Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-10-2024] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1996. Tuy nhiên, do học Pháp ít và lý giải chưa đầy đủ, tôi đã không thực sự ngộ được các Pháp lý. Tôi có chấp trước mạnh mẽ vào danh, lợi, tình. Mặc dù tôi tin vào Đại Pháp và Sư phụ Lý, nhưng những chấp trước ấy đã cản trở tôi thật sự bước vào cánh cửa tu luyện. Vì không hiểu thế nào là tu luyện chân chính, nên tôi đã không thể thực tu và cứ mãi mê lạc trong đời thường.

Buông bỏ chấp trước vào tâm hiển thị

Cách đây vài năm, tôi đã nhận thức rõ ràng về chấp trước vào tâm hiển thị và tâm tự mãn của mình, nhưng vẫn không thể ước chế được chúng. Khi những chấp trước này biến tướng thành những hình thức mới, tôi đã bị chúng mê hoặc và không nhận ra bản chất của chúng. Vào những thời khắc then chốt, những chấp trước này lại hiển lộ ra, điều này khiến tôi cảm thấy khó chịu và bối rối.

Ví dụ, trong khi trò chuyện với đồng tu Bình, tôi vô tình nhắc đến việc mình từng giúp đồng tu Vỹ viết bài chia sẻ được đăng trên trang Minh Huệ. Đồng tu Bình liền nói thẳng: “Chị nhắc chuyện này ba lần rồi đấy!” Tôi hiểu đồng tu đang nhắc nhở mình có chấp trước hiển thị mạnh mẽ, tôi cảm thấy rất xấu hổ.

Về nhà, tôi hạ quyết tâm tĩnh lại và tập trung vào việc học Pháp.

Sư phụ giảng:

Công năng của chư vị cũng vậy, sự khai công của chư vị cũng vậy, đều là trong khi tu Đại Pháp chư vị mới đắc được [như thế]. Nếu như chư vị xếp Đại Pháp vào vị trí thứ yếu, [và] xếp thần thông của chư vị vào vị trí trọng yếu; hoặc là người đã khai ngộ bèn cho rằng nhận thức của bản thân mình như thế này như thế kia là đúng, thậm chí cho rằng bản thân mình thật xuất sắc, vượt trên cả Đại Pháp, [thì] tôi nói rằng chư vị đã bắt đầu rớt xuống phía dưới, đã nguy hiểm, sẽ càng ngày càng có vấn đề.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Đọc đến đây, nội tâm tôi chấn động: Chẳng phải đây là truy cầu hư vinh cá nhân sao? Tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Nhớ lại những thời khắc gặp đại nạn, tôi rõ ràng biết Sư phụ từ bi luôn ở bên chỉ dẫn; chính nhờ hồng ân vô lượng của Sư phụ, tôi mới có được sức mạnh nội tại to lớn, cho phép tôi kiên trì và bước đến ngày hôm nay. Sao tôi có thể truy cầu danh vọng cá nhân? Đó chẳng phải là bất kính với Sư phụ và Đại Pháp, cũng chính là biểu hiện của sự vô minh và ngạo mạn hay sao?

Khi tìm ra gốc rễ của chấp trước hiển thị, tôi cảm nhận được dường như nó lập tức yếu đi rất nhiều. Tôi đã thực sự trải nghiệm được uy lực của Đại Pháp. Những ngày sau đó, mỗi khi tâm hiển thị nổi lên, tôi liền có thể kịp thời nhận ra và bài trừ nó.

Đố kỵ là nguyên nhân, oán hận là kết quả

Trong nhiều ngày, tôi luôn tự hỏi: điều gì đã cản trở tôi thực sự đồng hóa với Pháp? Mỗi ngày tôi đều đọc sách Chuyển Pháp Luân và bắt đầu tĩnh tâm hướng nội tìm. Sau khi nhận diện những chấp trước và buông bỏ tự ngã, tôi nhận thấy khi quay lại học Pháp, tôi đã có thể nhận thức được các Pháp lý sâu sắc hơn.

