Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
Tên: Hứa Sâm Sinh (许郴生)
Giới tính: nữ
Tuổi: 47
Địa chỉ: Khu dân cư nhà máy thuốc lá Sâm Châu
Ngày mất: 16 tháng 05 năm 2012
Ngày bị bắt gần nhất: 16 tháng 05 năm 2012
Nơi bị giam gần đây nhất: Đồn công an phố Nhân Dân Tây (郴州市人民西路派出所)
Thành phố: Sâm Châu
Tỉnh: Hồ Nam
Hình thức bức hại: chưa rõ
[MINH HUỆ 27-05-2012] Bà Hứa Sâm Sinh, 47 tuổi, đã bị bắt ở trên phố bởi công an ở Đồn công an phố Nhân Dân Tây vào sáng ngày 16 tháng 05 năm 2012. Bà đột ngột qua đời sau khi bị thẩm vấn trong 12 tiếng. Phòng công an đã thông báo với gia đình bà hai ngày sau đó, nói rằng bà đã qua đời vì bệnh tật. Gia đình và bạn bè của bà Hứa đều rất đau buồn và giận dữ. Họ đã thuê một luật sư và chuyên gia giám định để tìm lý do thực sự về cái chết của bà Hứa
Bà Hứa Sâm Sinh
Lúc 10 giờ sáng ngày 16 tháng 05 năm 2012, bà Hứa đã bị bắt đến Đồn công an phố Nhân Dân Tây. Bà bị còng tay ở sau lưng, cưỡng ép ngồi vào “ghế thẩm vấn”, và bị thẩm vấn trong hơn 12 tiếng. Bà không được cung cấp thức ăn, nước uống và dùng nhà vệ sinh trong quá trình thẩm vấn.
Vào đêm cùng ngày, lúc 10 giờ 39 phút, bà Hứa bị ba người đưa vào trong xe công an và sau đó họ chở bà đến Bệnh viện Nhân Dân số 01 lúc 11 giờ 15 phút. Bác sỹ đã khám cho bà Hứa và xác nhận rằng bà đã chết. Không rõ điều gì đã xảy ra và nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà. Thi thể bà được bảo quản đông lạnh tại một nhà xác, với hai mắt khép hờ.
Thi thể của bà Hứa Sâm Sinh
Hai ngày sau, ngày 18 tháng 05 năm 2012, phòng công an đã thông báo cho người chồng cũ của bà Hứa về cái chết của bà. Mẹ bà Hứa, đã 87 tuổi, rất đau buồn và tức giận, đã tuyên bố rằng họ sẽ mang những kẻ giết người ra công lý. Gia đình đã thuê một luật sư ở bên ngoài thị trấn và tiến hành làm khám nghiệm y tế để làm các thủ tục pháp lý.
Bà Hứa đã từng bị bắt và giam giữ, nhà bà còn bị lục soát nhiều lần chỉ vì bà tập Pháp Luân Công. Cũng bởi áp lực mà chồng bà đã ly hôn với bà. Cậu con trai 20 tuổi của hai người thì đang học đại học ở ngoài thị trấn, nên bà sống một mình.
Một tháng trước, bà Hứa đã nói với bạn bè rằng bà bị theo dõi và giám sát. Những người theo dõi đều là thành viên Đội an ninh quốc gia, Phòng công an, Ủy ban khu dân cư, và Phòng quản lý tại nơi làm việc của bà. Họ bị điều khiển bởi Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cùng với Phòng 610 ở thành phố Sâm Châu.
Bị bức hại nhiều lần
Bà Hứa đã bị bắt vào năm 2000, bị giam giữ, và bị tra tấn bởi Phòng công an Sâm Châu vì bà đã giảng chân tướng cho chính quyền. Năm 2001, bà bị giam và bị tẩy não tại một trại tẩy não ở Trường Đảng quận Bắc Hồ. Tháng 03 năm 2005, nhà máy thuốc lá Sâm Châu đã liên kết với Phòng 610, âm mưu đưa bà Hứa đi trại tẩy não. Bà đã rời khỏi nhà và trở thành người vô gia cư trong một tháng để tránh bức hại. Nhà máy thuốc lá Sâm Châu sau đó đã cho bà nghỉ việc. Sau đó, bà Hứa đã bị bắt trong lúc đang phát tài liệu về Pháp Luân Công và bị giam trong 15 ngày. Một ngày sau khi bà được thả, Phòng 610 đã ra lệnh cho trại giam tiếp tục bắt giữ bà. Họ không thể tìm thấy bà và đã cho bà vào danh sách truy nã.
Chiều ngày 24 tháng 12 năm 2008, bà Hứa đến Phòng công an quận Tô Tiên để lấy chứng minh thư mới và đã bị bắt. Bà bị kết án lao động cưỡng bức sau khi bị giam giữ trong nhiều tháng. Bà bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Bạch Mã Lũng ở thành phố Chu Châu nhưng chính quyền trại từ chối tiếp nhận bà. Sau đó bà được thả.
Bà Hứa đã đi tàu về Sâm Châu vào ngày 11 tháng 06 năm 2011. Vì bà không có chứng minh thư, người phục vụ trên tàu đã khám xét và tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công cùng nhiều tờ rơi về Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến Phòng công an Đường sắt thành phố Trường Sa. Nhiều ngày sau, công an đã đến lục soát nhà bà. Bà Hứa bị dọa dẫm và bị ngược đãi trong lúc bị giam tại Trại giam thuộc Phòng công an Đường sắt thành phố Trường Sa. Bà đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ phi pháp. Công an ở Phòng công an Đường sắt thành phố Trường Sa đã đưa bà đến Trại lao động cưỡng bức Bạch Mã Lũng nhưng người ở đây đã từ chối nhận bà vì bà Hứa không qua được kỳ kiểm tra sức khỏe. Bà Hứa sau đó được thả, người bà rất yếu và xanh xao. Bà đã tuyệt thực trong 45 ngày, tính đến khi bà được thả. Cục đường sắt đã ca ngợi người đã khám xét bà Hứa ở trên tàu là “có cảnh giác cao” và tặng thưởng cho ông ta 100.000 nhân dân tệ (15.764 USD).
Bà Hứa qua đời mà mắt vẫn mở. Gia đình, người thân và bạn bè đều rất đau buồn. Nguyên nhân cái chết của bà là gì? Tại sao lực lượng hành pháp lại hành động một cách hoàn toàn coi thường mạng sống của người khác như vậy? Chúng tôi hy vọng những kẻ giết người sẽ bị đưa ra công lý và không để xảy ra bi kịch như thế này nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/5/27/湖南许郴生被警察绑架当日死亡(图)-258152.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/5/29/133689.html
Đăng ngày 1-7-2012; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.