùng một món hàng, sao bác lại bán được nhiều thế, bán nhanh thế?” và muốn đến học hỏi bí quyết kinh doanh của đồng tu F. Đồng tu F liền nhân đó giảng chân tướng Đại Pháp cho những người cùng ngành, nói cho họ về chín chữ chân ngôn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’, nhắc họ tiêu nhiều tiền chân tướng, thường xuyên niệm chín chữ chân ngôn, nhất định sẽ được phúc báo lớn. Hiện nay trong nhóm những người buôn bán nhỏ đều biết đến bí quyết này.
Câu chuyện thứ tư: Chuyển biến quan niệm, dùng hành động thực tế chứng thực Đại Pháp
Đồng tu G cũng lớn lên tại thôn này. Từ nhỏ, sức khỏe của cô ấy đã không tốt, chưa học hết tiểu học đã phải nghỉ ở nhà giúp ông bà việc đồng áng. Hơn 20 tuổi, răng của cô ấy đã rụng quá nửa. Sau khi kết hôn, cô ấy thường nổi giận, sinh ra bất mãn, sức khỏe ngày càng sa sút, khiến tinh thần uể oải suy sụp.
Mùa xuân năm 1998, vợ chồng cô ấy đắc Pháp tu luyện, từ trong Đại Pháp biết được mục đích và ý nghĩa chân chính làm người, buông bỏ tâm oán hận và những bất mãn trước kia. Bắt đầu từ việc làm người tốt, hồng dương Đại Pháp đến dân làng.
Trong sinh hoạt hằng ngày, đồng tu G đi đầu trong việc hiếu kính bố mẹ hai bên, dù điều kiện có khó khăn thế nào, vẫn luôn làm gương trong việc biếu tiền dưỡng lão, mang thực phẩm, củi đốt cho bố mẹ già. Trong nhà có món gì ngon, cô ấy đều mời ông bà sang ăn cùng. Cô ấy đối xử tốt với tất cả anh chị em, chung sống hòa thuận với các chị em dâu, không bao giờ toan tính thiệt hơn. Mỗi khi đến dịp Trung thu, Tết nhất, sáu anh chị em dẫn theo cả thảy hơn 20 người lớn bé già trẻ trong sáu gia đình đến quây quần ăn uống bên ông bà. Mỗi dịp như thế, đồng tu G luôn chủ động quán xuyến mọi việc, làm trước hưởng sau, chưa từng than bản thân vất vả, khiến bầu không khí ngày lễ luôn tường hòa, toàn gia vui vẻ. Dân làng cho đến hàng xóm đều vô cùng ngưỡng mộ, nói: “Nhìn xem người ta luyện công làm được tốt chưa kìa, nhà mẹ đẻ bảy anh em, nhà chồng sáu anh em mà chưa từng có mâu thuẫn, đều có thể chung sống hòa thuận như thế, quả là chưa từng thấy”.
Đồng tu G không chỉ tốt với người thân, mà đối với những người cao tuổi khác trong thôn cũng vô cùng lễ phép, ai nhờ gì cũng sẵn lòng giúp đỡ, đối với trẻ nhỏ trong thôn lại càng quan tâm hơn. Cô ấy thường hay kể cho chúng nghe về những câu chuyện làm người tốt, giúp các cháu nhỏ thoái Đội để được bình an. Các cháu nhỏ đều yêu mến cô ấy, hễ gặp liền hô: “Bác người tốt đến rồi!”
Về phương diện lợi ích, hai vợ chồng đồng tu G dựa theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Có lần, trong thôn có người bán cá mè hoa đến, nhà đồng tu G mua hai con. Về nhà xem lại, thấy người bán đã trả thừa mấy đồng, liền lập tức mang tiền đi trả lại cho người ta. Sau khi nói rõ nguyên do, cô ấy đưa lại tiền cho người bán, nhưng người bán cứ ngây người ra. Đồng tu thấy thế liền giải thích: “Tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, không thể chiếm lợi từ người khác”. Người bán hàng mắt ngấn lệ, nhìn đồng tu không nói lời nào, khiến đồng tu có chút khó hiểu.
