Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

Tên: (赵飞) Triệu Phi

Giới tính: nam

Tuổi: 54

Địa chỉ: Căn hộ thuộc Nhà máy thiết bị nặng, khu dân cư Long Loan, phố Trạm Tiền, quận Kim Châu, thành phố Đại Liên

Nghề nghiệp: từng là công nhân tại Nhà máy thiết bị nặng

Ngày mất: 31 tháng 12 năm 2011

Ngày bị bắt gần nhất: mùa hè năm 2007

Nơi bị giam gần đây nhất: (马三家劳教所) Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia

Thành phố: Thẩm Dương

Tỉnh: Liêu Ninh

Hình thức bức hại: sốc điện, cấm ngủ, biệt giam, lao động cưỡng bức, tẩy não, kết án phi pháp, đánh đập, bị treo lên, lục soát nhà, giam giữ.

Học viên Pháp Luân Công, ông Triệu Phi

[MINH HUỆ 17-01-2012] Học viên Pháp Luân Công, ông Triệu Phi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án lao động cưỡng bức ba lần, bị giam cầm năm lần và bị đưa đến trại tẩy não một lần. Ở trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, ông đã bị tra tấn tàn bạo đến mức mạng sống của ông gặp nguy hiểm. Sau khi ông về nhà, viên chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên sách nhiễu ông. Ngoài ra, ông còn bị gọi đến tòa án nhiều lần vào tháng 09 năm 2010. Để tránh bị bức hại về sau, ông buộc phải rời khỏi nhà. Sau hơn mười năm bị tra tấn, sách nhiễu và/hoặc giam cầm, ông đã qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2011, ở tuổi 54.

Vợ ông, bà Hà Xuân Yến, cũng bị giam cầm nhiều lần vì niềm tin của mình. Việc bị bức hại dã man đã khiến tinh thần của bà bị suy sụp, và điều đó đã kéo dài trong mười năm. Mỗi lần ông Triệu bị bắt hay giam cầm, sức khỏe của bà Hà lại xấu đi. Bà nằm liệt giường, không ăn uống được và nói không rành mạch. Con trai họ, anh Triệu Nguyên, là học sinh tiểu học vào thời điểm cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra vào ngày 20 tháng 07 năm 1999. Anh đã chứng kiến việc cha mẹ mình bị bắt và nhà mình bị lục soát. Thêm nữa, bạn bè cùng lớp và các giáo viên, những người không biết sự thật về Pháp Luân Công đã phân biệt đối xử với anh, lăng mạ và đánh anh thường xuyên ở trường. Vì phải chịu đựng những bức hại bất công ngay từ lúc còn nhỏ, nên tinh thần của anh Triệu đã bị tổn thương. Từ một đứa bé tốt bụng, thông minh và học hành chăm chỉ, anh trở thành một người hay đánh đập cha mẹ mình khi anh từ trường về nhà. Trong nhiều năm, thái độ hành xử của anh còn trở nên xấu đi.

Bị kết án lao động cưỡng bức sau khi đi thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công

Ông Triệu và vợ đã mang một đầu thu băng và một biểu ngữ về Pháp Luân Công đến điểm tập công như thường lệ vào ngày 24 tháng 07 năm 1999, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra. Bà Hà đã xé bỏ một tờ rơi của ĐCSTQ trong đó có nội dung cấm Pháp Luân Công. Kết quả là hai người đã bị công an ở Đồn công an Trạm Tiền bắt giữ. Ông Triệu và bà Hà lần lượt bị giam trong 15 ngày và 25 ngày.

Cuối tháng 09 năm 1999, ông Triệu đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công. Trên đường đến đó, một người ngồi kế bên ông ở trên tàu đã tố giác ông với ông an vì ông đang đọc sách về Pháp Luân Công. Công an ở Đồn công an Đường Sắt đã bắt giữ ông ở một ga tàu gần Bắc Kinh. Họ trói ông vào ống sưởi và đánh ông đến mức bất tỉnh. Sau đó, họ dội nước lạnh lên người để đánh thức ông dậy. Họ gọi cho Đồn công an Trạm Tiền Kim Châu, Đại Liên và ra lệnh cho họ đến đưa ông về. Trở về Đại Liên, ông Triệu đã bị giam trong 15 ngày.

Ngày 02 tháng 11 năm 1999, công an ở Đồn công an Trạm Tiền đã lại bắt ông và đưa ông đến trại giam. Họ còn lục soát nhà ông. Ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức và bị giam tại Trại lao động cưỡng bức Đại Liên. Tại đó, ông bị đánh đập, bị nhốt trong phòng biệt giam và bị buộc phải tham dự các phiên tẩy não khi ông từ chối bị “chuyển hóa”. Khi lính canh nhận ra họ không thể “chuyển hóa” ông Triệu, họ đã tra tấn ông dã man hơn và ép ông lao động nặng nhọc. Hàng ngày ông bị buộc phải mang 600 gói bánh bao (mỗi gói nặng khoảng 49,9 kg) và đóng gói 40.000 đến 50.000 viên gạch. Ông phải mang và dùng một xe ba gác nhỏ để giao gạch 12 giờ mỗi ngày. Vào lúc cuối ngày, hai tay của ông sưng tấy và ông còn không thể gập các ngón tay lại. Có bốn tù nhân giám sát ông. Họ đánh ông nếu ông không hoàn thành phần việc được giao. Thời hạn giam của ông còn bị kéo dài phi pháp hai lần, mỗi lần là hai tháng.

Tháng 04 năm 2001, ông Triệu xuất hiện các vết loét ở khắp cơ thể. Ông phải dùng giấy vệ sinh để lau mủ và máu chảy ra từ các vết loét. Tuy nhiên, loại giấy có nhiều lớp cũng không thể giúp được. Những tù nhân giám sát ông đã báo cáo tình trạng của ông cho trưởng nhóm. Sau đó ông đã được thả.

