Bài viết của Nhất Liên, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục
[MINH HUỆ 12-12-2024] Một hôm, khi tôi đang học thuộc Pháp đến mục “Tự tâm sinh ma” trong cuốn Chuyển Pháp Luân thì một sự việc đau lòng trong quá khứ hiện về trong đầu tôi. Tôi xin chia sẻ câu chuyện này cũng như thể ngộ của tôi.
Nhiều năm trước, địa phương tôi có một đồng tu xuất hiện giả tướng nghiệp bệnh. Thực ra tôi với đồng tu này không mấy quen biết, nên tôi không nghĩ đến việc đi thăm bà ấy. Nhưng có đồng tu nhắc tôi, bảo rằng tôi nên đến thăm bà ấy, xem có giúp được gì cho bà ấy không, vậy là tôi quyết định đi.
Trong khi nói chuyện, bà ấy bảo rằng bà luôn cảm thấy có gì đó đang xoay chuyển trên đỉnh đầu, và bà ấy nghĩ đó là Pháp Luân. Lúc đó, tôi đã hoài nghi lời bà vừa nói. Nhưng sau khi nói chuyện với bà ấy thêm, tôi còn kinh ngạc phát hiện ra rằng bà ấy có một vấn đề nghiêm trọng rất rõ, là không chiểu theo Pháp. Khi làm bất kể việc gì, bà ấy cũng hỏi, từ những việc nhỏ nhặt cho đến việc dâng hương khi nào, bà ấy đều hỏi, còn việc chứng thực Pháp hay cứu người thì bà lại càng phải hỏi.
Tôi bèn hỏi bà ấy nói chuyện với ai, thì bà trả lời: “Sư phụ”
Tôi hỏi thêm: “Chị tin là Sư phụ trả lời những câu hỏi của chị à?”
Bà ấy nói: “Là Sư phụ mà. Ngài trả lời mọi câu hỏi của tôi.”
Tôi chắc chắn rằng Sư phụ sẽ không trả lời những câu hỏi cụ thể như thế và thầm nghĩ, có lẽ chính vì điều này mà bà ấy bị nghiệp bệnh. Điều bà ấy làm hoàn toàn trái với Pháp lý và đã khiến bà chiêu mời phụ thể.
Cảm thấy điều này rất nghiêm trọng, tôi hỏi tiếp: “Thế chị nghe thấy giọng nói hay chị cảm nhận được tín tức nào đó?”
“Tôi nghe thấy giọng của Sư phụ.”
“Em nghĩ tốt nhất là từ nay chị đừng nên hỏi nữa. Đây chắc chắn không phải là Sư phụ nói chuyện với chị đâu.”
Nhưng bà ấy không tin, cứ nghĩ đó là Sư phụ. Tôi nghĩ ra một cách để xác minh với bà ấy rằng đó không phải là Sư phụ.
Tôi nói: “Ngày mai, khi thắp hương, chị hãy hỏi là: ‘Ngài có phải là Sư phụ Lý không? Nếu không phải thì hãy rời đi, ta không cần ngươi. Ta chỉ muốn đi theo Sư phụ Lý mà thôi’” Bà ấy gật đầu đồng ý.
Mấy ngày sau, tôi lại đến thăm bà, bà ấy kể: “Tôi đã làm theo lời cô nói, giọng nói đó đã biến mất, cũng không còn cái gì xoay trên đỉnh đầu tôi nữa.”
Tôi thấy mừng cho bà ấy và nói: “Vậy thì tốt quá, chứng tỏ nó không phải là Sư phụ, nó đi là tốt rồi, giờ thì chị ổn rồi.”
Đồng tu lại bảo: “Nhưng tôi đã quen với việc đó rồi, tôi không muốn nó rời tôi. Tôi vẫn muốn nó.”
Nghe bà ấy nói vậy tôi rất kinh ngạc! Là học viên lâu năm sao có thể mơ hồ đến thế, vấn đề không phù hợp với Pháp rành rành như vậy mà đồng tu không phân biệt được. Trong tâm tôi vừa lo lắng, vừa sốt ruột.
Tôi nói: “Giờ chúng ta đã biết chắc chắn đó không phải là Sư phụ, sao chị vẫn muốn nó kia chứ? Chị không muốn trở về gia viên cùng Sư phụ à? Sinh mệnh kia là gì chị còn không biết, sao chị lại hồ đồ thế?”
Thấy bà ấy chưa tiếp nhận, tôi tiếp tục: “Chị đang truy cầu công năng, Sư phụ sẽ không cấp công năng cho chị đâu. Chính tâm hữu cầu của chị đã chiêu mời sinh mệnh đó đến với chị. Nó nhìn thấy tâm truy cầu của chị nên cấp cho chị. Khi chị biểu hiện ra là thích nó thì nó liền quản chị, như vậy chẳng phải quá nguy hiểm sao.”
Dù tôi có nói thế nào, bà ấy vẫn không nghe, chỉ muốn làm điều bà ấy muốn. Tôi đã cạn lời, nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi có tâm tranh đấu, muốn mình là người đúng trong cuộc tranh luận này và đã đến lúc tôi cần tu khứ nó.
Về sau, khi tôi gặp lại đồng tu này, bà ấy vui vẻ nói với tôi: “Tôi lại có thể nghe thấy tiếng nó rồi, nó lại trả lời các câu hỏi của tôi, và trên đỉnh đầu tôi lại có thứ gì đó xoay chuyển rồi.” Tôi cảm thấy rất buồn và bất lực. Lý lẽ biện minh cho điều bà ấy đang làm đều không dựa trên Pháp, vậy mà bà ấy còn nói, hiện tượng này không chỉ mình bà ấy trải nghiệm, còn có mấy đồng tu khác cũng có trải nghiệm tương tự. Bà ấy thậm chí còn kể ra vài cái tên, như thể bà ấy muốn nói, nếu không tốt thì sao lại có nhiều người như vậy chứ?.