Sau khi minh bạch hơn về các Pháp lý, giờ đây tôi có thể dễ dàng nhận ra những chấp trước của mình trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Thông qua tu luyện tinh tấn, tôi có thể dần dần loại bỏ chúng.

Vì trước đây không có thể ngộ vững chắc về Pháp, tôi từng nghĩ rằng tâm đố kỵ của mình đã yếu đi nhiều, gần như không còn cảm thấy nó nữa. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu gốc rễ của tâm bất an chính là đố kỵ. Loại chấp trước giảo hoạt này ẩn rất sâu. Do không tìm ra gốc rễ của nó nên tôi đã vô tình nuôi dưỡng tâm đố kỵ trong một thời gian dài; nó biến thành thói quen hướng ngoại, tìm lỗi sai của người khác, oán trách người khác, khiến tôi thường bực bội và ôm giữ rất nhiều sự oán hận.

Mấy năm gần đây, tôi ở nhà con trai để chăm sóc cháu nội. Tôi bận rộn mua sắm, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, không ngại khổ hay mệt mỏi. Tôi đã toàn tâm toàn ý làm tốt những việc này. Tôi biết rằng, là một học viên Đại Pháp, tôi nên thể hiện vẻ đẹp và sự siêu thường của Đại Pháp cho con trai và con dâu của mình. Con dâu tôi thậm chí còn khen ngợi tôi với các đồng nghiệp của cháu, nói rằng: “Mẹ chồng tôi đặc biệt tốt với tôi. Nhà cửa của chúng tôi luôn sạch sẽ và gọn gàng, con trai tôi khỏe mạnh và thông minh.”

Trong thời gian tôi chăm sóc cháu trai, tôi vẫn tiếp tục làm ba việc dưới sự bảo hộ của Sư phụ. Tuy nhiên, tôi và con dâu lại nảy sinh mâu thuẫn. Con dâu trách tôi lừa cháu, nói rằng tôi tốt với cháu chỉ là “giả vờ.” Cháu bắt đầu cãi nhau với chồng và đổ hết lỗi cho tôi. Lâu dần, điều này khiến con trai tôi bất mãn, thường xuyên cãi lại tôi, mâu thuẫn với vợ, thậm chí bày tỏ cảm giác tuyệt vọng.

Sau đó, có lần tôi cãi nhau với con trai về một vấn đề liên quan đến cháu nội. Con trai tôi nói một cách mỉa mai: “Mẹ luôn đúng. Chỉ có mẹ mới biết cách dạy người!” Tôi rất tức giận nhưng đã cố gắng kìm nén. Tôi cảm thấy buồn bã vì thể ngộ về Pháp của mình còn nông cạn. Tôi đã nhìn nhận những mâu thuẫn này hoàn toàn từ góc độ của người thường. Tôi chỉ biết rằng mình không nên xung đột với con trai hay con dâu, vì vậy tôi đã nhẫn chịu, nghĩ rằng: “Mình không thể làm ô danh Đại Pháp hoặc để họ hiểu lầm Đại Pháp.”

Con dâu tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chưa thoái xuất khỏi các tổ chức liên đới của nó. Tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó có thể giảng chân tướng để giúp cháu thoái xuất khỏi ĐCSTQ và có một tương lai tươi sáng. Tôi biết mình không thể để những thiếu sót của mình đẩy họ ra xa. Tuy nhiên, tất cả những cay đắng, bất bình và oán hận của tôi trào dâng lên trong lòng, tôi hoàn toàn rơi vào tâm thái của người thường. Trong khi đọc Pháp, tôi đột nhiên hiểu ra rằng: Bấy lâu nay, tôi chỉ tu ở trên bề mặt, tôi chỉ đang cố gắng trở thành một “người tốt”. Tôi mới chỉ thực hiện những thay đổi ở bề mặt và đang diễn cho người khác xem, mà không thay đổi bản thân mình một cách căn bản. Tôi đã không thực sự coi mình là một người tu luyện, cũng như không nghiêm khắc giữ mình theo các tiêu chuẩn của Đại Pháp. Chẳng trách con dâu tôi gọi đó là “diễn kịch”, còn con trai tôi nói: “Mẹ luôn đúng. Chỉ có mẹ mới biết cách dạy người.” Chẳng phải tôi đang dùng Pháp để chỉnh người khác sao? Có vẻ như tôi thực sự cần phải nỗ lực hướng nội để xem xét lại bản thân mình.