Mãi đến khi đồng tu G qua quán tạp hóa nhỏ đối diện mới biết, thì ra người bán cá bị thiệt hại, bị người ta chuyền tay nhau trộm mất hơn chục con cá lớn, mất trắng gần mấy chục cân cá mà không dám rời khỏi hiện trường đi đòi. Khi những người trong quán tạp hóa biết đồng tu G đến trả lại tiền cá thừa, một cụ già trong quán thở dài nói: “Bên thì lấy trộm, bên thì trả lại, cách biệt sao mà lớn thế!” Tất cả dân làng trong quán đều ngượng ngùng im lặng.
Mùa hè năm nọ, có mấy thương lái dược liệu tỉnh ngoài đến thu mua bối mẫu, nhà đồng tu G cũng bán được vài tạ. Sau khi người bán rời đi, đồng tu G phát hiện thương lái đã đưa thừa tiền của 50 cân bối mẫu, con số không hề nhỏ, liền lập tức cầm tiền đuổi theo, cô ấy tìm hết cả nửa vòng thôn mà không thấy, cuối cùng tìm được họ tại cổng phía Tây của làng.
Khu này có rất nhiều dân làng đến bán bối mẫu, đồng tu G nói: “Cuối cùng tôi cũng tìm được các vị rồi! Lúc mua bối mẫu của nhà tôi, có nhầm lẫn về số cân, các vị xem phần lẻ của bối mẫu nhà tôi ghi hơn 80 cân, nhưng trên mặt cân không có quả cân 50, vậy nên đúng ra là có 30 mấy cân thôi. Tôi đến là để trả lại tiền của 50 cân bối mẫu đó”. Đồng tu nói tiếp: “Tôi tu luyện Pháp Luân Công, không thể chiếm lợi, các vị buôn bán cũng không dễ dàng gì”. Lúc này người mua mới hiểu ra, nói: “Thì ra Pháp Luân Công tốt như vậy! Không giống như trên tivi nói! Chúng tôi thu mua dược liệu cũng mười mấy năm rồi, đây là lần đầu tiên có người mang tiền trả lại cho chúng tôi”. Tất cả những người có mặt ở đó đều cảm động.
Cuối cùng, thương lái nói: “Số tiền này chúng ta mỗi người một nửa nhé”. Đồng tu G bảo: “Như thế sao được” rồi quay người trở về nhà. Một lúc sau, thương lái xách theo một trái dưa lớn đến nhà đồng tu G, khăng khăng muốn đồng tu G nhận lấy: “Đây là chút lòng thành của chúng tôi, không đáng bao nhiêu đâu”. Sau đó, anh ta viết địa chỉ, số điện thoại của mình và nói: “Nếu có dịp, nhất định phải đến nhà tôi chơi nhé, tôi rất muốn làm bạn với những người như các vị”.
Những sự việc như thế thường xuyên xảy ra đối với những đệ tử Đại Pháp trong thôn, như trả lại tiền ngô, trả lại tiền phân bón, tiền dược liệu v.v. Những câu chuyện cảm động này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong dân làng, âm thầm thay đổi họ. Hiện giờ thì tốt rồi, tất cả đều đã tốt lên, không còn xảy ra việc trộm cắp nữa, đồ đạc để bên ngoài cũng không ai lấy nữa. Những thương nhân bên ngoài đều vui vẻ nói: “Nơi đây đã khác nhiều rồi, chúng tôi đều muốn đến. Người dân ở đây giàu có, chúng tôi bán được nhiều hàng, lại nhanh nữa. Chúng tôi đến đây, có khó khăn gì ai cũng sẵn lòng giúp đỡ”.
Khi xưa thôn này tiếng xấu lan xa, nhưng ngày nay của rơi ngoài đường không có người nhặt, tối ngủ không cần gài cửa. Anh đồng tu nói: “Là Pháp Luân Đại Pháp đã cải biến toàn thôn chúng tôi. Cảm ân Sư phụ vĩ đại, cảm tạ Đại Pháp vĩ đại đã thành tựu những đệ tử Đại Pháp tại xóm núi nhỏ này, cảm ơn Chân Thiện Nhẫn đã ban phúc phận cho cả làng chúng tôi.”
(Bài viết mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2025 được chọn đăng trên Minh Huệ Net)
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/5/14/494054.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/17/228006.html