Sư phụ giảng:
“Họ hữu cầu vào công năng, chấp trước vào tiểu năng tiểu thuật, thậm chí chấp trước vào những gì nghe được từ không gian khác, chấp trước vào truy cầu những thứ ấy; loại người này dễ tự tâm sinh ma nhất, dễ bị rớt xuống nhất. Bất kể [họ] đã tu luyện cao đến đâu, một khi tình huống này xuất hiện thì sẽ rớt xuống đến đáy, hủy [hoại] đến đáy. Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)
Trước khi vị đồng tu này bị nghiệp bệnh, hàng ngày bà ấy đều học Pháp, luyện công, và chủ động tham gia các hoạt động Đại Pháp. Nhìn bề ngoài mà xét thì đồng tu ấy ba việc đều làm, hơn nữa còn tích cực phối hợp chỉnh thể. Nhưng tu luyện là cực kỳ nghiêm túc, tiêu chuẩn sẽ không hạ xuống chỉ bởi vì chúng ta làm việc Đại Pháp tốt đâu. Trượt ngã ở những vấn đề then chốt sẽ hủy hoại con đường tu luyện của chúng ta.
Lần tiếp theo tôi nghe về vị đồng tu này là khi bà ấy qua đời. Tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối rằng tôi đã không thể giúp gì cho bà ấy. Tôi cũng phân vân không biết mấy đồng tu khác mà bà ấy kể tên cũng trải nghiệm điều tương tự đã chính lại bản thân chưa. Chính Pháp đã đến hồi kết thúc, vì không tiện gặp mặt các đồng tu, nên tôi viết ra việc này, qua Minh Huệ Net, để các đồng tu tham khảo.
Khi hoàn thành bài chia sẻ này, tôi lại rơi vào trầm tư, chuyện đã qua nhiều năm vậy rồi, Sư phụ để tôi nhớ lại là để tôi ngộ ra điều gì? Tôi liền tĩnh tâm hướng nội để xem liệu tôi có tồn tại vấn đề hữu cầu, cầu công năng, bất nhị pháp môn hay không, bởi vì bất cứ chuyện gì người tu luyện gặp đều không phải ngẫu nhiên. Đột nhiên lúc đó, trong đầu tôi hiện ra điều mà một đồng tu từng nói với tôi: “Cô nên về nhà học kỹ mục ‘Tự tâm sinh ma’ đi.” Bởi vì thời gian lâu quá rồi nên tôi quên mất, chỉ nhớ là khi nghe thấy câu này tôi đã chột dạ. Tôi hỏi anh ấy: “Tôi có tự tâm sinh ma sao?” Anh ấy nói: “Tôi không biết, cô tự xem xem.” Lúc đó, tôi rất cảm kích và quý trọng sự bộc trực, chân thành cũng như tâm thái thuần tịnh, có trách nhiệm với đồng tu của vị đồng tu đó. Mặc dù hồi ấy tôi không tìm ra mình có biểu hiện tự tâm sinh ma ở hành vi nào, nhưng tôi nghĩ vị đồng tu này nhất định đã nhìn ra tôi có vấn đề không đúng.
Từ trước đến nay, tôi biết mình có tâm hiển thị, nhưng tôi không thể tu bỏ nó hoàn toàn. Vậy nên tôi thích nói chuyện liên hồi trước nhiều học viên về những thể ngộ của tôi trong Pháp. Chắc hẳn cựu thế lực đã nhìn thấy cái tâm này ở tôi và đã gia cường nó lên, khiến tôi vô thức mà nói những điều không phù hợp trước mặt mọi người, trong đó có cả những điều không dựa trên Pháp, và đó chính là hành vi loạn Pháp.
Đã đến lúc tôi phải đào sâu hơn để xem tột cùng của tâm hiển thị là gì. Khi tôi hiển thị, tôi tin rằng tôi giỏi ở một phương diện nào đó và không ai tu luyện tốt như tôi. Đây chẳng phải là tự tâm sinh ma sao? Còn có một số nhân tâm liên quan đến cái tâm này, như tâm tự cao tự đại, tâm coi thường người khác, rồi tâm nhìn bề ngoài mà đánh giá đồng tu này, đồng tu kia tu không tốt. Những thứ này đều có khuynh hướng tự tâm sinh ma, nếu cứ mãi không tu bỏ, về vấn đề này cứ mãi không đề cao lên, lâu dần, thực sự sẽ chiêu mời can nhiễu.
Cảm tạ Sư phụ từ bi đã điểm hóa, để con nhìn ra vấn đề nghiêm trọng của mình. Sau khi đào ra được những nhân tâm này, lúc đả tọa tôi cảm thấy tĩnh tại phi thường. Hai chữ “chân ngã” xuất hiện trong đầu tôi, và tôi biết cảm giác này đến từ suy nghĩ và hành xử của chân ngã của tôi.
Viết bài chia sẻ cũng là một quá trình đề cao trong tu luyện. Mỗi một sự chỉnh sửa trong bài đều giúp tôi xem xét liệu điều tôi viết ra đã đúng chưa, đã dựa trên Pháp chưa, đây chính là quá trình hướng nội tìm.
Con xin cảm tạ ân cứu độ từ bi của Sư tôn, đồng thời, tôi cảm ơn vị đồng tu đã từng thiện ý nhắc nhở tôi.
Trên đây chỉ là nhận thức nông cạn ở tầng thứ hữu hạn của bản thân, có điều gì chưa thỏa đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/12/486019.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/1/223041.html
Đăng ngày 19-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.