Khi hướng nội, tôi phát hiện mình có tâm hiển thị, không muốn bị chỉ trích, chấp trước vào cháu trai, tâm hư vinh,… Sau khi tìm kiếm trong một thời gian dài, tôi vẫn không thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ, điều này cuối cùng đã dẫn đến việc con dâu tôi muốn ly hôn và con trai tôi ôm giữ nhiều oán hận đối với tôi. Bất cứ khi nào tôi nói chuyện với con trai, cháu đều phản bác lại một cách giận dữ. Nỗi buồn, sự đau đớn và oán hận của tôi sau đó lại trào dâng, và tôi bật khóc.

Thấy tôi không tự ngộ ra, Sư phụ lại từ bi điểm hóa: Chẳng phải là đố kỵ hay sao? Sau khi đọc đi đọc lại đoạn Pháp về sự đố kỵ, tôi mới hiểu: Gốc rễ khiến tôi tâm phiền ý loạn chính là đố kỵ. Khi minh bạch Pháp lý này, tôi nhận ra tâm đố kỵ hiện diện trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động của mình.

Nhớ lại trước đây, tôi thường áp đặt quan điểm của mình lên con trai, muốn cháu thay đổi, cho rằng mình luôn đúng. Khi con trai không nghe lời, tôi sẽ khó chịu và phàn nàn về con trai. Tôi thậm chí còn đổ lỗi cho con trai về những mâu thuẫn với con dâu, oán hận con trai vì không phải là một người chồng tốt, không có trách nhiệm và không coi trọng gia đình. Điều này càng khiến sự bất bình của tôi đối với con trai trở nên sâu sắc hơn.

Đối với con dâu, việc “tốt” mà tôi làm thực ra xuất phát từ tâm hư vinh, thích được khen ngợi. Vậy nên, ngay khi ai đó nói điều gì đó tiêu cực về tôi, tôi sẽ nổi giận. Chỉ sau khi minh bạch các Pháp lý, tôi mới nhận ra rằng việc không muốn bị chỉ trích của tôi cũng là một biểu hiện của tâm đố kỵ. Điều này khiến tôi hướng ngoại để tìm lỗi ở người khác và đổ lỗi cho họ về những vấn đề mà mình gặp.

Tôi đã bắt đầu dùng Pháp để ước thúc bản thân, nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn của Đại Pháp để hành xử, chú trọng thực tu để loại bỏ vật chất bất hảo của tâm oán hận. Tôi không còn ôm giữ tâm oán hận đối với con trai nữa. Thay vào đó, từ trong Pháp, tôi tu xuất tâm từ bi và khoan dung để đối đãi với con trai và con dâu, nói chuyện bằng ngữ khí bình tĩnh và hòa ái, thực sự suy xét đến cảm xúc của họ.

Chẳng hạn, con trai tôi hơi lười, thường bỏ tất bẩn mấy ngày không giặt. Trước đây, mỗi khi thấy điều này, sự oán hận của tôi sẽ phát xuất ra ngay cả trước khi tôi mở miệng. Tôi rất tức giận nói: “Mau giặt tất của con đi!” Nhưng con trai tôi rất bướng bỉnh. Tôi càng thúc ép, cháu càng không muốn giặt. Tôi bắt đầu chỉ trích và phàn nàn, điều này chỉ khiến cháu phản ứng tiêu cực hơn. Tôi cứ nhẫn chịu, nhưng vẫn ấm ức. Tôi ưa sạch sẽ, nhưng nghĩ nếu cứ giặt giúp cháu thì chẳng phải “nuông chiều” cháu hay sao?