Kết án lao động cưỡng bức lần thức hai

Tháng 04 năm 2002, ông Triệu bị kết án lao động cưỡng bức lần thứ hai. Vào lúc đó, mỗi đồn công an được giao chỉ tiêu số lượng học viên phải bị kết án lao động cưỡng bức. Sở trưởng Phó Tài Thành và người ở Đồn công an Trạm Tiền Kim Châu đã cạy mở cửa nhà ông Triệu và vào lục soát. Không chỗ nào trong căn phòng là không bị đụng đến, kể cả những thứ mà ông Triệu và vợ ông bán để kiếm sống. Công an đã không thể tìm được những thứ mà họ dùng cho cái gọi là “bằng chứng” ngoại trừ các sách về Pháp Luân Công. Họ đã bắt cả hai vợ chồng và trộm lấy nhiều thùng bìa cứng đựng những thứ hàng ngày mà cả hai người bán để kiếm sống như các băng đĩa nhạc thịnh hành, băng trắng và đồ chơi trẻ con. Một công an thậm chí còn lấy đi khăn tắm của bà Hà.

Ông Triệu đã bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, bà Hà, đã được thả vào hai ngày sau đó vì bà bị chảy máu âm đạo nặng.

Kết án lao động cưỡng bức lần thứ ba và bị bức hại nặng nề

Mùa hè năm 2007, ông Triệu làm bảo vệ tại một nhà máy thức ăn ở Tây Sơn, khu phát triển Đại Liên. Ông thường giảng chân tướng cho các lái xe đến mang sản phẩm ở công ty và đưa cho họ Cửu Bình. Một đồng nghiệp tin vào tuyên truyền của ĐCSTQ về Pháp Luân Công đã tố giác ông với công an. Vậy là người ở Đồn công an phố Hoàng Hà đã bắt ông đến trại giam khu phát triển Đại Liên. Sau đó ông bị chuyển đến trại cai nghiện Đại Liên và trại tẩy não. Tại đó, ông tiếp tục nói với mọi người về Pháp Luân Công, phản đối bức hại và từ chối ký vào hối thư. Ông cũng hô Pháp Luân Đại Pháp Tốt!

Ông Triệu đã bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào ngày 24 tháng 09 năm 2007.

Miêu tả lại tra tấn: Sốc điện

Tại trại lao động cưỡng bức, đầu tháng 10 năm 2007, ông Triệu đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp Tốt!” tại phòng ăn để phản đối bức hại. Trưởng nhóm Cao Phong Thái đã nhốt ông trong một phòng nhỏ và tra tấn ông. Họ còng tay ông vào một ghế sắt trong 15 ngày đêm. Họ dùng dùi cui điện để sốc điện và đánh ông. Kết quả là, ông Triệu bị mất cảm giác ở hai chân và phần dưới cơ thể ông đã bị liệt. Lính canh nói với các tù nhân kéo ông Triệu vào phòng ăn khi đến giờ ăn vì ông không đi lại được. Tù nhân còn đánh ông Triệu và kéo ông tàn bạo đến mức hai chân và bàn chân của ông bị biến dạng nghiêm trọng và chảy nhiều máu.

Một lần, khi ông Triệu bị bất tỉnh, Cao Phong Thái nghĩ rằng ông giả vờ và đã dùng dùi cui điện đánh vào vùng háng của ông. Khi mạng sống của ông Triệu gặp nguy hiểm, họ đưa ông đến bệnh viện liên kết với Đại học y khoa Thẩm Dương để cấp cứu. Chẩn đoán cho thấy ông bị thiếu máu, hoặc bị ung thư máu. Chi phí chữa trị lên đến hàng nghìn nhân dân tệ hàng ngày. Viên chức ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Giam âm mưu chuyển gánh nặng tài chính về gia đình ông Triệu. Khi họ biết tinh thần của vợ và con ông đều không ổn định và không có nguồn thu nhập, họ đã gọi nhiều cuộc đến các viên chức ở ủy ban địa phương hàng ngày và thuyết phục họ đến đưa ông Triệu đi. Cao Phong Thái nói với người đến đưa ông Triệu đi là “mạng sống của ông ta chỉ tính từng ngày.”

Lúc đó ông đã ở trong cơn nguy kịch, người ông hốc hác. Ông bị thương tích ở khắp người và những vết thương này đã mưng mủ và chảy máu. Vết thương lớn nhất của ông nằm ở vùng xương cụt – không còn da và thịt, chỉ để lộ ra xương. Vùng bị nhiễm trùng có kích cỡ bằng một quả óc chó.

Cả gia đình ông Triệu đã mất khả năng làm việc và phải sống dựa trên thu nhập ít ỏi từ làm bảo vệ. Ngay cả với một gia đình khó khăn như vậy, các viên chức ĐCSTQ vẫn liên tục sách nhiễu họ. Ông Triệu cũng nhận được nhiều cuộc gọi liên tục từ tòa án vào tháng 09 năm 2011 để ra lệnh cho ông đến tập trung theo một thời gian định sẵn, hoặc họ sẽ “xử lý”. Ông Triệu, đã bị tàn phế, buộc phải rời nhà và trải qua một cuộc sống khó khăn, cực khổ. Sau khi  trải qua bức hại tàn khốc trong hơn mười năm, ông Triệu đã qua đời vào lúc 06 giờ chiều ngày 31 tháng 12 năm 2011, ở tuổi 54.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/1/17/大连赵飞在迫害中离世-妻儿精神失常(图)-251932.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/3/27/132428.html#.T3Kud2-SL4Z

Đăng ngày: 14– 4– 2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share