Giờ đây, nhìn thấy tất bẩn nhiều ngày, tôi không còn bực bội, mà bình tĩnh và nhẹ nhàng nói: “Con rảnh thì giặt tất đi nhé.” Thông thường cháu sẽ đáp lại rằng sẽ đi giặt ngay.

Trước đây, tôi và con trai thường tranh cãi về việc chăm sóc cháu nội. Tôi thường cảm thấy rằng cách tiếp cận của con trai tôi là sai. Con trai tôi thường mắng cháu và làm cháu khóc, điều này khiến tôi rất đau lòng. Lúc đó tôi lại bắt đầu chỉ trích con trai, các cuộc trò chuyện của chúng tôi thường kết thúc trong sự khó chịu. Một ngày nọ, trong khi cháu trai đang ăn, con trai tôi lớn tiếng quở trách cháu. Cháu trai bắt đầu khóc và không chịu ăn. Tôi vẫn bình tĩnh, như thể không có chuyện gì xảy ra.

Kể từ đó, con trai tôi cũng thay đổi thái độ, bắt đầu chủ động ngồi dạy cháu học bài. Tôi hiểu đây chính là khảo nghiệm để tôi nâng cao tâm tính. Quả thực, khi tâm tôi thay đổi, cách nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng hơn thì con trai tôi cũng cải biến, không còn lớn tiếng với tôi và cũng rất tôn trọng tôi.

Con dâu tôi đã đối xử với tôi tử tế như trước đây. Tôi biết con dâu bận rộn và mệt mỏi với công việc, liền dành thời gian chăm sóc, quan tâm thật lòng, nấu những món ăn ngon, điều này khiến cháu rất vui. Không khí gia đình đã thay đổi, mọi thứ đã được cải thiện.

Sau khi xác định được nguyên nhân gốc rễ của tâm oán hận, tôi đã được các Pháp lý của Đại Pháp chỉ đạo và thay thế tâm đố kỵ bằng thiện tâm, bao dung, tôi đã buông được sự oán hận dai dẳng với chồng. Trước đây, tôi đã cố gắng buông bỏ nó bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không thể làm được vì tôi đang sử dụng các phương pháp của người thường.

Giờ đây tôi đã hiểu: Không có uy lực của Đại Pháp thì một người làm được gì chứ? Vậy nên chỉ có một con đường duy nhất là tĩnh tâm chiểu theo Pháp, chân chính tu bản thân, đề cao tâm tính, đồng hóa với Đại Pháp, đạt đến cảnh giới vô tư vô ngã mà Sư phụ yêu cầu, thực sự đặt người khác lên trước.

Sau khi buông bỏ tâm oán hận đối với chồng, vốn không đi làm và không có lương trong nhiều năm, tôi đã có thể thu hồi được một số khoản thanh toán còn tồn đọng cho các dự án của ông ấy. Điều này đã giúp chúng tôi chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong, gia đình cũng trở nên hòa thuận, yên ấm.

Tôi biết rằng trạng thái tu luyện của tôi còn xa so với các tiêu chuẩn của Đại Pháp. Sư phụ từ bi và Đại Pháp đã ban cho tôi quá nhiều. Là một người tu luyện, tôi chỉ có thể nỗ lực đề cao bản thân và xứng đáng với với ân đức vô lượng của Sư phụ. Từ nay trở đi, tôi càng phải tu luyện nghiêm túc, giảng chân tướng, trợ giúp Sư phụ cứu nhiều chúng sinh hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh lịch sử và theo Sư phụ trở về nhà.

Trên đây là một số thể ngộ nông cạn của tôi tại tầng thứ hiện tại. Nếu có điểm nào chưa phù hợp, mong đồng tu từ bi chỉ giúp.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/13/483085.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/25/222217.html

Đăng ngày 24-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share